Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

“80% người dân hài lòng dịch vụ công thì cần gì cải cách hành chính!”

Lời dẫn: Bà Phạm Chi Lan là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng thư ký và Phó chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển (IDS - một viện đã giúp ích rất nhiều cho các đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt , Phan Văn Khải trong vấn đề phát triển kinh tế và xã hội, nhưng đến thời TT.Nuyễn Tấn Dũng thì tự giải tán bởi những lý do...). Bà được nhận xét: "Mảnh mai, trang nhã, giọng nói lúc nào cũng nhẹ nhàng, khúc chiết, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, ngay cả khi đã về hưu vẫn là người rất được xã hội chú ý bởi những ý kiến sắc sảo, thực tế của bà trong lĩnh vực kinh tế thời cơ chế thị trường." 

(Dân trí) - “Bất cứ ai đi giải quyết thủ tục hành chính đều gặp phải đủ thứ rắc rối, phiền hà. Do đó, bản thân tôi không tin vào kết quả điều tra, bởi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính”, bà Phạm Chi Lan nói.

Con số trên 80% người dân được điều tra cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công, vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra khiến nhiều người bất ngờ và đặt dấu chấm hỏi. Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kết quả đó không phải ánh đúng những bất cập trong bộ máy hành chính công hiện nay.
Bà Phạm Chi Lan không tin có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công
Bà Phạm Chi Lan không tin có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công
Cá nhân bà và người thân có bao giờ bị gây khó dễ khi đi giải quyết thủ tục hành chính công không?
Không ít thì nhiều, ai cũng phải đi giải quyết thủ tục hành chính công. Mà đã đụng đến, trong rất nhiều trường hợp khó tránh khỏi đủ thứ rắc rối, phiều hà. Còn một vài trường hợp “gặp may” giải quyết thủ tục thuận lợi đem lại sự ngạc nhiên cho người đi làm. Điều đó làm cho người dân bất ngờ không hiểu tại sao tự nhiên mình lại được thuận lợi như vậy!
Khi đi giải quyết thủ tục hành chính, bà nhận thấy thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thế nào?
Thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức chỉ là một phần, cái chính ở đây là cung cách làm việc và cách giải quyết vấn đề của họ. Thái độ ở đây, nếu không cho người ta cáu gắt với dân thì người ta cũng cười, nói năng nhã nhặn được ngay. Thế nhưng, liệu người ta có giải quyết công việc cho dân thuận lợi hay không là vấn đề chính.
Tôi nói thật, ngay cả một số dịch vụ của doanh nghiệp đôi khi người ta cứ gọi điện hỏi tôi có hài lòng với dịch vụ đó không, rồi thì thái độ phục vụ dịch vụ đó thế nào. Theo tôi cái đó không quan trọng bằng chất lượng dịch vụ được cung cấp cho người dân.
Cá nhân tôi cũng không muốn mất thời gian đi lại, chờ đợi nên khi phải làm thủ tục hành chính thường nhờ người khác hoặc có những việc thuê được thì tôi thuê người khác làm cho nhanh. Người ta làm dịch vụ đôi khi có cách thức riêng nên giải quyết nhanh hơn mình rất nhiều.
 
Tất nhiên, trong đó cũng hình thành đội ngũ “cò”. Mà sở dĩ đội ngũ “cò” phát triển được cũng là vì hành chính công có những bất cập. Điều đó làm cho những người như tôi thà mất tiền cho “cò” còn hơn là tự mình đi làm lấy rất mất thời gian.
Vậy bà có tin vào con số "trên 80% người dân được điều tra đều cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công hiện nay" vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra hay không?
Bản thân tôi cũng như nhiều người không tin vào kết quả điều tra như vậy. Kết quả điều tra như thế nào đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào cách thức điều tra. Điều tra mà cố tình chọn đối tượng điều tra sẽ trả lời chuẩn cho mình hay gắn một chút lợi ích kinh tế vào đó thì kết quả chắc chắn sẽ bị méo mó.
Theo tôi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính nữa. Nếu thực sự như vậy thì mọi thứ đã khác, xã hội đã khác nhiều rồi. Rõ ràng làm gì có chuyện tỷ lệ cao đến như vậy được!
Bà có cho rằng kết quả điều tra đưa ra như vậy là một phần của căn bệnh chạy theo thành tích trong cải cách hành chính?
Điều tra mà ra kết quả như vậy không những làm tốn kém tiền của xã hội mà còn làm mất uy tín của các cơ quan điều tra. Vì căn bệnh chạy theo thành tích, chúng ta đưa ra thành tích ảo như vậy càng làm mất niềm tin ở xã hội. Ở đây là nhân danh người dân mà lại đi nói dối như vậy là không thể chấp nhận được.
Vậy theo bà kết quả điều tra đó là không đáng tin?
Kết quả điều tra đó không phản ánh thực chất. Bản thân kết quả không đáng tin cậy thì những gì báo cáo lên là không thể dùng được.
 
Với kết quả điều tra được bà cho là không trung thực, chạy theo thành tích như vậy, liệu những nỗ lực cải cách hành chính mà nhiều bộ ngành, cũng như địa phương cả nước đang thực hiện thì sao?
Tôi nghĩ là nếu muốn cải cách thực sự thì phải điều tra một cách nghiêm túc, phải lắng nghe người dân một cách thực chất. Còn nếu cứ giả vờ như thế về cách điều tra thì nó không giúp gì cho cải cách.
Vậy theo bà làm cách nào để điều tra có kết quả trung thực nhất?
Bây giờ muốn điều tra thực sự thì nhà nước nên bỏ tiền thuê những tổ chức chuyên điều tra xã hội học làm một cách khách quan để đưa ra kết quả phản ánh đúng dịch vụ công hiện nay như thế nào.
 
Xin cảm ơn bà!
Quang Phong (thực hiện)
Báo Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét