Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Nghĩ về tâm sự của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

(Dân trí) - “Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát” – Nhà báo Hữu Thọ.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, bài “Làm dân mới được nghe thật lòng” ngày 9/7 đã có những dòng tâm sự rất hay: “Khi về “làm dân”, có thể tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau nên nghe được tiếng nói thật lòng”.
Câu nói này là chiêm nghiệm của một cuộc đời quan chức cộng với 7 năm về hưu mà không tham gia bất cứ một công việc gì để được… làm dân, để được nghe những lời nói thật từ nhân dân.
Nói lên điều này, cũng là day dứt, trăn trở của một người rất nặng lòng với đất nước.
Đọc câu nói trên của ông Vũ Khoan, không thể không nhắc đến một câu nói khá nổi tiếng của GS Hoàng Tụy, một nhà khoa học tài năng và trung thực, một nhân cách đầy tự hào của trí thức Việt Nam về bệnh dối trá trên Dân trí năm 2011: “Sự dối trá đang là mối nhục lớn”.
Lời nói của một nhà khoa học tầm cỡ thế giới, một người nổi tiếng bởi sự thẳng thắn không thể không làm mỗi chúng ta suy nghĩ. Sự dối trá thời nào và ở đâu cũng có nhưng vấn đề là nó xuất hiện với cường độ như thế nào và sự “lan tỏa” đến đâu.
Có thể nói, sự dối trá hiện nay trong xã hội không phải là hiếm mà nó là nhiều, thậm chí rất nhiều. Nó xuất hiện bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu dưới đủ mọi hình thức. Từ những việc đơn giản như buôn gian, bán lậu đến dối trá, lọc lừa, tham ô, tham nhũng và cao hơn là “tham nhũng chính sách” của lợi ích nhóm.
Muốn chống được sự dối trá, tất nhiên phương thuốc hữu hiệu trước hết là phải được nghe lời nói thật.
Thế nhưng, để được nghe những lời nói thật không phải dễ bởi muốn được nghe lời nói thật thì bản thân người nghe phải cầu thị và thật tâm muốn nghe. Nghe theo kiểu lấy lệ, đối phó thì sẽ nhận câu trả lời đối phó, lấy lệ. Đó là lẽ đời.  
Tiếp đến, như người xưa đã đúc kết, sự thật thường hay trái tai “Trung ngôn nghịch nhĩ” hay “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”.  Người muốn nghe sự thật ngoài nhu cầu mong muốn tự thân, có tâm thì còn phải có bản lĩnh tiếp nhận những lời “nghịch nhĩ”. Bởi “Lời nói thật đã hơn một lần chết chém”. Những người thiếu bản lĩnh cũng không bao giờ được nghe những lời nói thật.
Song, tất cả những điều trên vẫn chưa đủ nếu như chưa có được sự tin cậy để sẻ chia. Người muốn nghe những lời trung thực trước hết phải là người trung thực, đáng tin cậy. Lời nói thật quý như vàng bạc, chẳng ai dại lại trao vào tay kẻ lừa đảo và dối trá.
Những người dối trên, lừa dưới, nói một đằng làm một nẻo càng không bao giờ được nghe những lời nói thật.
Có lần mình hỏi một bạn trẻ vì sao có thể nói dối trắng trợn như vậy thì nhận được câu trả lời rằng bởi ông ta thích nghe những điều đó và ông ta xứng đáng nhận những điều dối trá đó.
Mình chợt nhớ câu nói của Nhà báo Hữu Thọ trả lời trên báo Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Kỉ Sửu: “Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát”.
Để được nghe những lời nói thật của dân hôm nay, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không chỉ về “làm dân” mà ông còn nhận được sự tin cậy của dân.
Xin chúc mừng ông Vũ Khoan vì ông đã “rửa tai” để tiếp cận sự thật.
Bùi Hoàng Tám
(trích báo Dân trí, 26/7/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét