Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Ông Dương Trung Quốc "luận" việc trộm "vớ bẫm" tại nhà quan chức

(Dân trí) - Trộm nhà quan hiệu quả cao, lại nhiều khả năng khổ chủ muốn im lặng bỏ qua. Việc làm rõ sự việc cũng như “đánh trận giả”… Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phân tích nhiều góc độ từ câu chuyện trộm làm lộ tài sản "khủng" của quan chức…

Hiện tượng nhiều vụ trộm cắp tại nhà các cán bộ lãnh đạo từ cấp sở trở lên xảy ra ở khắp các địa phương làm dư luận chú ý vì làm lộ ra những khoản tài sản “khủng” tại gia của các quan chức. Ông nhận định thế nào về mô-típ câu chuyện "trộm vào nhà quan" này?
Câu bình luận đúng và đơn giản nhất trong trường hợp này là ngạn ngữ “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Chuyện này cũng giống như hiện tượng gần đây, từ sự giám sát của người dân đã giúp phát hiện ra những khối tài sản với giá trị không bình thường so với thu nhập của nhiều cán bộ.
Những chuyện quan chức lộ tài sản “khủng” phản ánh bức tranh toàn cảnh về một thực trạng quản lý xã hội của chúng ta, cụ thể là quản lý tài sản của những người không chỉ giàu có mà còn có quyền lực. 



Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Nhìn vào những xã hội phát triển, việc quản lý tài sản, thu nhập của các tầng lớp nhân nhân, nhất là quan chức là vấn đề sống còn đối với thể chế. Một quy chuẩn rất cơ bản của xã hội tiên tiến là giá trị minh bạch mà trước hết là minh bạch về thu nhập, tài sản bởi đó trước hết là cơ sở để nhà nước thu thuế thu nhập cá nhân – một biện pháp để đảm bảo sự công bằng xã hội.
Ở Việt Nam, việc này cũng được xác định là quan trọng khi nhiều lần các cơ quan quản lý nhà nước nói đến việc giám sát tài sản cán bộ nhưng chưa bao giờ chúng ta đưa ra được các biện pháp có tính chất căn bản, căn cơ, nhất là quản lý thu nhập. Tôi cho rằng đây là một lỗ hổng rất lớn, không những chỉ dung dưỡng tình trạng tham nhũng, trong đó có hối lộ - nhận hối lộ mà còn tạo ra môi trường cho những giao dịch bất hợp pháp, đặc biệt là hiện tượng rửa tiền diễn ra.
Trong rất nhiều trường hợp các vụ trộm tại nhà quan chức đã được báo cáo, thông tin, điều khiến nhiều người giật mình là cán bộ chỉ ở mức Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thôi thì trong nhà cũng đã có những va ly chứa hàng chục, hàng trăm lượng vàng, được giấu dưới gầm giường, két sắt; rồi hàng tỷ đồng tiền mặt, vài chục tới vài trăm nghìn USD… Dư luận hoàn toàn “có cớ” để suy diễn nhiều vấn đề từ thông tin này, ví như câu chuyện về tham nhũng mà ông vừa liên hệ?
Hiện tượng thì ai cũng thấy, cũng hiểu nhưng vấn đề là chưa bao giờ thấy vấn đề được xử lý, giải quyết triệt để. Cho nên trên thực tế, phải nói là dường như những người có trách nhiệm vẫn cố tình “lờ” những việc này, vì câu chuyện liên quan đến chính những nhóm lợi ích họ đang nắm giữ.
Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng chuyện rõ ràng là như thế. Vậy nên dù chúng ta đã đưa ra bàn rất nhiều hướng chặn chuyện này nhưng giải pháp đến nay đều bất lực, không có khả năng thực thi.
Những vụ trộm nhà quan nhiều khi khiến người nghe phì cười vì độ láu cá của những tay đạo tặc khi các đối tượng thậm chí hình thành cả một “nghề” trộm nhà quan. Có những băng nhóm chuyên nhắm đến nhà các quan chức?
Điều đó đơn giản là vì nhiều trường hợp bị trộm xong, khổ chủ lại không dám làm ầm lên, nhiều người đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Trộm những nhà như thế thì hiệu quả đạt được cao nhất mà độ an toàn cũng được nâng lên. Người dân bình thường mà bị mất trộm thì thường phải cố làm đến cùng, cố kêu đến cùng để bảo vệ tài sản của mình. Nhưng với quan chức thì cái cần giữ, cần bảo vệ hơn là chỗ ngồi của họ, vì chỗ ngồi còn sinh tiếp ra tiền được. Vậy nên sự mất của với họ không đến mức đẩy vào chỗ cùng cực như người dân.
Qua câu chuyện trộm vào nhà, lộ tài sản "khủng" của quan chức, có ý kiến cho rằng, việc phát lộ số tài sản lớn như thế cũng đã là một yếu tố có thể đặt câu hỏi về nguồn thu nhập, về dấu hiệu tham nhũng và cơ quan chức năng cần vào cuộc làm sáng tỏ?
Tôi nghĩ không hình sự hóa chuyện tài sản lớn lộ ra nhưng các cơ quan quản lý cán bộ trong trường hợp người chủ tài sản là cán bộ, công chức thì cần vào cuộc. Thực ra, chủ trương cán bộ công chức phải kê khai tài sản đã có từ lâu rồi. Vậy khi có tài sản lớn bất thường như thế xuất hiện thì phải giải thích và việc giải thích này cần được công khai.
Quan trọng nhất là chuyện tài sản, thu nhập phải minh bạch để có thể khẳng định thu nhập của cán bộ công chức là chính đáng. Không làm được điều đó không chỉ thể hiện sự bất lực mà lớn hơn, nó phản ánh sự dung túng.
Những vụ trộm tại gia này được xem là có cùng bản chất với nhiều vụ trộm tại các cơ quan, công sở như báo chí đã từng thông tin, nhiều quan chức khai bị mất những khoản tiền rất lớn để tại công sở. Nhưng các vụ trộm cửa quan khi xảy ra thường làm xôn xao dư luận một thời gian nhưng sau đó lại chìm xuống, lại làm dư luận nhãng đi cho đến khi một vụ kế tiếp phát lộ. Nếu không xâu chuỗi lại vấn đề thì cũng khó thấy điểm gợn?
Những vụ trộm ở các cơ quan, bộ ngành thì còn là chuyện quan hệ xã hội và trong gia đình cán bộ nữa vì các khoản thu nhập không minh bạch thì khó mang về nhà. Có tiền riêng thì mới để ở cơ quan chứ. Nếu tài sản của cán bộ thể hiện trong những thẻ thanh toán, những tài khoản rõ ràng tại ngân hàng thì rất bình thường nhưng đó là vàng, là tiền mặt thì chuyện lại khác, rất không tự nhiên. Ngoài ra còn có thể suy luận, chính cơ quan là nơi để họ thu nhận được những đồng tiền đó.
Tôi nói thẳng là các cơ quan dường như không có ý định làm rõ sự việc. Dù biết là việc làm rõ sự việc không đơn giản nhưng vấn đề là không có ý định thực làm. Tôi muốn dùng từ “đánh trận giả” ở đây. Họ đều muốn lờ đi cả.
Việc xử lý ở đây không phải là nhắm đến những người cụ thể mà quan trọng hơn, để tạo ra những hành lang pháp lý, đạo đức cũng như dư luận xã hội để người khác tránh, xử lý nhằm để điều chỉnh quan điểm, lối sống. Đây là cuộc đấu tranh về pháp lý để chống lại môi trường dung túng cho tiêu cực, sai phạm.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)

 (trích Báo Dân trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét