Việt Nam Net
Ảnh bên:Từ trái qua phải: Nhà giáo Phạm Toàn, Nhà báo Việt Lâm và TS Giáp Văn Dương
Xin trân trọng giới thiệu phần 2 nội dung Bàn tròn trực tuyến về Đổi mới giáo dục với các khách mời là GS Chu Hảo, Nhà giáo Phạm Toàn và TS Giáp Văn Dương.
Kỳ 1: “Mơ ước một nhà trường không bắt nạt trẻ con”
Học để có năng lực làm người
Nhà báo Việt Lâm: Vừa rồi các vị khách mời đã đề cập đến tình trạng chương trình giảng dạy cho giáo dục phổ thông rất nặng nề, gây nhàm chán. Dường như những gì mà chúng ta vừa nói đến liên quan đến một câu hỏi bản chất: Vậy thì học để làm gì? Khi trả lời được câu hỏi này thì có lẽ chúng ta mới có thể phân định được những nội dung giảng dạy đó có cần thiết, hữu ích hay không, phải không ạ?
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi xin nói luôn, đấy chính là câu hỏi mà chúng tôi phải xử lý khi đứng ra tổ chức làm lại bộ sách mà chúng tôi đã làm mấy năm nay.
Tôi xin bắt đầu bằng môn Văn. Năm 1986, tôi đã công bố bài báo có tính chất tuyên ngôn của việc học văn. Học văn để làm gì? Trước đây, người ta cho rằng học văn để có đạo đức, thế tại sao hai anh học văn thì một anh có đạo đức, một anh không có đạo đức? Nếu bảo học văn để yêu nước; thế tại sao 2 anh yêu nước giỏi văn lại đánh nhau?
Cho nên phải nghĩ lại từng việc làm nhỏ; Từ việc làm nhỏ một dẫn đến nhóm Cánh Buồm xác định học để làm gì? Học để có một năng lực làm người. Năng lực làm người ấy gồm ba phương diện: Một là cách suy nghĩ khoa học, logic. Thứ hai là năng lực của người có cảm xúc. Ba là là năng lực của người sống chung được với xã hội.
Tóm lại là học để có được ba thứ tư duy: tư duy khoa học, tư duy cảm xúc và tư duy sống được với cộng đồng. Tư duy khoa học là tư duy của sự phân tích và làm ra những cái đúng, chứ không phải là tư duy thống kê. Theo Gaston Bachelard, những người thượng cổ đã biết thống kê rồi, đã biết nhặt nhạnh, biết quả gì ăn được, quả gì không ăn được. Hiện nay chúng ta mới dạy đến tư duy thống kê thôi.
Tôi quan niệm con người có ba năng lực; ba năng lực của một con người ý thức mình là một cá thể tự do, nhưng cá thể tự do ấy phải là cá thể có trách nhiệm với cộng đồng, và có tâm hồn phong phú. Nếu con người không có được ba thứ ấy thì học gì cũng vô ích thôi.
TS. Giáp Văn Dương: Khi chuyển sang làm giáo dục, tôi phải rà soát lại mới thấy rằng, trọng tâm của giáo dục đặt ở việc học chứ không phải việc dạy như quan điểm từ trước đến nay. Và thấy rằng, trong việc học có mấy câu hỏi cơ bản mà chưa bao giờ trả lời rốt ráo đó là học cái gì, học thế nào và học để làm gì.
Học cái gì là cái dễ nhất, và là cách tiếp cập chủ đạo bây giờ của Bộ Giáo dục, của toàn bộ hệ thống này. Kiểm soát nội dung chương trình chặt chẽ học cái gì, kiểm tra chuyện đó, các em có học thuộc không, có trả bài không, làm theo văn mẫu cũng là biểu hiện của học cái gì; học để thi cũng là kết quả của học cái gì, v.v…
Trong khi đó câu hỏi quan trọng hơn là học thế nào thì hoàn toàn đề cập sơ sài, gần như bỏ lửng... Mấu chốt là học để làm gì hoàn toàn không bao giờ được thảo luận đến.
Tôi làm khảo sát sinh viên và học sinh cấp 3, khoảng 80% các em chưa từng đặt câu hỏi học để làm gì cho mình. Khi tôi hỏi các thầy cô và phụ huynh, câu trả lời thường xuyên và rất nhanh là: Học để làm người, nhưng khi tôi hỏi người là gì thì không trả lời được. Đấy là trả lời theo quán tính. Tôi cho rằng nhận định học để làm người nhưng không nói người là gì là một câu trả lời lười biếng và mập mờ. Cho nên xảy ra tình trạng học mà không biết học để làm gì.
Vậy bên ngoài, người ta trả lời như thế nào. Tôi tìm hiểu thì thấy năm 1999, UNESCO đưa ra câu trả lời là học để biết, học để làm, học để khẳng định mình và học để chung sống với người khác. Tôi cho rằng đấy câu trả lời rất hay. Tuy nhiên, tôi cũng có quan niệm của riêng mình khi phát triển Giapschool. Tôi cho rằng học để làm người tự do. Đấy là đích đến, là quan điểm của Giapschool.
Người tự do hiểu đầu tiên là tự do về thân thể, được quyền quyết định việc sử dụng thân thể của mình. Từ tự do về thân thể, thí dụ dùng đầu óc của mình để suy nghĩ, dẫn đến tự do tư tưởng. Và vì có tự do tư tưởng thì có tự do trong lựa chọn, có tự do trong lựa chọn thì sẽ có trách nhiệm với lựa chọn của mình và dẫn đến tự trọng về nhân phẩm, đạo đức. Đấy là quan điểm học để làm người của tôi.
GS Chu Hảo |
GS Chu Hảo: Có lẽ người đầu tiên đặt ra câu hỏi học để làm gì là Plato, từ trước Công nguyên. Plato đã nói một cách rất rõ ràng rằng sứ mạng việc học là nhằm mục đích gì như anh Dương nói và, thứ hai là phải học cái gì và thứ ba là phải học như thế nào. Triết lý giáo dục hay lý luận giáo dục là phải trả lời được ba câu hỏi đó. Plato thì quan niệm rằng, một xã hội phát triển một cách ổn định, hài hòa là xã hội mà mỗi con người phát huy được năng khiếu tự nhiên của mình để phục vụ cho cộng đồng. Như vậy, tức là ngay từ Plato đã nói lên hai vấn đề rất quan trọng của con người là phát triển con người và phục vụ cho cộng đồng.
Thế nhưng, đến thế kỷ 18, Rousseau làm cuộc cách mạng trong việc quan niệm lại triết lý của giáo dục. Ông lại đề cao quá tinh thần cá nhân, phát triển con người như là một con người tự do. Tuy nhiên từ Kant trở đi mục tiêu giáo dục rõ ràng hơn, tức là nói về phát triển con người như một cá thể tự do, nhưng phải gắn với cộng đồng và phải phục vụ cộng đồng. Từ đó đến nay có thể thay đổi chút ít nhưng nói chung vẫn là như vậy.
Cuối cùng, UNESCO đưa ra khái niệm 4 trụ cột, thì đấy gọi là triết lý. Triết lý giáo dục là người ta tóm tắt lại dưới dạng mấy mệnh đề để nói rõ sứ mạng giáo dục là gì, mục tiêu là gì và được thực hiện như thế nào.
Còn tôi rất chia sẻ khái niệm của Edgar Morin, ông ấy nói một cách tương đối rõ ràng ý của bác Toàn nói. Thứ nhất, sứ mạng của giáo dục trước hết là phải rèn luyện được những bộ óc tốt để có khả năng nhận thức và liên kết được những tri thức để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và cho xã hội, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức như là chất vào kho.
Thứ hai là phải giáo dục cho con người biết hoàn cảnh của con người, biết sự thống khổ của con người và biết chia sẻ với con người, đấy là tính nhân bản, tính khoa học như anh Toàn nói về năng lực cảm xúc.
Cuối cùng, phải giáo dục để mỗi con người có ý thức công dân, trách nhiệm với dân tộc mình, và là công dân tốt của toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng là cái đó biểu hiện tương đối đầy đủ cái chúng ta cần theo.
Bây giờ ở Việt Nam dù có rất nhiều cuộc thảo luận về triết lý giáo dục, nhưng những cuộc thảo luận đấy là nhiều khi chỉ đến nói quan điểm của mình rồi đi về, chứ không bao giờ ngồi bàn với nhau một cách rốt ráo để xác định triết lý giáo dục của Việt Nam là gì. Thế nên bây giờ nói Việt Nam có triết lý giáo dục hay không rất khó trả lời.
Triết lý giáo dục hướng vào đào tạo “công cụ”?
Nhà báo Việt Lâm: Độc giả Đào Thanh Hương có hỏi: Nếu quả thực ở Việt Nam cần tìm ra một triết lý thì đó sẽ là triết lý của 20 triệu học sinh và cha mẹ họ, hay triết lý của thầy cô hay triết lý của người quản lý?
GS Chu Hảo: Đương nhiên đây là triết lý của người học, nhưng nó phải là cái thống nhất ý chí của cả cộng đồng, kể cả những người làm quản lý, đặc biệt là ý chí của lãnh đạo. Triết lý giáo dục của một cái cộng đồng phải là ý chí chính trị của cộng đồng đó. Tôi nhớ lại là trong thời Minh trị Thiên hoàng, nền giáo dục Nhật Bản đã có những cuộc cải cách liên miên. Có cuộc khai sáng về giáo dục thì phải xuất phát từ ý chí chính trị của người lãnh đạo cộng đồng.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Tôi cho rằng nên hiểu triết lý giáo dục là tinh thần chung, vận hành của cả một hệ thống, cho nên nó không phải của ai cả. Bởi bất cứ bộ phận nào trong đó tìm ra, thì cả hệ thống không còn phải loay hoay đi tìm nữa.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có triết lý giáo dục hay không thì tôi khẳng định là có, đang có và trước đây đã có. Trước đây hình dung dễ nhất là cái khẩu hiệu Trí - đức - thể - mỹ. Đấy xứng đáng là một triết lý giáo dục, chỉ có điều là cách sử dụng nó sai. Thế nào là trí- đức – thể - mỹ bắt đầu bị lồng ghép những nội dung không còn đúng nữa.
Quan sát hệ thống giáo dục hiện thời, tôi cho rằng nó có triết lý giáo dục. Có thể khái quát thành một câu rất ngắn gọn: Triết lý giáo dục hiện thời bây giờ là đào tạo con người công cụ. Cho nên các em học sinh không được dạy tư duy phản biện, không được đưa ra ý kiến khác, không được đưa ra diễn giải khác, nhất nhất phải theo sách giáo khoa, nhất nhất phải theo giáo viên. Giáo viên cũng vậy, lại là công cụ của một hệ thống.
GS Chu Hảo: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Giáp Văn Dương. Toàn bộ nền giáo dục hiện nay đang xây dựng trên quan điểm coi con người là công cụ. Cho nên có lúc chúng ta nói là phải thương mại hóa giáo dục, xã hội cần cái gì thì giáo dục cái đó. Có lúc lại nhấn mạnh phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Những quan điểm này chưa phải là triết lý giáo dục nhưng chí ít nó phản ánh tư duy của những người có trách nhiệm cao nhất.
TS Giáp Văn Dương: Cho nên chúng ta thường xuyên đọc được một câu nói hay viết của học sinh là em sẽ cố gắng để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Bản thân tôi cũng từng trả lời như thế, cũng từng viết như thế. Thế nhưng sau này tôi nhận ra có ích cho ai? Học để trở thành người có ích cho xã hội thì thật sự cũng là một công cụ.
Trong khi, học trước hết phải cho người học phát triển toàn diện, có năng lực có thể chung sống được, có thể tự lo cho bản thân mình, có thể phát triển tốt nhất được phẩm giá của mình, chứ không phải học có ích cho xã hội, cho một ai đó. Cái chuyện cho xã hội nó sẽ đến sau.
Nhà báo Việt Lâm: Như vậy cái gốc của đổi mới hay cải cách giáo dục như các ông phân tích vẫn phải bắt đầu từ cái gốc là đổi mới tư duy về giáo dục, triết lý giáo dục. Sự đổi mới này đã xuất hiện hay chưa?
Nhà giáo Phạm Toàn |
GS Chu Hảo: Vấn đề của chúng ta là nói hay nhưng không làm, hoặc làm không được bao nhiêu. Chẳng hạn như nói Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng trên thực tế từ khi nêu ra khẩu hiệu ấy cho đến nay thì giáo dục ngày càng ì ạch.
Ngay cái từ cải cách và đổi mới, nhà báo Việt Lâm lúc thì nói là cải cách, lúc thì nói là đổi mới. Nhiều người nói nghị quyết đã khẳng định đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện thì cũng là cải cách rồi.
Nhưng mà thực ra đấy là khoảng cách rất lớn trong việc đánh giá thực trạng. Nếu coi thực trạng nền giáo dục của Việt Nam là hết sức đáng lo ngại thì phải cải cách một cách toàn diện và triệt để. Còn nếu coi nền giáo dục Việt Nam vẫn phát triển một cách bình thường mà chỉ có khiếm khuyết thôi, thì có thể đổi mới bằng những đề án như Bộ GD từ trước đến nay vẫn làm. Nhưng tôi e rằng nếu vẫn giữ nguyên cách tiếp cận như thế thì cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện lần này khó mà thành công.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét