Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

“80% người dân hài lòng dịch vụ công thì cần gì cải cách hành chính!”

Lời dẫn: Bà Phạm Chi Lan là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng thư ký và Phó chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển (IDS - một viện đã giúp ích rất nhiều cho các đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt , Phan Văn Khải trong vấn đề phát triển kinh tế và xã hội, nhưng đến thời TT.Nuyễn Tấn Dũng thì tự giải tán bởi những lý do...). Bà được nhận xét: "Mảnh mai, trang nhã, giọng nói lúc nào cũng nhẹ nhàng, khúc chiết, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, ngay cả khi đã về hưu vẫn là người rất được xã hội chú ý bởi những ý kiến sắc sảo, thực tế của bà trong lĩnh vực kinh tế thời cơ chế thị trường." 

(Dân trí) - “Bất cứ ai đi giải quyết thủ tục hành chính đều gặp phải đủ thứ rắc rối, phiền hà. Do đó, bản thân tôi không tin vào kết quả điều tra, bởi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính”, bà Phạm Chi Lan nói.

Con số trên 80% người dân được điều tra cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công, vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra khiến nhiều người bất ngờ và đặt dấu chấm hỏi. Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kết quả đó không phải ánh đúng những bất cập trong bộ máy hành chính công hiện nay.
Bà Phạm Chi Lan không tin có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công
Bà Phạm Chi Lan không tin có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công
Cá nhân bà và người thân có bao giờ bị gây khó dễ khi đi giải quyết thủ tục hành chính công không?
Không ít thì nhiều, ai cũng phải đi giải quyết thủ tục hành chính công. Mà đã đụng đến, trong rất nhiều trường hợp khó tránh khỏi đủ thứ rắc rối, phiều hà. Còn một vài trường hợp “gặp may” giải quyết thủ tục thuận lợi đem lại sự ngạc nhiên cho người đi làm. Điều đó làm cho người dân bất ngờ không hiểu tại sao tự nhiên mình lại được thuận lợi như vậy!
Khi đi giải quyết thủ tục hành chính, bà nhận thấy thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thế nào?
Thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức chỉ là một phần, cái chính ở đây là cung cách làm việc và cách giải quyết vấn đề của họ. Thái độ ở đây, nếu không cho người ta cáu gắt với dân thì người ta cũng cười, nói năng nhã nhặn được ngay. Thế nhưng, liệu người ta có giải quyết công việc cho dân thuận lợi hay không là vấn đề chính.
Tôi nói thật, ngay cả một số dịch vụ của doanh nghiệp đôi khi người ta cứ gọi điện hỏi tôi có hài lòng với dịch vụ đó không, rồi thì thái độ phục vụ dịch vụ đó thế nào. Theo tôi cái đó không quan trọng bằng chất lượng dịch vụ được cung cấp cho người dân.
Cá nhân tôi cũng không muốn mất thời gian đi lại, chờ đợi nên khi phải làm thủ tục hành chính thường nhờ người khác hoặc có những việc thuê được thì tôi thuê người khác làm cho nhanh. Người ta làm dịch vụ đôi khi có cách thức riêng nên giải quyết nhanh hơn mình rất nhiều.
 
Tất nhiên, trong đó cũng hình thành đội ngũ “cò”. Mà sở dĩ đội ngũ “cò” phát triển được cũng là vì hành chính công có những bất cập. Điều đó làm cho những người như tôi thà mất tiền cho “cò” còn hơn là tự mình đi làm lấy rất mất thời gian.
Vậy bà có tin vào con số "trên 80% người dân được điều tra đều cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công hiện nay" vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra hay không?
Bản thân tôi cũng như nhiều người không tin vào kết quả điều tra như vậy. Kết quả điều tra như thế nào đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào cách thức điều tra. Điều tra mà cố tình chọn đối tượng điều tra sẽ trả lời chuẩn cho mình hay gắn một chút lợi ích kinh tế vào đó thì kết quả chắc chắn sẽ bị méo mó.
Theo tôi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính nữa. Nếu thực sự như vậy thì mọi thứ đã khác, xã hội đã khác nhiều rồi. Rõ ràng làm gì có chuyện tỷ lệ cao đến như vậy được!
Bà có cho rằng kết quả điều tra đưa ra như vậy là một phần của căn bệnh chạy theo thành tích trong cải cách hành chính?
Điều tra mà ra kết quả như vậy không những làm tốn kém tiền của xã hội mà còn làm mất uy tín của các cơ quan điều tra. Vì căn bệnh chạy theo thành tích, chúng ta đưa ra thành tích ảo như vậy càng làm mất niềm tin ở xã hội. Ở đây là nhân danh người dân mà lại đi nói dối như vậy là không thể chấp nhận được.
Vậy theo bà kết quả điều tra đó là không đáng tin?
Kết quả điều tra đó không phản ánh thực chất. Bản thân kết quả không đáng tin cậy thì những gì báo cáo lên là không thể dùng được.
 
Với kết quả điều tra được bà cho là không trung thực, chạy theo thành tích như vậy, liệu những nỗ lực cải cách hành chính mà nhiều bộ ngành, cũng như địa phương cả nước đang thực hiện thì sao?
Tôi nghĩ là nếu muốn cải cách thực sự thì phải điều tra một cách nghiêm túc, phải lắng nghe người dân một cách thực chất. Còn nếu cứ giả vờ như thế về cách điều tra thì nó không giúp gì cho cải cách.
Vậy theo bà làm cách nào để điều tra có kết quả trung thực nhất?
Bây giờ muốn điều tra thực sự thì nhà nước nên bỏ tiền thuê những tổ chức chuyên điều tra xã hội học làm một cách khách quan để đưa ra kết quả phản ánh đúng dịch vụ công hiện nay như thế nào.
 
Xin cảm ơn bà!
Quang Phong (thực hiện)
Báo Dân trí

“Giật mình” với kết quả khảo sát mức độ hài lòng dịch vụ hành chính công

(Dân trí) - Liên quan đến con số "80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công" mà Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Thế giới vừa công bố, dư luận nói chung rất xôn xao, người dân giật mình ngỡ ngàng.

Trước đó, Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ công do Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 20/8, ba tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ và Bình Định đều cho biết tỉ lệ người dân hài lòng và rất hài lòng với các dịch vụ công tại các địa phương này đều trên 80%. Đáng lưu ý là trong lĩnh vực đất đai, lâu nay người dân vẫn ngán ngẩm vì thủ tục rườm rà, nhưng con số khảo sát ở ba tỉnh này cho thấy tỉ lệ người dân lại... rất hài lòng.
Kết quả khảo sát được công bố khiến người dân vô cùng ngỡ ngàng.
Dân “dài cổ” chờ làm thủ tục
Ngày 22/8, PV Dân trí đã có cuộc khảo sát tại một số cơ quan công quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở GTVT, Sở Tài chính, Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa, bộ phận một cửa của TP Thanh Hóa…
Đại đa số người dân đều cho biết họ không hài lòng mới các dịch vụ. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó thường xảy ra ở nhiều nơi. Có Sở giải quyết công việc cho người dân rất nhanh gọn nhưng cũng có Sở cố tình gây phiền toái cho dân.
Ghi nhận tại bộ phận một cửa của TP Thanh Hóa, Công an TP Thanh Hóa, nhiều người dân đến đây đều khẳng định làm giấy tờ thủ tục ở đây rất mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu.
Một người sống tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa bức xúc: “Chỉ có mỗi giấy tờ giao đất, ủy ban đã có quyết định giao đất rồi thì thủ tục chỉ rơi vào khoảng 15-20 ngày thôi nhưng đằng này cứ phải hơn 1 tháng mới lấy được. Không những thế nhân viên ở đây cũng rất hay sai hẹn. Ví dụ hẹn chúng tôi ngày nọ ngày kia quay lại lấy nhưng khi đến lại viện lý do này khác để nói là chưa có làm người dân chúng tôi rất mất công, ảnh hưởng đến công việc. Nhiều khi họ chẳng cần biết là người dân đang cần rất gấp những giấy tờ ấy”.
“Không  những kéo dài thời gian một cách vô lý mà còn có tình trạng, khi chúng tôi đi nộp hồ sơ nhân viên kiểm tra không nói gì, nhưng đến ngày hẹn đến lấy thì lại nói thiếu cái này cái kia, người dân lúc đó mới đi bổ sung và lại tiếp tục chờ” - anh N.T.T ở phường Đông Sơn cho biết.
Cũng theo anh T. thì con số khảo sát 80% người dân hài lòng với dịch vụ công là con số “không có thực”; có chăng chỉ khoảng 40%.
Nhiều nơi dịch vụ công vẫn là người dân mệt mỏi mỗi khi đến làm thủ tục
Nhiều nơi dịch vụ công vẫn "hành là chính"
Một học sinh ở xã Hoằng Anh, TP Thanh Hóa cũng cho biết, không hiểu vì lý do gì mà chỉ mỗi đóng dấu và công chứng một tờ giấy thôi em cũng phải đợi từ đầu giờ chiều cho tới cuối giờ mới lấy được, mặc dù lúc đó không hề đông người đến làm thủ tục.
Chủ người bán hàng sống gần bộ phận một cửa TP Thanh Hóa cho hay: “Việc người dân đến đây năm lần bảy lượt chưa làm được thủ tục vì những lý do vô lý không còn lạ gì. Những nơi này thân quen thì may ra còn nhanh, còn không thì cứ thế mà đợi”.
Không chỉ riêng người dân đi làm thủ tục bị “hành” mà ngay cả những doanh nghiệp trên địa bàn cũng không thoát khỏi nạn “hành là chính” của dịch vụ công.
Theo ông Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Khi nghe con số 80% dân số được khảo sát hài lòng với dịch vụ công, tôi đã giật mình. Nếu đúng thực tế như thế thì quá tốt, nhưng chắc chắn con số thực không thể cao như thế, khoảng 40-50% thôi. Tôi cho rằng việc chọn đối tượng để khảo sát cũng vô cùng quan trọng. Nếu các đối tượng là công chức và ít va chạm thì họ không thể nhìn nhận và đánh giá chính xác được”.
“Bản thân làm ở Hiệp hội doanh nghiệp, tôi được nghe phản ánh nhiều từ phía các doanh nghiệp về việc bị “hành” mỗi khi đi làm thủ tục gì đó. Ví như một công ty trình phê duyệt hay là lấy ý kiến cho bộ hồ sơ thuê đất chẳng hạn, văn bản cứ lòng vòng mãi không xong. Họ yêu cầu, đòi hỏi những cái không cần thiết hoặc có khi rất vô lý. Nhiều thủ tục lại kéo dài thời gian, khi đến hỏi thì họ nói bận chưa làm xong thành ra ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công việc" - ông Hiệu nói.
Kết quả khảo sát tại bệnh viện liệu có chính xác?
Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa, người dân đến khám chữa bệnh ở đây vẫn phàn nàn, kêu ca việc nhân viên y tế có thái độ phục vụ không nhiệt tình, gây khó, bên cạnh đó còn quát nạt lại người bệnh. Đặc biệt là bộ phận đón tiếp bệnh nhân đến khám bệnh và tại các phòng khám của khoa khám bệnh.
Bệnh nhân N.T.T khám tại đây cho biết: “Tôi đi khám bảo hiểm nên họ thường khám qua loa đại khái, nhiều khi còn bị các y bác sĩ quát nạt. Khám bệnh xong cũng chưa thấy yên tâm về bệnh tình của mình”.
Người dân chờ được khám bệnh tại BV Đa khoa TP Thanh Hóa
Người dân chờ được khám bệnh tại BV Đa khoa TP Thanh Hóa
Được biết, khảo sát  mảng y tế tại Thanh Hóa, Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng thế giới đã khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản và cho kết quả 72% sử dụng dịch vụ hài lòng và rất hài lòng, chỉ có 23% không hài lòng.
Thế nhưng, mới đây, tại Bệnh viện này, Dân trí đã đưa tin phản ánh của một bệnh nhân mang bầu tuần thứ 33 đến cấp cứu trong tình trạng bị sốt cao. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đợi cả tiếng đồng hồ sau khi được người nhà đi đóng phí mới được nhân viên bệnh viện cho siêu âm, xét nghiệm. Không những thế, nếu muốn được nhập viện phải đóng tiền tạm ứng. Không mang theo tiền, nhà lại xa và giữa đêm khuya, chị P buộc phải đi vay 200 nghìn đồng mới được bệnh viện cho làm bệnh án.
Không những chị P mà một số các bệnh nhân nằm ở các khoa khác cũng phản ánh việc làm việc cẩu thả, tắc trách của nhân viên bệnh viện này. Thế nhưng điều “lạ lùng” là kết quả khảo sát vấn đề hài lòng của bệnh nhân lại ở con số cao “ngất ngưởng” không khỏi khiến dư luận băn khoăn.
Người dân chờ được khám bệnh tại BV Đa khoa TP Thanh Hóa
Kết quả khảo sát tại BV Phụ sản Thanh Hóa việc hài lòng của bệnh nhân đối với BV đang khiến dư luận băn khoăn
Bên cạnh những cơ sở dịch vụ công “hành” dân thì tại Thanh Hóa vẫn có Sở tận tình tiếp đón, hướng dẫn cho người dân, tuy nhiên con số đó không nhiều. Theo ghi nhận thì tại phòng Tiếp nhận và trả hồ sơ lái xe của Sở GTVT Thanh Hóa hay tại Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Thanh Hóa, nhiều người dân đến làm việc tại đây khá hài lòng với chất lượng dịch vụ.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ Thanh Hóa cho biết: “Con số 80% chỉ là con số khảo sát thí điểm và đưa ra bàn luận tại cuộc hội thảo chứ chưa phải là con số chính thức công bố. Do thực hiện thí điểm nên chỉ khảo sát trên một số ít lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại chỉ lấy 1 nhóm thôi nên chưa đủ tính đại diện vì thế có thể thực tế sẽ khác so với con số 80%. Có thể người dân đang hiểu sai bản chất nên mới phản ứng như vậy”.
Nguyễn Thùy - Thái Bá
Báo Dân trí

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ

(VTC News) – Một kỹ sư máy tính đã tiết lộ loại máy tính bảng “giá cắt cổ” có phần mềm giáo dục tiếng Việt được nhập vào Việt Nam.
Sở Giáo dục TP.HCM vừa đưa ra đề án về số hóa sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM với kinh phí khoảng 4.000 tỉ đồng thì tại địa phương này đã xuất hiện thông tin máy tính bảng giá rẻ được nhập hàng chục ngàn chiếc từ Đài Loan về Việt Nam với giá 900.000 đồng nhưng lại bán ra thị trường giá gấp 4 - 5 lần khiến dư luận bức xúc. 
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
Anh H bức xúc khi máy tính bảng chỉ có giá 900.000 đồng nhưng bán ra thị trường tới 3-5 triệu đồng.  
Một kỹ sư điện tử tên H. (xin không nêu tên đầy đủ) - giám đốc một công ty chuyên về máy tính ở TP.HCM đã thông tin chi tiết về loại máy tính bảng được cho là sản phẩm giống như mô tả để cung cấp cho đề án này.

Theo anh H, ngày 30/7/2014, anh được khách hàng từ Đài Loan liên hệ và gửi qua email mẫu máy tính bảng rất nhỏ gọn. Giá nhập cho hơn 3000 thiết bị rất hấp dẫn, khoảng 900.000 VND, với màn hình 7inch - hệ điều hành android 4.2.

Ngày 1/8, anh được gửi một chiếc về để dùng thử. Thấy máy tính có những tính năng sách giáo khoa tiếng Việt, chương trình giáo dục và trò chơi bổ ích có thể kinh doanh được nên anh H bắt đầu đi tìm kiếm khách hàng để bán.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
 Phía sau vỏ nhựa màn hình ảnh 'giáo dục thông minh'

Ban đầu anh H không biết chiếc máy tính này dành riêng cho giáo dục nhưng khi thấy báo chí viết về đề án số hóa sách giáo khoa của Sở GD-ĐT TP.HCM, anh tỏ ra hoài nghi và lấy máy tính ra xem thì thấy vỏ máy ghi tên công ty AIC Group Smart Education; Made in Taiwan (sản xuất tại Đài Loan).

Loại máy tính bảng này được cài sẵn hệ thống phần mềm Kids, trong đó có nhiều tài liệu ghi ‘người và tôi’, ‘lòng tôn kính’, ‘lòng trung thực’, ‘lòng dũng cảm’… và các chương trình dành cho thiếu nhi.

Máy tính bảng này còn có chương trình giáo dục cho học sinh THPT, THCS, sách giáo khoa dành cho lớp 10, lớp 12…và các bài giảng chi tiết về chương trình vật lý, hóa học của Việt Nam.

Theo đánh giá của anh H, chất lượng của máy tính bảng này rất thấp, chạy được vài chương trình là máy gặp vấn đề. Chiếc máy được thiết kế bằng vỏ nhựa, pin 1.5A, dùng liên tục được vài giờ là hết pin. Loại pin này chỉ sạc được khoảng 500 lần là chai pin, mỗi cục pin thay với giá từ 200 – 300 ngàn đồng.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
 Máy tính được cài phần mềm Kids, trong đó có nhiều tài liệu cho các em học sinh nhỏ tuổi

Ngoài ra, máy tính bảng này có độ phân giải kém, không thể dùng bút cảm ứng viết được lên màn hình.
Theo phán đoán của anh H, tuổi thọ của máy tính chưa đến 2 năm là phải mua máy mới. Anh H khẳng định, loại máy tính bảng này được mua với giá chỉ 900.000 đồng nhưng khi bán ra thị trường thì đội lên từ 3 – 5 triệu đồng/chiếc. 

“Tôi rất bức xúc khi biết giá nhập vào của thiết bị và giá bán dự định của nó, ăn lời 2-3 triệu trên một thiết bị. Mà đối tượng mua máy tính là các học sinh tiểu học. Bạn có chấp nhận được không? Thật là xấu hổ khi kinh doanh kiểu này.” 

Anh H tính toán, nếu đúng là những chiếc máy này được bán cho hơn 327.000 em học sinh theo đề án của Sở GD-ĐT TP.HCM thì có nghĩa là một năm có khoảng 300.000 thiết bị biến thành rác thải công nghiệp. Lợi nhuận thu về cho các đơn vị kinh doanh thiết bị này lên tới hàng chục tỷ đồng/năm.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
 Chi tiết nhất là các chương trình sách giáo khoa như hóa học, vật lý... cho học sinh lớp 10, 11...

Lần theo thông tin công ty AIC Group Smart Education ghi trên vỏ máy, phóng viên thấy tên công ty này trùng hợp với tên Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) có trụ sở ở Hà Nội.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC cho biết, công ty bà không có sản phẩm máy tính bảng nào có tên là AIC Group Smart Education được nhập với giá 900.000 đồng.

“Thực tế, chúng tôi có nhập máy tính bảng từ bên Đài Loan về, nhưng sản phẩm này chỉ để phục vụ trong nội bộ công ty và hoàn toàn không bán ra thị trường" – bà Nhàn nói.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
Cận cảnh chiếc máy tính bảng bằng vỏ nhựa giá chỉ 900.000 đồng nhưng bán ra thị trường gấp 3-4 lần.

Sáng 25/8, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về việc này.

VTC News tiếp tục thông tin vụ việc tới độc giả.
Sỹ Hưng
Theo vtc.vn

Bị đồn “hậu thuẫn” cho đề án máy tính bảng, Tổng giám đốc AIC lên tiếng

Trước thông tin nghi vấn Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) cùng NXB giáo dục “hậu thuẫn” cho TP Hồ Chí Minh thực hiện đề án 123 (đưa SGK và máy tính bảng vào các trường tiểu học công lập) nhằm trục lợi, bán thiết bị, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TGĐ AIC bức xúc: tôi không hiểu vì sao lại có thông tin bịa đặt như vậy, và thông tin như vậy để nhằm mục đích gì?

Các thầy cô giáo trải nghiệm máy tính bảng tại hội thảo ngày 18/8
Các thầy cô giáo trải nghiệm máy tính bảng tại hội thảo ngày 18/8.
Phóng viên PLVN đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn xung quanh vấn đề này:
Thưa bà, sau cuộc hội thảo SGK điện tử và máy tính bảng của Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/8 vừa qua dư luận xôn xao thông tin cho rằng mục tiêu của hội thảo là để bán máy tính bảng. Trong đó công ty bà đã mua với giá 900.000 VND từ Đài Loan để đưa vào các trường tiểu học của TPHCM với giá từ 3 đến 5 triệu đồng. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tôi thực sự rất ngạc nhiên.
Trước tiên tôi xin khẳng định rằng, Công ty chúng tôi chưa bao giờ nhập loại máy tính bảng nào 7 inch với giá 900.000 VND/chiếc để đưa vào bất cứ dự án giáo dục nào tại thành phố Hồ Chí Minh hay các địa phương khác. Chúng tôi có mua máy tính bảng và nhập qua cảng Hải Phòng về là để phục vụ cho các công việc nội bộ của Công ty chúng tôi, để chạy thử các phần mềm thử nghiệm và tặng cho cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Công ty, tuy nhiên loại máy tính bảng này cũng không phải là 7 inch và cũng không có giá 900.000 VND/ chiếc như báo chí và các mạng xã hội đưa, tôi không hiểu vì sao lại có thông tin bịa đặt như vậy, và thông tin như vậy để nhằm mục đích gì?
Tôi cũng có phần băn khoăn thứ hai đó là: Chúng ta đều là những người hiểu biết, đều hiểu rõ, với bất cứ một dự án có liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt thì để có thể là nhà cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho dự án đó thì các nhà thầu đều phải thông qua đấu thầu theo đúng quy định (Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu 2013 áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm 2014 mới về các dự án có giá trị từ 1 tỷ trở lên)
Hơn nữa, đề án 123 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh bây giờ mới là giai đoạn hội thảo để lấy ý kiến, sau khi lấy ý kiến xong mới xây dựng và hoàn thiện đề án, sau đó mới trình các cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt, từ việc phê duyệt đó đến việc xây dựng ra các dự án thành phần rồi mới xây dựng kế hoạch để đấu thầu, rồi tổ chức đấu thầu công khai, trong đó nhà thầu nào đáp ứng được các yêu cầu với mức giá hợp lý nhất và chất lượng tốt nhất sẽ được lựa chọn để đưa sản phẩm vào cho dự án, vậy thì có thể đơn giản và ngây thơ đến mức có thể tin rằng, một sản phẩm ở trên trời rơi xuống như dư luận đang đặt ra được mua với mức giá 900.000 VND bỗng dưng đã được đưa vào để bán cho học sinh tiểu học thành phố Hồ Chí Minh trong khi không có bất cứ một cơ sở nào.
Bên cạnh đó, tôi càng thấy ngạc nhiên hơn khi tất cả những người tham dự hội thảo đều biết rõ: Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo lần này là lần thứ hai để lấy ý kiến, lần thứ nhất tổ chức vào ngày 18 tháng 7 năm 2014 do công ty AVITECH và Intel trình bày, lần thứ hai là là do Samsung và tư vấn nước ngoài trình bày về toàn bộ mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo bằng kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong đó việc sử dụng máy tính bảng hoặc máy tính cùng với sách giáo khoa điện tử là một trong các giải pháp để ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Công ty tôi đến dự với từ cách là khách mời, trong đó tôi có trực tiếp phát biểu tại hội thảo là đề xuất thành phố nếu như có phê duyệt đề án thì nên lựa chọn các hãng lớn, có chất lượng tốt trong đó nên ưu tiên cho SamSung và Intel là 2 hãng lớn đã đầu tư tại Việt Nam và nên mua trực tiếp từ các hãng này mà không cần thông qua chúng tôi để có thể có mức giá hợp lý nhất cho học sinh. Sau các hội thảo này, tôi không thấy các báo chí hay các trang mạng nhắc đến tên của AVITECH hay SamSung, Intel mà chỉ thấy nhắc đến tên Công ty chúng tôi với những thông tin sai lệch như chúng ta thấy, điều đó có công bằng và hợp lý hay không?
Bị đồn “hậu thuẫn” cho đề án máy tính bảng, Tổng giám đốc AIC lên tiếng
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tại Lễ ký kết hợp tác với EBS Hàn Quốc trong chương trình xây dựng kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia.
Thưa bà, bà có nghe dư luận nói công ty AIC và NXB giáo dục ký hợp tác độc quyền và “bắt tay nhau”, nghĩ ra đề án đưa SGK điện tử và máy tính bảng vào trường học, sau đó “xúi” TP Hồ Chí Minh thực hiện hay không?
- Thông tin này tôi biết được trên báo chí ngày 25/8/2014.
Công ty chúng tôi là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và việc chúng tôi ký kết hợp đồng với NXB Giáo dục để nghiên cứu và sản xuất SGK điện tử hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, được pháp luật cho phép. Khi ký kết chúng tôi công bố công khai, rất nhiều báo chí thời điểm đó đã thông tin rộng rãi.
Việc doanh nghiệp chúng tôi và NXB giáo dục hợp tác với nhau không liên quan gì tới việc thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề án 123. Không có căn cứ nào cho thấy công ty AIC hay NXB Giáo dục “bắt tay”, “đi đêm” hay thậm chí “xúi giục” TP Hồ Chí Minh triển khai đề án để bán thiết bị.
Nhà xuất bản Giáo dục được cho phép để xây dựng bộ sách giáo khoa điện tử, trên thực tế đã có một công ty có cổ phần của Nhà xuất bản Giáo dục ban hành phiên bản Classbook đi kèm với máy tính bảng được bán ra thị trường từ năm 2013 với giá hơn 4 triệu đồng, đến nay chúng tôi được biết sản phẩm này đang được cài vào máy tính bảng có chíp của Intel bán tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với giá 5.800.000 VND/máy (có showroom tại 40 Nguyễn Huệ, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh), điều nay chứng minh rằng, Nhà xuất bản Giáo dục không hợp tác độc quyền với chúng tôi toàn bộ sách giáo khoa điện tử của họ như báo chí nói và sách giáo khoa điện tử có thể đi kèm với máy tính bảng của nhiều hãng khác nhau để đưa vào thị trường chứ không phải đi cùng với các sản phẩm Công ty chúng tôi theo hình thức xúi giục hay chỉ định.
Trong hội thảo ngày 18/8/2014 về “SGK và máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2, 3” do Sở GD-DT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức  đơn vị tư vấn có đưa ra một số mô hình ứng dụng CNTT trong giáo dục đào tạo để thành phố tham khảo đồng thời họ có một số đề xuất cho thành phố nếu thành phố có triển khai đề án, bà có nhận xét gì về đơn vị tư vấn và các đề xuất của họ? Có ý kiến nhận định rằng: đề án này sặc mùi tiền, thiếu mùi tình, bà nghĩ sao về các nhận xét đó?
- Trong hội thảo mà tôi tham dự có hai đơn vị là Samsung Hàn Quốc và III Đài Loan cũng trình bày.Theo tôi được biết đây là những tổ chức lớn, có uy tín đã từng có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai các đề án về ứng dụng CNTT trong giáo dục, họ đến với TPHCM tư vấn với tư cách độc lập, miễn phí, tôi đánh giá cao những giải pháp đồng bộ mà họ đưa ra bằng các kinh nghiệm thực tiễn của họ và họ có những đề xuất rất hợp lý cho thành phố cụ thể như:
- Tăng cường các hoạt động truyền thông để huy động quyết tâm chung của mọi người trong việc triển khai chương trình
- Quán triệt việc các nhà cung cấp dịch vụ phải đào tạo bài bản và người sử dụng phải cố gắng phát huy hết khả năng để đưa ứng dụng CNTT vào giảng dạy
- Thành phố huy động các lực lượng cùng hỗ trợ chương trình như các tổ chức, cá nhân có đầu tư triển khai kinh doanh trên địa bàn thành phố đóng góp hỗ trợ
- Thành phố quyết tâm bố trí ngân sách để thực hiện, trong đó phần thiết bị của thầy cô giáo và thiết bị dùng chung cho trường lớp, hỗ trợ học sinh nghèo là từ kinh phí của thành phố
-Lựa chọn các giải pháp tốt, thiết bị đạt tiêu chuẩn cao, có độ bền 5 năm, các thông số kỹ thuật tốt để tránh phát sinh xảy ra trong quá trình sử dụng.
- Xây dựng cơ chế thưởng thích đáng cho các giáo viên sử dụng tốt và mang lại hiệu quả bằng các cuộc thi và các giáo viên áp dụng tốt sẽ được danh hiệu và chính sách như giáo viên dạy giỏi.
- Các thiết bị phần cứng phải có phần mềm đạt tiêu chuẩn đi kèm như SGK điện tử phả là mô hình 3D, tiên tiến, được phê duyệt của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các chương trình đào tạo tăng cường phải phong phú và có kết nối với các thư viện học liệu quốc tế.
- Lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực để nếu cần thiết có thể ứng toàn bộ vốn ra triển khai chương trình, sau đó đến khi lắp đặt, đào tạo, và hướng dẫn sử dụng thành thạo, và có nghiệm thu đầy đủ thì mới trả tiền, để đảm bảo thiết bị không bị đắp chiếu, tránh lãng phí trong đầu tư.
- Yêu cầu thời gian bảo hành tối thiểu 3 năm và thường xuyên cập nhật các phần mềm mới đưa vào hệ thống.
- Thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và lấy ý kiến hàng tháng để có thể triển khai tốt chương trình.
Những đề xuất này hoàn toàn trên cơ sở có lợi nhất cho thành phố và đi đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29- NQ/TW của Hội nghị TW 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD ĐT
Bên cạnh đó, tôi không hề thấy phía tư vấn đưa ra con số là bao nhiêu tiền cho toàn bộ đề án, họ chỉ đưa ra các mô hình và các thông tin để tham khảo, trên cơ sở đó thành phố còn lấy ý kiến xem có triển khai không, nếu có triển khai thì lựa chọn mô hình nào và từ đó mới có thể tính được ra số tiền cụ thể trên cơ sở giá thực tế tại thời điểm đó.
Họ cũng không tư vấn để bán bất cứ hãng thiết bị nào mà khuyến khích nên mua các thiết bị tốt, có độ bền 5 năm trở lên để không phải đầu tư nhiều lần và nên khuyến khích các chương trình xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ người nghèo, tôi không hiểu các thông tin báo chí đưa ra là đề án sặc mùi tiền, thiếu mù tình là dựa trên cơ sở nào?  
Bà Nhàn tham dự hội thảo với tư cách khách mời(bà Nhàn ngồi cạnh chuyên gia đến từ Đài Loan)
Bà Nhàn tham dự hội thảo với tư cách khách mời (bà Nhàn ngồi cạnh chuyên gia đến từ Đài Loan).
Có ý kiến cho rằng những người làm giáo dục TP Hồ Chí Minh đang đầu độc một thế hệ học sinh, biến các em thành “chuột bạch” thử nghiệm đổi mới giáo dục mà chưa đánh giá hết tác động về sức khỏe cũng như tâm lý học đường đối với lứa tuổi học sinh tiểu học. Là một doanh nghiệp có uy tín, từng tham gia và thực hiện thành công nhiều đề án xã hội hóa giáo dục, bà nghĩ sao về những nhận định này?
- Trước tiên tôi cho rằng báo chí cần có cái nhìn tích cực, thiện chí thay vì nhìn nhận vấn đề quá tiêu cực như máy tính bảng làm cho học sinh hỏng mắt hay xa rời thực tiễn, sống trong thế giới ảo. Xác định đây là Đề án mới, có tác động lớn tới học sinh cũng như lộ trình đổi mới toàn diện giáo dục của TP Hồ Chí Minh nói riêng, toàn quốc nói chung, trong quá trình xây dựng Đề án, tôi được biết Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước đi hết sức thận trọng. Sở đã tổ chức cho các thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục đi thăm quan các mô hình phòng học thông minh ở Hàn Quốc để học tập và rút kinh nghiệm, khảo sát xem mô hình máy tính bảng và sách giáo khoa điện tử có thể áp dụng tại Việt Nam hay không. Báo cáo khảo sát chuyến đi cho thấy các thầy cô giáo đều nhất trí cao, đây là phương pháp giáo dục hiện đại, khả thi khi áp dụng ở Việt Nam, có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, chuyển đổi phương pháp giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, khắc phục hiện tượng học sinh thụ động, nghe giảng một chiều, thiếu sự tương tác cần thiết mà mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới đang hướng tới.
Trọng tâm của Đề án là đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục đào tạo nhằm đổi mới phương pháp dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của thành phố trong đó bao gồm các giải pháp đồng bộ từ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên  để có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới bằng các chương trình đào tạo cụ thể, các tiêu chuẩn của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống trang thiết bị từ tối thiểu đến các mô hình hiện đại của thế giới, hệ thống các chương trình quản lý chất lượng giáo dục đào tạo, trung tâm cơ sở dữ liệu đào tạo từ các chương trình đào tạo chính thống được số hóa đến các chương trình đào tạo tăng cường để phục vụ cho dạy và học trong lớp học hoặc học trực tuyến. Việc ứng dụng sách giáo khoa điện tử ở tất cả môn học trên nền tảng công nghệ 3D nhằm kích thích sự năng động sáng tạo và khả năng tư duy, giúp học sinh không phải mang nặng khi không còn sử dụng sách giáo khoa in sẵn. Với sách giáo khoa điện tử, khi có yêu cầu sửa đổi bổ sung nội dung thì sẽ được cài đặt lại đồng loạt, giảm được chi phí in ấn và xuất bản cho phụ huynh.
Nhiều nước tiên tiến trên thế giới không phủ nhận vai trò của các thiết bị thông minh trong đổi mới giáo dục nhưng không phải nước nào cũng thành công, Thái Lan mới đây đã xóa máy tính bảng, xây lớp học thông minh. Bà có lo ngại Việt Nam sẽ “dẫm vào vết xe đổ” như Thái Lan không?
- Báo chí dẫn ví dụ Thái Lan thất bại khi xây dựng phòng học thông minh với máy tính bảng và SGK điện tử. Tôi cho rằng thông tin đó chưa đủ vỉ khi chuyển đổi mô hình giáo dục, đầu tư cho trường học thông minh có nước thất bại nhưng có nhiều nước thành công như Anh hoặc Hàn Quốc. Vậy vì sao các nước như Thái Lan thất bại, ngoại trừ yếu tố chính trị, tôi cho rằng còn có nguyên dân là vì họ đã không đặt  phòng học thông minh trong giải pháp tổng thể và chưa có bước đi phù hợp. Rút kinh nghiệm này, chúng ta cần tiến hành đồng thời các giải pháp đồng bộ từ việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống trang thiết bị, trung tâm cơ sở học liệu, hệ thống các chương trình quản lý, hệ thống các chương trình kết nối giao lưu quốc tế,  bên cạnh đó cần phải đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên để có thể sử dụng và khai thác hết các ưu điểm của hệ thống.
Vậy theo bà có nên đưa máy tính bảng vào trường học một cách đại trà trong khi nước ta còn nghèo, nhiều phụ huynh học sinh chưa có điều kiện sắm máy tính bảng cho con và chương trình này có nên triển khai tiếp hay không?
-Về ý kiến có nên triển khai đại trà hay không tôi cho rằng Sở GD-ĐT cùng các đơn vị tư vấn sẽ tính toán sau khi tham vấn ý kiến của cộng đồng trong đó có phụ huynh học sinh và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy trình.
Ngoài ra để có điều kiện đánh giá toàn diện và khách quan chúng ta nên tiến hành triển khai có lộ trình thận trọng và chặt chẽ mà trước hết chọn một số nơi có điều kiện để thí điềm, trên cơ sở đó mới đánh giá, rút kinh nghiệm và nếu thấy tốt, thấy có hiệu quả thì sẽ nhận rộng.
Với các đối tượng nghèo, nhà nước của chúng ta từ trước tới nay đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh như hỗ trợ toàn bộ, hỗ trợ một phần kinh phí hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân có điều kiện cùng đóng góp, giúp đỡ. Bên cạnh đó việc triển khai các chương trình xã hội hóa bằng nhiều hình thức khác nhau để giảm chi phí cho việc đầu tư công và cho người học.
Ngoài ra, theo tôi nghĩ, để có thể triển khai một vấn đề mới thì không bao giờ là dễ dàng cả; nhưng nếu vấn đề đó mà có lợi cho cộng đồng, cho xã hội thì chúng ta quyết tâm làm và trong quá trình triển khai, nếu có bước đi phù hợp, biết tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã đi trước đồng thời  rút kinh nghiệm của chính mình cộng với sự đồng thuận chung của xã hội vì một mục tiêu tốt đẹp hơn thì chúng ta sẽ làm được.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Anh Phương
Pháp luật Việt Nam

Mỗi tuần một chia sẻ: Gia Ðình Là Nền Tảng Của Vũ Trụ



Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Ðỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực trung thành với vợ.

Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: "Ôi vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?".

Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự: "Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi".

Nói xong Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Con người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô, thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng thành.

Nền tảng để gia đình được đứng vững đó là Tình Yêu. Nhưng Tình Yêu không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới của con người... Một gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều tùy thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng ngày của con người.

Hai cử chỉ dường như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5/1987 của Ðức Gioan Phaolii II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành Thánh Lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng.

Cây tốt thường sinh trái tốt: con người của Ðức Gioan Phaolô II là hoa trái Tình Yêu của cha mẹ ngài. Viếng mộ của song thân, Ðức Thánh Cha không những nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.
Giữa đời thời đại mà đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Ðức Thánh Cha muốn gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung thành với nhau.

Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lập lại lời thề hứa trong hôn phối, Ðức Thánh Cha đã lập lại ý nghĩa và giá trị của Bí Tích Hôn Phối. Ngài nói như sau: "Khi quỳ gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ chồng đã thề hứa với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thế trước mặt Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu họ và yêu cho đến cùng".

"Tôi hứa sẽ giữ trung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi".

Khi tuyên hứa với nhau như thế, hai người đã lập lại chính cam kết của Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Yêu cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái. Luật của đời sống hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết. Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người sẽ gặp lại chính mình trong người khác... Ðó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống 
 

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Ông bộ trưởng và triết lý giáo dục


Một nhà báo lão thành bình luận trên FB: “Lấy cái mốc từ Bộ trưởng Tạ Quang Bửu thì trình độ các bộ trưởng ngày càng kém”. Các bộ trưởng ở đây là của ngành giáo dục.
Không biết có phải nhận thức được điều này, hoặc đã kinh qua một nhiệm kỳ làm phó cho ông Nguyễn Thiện Nhân (một bộ trưởng giáo dục có thừa thành công ở việc hô hào xây dựng các phong trào cải cách trong giáo dục nhưng lại cũng có thừa thất bại vì không một phong trào nào thành công cả), mà ông Phạm Vũ Luận khi ngồi ở ghế Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã trải lòng: “Tôi không tạo dấu ấn cá nhân”[1].
Dĩ nhiên phát ngôn ấn tượng này của ông Luận bị dư luận ném đá. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, nếu ông ngồi ghế bộ trưởng cho tròn vai thì không khác gì một công chức mẫn cán. Điều mà không ai mong muốn có ở một tư lệnh ngành. Nhất là trong thời điểm nghành giáo dục ngày càng suy đồi và tha hóa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhưng nói và làm là hai việc khác nhau. Sau một năm học kể từ khi phát ngôn trên, ông Luận đã tạo dấu ấn bằng câu nói gây bão trong dư luận: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 (điểm môn Sử) là bình thường”[2]. Dĩ nhiên, việc bình thường của ông Luận lại bị dư luận xã hội cho là bất thường.
Không biết quyết tâm không tạo ra dấu ấn hay lại sợ lỡ miệng mà ông Luận rất hạn chế phát biểu trong một thời gian khá dài. Mặc dù ngành GD vẫn ì ạch lăn và mò mẫm tìm hướng đi trong sự vô vọng và thất vọng của phần lớn cần-lao xứ An-nam.
Nhưng sự êm đềm ấy không kéo dài. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội lại tạo ra dấu ấn mới cho ông Luận, mặc dù ai cũng biết là ông không muốn. Bởi lẽ, ông Luận nhận được tín nhiệm thấp rất cao (177/492) và tín nhiệm cao rất thấp (86/492). Cả hai mức tín nhiệm đó đều đứng ở vị trí thứ 2 từ dưới lên[3].
Có lẽ kết quả kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã khiến ông Luận không thể không tạo dấu ấn được nữa. Và ông bắt tay vào công cuộc cải cách ngành giáo dục. Một đề án “Đổi mới giáo dục” được hình thành, và ông Luận đã hùng hồn trả lời báo chí rằng đó chính là một “trận đánh lớn” trong ngành giáo dục: “Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”[4].
Trời không phụ lòng người, trong cái rủi có cái may. Đó chính là việc BCHTW đã thông qua Đề án Đổi mới giáo dục và ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW với nội dung “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”[5].
Có lẽ nhận thức được rằng, Nghị quyết 29 chính là “cây đũa thần” có thể đổi mới toàn diện và đẩy lùi được sự yếu kém của nền GD khiến ông Luận hùng hồn khẳng định rằng: “triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương”[6].
Triết lý giáo dục” này có lẽ đã khiến ông Luận tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho nền GD nước nhà. Và ông đã tự tin trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại nghị trường, với những phát ngôn cực kỳ ấn tượng như: “Không bắt buộc thi ngoại ngữ là khâu đột phá trong cải cách giáo dục”, “Sinh viên thất nghiệp là thực tế khách quan” hay “Phải học giỏi hoặc khá thì mới được đánh giá đạo đức tốt, còn nếu học kém thì không thể đạo đức tốt được”[7].
Trên cả tự tin khi ông Luận đã giải thích trước quốc hội về Đề án đổi mới SGK với kinh phí hơn 34 nghìn tỷ đồng[8] rằng phó của ông (thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) nhận thông tin từ bộ phận giúp việc (trong buổi giải trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội), thấy con số “có lẽ hơi bị khớp” nên đã phát ngôn và cho rằng đây là “lỗi kỹ thuật”. Ông Luận cũng nhận thức được rằng số liệu mù mờ thế này sẽ “gây ra sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân”.

Để khẳng định là tư lệnh chỉ huy “trận đánh lớn” này. Ông Luận đã ví von “rất chiến trường” với “chiến sĩ”, “súng”, “địch”, “tấn công”, “trận địa” trong Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ rằng: “Tư lệnh phải tin vào chiến sĩ của mình đang chĩa súng vào địch để giữ trận địa. Chứ cứ lo chiến sĩ chĩa súng vào mình, không lo chỉ đạo tấn công thì thua là chắc”[9].
Không biết ông Luận và ngành giáo dục của ông sẽ đánh ai trong "trận đánh lớn" đó? Ai là "địch"? Và "tấn công" vào cái gì?
Cũng không biết với “triết lý giáo dục” là Nghị quyết 29 và “trận đánh lớn” của ông Luận sẽ xảy ra như thế nào? Nhưng từ khi có “cây đũa thần” này, ngành GD vẫn đứng im tại chỗ, chưa nói ngày càng suy thoái, tồi tệ hơn. Ông Luận nói phải tin vào “chiến sĩ của ông”, trong khi ngành GD lại cần niềm tin của xã hội, của các bậc phụ huynh.
Nhiệm kỳ của ông Luận đã gần hết. Chắc không ai tin rằng, ông Luận sẽ tiếp tục một khóa bộ trưởng GD nữa. Không hiểu khi đó, cái “triết lý giáo dục” lẫn “trận đánh lớn” của ông Luận có được bộ trưởng kế nhiệm duy trì? Hay với tư duy “tân quan tân chính sách”, lại sẽ có những “triết lý giáo dục” mới với “những trận đánh” mới?
Chưa nhìn thấy một gương mặt sáng giá từ các phó bộ, các lãnh đạo cục, vụ, viện và hiệu trưởng các trường ĐH có thể làm thay đổi nền giáo dục An-nam. Và có hay không, những "triết lý giáo dục" là những "nghị quyết" vẫn sẽ tồn tại trong tư duy của tư lệnh ngành GD khóa tới?


Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet
------------- 
Tham khảo: 



------------------------- 
Đọc thêm: 

Ai đứng sau đề án bắt học sinh mua máy tính bảng sặc mùi tiền?

Viết Cường/(GDVN) - Một đề án được đánh giá “sặc mùi tiền” và thiếu tình người này đang dần hé lộ người đứng sau xúi giục.
Tóm tắt Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” như sau: Toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng.
Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng cho 327.127 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.
SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học các lớp 1, 2, 3 trong phòng học được giới thiệu tại Sở GD-ĐT TP.HCM chiều 19-8 - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ)
Đề án này vừa đưa ra đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ phía dư luận. Lí do là Việt Nam và các nước trên thế giới đang cố hạn chế trẻ nhỏ sử dụng nhiều màn hình điện tử vì nó gây hại đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Hơn nữa, đề xuất này được cho là thiếu tình người vì nếu triển khai, biết đâu sẽ xuất hiện vài bà mẹ phải tự tử để lấy tiền phúng viếng mua máy tính bảng cho con.
Ý tưởng này “chui” ra từ đâu?
Qua tìm hiểu, phân tích của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam thì có một cái tên rất nổi tiếng, nghi án đứng sau vụ này đó là của một Nhà xuất bản và một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực từ xuất khẩu lao động đến thiết bị y tế, máy đốt rác…
Trước khi đi vào phân tích, xin lưu ý với quý độc giả rằng, liên quan đến đề án trên, trong một cuộc hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức từng xuất hiện Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) với hàng loạt định mức đầu tư cho các loại công nghệ trị giá 3.900-4.400 tỉ đồng. Và không phải ngẫu nhiên chúng tôi lại nhắc tới cái tên này.
Cụ thể, năm 2013, NXB... có ký với Công ty AIC hợp đồng mang tên “Hợp đồng AIC-NXB… 2013” (xin tạm giấu tên NXB).
Với hợp đồng này, hai bên đã thống nhất với nhau một số nội dung hợp tác, trong đó có nói về “Chương trình sách giáo khoa điện tử”.
Theo hợp đồng, NXB… chuyển giao chương trình sách giáo khoa điện tử Classbooks để AIC đưa vào các trường phổ thông tại Việt Nam trong năm 2014 với số lượng 15.000 thiết bị.
NXB… cử cán bộ kỹ thuật xây dựng các chương trình đảm bảo có thể chuyển giao phần nội dung và kết nối với các thiết bị mà AIC đưa vào các trường học để đảm bảo giáo viên và học sinh có thể sử dụng được. Đồng thời, trong thời gian sử dụng chương trình này, NXB… thường xuyên hỗ trợ giải quyết các phát sinh có liên quan đến chương trình này để đảm bảo chương trình được vận hành tốt.
NXB… cung cấp độc quyền cho AIC (không cung cấp cho bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào khác) gói nội dung sách giáo khoa điện tử bao gồm dữ liệu, các phần mềm ứng dụng đi kèm, các cơ chế quản lý, bảo mật nội dung cùng với bản quyền sử dụng theo các mô tả chi tiết dưới đây:
- Trọn bộ bản số hóa của sách giáo khoa học sinh và sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12.
- Phần mềm ứng dụng đọc sách giáo khoa điện tử chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm ứng dụng quản lý giá sách chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm ứng dụng kiểm tra trắc nghiệm tích hợp chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm ứng dụng từ điển Anh – Việt tích hợp sách giáo khoa tiếng Anh chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm phát âm văn bản tiếng Anh tích hợp chạy trên hệ điều hành Android.
- Cơ chế mã hóa bảo mật nội dung theo ID của thiết bị khai thác.
- Cơ chế tải và cập nhật nội dung thay đổi của sách giáo khoa, bao gồm cả các nội dung tương tác đa phương tiện, qua mạng Internet.
Toàn gói bộ nội dung sách giáo khoa điện tử sẽ được cài đặt trên thiết bị máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Android do công ty AIC cung cấp. NXB… có trách nhiệm thử nghiệm trên một mẫu thiết bị phần cứng của AIC, chỉnh sửa phần mềm cho phù hợp, và cài đặt phần mềm lên tất cả các máy tính bảng của AIC.
-  Bản quyền sử dụng gói nội dung sách giáo khoa điện tử được tính theo số lượng thiết bị cài đặt, với tổng số lượng cài đặt là 15.000 thiết bị. Bàn giao theo hai giai đoạn.
Còn Trách nhiệm của AIC sẽ là: Cung cấp máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Android để phục vụ cho việc cài đặt gói nội dung sách giáo khoa điện tử.
Về hình thức thanh toán và chuyển giao sách giáo khoa điện tử:
AIC sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền cho NXB… làm ba lần:
Lần 1: Sau khi NXB… đã hoàn thiện việc cài đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng và đưa vào sử dụng cho 7.500 thiết bị và có biên bản nghiệm thu giữa hai bên. Trong vòng 1 tuần, AIC sẽ thanh toán số tiền là xxxx0.000.000 đ.
Lần 2: Sau khi NXB… hoàn thành cài đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng và đưa vào sử dụng 7.500 thiết bị còn lại và có biên bản nghiệm thu giữa hai bên. Trong vòng 1 tuần, AIC sẽ thanh toán số tiền là xxxx0.000.000 đ
Lần 3: Sau 1 năm kể từ ngày các chương trình được đưa vào sử dụng (chi phí bảo hành 10%) và có biên bản nghiệm thu, AIC sẽ thanh toán số tiền xxxx.000.000 đ  còn lại…”
Ngoài ra còn một số nội dung khác…
Những dẫn chứng trên đã dấy lên hoài nghi, hai đơn vị này cùng nhau nghĩ ra đề án sau đó "liên hệ" với Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh để "nhờ" can thiệp(?)
Theo đề án, kinh phí để thực hiện là 4.000 tỉ đồng, một số tiền rất lớn. Và ai cũng hiểu, nếu nó được triển khai thì lợi lộc đem về cho những người liên quan là không nhỏ. 
Và với đề án sử dụng máy tính bảng cho việc học tập của con trẻ, ai cũng thấy phảng phất đâu đây câu nói mà xuất hiện nhiều trong vài năm nay: “Muốn ăn phải vẽ ra dự án”.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.\
Theo báo Giáo dục Việt Nam