Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: những chuyện không giống ai

Nếu đọc qui chế đào tạo tiến sĩ thì người đọc có thể thấy qui trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam cũng tương đối chuẩn mực. Nhưng trong thực tế, đây đó xảy ra những chuyện có thể nói là … không giống ai. Ở đây, tôi chỉ nêu vài vấn đề nổi cộm và hi vọng rằng sẽ được khắc phục trong tương lai gần. (Bài đã đăng trên báo Dân Trí.)

Môi trường và mô hình đào tạo.  Thông thường đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài (1) là theo mô hình tập trung. Theo mô hình này, nghiên cứu sinh (NCS) phải có mặt ở trường hay viện toàn thời gian. Có đại học yêu cầu NCS phải học một số khoá học trước khi làm nghiên cứu, nhưng ở các nước như Úc và Anh, NCS làm nghiên cứu toàn thời gian. Ở Viện chúng tôi, trong thời gian theo học / nghiên cứu, NCS phải dự các buổi giảng của các chuyên gia hàng tuần, họp lab hàng tuần để kiểm tra tiến độ nghiên cứu và trình bày kết quả trước đồng môn. Ngoài ra, NCS còn được khuyến khích tham gia vào các hoạt động khoa học khác và hoạt động xã hội. Tất cả đều được thiết kế để NCS hoà mình trong thế giới học thuật và khoa học, và mặt khác nâng cao khả năng nghiên cứu và luyện sự độc lập của nghiên cứu sinh. Đó là mô hình chuẩn mà tôi thấy rất nhiều đại học

Thế nhưng mô hình đào tạo ở VN thì không phải toàn thời gian và NCS cũng không được sống trong môi trường khoa học. Ví dụ như hầu như tất cả nghiên cứu sinh ngành y đều không đến trường để nghiên cứu, mà họ vẫn làm việc bình thường ở bệnh viện hay cơ quan gốc. Họ có thể theo học bán thời gian một vài khóa học về phương pháp nghiên cứu hay về chuyên môn, và về bệnh viện … làm tiếp. Lâu lâu mới tiếp xúc người hướng dẫn một lần. Với mô hình đào tạo như thế NCS không có cơ hội tiếp xúc và trao đổi với đồng môn, không trầm mình trong môi trường học thuật, và không có dịp trình bày báo cáo hàng tháng cho đồng môn. Có rất NCS than phiền rằng họ phải “tự bơi” vì không có sự tiếp sức và cố vấn của người hướng dẫn.  Có thể nói rằng NCS tiến sĩ ở VN chỉ học bán thời gian và không phải là NCS thực thụ theo nghĩa “nghiên cứu”.

Thời gian đào tạo. Theo Qui chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GDĐT thì thời gian đào tạo tiến sĩ là 3 năm tập trung đối với người có bằng thạc sĩ, và 4 năm đối với người có bằng cử nhân. Thế nhưng, có đại học qui định rằng thời gian đào tạo tiến sĩ là 2 năm đối với người có bằng thạc sĩ!

Thật ra, thời gian đào tạo không nên tuỳ thuộc vào NCS có bằng thạc sĩ hay cử nhân, mà tuỳ thuộc vào sự hoàn tất nghiên cứu và luận án. Ở các đại học nước ngoài, thời gian đào tạo trung bình là 4 năm, nhưng thường lấn sang năm thứ 5. Có người tốn cả 6 năm mới xong chương trình học. Đối với nhiều trường, thời gian không phải là qui định chính, mà có công trình nghiên cứu được công bố quốc tế mới là qui định chính. Ở các nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ là tập hợp 3-4 công trình đã công bố trên các tập san quốc tế. Do đó, NCS có thể tốn cả 7 hay 8 năm để “trả nợ” mới được bảo vệ luận án. Tôi không biết có đại học nào trên thế giới có thể đào tạo tiến sĩ trong vòng 2 năm.

Đề cập đến bài báo khoa học, Qui chế đào tạo tiến sĩ có ghi rõ rằng luận án tiến sĩ có “Nội dung chủ yếu và các kết quả nghiên cứu của luận án phải đã được báo cáo tại các hội nghị khoa học toàn quốc hàng năm của ngành khoa học, được công bố ít nhất trong hai bài báo trên tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện độc lập.”Theo tôi qui định này cũng hợp lí. Tuy nhiên, có nơi lại ra qui định rằng NCS không được công bố nội dung chính của luận án (tức các bài báo khoa học) trước khi bảo vệ luận án! Đây là một qui định có thể nói là “ngược đời”.

Gánh nặng đè lên vai nghiên cứu sinh. Ở nước ngoài, khi nhận hướng dẫn cho NCS, giáo sư hướng dẫn đã có chương trình nghiên cứu và ngân sách cho nghiên cứu. Do đó, NCS chỉ việc tham gia vào chương trình nghiên cứu, hoặc dùng ngân sách của giáo sư để thực hiện nghiên cứu mới, hoặc tốt hơn nữa, cùng giáo sư hướng dẫn xin thêm tài trợ từ các nguồn khác nhau.

Nhưng ở VN, phần lớn các giáo sư, tiến sĩ không có chương trình nghiên cứu. Có người thậm chí ít làm nghiên cứu, và càng ít hơn số người có khả năng công bố quốc tế. Thế nhưng theo Qui chế đào tạo của Bộ GDĐT những người này vẫn có quyền hướng dẫn NCS tiến sĩ!  Điều này dẫn đến một hệ quả là khi NCS được nhận vào học, người hướng dẫn không có ngân sách cho NCS làm nghiên cứu, không có chương trình nghiên cứu để họ tham gia. Trong thực tế, có khi trường chỉ định người hướng dẫn không có chuyên môn liên quan, không có kiến thức liên quan làm hướng dẫn NCS (có lẽ vì muốn tạo điều kiện để đương sự xin đề bạt chức danh PGS), một chỉ định rất phi học thuật.

Hệ quả là rất nhiều NCS ở VN phải bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu. Trong ngành y, NCS phải tự lo gần như từ A đến Z. Có NCS không bỏ tiền túi, và thay vào đó là để bệnh nhân trả tiền xét nghiệm. Bệnh nhân có khi bị đưa vào nghiên cứu mà không hề biết. Bởi vì gánh nặng tài chính đè lên cá nhân NCS, nên họ phải tìm những đề tài nghiên cứu đơn giản, có thể làm trong bệnh viện, làm nhanh, và … rẻ tiền.  Nói chung là nghiên cứu kiểu “mì ăn liền”.  Với những đề tài như thế thì phương pháp là một câu hỏi lớn, và rất khó có thể cho ra kết quả có chất lượng lượng tốt. Chẳng những chất lượng là một vấn đề, nhưng việc để bệnh nhân phải trả tiền và không cho bệnh nhân hay biết là một vi phạm y đức nghiêm trọng. Những công trình nghiên cứu như thế sẽ không thể nào được công bố trên các tạp san quốc tế. 

Nghiên cứu phải có can thiệp. Trong ngành y, đây đó xuất hiện một qui định rằng nghiên cứu cấp tiến sĩ phải có can thiệp. Can thiệp ở đây có nghĩa là đối tượng nghiên cứu phải trải qua một thuật can thiệp, có thể là can thiệp về lối sống (luyện tập thể lực, thay đổi chế độ ăn uống), hay có thể là các thủ thuật mang tính xâm phạm cơ thể. Một nghiên cứu can thiệp có chất lượng rất công phu, cần nhiều người, tốn nhiều tiền, và tốn rất nhiều thì giờ mà NCS sẽ không thể nào hoàn tất trong thời gian học. Dù có thể hoàn tất trong thời gian học, có khi NCS và ngay cả người hướng dẫn chưa chắc đủ tư cách chuyên môn để can thiệp vào đối tượng nghiên cứu là con người.

Theo tôi đó là một qui định lạ lùng nhất trên thế giới. Tôi có thể khẳng định rằng nghiên cứu cấp tiến sĩ không cần phải là một nghiên cứu can thiệp. Tôi có thể nói câu đó lần thứ hai để nhấn mạnh. Trong thực tế, nghiên cứu cấp tiến sĩ có thể thực hiện những nghiên cứu không can thiệp. Vấn đề không phải là nghiên cứu có hay không có can thiệp, mà là giả thuyết khoa học và câu hỏi nghiên cứu có giá trị, có cái mới, và có khả thi hay không.  Không ai đánh giá một nghiên cứu dựa trên có hay không có can thiệp. Người ta đánh giá một công trình dựa trên các tiêu chuẩn tính khả thi, cái mới, tính liên đới hay khả năng đóng góp cho khoa học, và đạt chuẩn mực đạo đức khoa học. Do đó, tôi đề nghị nên bỏ qui định về nghiên cứu can thiệp trong đào tạo tiến sĩ. 

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành. “Tri thức mới” ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v… Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn. Xin nhớ rằng khám phá insulin phải đợi đến gần 50 năm sau mới ứng dụng trong lâm sàng.

Thủ tục “bao thư” lạ lùng.  Ở nước ngoài có vài hình thức “bảo vệ” luận án. Ở các nước như Úc và Anh, luận án được gửi đi cho 2-3 giáo sư bình duyệt, và hội đồng học thuật của trường dựa vào bình duyệt của các giáo sư để quyết định trao bằng. Thông thường, vì luận án dựa trên các công trình đã công bố nên việc duyệt luận án khá dễ dàng. Có nơi, như bên Âu châu, trường đại học tổ chức một buổi lễ để NCS trình bày kết quả nghiên cứu và có dịp trả lời các câu hỏi của các giáo sư bình duyệt. Trong thực tế thì luận án đã được duyệt xong, buổi lễ “bảo vệ” chỉ là buổi trình làng và vui vẻ.

Nhưng ở VN, buổi bảo vệ luận án được tổ chức khá màu mè, rìng rang, và có phần nghiêm trọng. Điều đáng nói là tất cả đều do NCS chi trả! NCS phải chi trả tiền đi lại (kể cả vé máy bay), ăn ở, thậm chí quà cáp cho các chuyên gia phản biện. Khi phản biện xong, NCS còn phải “đi phong bì” cho từng giáo sư phản biện. Đó là một hình thức “bảo vệ” luận án không giống ai trên thế giới (có thể giống China?) Ở nước ngoài, các giáo sư duyệt luận án được trường đại học trả thù lao 100 USD (có nơi hơn chút). Việc NCS trả tiền hay đi phong bì cho các chuyên gia phản biện có thể xem là một hình thức hối lộ.

Kí kết lạ lùng. Có những trường hợp NCS được học bổng của nước ngoài, nhưng khi làm hồ sơ đi học thì NCS bị phía VN làm khó. Chẳng hạn như để làm hồ sơ đi học, trường bắt phải viết một bản cam kết bồi thường. Bồi thường gì trong khi học bổng nước ngoài cho? Người ta cho rằng NCS phải kê khai toàn bộ học bổng ở nước ngoài, rồi người thân ở VN phải kí cam kết nếu không về nước thì sẽ bồi thường toàn bộ số tiền này! Đó là một qui định có thể nói là rất lạ lùng và phi logic.

Trên đây là một vài điều lạ lùng trong chương trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Có lẽ một số người đọc qua sẽ ngạc nhiên vì sự phi lí của vài qui định, nhưng sự phi lí đó nó lại tồn tại trong thực tế và gây khó khăn cho nhiều người. Tôi nghĩ các giới chức cần phải xem xét các qui định trên và tham khảo cách làm của các đại học nước ngoài. Rất có thể làm đúng qui trình, số NCS sẽ ít đi, số người có tư cách hướng dẫn NCS tiến sĩ sẽ giảm, nhưng thà ít nhưng có chất lượng tốt hơn là đạt số lượng mà chất lượng thì quá kém.

Chú thích:

(1) Khi nói “nước ngoài” tôi muốn nói đến các nước phương Tây như Mĩ, Anh, Canada, Úc, hay theo hệ thống giáo dục phương Tây như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong, Singapore, Thái Lan.
Trích từ Tuan's blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét