Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Độc lập, tự do – chiêm nghiệm từ lời răn của Thánh

(GDVN) - Người Việt dù ở bất kỳ đâu cũng hướng về Tổ quốc, cũng nhớ đến lời dạy trong di chúc của Cụ Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm hai ngày lễ lớn của dân tộc: Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, người Việt dù ở bất kỳ đâu cũng hướng về Tổ quốc, cũng nhớ đến lời dạy trong di chúc của Cụ Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 
Những câu văn liên quan đến hai từ “độc lập, tự do” đã được người Việt lưu truyền qua nhiều thế hệ:  
“Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải giữ cho được tự do, độc lập”;  
“Không một dân tộc nào trên thế giới này không phải trả bằng máu cho độc lập, tự do”; 
 “Một dân tộc không dám chiến đấu cho tự do, độc lập, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy vậy, không phải tất cả mọi người Việt đều biết những câu nói nổi tiếng này, ngay cả những người biết, không phải 100%  coi đó là chân lý.
Độc lập tự do của một dân tộc không thể tách rời độc lập tự do cho từng thành viên của dân tộc đó. Nếu một đất nước không có độc lập tự do, bị nước khác đô hộ, chi phối thì tất cả thành viên của nó, không loại trừ dân thường hay lãnh đạo đều chỉ là tù nhân của ngoại bang với các mức án khác nhau mà thôi.
Hơn bảy trăm năm trước, năm 1284 chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã dạy binh sĩ: “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau” (Hịch tướng sĩ).
Năm 1979, Đặng Tiểu Bình nói “phải dạy cho Việt Nam một bài học”. Hoàn cầu, tờ báo trực thuộc đảng CS Trung Quốc, sau chuyến sang Việt Nam của Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì, trong một bài viết có câu: “phụng khuyến Việt Nam lãng tử hồi đầu” tạm dịch là “khuyên răn kẻ lãng tử (Việt Nam) nên biết quay đầu hối cải”.
Những giọng điệu kẻ cả, bề trên đó hơn bảy trăm năm trước Đức Thánh Trần đã chỉ đích danh là “uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ”. Ngày nay chúng ta không nhắc lại chẳng qua là để giữ hòa hiếu, nhưng như thế không có nghĩa là người Việt không biết dạy cho kẻ khác bài học về lòng yêu nước, về độc lập tự do, về sự thiện chiến của đạo quân mà mỗi người dân là một người lính. 
Hơn bảy trăm năm trước, khi giặc ngoại xâm phương bắc rình rập nơi biên ải, khi người Việt đơn thương chống trả đạo quân hùng mạnh nhất thế giới, vị tướng cầm quân đã không ngại khi gọi chúng là loài cầm thú (cú diều, dê, chó), chính sự hiên ngang bất khuất ấy đã khiến từ tướng lĩnh đến binh sĩ, dân thường tin tưởng vào chiến thắng, xả thân vì tổ quốc. Không có những người lãnh đạo như thế, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên không thể thắng lợi. 
Còn nữa, khi viết hịch tướng sĩ, Hưng Đạo Vương đã nhận thấy lòng tham vô đáy của giới cầm quyền Trung Quốc từ bé đến lớn: “Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn”. 
Ngày nay có thể tìm thấy vô số dẫn chứng cho lời tiên liệu của Đức Thánh Trần. Chỉ cần đọc lướt qua các phát biểu tại hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7/2014 là có thể thấy bức tranh toàn cảnh: [1
“Trung Quốc đã thắng thầu hầu hết các dự án ở Việt Nam. Khi đấu thầu quốc tế rộng rãi thì chỉ có các nhà thầu Trung Quốc tham gia, các nhà thầu nước khác không muốn tham gia nữa”;
 “Nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoảng sản, 49/62 dự án xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện, và rất nhiều dự án giao thông”;
“Tại sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc như vậy? Có bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai?”.

Sẽ không thể trả lời câu hỏi cuối nêu trên nếu không nhớ lời dạy của Hưng Đạo Vương, rằng sự “hợp tác” mà Trung Quốc thực hiện với Việt Nam chỉ là nhằm: “vét kiệt của kho có hạn”, không mang lại lợi ích lớn lao gì cho người Việt.
Ở Việt Nam, học sinh phổ thông có thể không thuộc lòng nhưng chắc chắn đều được dạy, được học Hịch tướng sĩ. Những người học văn, học sử ở bậc đại học lại càng hiểu biết sâu sắc hơn những trang thiên cổ hùng văn như “Hịch tướng sĩ” thời nhà Trần hay “Bình Ngô đại cáo” thời nhà Lê. 
Đọc Bình Ngô đại cáo (bản dịch của Ngô Tất Tố) mới thấy, gần sáu trăm năm trước Nguyễn Trãi đã viết: ”Đặc dĩ cứu dân chi niệm, mỗi uất uất nhi dục đông” (Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông).
Hỏi mấy nhà nho được biết chữ “đông” (東) trong Bình Ngô đại cáo khác với chữ “đông” (东) trong “hướng đông”, nhưng bậc uyên thâm nho học như cụ Ngô Tất Tố đã dịch là “tiến về đông” hẳn là đã nghiên cứu rất kỹ càng. Người viết, tuy có đôi chút do dự song cũng cho rằng chữ “Đông” mà đại văn hào Nguyễn Trãi sử dụng trong Bình Ngô đại cáo là chữ “đông” trong “hướng đông”. 
“Tiến về đông” nghĩa là tiến về hướng đông chứ không phải hướng bắc, bởi vì người Việt vốn đã hiểu rõ thực lực và vị thế quốc gia: “Nam bắc sơn hà Nam đế cư, tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Các vua người Việt hùng cứ ở phương nam, điều này dù người phương bắc không muốn nhưng đã được trời đất (thiên thư-sách trời) phân định. Biển Đông là nơi mà người Việt khám phá, vươn tới và đã được tuyên cáo từ sáu trăm năm trước.
Trong cuộc chiến đầy máu và nước mắt dành tự do, độc lập cho dân tộc, vẫn có những kẻ bán nước cầu vinh như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… nhưng đó chỉ là vài vết mờ nhỏ bé trong trang sử dựng nước và giữ nước hiển hách mà người Việt luôn tự hào. 
Không ai muốn chiến tranh, nhưng khi những vị tướng già như Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Trọng Vĩnh, những nhà ngoại giao kỳ cựu như Nguyễn Thị Bình, Vũ Khoan đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đối với độc lập, tự do của tổ quốc thì đó không còn là những lời góp ý thông thường. 
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu: “…Chúng ta hoàn toàn có quyền chính đáng để hợp tác, liên kết về an ninh, quốc phòng với các nước khác, để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia”. [2]
Còn nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, người đã có 44 năm làm công tác ngoại giao đã nêu ý kiến: “Trong tài liệu Trung Quốc công bố công khai, Hội nghị Geneva tháng 5 mới họp, tháng 7 mới ký kết nhưng từ tháng 3/1954, Trung Quốc đã đề nghị phương án tạm thời chia vùng tập kết ra làm 2 miền mà Trung Quốc nói rõ trong đề nghị là dự kiến ở vĩ tuyến 16… Bất luận trong trường hợp nào, chúng ta phải độc lập, tự chủ,…” [3]
Có thể thấy chưa lúc nào các từ “độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia” được nhắc đến nhiều như những ngày qua. Dân gian có câu nói: “Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói thẳng”. Những vị trưởng bối ngoại giao, những vị tướng già đã băng qua bão lửa chiến tranh, đã đi quá nửa chặng đường nơi trần thế, lời nói của họ chính là “lời nói thẳng”, nghe hay không là việc của người đời, nhưng phán xét là quyền của lịch sử.
Những “lời nói thẳng” vốn rất khó nghe, chẳng thế mà người xưa bảo: “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói trung thực vốn khó nghe). Nói ra đã khó bởi cần có dũng khí, nghe và cảm nhận được lại càng khó bởi ngoài dũng khí còn cần thêm cái tâm.
Không cần phải chứng minh một chân lý đã được công nhận, rằng chỉ có thể cảm nhận được lẽ phải trong những lời “nghịch nhĩ” nếu người nghe là người trung thực, dũng cảm. Sống vị kỷ thì nhìn đâu cũng thấy xấu ngoại trừ những thứ mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình hoặc lớn hơn một chút là phe nhóm của mình.
Vào thời đất nước nhiễu nhương, kỷ cương mục nát, thánh thơ Cao Bá Quát đã phải thốt lên: “Gió thổi vào tường, lưng gió thẳng; Trăng nhòm cửa sổ, mắt trăng vuông”.
Đến cả gió, trăng cũng còn phải vào khuôn phép, gió phải “thẳng”, trăng phải “vuông”, không thể lồng lộng trên thảo nguyên hay la đà trên sóng nước thì thử hỏi con người chứa “hai bồ chữ của thiên hạ” đó làm sao có thể bình tâm?
Ngược dòng lịch sử, chiêm nghiệm lời răn của các bậc thánh võ, thánh văn để thấy, tổ tiên chúng ta, xã tắc cao hơn gia tộc, dạy mình trước khi dạy dân, cao ngạo trong sự khiêm tốn, hạ mình khi ở ngôi cao. Phải chăng đấy mới là bản sắc của người Việt, đấy mới là điều khiến từ người thôn dã đến bậc trí giả ngưỡng vọng.
Người ta sinh ra khác nhau do sự sang hèn, “con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa thì quét lá đa”, nhưng điểm dừng của đời người thì ai cũng thế, đều là nhắm mắt xuôi tay, chẳng ai nằm trong quan tài mà tay vẫn chỉ lên trời. Có khác chăng hậu thế gọi người này là thần, là thánh, gọi người kia là kẻ. “Khuất núi có ai còn nghe thấy, dòng tộc lẽ nào phải bịt tai” là điều mà mỗi người khi còn sống nên lo, nên ngẫm.
Nhân kỷ niệm ngày Độc lập năm Giáp Ngọ, viết vài dòng tạm gọi là thơ tặng độc giả báo Giáo dục Việt Nam, kính mong bạn bè có lòng, cho xin vài câu xướng họa.
Sóng biển Đông có khi nào ngừng vỗ?
Sóng lòng người có mãi chỉ lăn tăn?
Giành độc lập, biết bao nhiêu máu đổ
Giữ tự do, tóc mẹ trắng vành khăn
Gió bắc đến, nghĩa là mùa đông lạnh
Nắng phương nam là hoa trái ngọt lành
Chí dẫu muốn chơi trăng và cưỡi gió
Sức chỉ còn đủ thẹn với trời xanh
Nếu đã biết sẽ chỉ là cát bụi
Kiếp trượng phu sao thiếu chữ tung hoành?
Ngày độc lập, vọng tiền nhân mấy chữ
Mới hay rằng, nhân thế thật mong manh.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.thesaigontimes.vn/117035/
[2] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/191027/-dung-de-tien--vu-luc-khuat-phuc-.html
[3] http://vov.vn/chinh-tri/hoi-nghi-geneva-la-dau-moc-quan-trong-trong-nganh-ngoai-giao-viet-nam-339589.vov
(Trích giaoduc.net.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét