Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Dẹp nạn phong bừa cấp phó, nhân dân sẽ rất biết ơn Quốc hội

)
(GDVN)- Hàng trăm cơ quan nhà nước đang "lạm phát" cấp phó khiến cho ngân sách nhà nước mỗi năm phải gánh thêm hàng tỷ đồng. Đấy là tiền mồ hôi, nước mắt của dân.

Thảo luận về Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cách đây hai ngày, Đại biểu Chu Sơn Hà đã nói thẳng, mỗi Bộ chỉ nên có 4 đến 5 Thứ trưởng, chứ không nên để tới 9, 10 Thứ trưởng; tất cả các ngành đều phải quy định trần cấp phó.
Thậm chí Đại biểu Trần Du Lịch còn cho rằng, mỗi Bộ chỉ cần 3 Thứ trưởng, trường hợp cần thiết tăng thêm thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, chứ không giao cho Chính phủ. Không thể để tiếp diễn tình trạng cứ nâng vai trò của tổng cục lên, thêm Thứ trưởng, rồi vô hiệu hóa Cục trưởng, Phó cục trưởng.
Vấn đề mà ông Lịch, ông Hà nêu kỳ thực chẳng mới, nhưng còn nguyên tính thời sự, bởi các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia về chính sách, báo chí, dư luận... nói ra rả mấy năm nay, nhưng các cấp phó vẫn cứ... tăng dần đều.
Dẫn đầu danh sách những Bộ có nhiều Thứ trưởng nhất là Bộ Tài chính. Có thời điểm năm 2013, Bộ này có đến 9 Thứ trưởng. Cùng thời điểm ấy, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương cùng có đến 7 Thứ trưởng.
Có những lãnh đạo ở cơ quan hành chính luôn bận... họp.
Người xưa đã nói "Thượng bất chính, hạ tất loạn", khi các bộ ở trên cao phong quá nhiều phó như vậy thì chẳng có gì lạ khi bên dưới cũng "lạm phát" cấp phó. Thí dụ như khi Hà Tây nhập về Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội có đến 7 Phó Chủ tịch, gần đây còn 6 vì một vị nghỉ hưu.
Còn ở cấp dưới, như Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khi sáp nhập Hà Tây có đến 13 Phó Giám đốc, hiện tại đang còn 6 Phó Giám đốc. Hay như Sở Nông nghiệp Hà Nội, hiện tại cũng đang có 7 Phó Giám đốc.
Tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) ngày 30/9, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu: "Ở nhiều nước chỉ có Bộ trưởng là chính khách, còn từ Thứ trưởng trở xuống là công chức mẫn cán... Trong quá trình điều hành bộ máy của chúng ta nhiều lúc lúng túng bởi tính chuyên nghiệp, nhất là hệ thống công chức. Tôi hy vọng sẽ có hướng sửa đột phá, thậm chí quy định cụ thể vào luật là bao nhiêu Thứ trưởng, không đưa vào Nghị định nữa, tránh tình trạng một bộ quá nhiều Thứ trưởng".
Có lần Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã đã nói tuột ra ở nghị trường là có cơ quan cấp phó nhiều đến nỗi dẫm chân lên nhau, vì phó này không nắm được lịch của phó khác. Sở dĩ có quá nhiều cấp phó như vậy là do cơ cấu vùng miền và cơ chế xin cho.
Bi hài nhất có lẽ là chuyện có bộ bổ nhiệm tới 4 vụ phó ngồi chễm chệ trên 1 trưởng phòng. Và tại tỉnh Thanh Hóa, có rất nhiều huyện bổ nhiệm cả lái xe làm Phó Chánh văn phòng dù chẳng hề có bằng cấp.
Nếu có ai thắc mắc, người ta sẽ đưa ra rất nhiều cách lý giải khác nhau, mà phổ biến nhất là do công việc nhiều, quản lý nhiều địa bàn, họp hành đi lại nhiều... Thậm chí một vị lãnh đạo có lần lý giải rằng, bổ nhiệm lên để kế cận dần cho đến khi người nhiều tuổi nghỉ hưu. Một cách lý giải hài hước chẳng khác gì trẻ con tập nói, hiển nhiên cách lý giải như vậy sẽ chỉ tạo thêm bức xúc trong dư luận.
Và lạ là ở chỗ, cả hệ thống hành chính có quá nhiều cấp phó như vậy, ấy thế mà mỗi khi xảy ra chuyện thì lại chẳng quy được trách nhiệm cho ai. Có lần, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã bình luận rằng, mỗi khi có chuyện gì xảy ra người ta sẽ đổ tại cơ chế. Thế là hòa cả làng.
Không quy được trách nhiệm, nhưng mỗi năm ngân sách nhà nước cứ đều đặn phải chi ra một khoản kha khá cho các cấp phó. Nếu mỗi năm một cấp phó trung bình được nhà nước chi trả 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ thì với 139 nghìn cấp phó trên cả nước sẽ phải chi ngót nghét 4 nghìn tỷ đồng. Nếu số cấp phó này tăng lên 2, 3, 4, 5 lần thì cũng đồng nghĩa là số tiền ngân sách phải chi ra tăng lên 2, 3, 4, 5 lần.
Khi ấy sẽ có hàng vạn tỷ đồng phụ cấp chức vụ "đội nón ra đi" đều đặn mỗi năm, cũng có nghĩa là gánh nặng ngân sách lại đè nặng thêm trên đôi vai của những người dân nghèo vốn đã rất mệt mỏi vì gánh nặng nợ công.
Vậy nên, cử tri cả nước hẳn sẽ rất biết ơn, nếu Quốc hội dẹp được vấn nạn phong bừa cấp phó.
Theo Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 18/4/2012 “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ” thì “số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá bốn người. Đối với bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn bốn người do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét