Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Ðứng Núi Này Trông Núi Nọ

Một tác giả nọ đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn về con lừa, con rùa và một con ruồi mà tuổi thọ chỉ vỏn vẹn một ngày như sau: Nhận thấy kiếp sống của mình quá vắn või, con ruồi đã than thân trách phận như sau: "Nếu tôi có được nhiều thì giờ hơn, thì có lẽ mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Các bạn cứ nghĩ xem: chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi phải sinh ra, phải lớn lên, phải học hỏi kinh nghiệm, phải vui hưởng cuộc sống, phải đau khổ, phải già rồi cuối cùng phải chết? Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ".

Con lừa quanh năm ngày tháng chỉ bị đày đọa trong những việc nặng nhọc thì lại than vãn: "Giả như tôi chỉ có 24 tiếng đồng hồ để sinh ra, để sống thì có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn, bởi vì cái gì tôi cũng nếm thử được một chút và cái gì tôi cũng chỉ phải chịu đựng trong một khoảnh khắc".
Ðến lượt con rùa, nó phát biểu như sau: "Tôi không hiểu được các bạn. Tôi đã sống được 300 năm nhưng tôi vẫn không thấy đủ giờ để kể hết những kinh nghiệm tôi đã trải qua. Khi được 200 tuổi, tôi chỉ ước mơ được chết cho xong. Tôi thương hại chú ruồi, nhưng tôi lại ghen với ông bạn lừa".
Sau khi đã kể cho nhau nghe kinh nghiệm sống của mình, xem chừng như không thấy ai thỏa mãn kiếp sống của mình. Người thì than phiền sống quá ngắn, người thì ngán ngẩm vì sống quá lâu. Cuối cùng, ba chú mới rủ nhau đến vấn kế con nhện, vì con nhện vốn được xem là một con vật khôn ngoan. Sau khi nghe mọi lời kể lể, con nhện mới dõng dạc ban cho mỗi con một lời khuyên. Với con rùa, nó nói như sau: "Hỡi lão rùa già, đừng than phiền nữa. Hỏi thử có ai được giàu kinh nghiệm cho bằng lão chưa?".
Quay sang con ruồi, con nhện ra lệnh: "Hỡi chú ruồi, chú cũng đừng than thân trách phận nữa. Hỏi thử có ai có nhiều trò vui cho bằng chú không?".
Với chú lừa, thì xem ra lời cảnh cáo của con nhện có vẻ nặng nề hơn cả: "Còn đối với ông bạn lừa, tôi không có lời khuyên nào cho ông bạn cả. Ông bạn là người bất mãn suốt đời. Ông bạn vừa muốn được sống lâu như lão rùa lại vừa muốn sống ngắn ngủi như chú ruồi. Trời nào có thể làm vừa lòng chú".
Câu chuyện ngụ ngôn trên đây có thể nói lên sự bất mãn thường xuyên trong tâm hồn của con người. Thất bại hay thành công, nghèo hèn hay sang trọng, dốt nát hay thông minh, bệnh tật hay khỏe khoắn. Xem chừng như không bao giờ con người cảm thấy hoàn toàn hài lòng với chính mình, với người khác và với cuộc sống. con người dễ dàng đứng ở núi này nhìn sang núi nọ. Tựu trung, có lẽ sự bất mãn là biểu hiện của một thiếu sót lớn lao trong tâm hồn con người: đó là thiếu sót Tình Yêu. Có tình yêu, người ta sẽ không còn bất mãn. Có tình yêu, xem chừng người ta cũng không màng đến thời gian. Một tác giả nào đó đã nói: "Thời gian qúa chậm đối với những kẻ chờ đợi và sợ hãi. Thời gian lại quá dài đối với những kẻ than phiền. Nhưng với những người đang yêu, thì thời gian không còn nữa".
Phải chăng tình yêu không là liều thuốc để chữa trị căn bệnh bất mãn trong lòng người? Có chấp nhận chính mình, có yêu thương chính mình, chúng ta sẽ không còn phải than thân trách phận nữa. Có yêu thương tha nhân, chúng ta sẽ thấy được tha nhân là nguồn hạnh phúc của mình. Có yêu đời, chúng ta mới đời dễ thương.
Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Cập nhật tình hình thu chi quỹ ái hữu đến ngày 22/01/2016

Chào các bạn,

Theo như tinh thần họp vào ngày 27/4/2013, lớp chúng ta thống nhất sử dụng quỹ ái hữu để đi phúng điếu khi cha mẹ ruột, con cái của thành viên trong lớp qua đời và hỗ trợ động viên khi vợ/chồng, con của thành viên lớp gặp những hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo.... Tinh thần đó đã được Ban đại diện thay mặt cho lớp thực hiện trong suốt thời gian qua. 

Ngày 20/01/2016 vừa qua, em của bạn D48 Nguyễn Thị Xý đã qua đời. Gia cảnh bạn Xý chắc hẳn các bạn đã biết từ khi thời cấp 3 và ba mẹ bạn Xý mất, lớp chúng ta cũng không có cơ hội để thăm viếng và động viên gia đình bạn. Vì vậy, ban đại diện lớp không thể không có sự đồng cảm với gia đình bạn Xý trong thời gian này, nên ban đại diện đã đến phúng điếu và động viên gia đình Xý để vượt qua nỗi đau. Vậy Ban đại diện xin được báo đến toàn thể lớp để rõ và có sự cảm thông hơn.

Nhân tiện đây, cũng xin được cập nhật tình hình thu chi của quỹ lớp đến thời điểm 22/01/2016 để các bạn được biết. Cảm ơn sự hỗ trợ của các bạn trong suốt thời gian qua và mến chúc cả nhà "đóng" năm Ất Mùi với tất cả mọi sự suôn sẻ và bình an để chuẩn bị đón năm Bính Thân sắp đến.

Thân chào!
Ban dại diện

hoặc vào đường link bên dưới để xem file chi tiết:



Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Chiếc bình nứt

Ông bà ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”, đã là con người thì không ai là hoàn hảo tuyệt đối, ngoại trừ…, chắc ai cũng biết! Với những bất toàn nơi mình, con người đã đối diện, chấp nhận… vượt qua những khiếm khuyết đó như thế nào. Điều đó hệ tại ở mỗi người và cả sự bao dung của những người liên hệ nữa. Xin được chia sẻ câu chuyện “Chiếc bình nứt” để mọi người cùng đọc, suy ngẫm và ... sống.

Một người đàn ông có hai chiếc bình lớn. Một chiếc bình trông rất hoàn hảo không hề có một vết nứt. Chiếc còn lại trông rất nghệ thuật nhưng đáng tiếc lại có một vết nứt dưới đáy bình, nên mỗi khi người đàn ông xách nước từ dưới suối về, nước trong bình lại vơi đi một nửa. Và cứ thế hai năm trôi qua, người đàn ông vẫn sử dụng hai chiếc bình để mang nước về và nước trong bình nứt luôn luôn bị vơi trên đường về nhà.
Chiếc bình nứt cảm thấy khổ tâm cho những lỗi lầm của bản thân. Một hôm nó bèn nói với ông chủ: “Tôi thật xấu hổ về chính mình và tôi muốn được xin lỗi ông”. “Tại sao? – người đàn ông hỏi lại: Tại sao ngươi lại xấu hổ?”. “Tôi là một chiếc bình không hoàn hảo. Trong hai năm qua, tôi không bao giờ mang nước về đầy đủ cho ông. Bao nhiêu công sức của ông đều đã bị tôi đổ đi một nửa chỉ vì một vết nứt nhỏ bé trong tôi”.
Người đàn ông tỏ ra rất thông cảm và dịu dàng nói: “Ta biết rõ điều đó. Nhưng khi chú ý nhìn con đường dẫn lối về nhà, ngươi có thấy một lối đi mọc lên những cánh hoa thật xinh đẹp?”. Và khi họ quay ngược đường ra dòng suối, chiếc bình nứt thật sự nhìn thấy một lối đi đang khoe những cánh hoa rực rỡ dưới nắng ấm mặt trời hiền hòa và nó cảm thấy phấn chấn. Nhưng khi gần về đến nhà, nó lại buồn bã vì nước trong bình vẫn vơi đi một nửa. Người đàn ông nói: “Ngươi đã nhìn thấy một lối đi đầy hoa trên phần đường của mình. Chính bởi vì ta chú ý những dòng chảy từ vết nứt của ngươi nên đã sử dụng chúng như một chiếc bình tưới hoa. Ta đã trồng một số loại hoa trên phần đường của ngươi và mỗi ngày nước từ vết nứt ấy đã tưới lên những hạt mà ta ươm trồng. Và ngươi thấy đấy, trong hai năm chúng đã mọc thành một lối đi toàn những hoa là hoa và bây giờ ta muốn hái chúng trang trí khắp nhà. Nếu không có vết nứt của ngươi, ta cũng không thể bảo đảm có thể tưới nước hằng ngày cho chúng”.

Tất cả chúng ta đều có những “vết nứt” và đó luôn là khe hở để dòng nước tuôn ra. Ta luôn nghĩ rằng mình là một kẻ vô dụng đáng vứt đi. Nhưng nếu ta biết chấp nhận chúng, ta hoàn toàn có thể biến chúng thành điều kỳ diệu tô điểm thêm cho cuộc sống này. Hãy biết rằng trong những điểm yếu ta vẫn luôn tìm thấy sức mạnh cho chính mình. 

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Đừng thay đổi thế giới.


Không ai trong chúng ta đều không mong ước mình được sống trong một thế giới tươi đẹp, hạnh phúc. Thế nhưng khi được mời gọi chung tay để góp phần làm cho thế giới tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn…, thì một số người lại cho rằng: việc đó là của nhà nước, của các tổ chức từ thiện, của ai chứ không phải của cá nhân tôi. Nhưng không, mỗi cá nhân với những cách thế riêng của mình, mỗi người đều có thể khiến thế giới sẽ tươi đẹp hơn. Cách đó ra sao, mỗi người chúng ta hãy đọc câu chuyện “Đừng thay đổi thế giới” sau đây và tìm ra cách thế riêng của mình, hầu … sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn. J

Ngày xưa, có một nhà vua trị vì vương quốc nọ rất thịnh vượng. Một hôm, ông quyết định vi hành đến những miền xa xôi của đất nước. Khi trở về cung điện, ông than phiền chân ông rất đau đớn vì lần đầu tiên đi một chuyến dài ngày như thế trên những con đường rất gồ ghề và lởm chởm đá vụn. Nhà vua ban lệnh cho mọi người phải phủ da thuộc lên khắp các con đường của vương quốc. Rõ ràng việc này cần hàng triệu bộ da bò và sẽ tiêu phí rất nhiều tiền của.
Một hầu cận thông minh dũng cảm tâu với nhà vua: “Sao bệ hạ lại dùng tiền một cách không cần thiết như thế? Sao bệ hạ không đo cắt một miếng da vừa với chân mình?”.
Nhà vua rất ngạc nhiên nhưng rồi ông chấp thuận gợi ý của hầu cận để làm một “đôi giày” cho riêng mình.

Bài học vô giá từ câu chuyện này là: Để thế giới này trở thành một nơi hạnh phúc với mọi người, tốt hơn hết hãy thay đổi chính mình chứ đừng thay đổi thế giới. 

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Sức mạnh của lời nói


Ông bà ta thường nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Dẫu biết thế, nhưng đôi lúc vì đố kỵ, vì ghen ghét, vì oán hờn… nên con người thường dùng những lời nói cay nghiệt, độc địa… để nói hành, nói xấu, chửi rủa nhau. Cuối tuần, xin được chia sẻ câu chuyện “Sức mạnh của lời nói”, để mỗi người có thể suy ngẫm và hãy dành tặng cho nhau những lời nói khích lệ, động viên.

Một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Tất cả các con ếch còn lại trong bầy đều bu quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con ếch rằng: chúng chỉ còn nước chết mà thôi.
Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, rằng chúng chỉ còn nước chết.
Sau cùng, một con ếch phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong sự tuyệt vọng.
Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và thét lên khuyên nó hãy thôi. Nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh và hỏi nó: “Anh không nghe tụi tôi nói gì sao?”. Con ếch bảo: nó bị nặng tai. Nó tưởng cả bầy ếch đã động viên nó suốt khoảng thời gian vừa qua.

Có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. Do đó, hãy cẩn thận với những gì chúng ta nói ra. Bất kỳ người nào cũng có thể nói những lời hủy diệt để cướp đi tinh thần của những người đang ở trong hoàn cảnh khốn khó, nên quý báu thay những ai dành thời giờ để động viên và khích lệ người khác.