Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?

Thiên Thanh - (GDVN) - Đừng để giá trị vật chất từ những bông hoa, món quà hay chiếc phong bì làm mất đi ý nghĩa nhân văn của ngày lễ tri ân thầy cô 20/11.


Cứ đến ngày lễ gì lớn như 14/2, 8/3, 20/10, 20/11…, đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy hoa là hoa. Đủ các loại hoa với màu sắc sặc sỡ. Hoa được bày bán từ trước ngày lễ đó có khi đến 2,3 tuần.
Chẳng thế mới có bài hát “Mùng tám tháng ba/ Em ra thăm vườn/ Chọn một bông hoa/ Xinh tươi tặng cô giáo” (trích Bông hoa mừng cô – Trần Thị Duyên). Thế mới biết hoa có vai trò quan trọng thế nào trong dịp lễ cũng như nhu cầu tặng hoa trong các dịp lễ lớn đến mức nào.
Ngày Nhà giáo Việt Nam còn chưa tới, vậy mà giờ đi đường đâu đâu cũng thấy bày bán hoa là hoa, đặc biệt là trước cổng các trường học. Một bó hoa tùy vào số lượng, loại hoa mà có những mức giá khác nhau, còn người mua cũng tùy vào điều kiện, mục đích của mình mà lựa chọn.
Đủ các loại hoa được bày bán trên đường trước ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tặng hoa cho thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là để tỏ lòng tri ân đến công ơn dạy dỗ của thầy cô. Nếu chỉ tặng hoa thôi thì không nói làm gì, nhưng dường như ngày nay, việc tặng hoa thôi chưa đủ.
Tại nhiều nơi, cứ đến những ngày lễ lớn thầy cô đặc biệt là 20/11, các phụ huynh lại “đau đầu” suy nghĩ xem nên mua quà gì cho thầy cô… Với tâm lý tặng quà để con mình được quan tâm hơn, không ít phụ huynh đánh đồng giá trị món quà với sự quan tâm.
Quà to quà nhỏ, giá trị món quà bao nhiêu tiền… cũng lại phụ thuộc vào mục đích và điều kiện của người tặng.
Chùm thơ dưới đây là của Tiến sỹ Dương Xuân Thành, một người thầy có 40 năm trên bục giảng thân tặng độc giả nhân ngày 20/11/2014.
Không chỉ mua quà, giờ đây, người ta còn có phong trào dùng “phong bì” thay cho lời tri ân trong ngày 20/11. Nhưng trong xã hội này, cứ nhắc đến hai chữ “phong bì”, người ta lại nghĩ ngay là hành vi “hối lộ, mua chuộc”.
Vậy hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?
Lại nhớ đến việc một trường mầm non ở TP HCM mới đây có ra thông báo không nhận tất cả các loại quà dưới bất kì hình thức nào nhân dịp lễ 20/11.
Hay như Bộ Giáo dục và Đào tạo có ra công văn ngày 14/11 gửi các bộ, ngành; các đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trường đại học, học viện, viện; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các sở giáo dục và đào tạo; các cơ quan thông tấn báo chí nhấn mạnh “vui mừng được nhận “Thiếp chúc mừng điện tử tại địa chỉ hộp thư bogddt@moet.edu.vn” và “chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và Cơ quan Đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh”.
.Hoa, quà hay phong bì tặng thầy cô chỉ là hình thức khác nhau, quan trọng là xuất phát từ tấm lòng. (Ảnh minh họa). Nguồn: ĐTNCSHCM NT
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề nghị được nhận thiệp điện tử chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không nhận hoa, thiệp giấy, hạn chế các đơn vị đến chúc mừng. Lý do được đưa ra để tránh việc lãng phí.
Phải chăng người ta lo sợ những biến tướng trong ngày Nhà giáo Việt Nam – ngày lễ tri ân các thầy cô.
Với các thầy cô giáo, những kỷ niệm về lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" nhưng giàu tình cảm dành cho thầy cô luôn là kỷ niệm đẹp, khó quên.
Nếu như trước đây, người ta chỉ tặng thầy cô bông hoa, những gì nhà nuôi trồng được, rồi dần dần mua hoa, mua quà để tặng. Cho đến bây giờ có điều kiện hơn, người ta lại suy nghĩ không biết thầy cô thích gì, cứ đi tiền cho nhanh, thầy cô thích thì sẽ tự mua…
Dường như mỗi thời mỗi khác, người ta lại có những hình thức khác nhau để tỏ lòng tri ân trong ngày lễ 20/11. Bởi hoa, quà hay phong bì thì cũng đều là dùng tiền của người tặng mà thôi.
Thiết nghĩ việc tặng hoa, quà hay phong bì cũng không phải việc gì xấu, quan trọng là tấm lòng của người tặng ra sao, đừng để giá trị vật chất từ những bông hoa, món quà hay chiếc phong bì làm mất đi ý nghĩa nhân văn của ngày lễ tri ân thầy cô.
Hoa, quà hay phong bì chỉ nên là tượng trưng, có cũng được mà không cũng đừng nên suy nghĩ. Việc nhớ ơn thầy cô cần phải xuất phát từ tấm lòng, sự thành tâm, để người tặng cảm thấy thoải mái, không bị áp lực, còn người nhận cũng không phải trăn trở nhận hay không nhận.
Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam có từ lâu đời, hãy cứ để học trò, phụ huynh được bày tỏ lòng tri ân đối với các thầy cô giáo, nhưng đừng làm sai lệch đi ý nghĩa của ngày lễ này.
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét