Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Ông Lavrov nhắc lại: Nước ngoài không nên can thiệp vào Biển Đông

HỒNG THỦY

  
(GDVN) - Bắc Kinh đang lợi dụng uy tín, danh dự, địa vị của một cường quốc lúc sa cơ lỡ bước để làm điều phi pháp ở Biển Đông chứ không phải chỉ là chút "nước bọt".
Stars and Stripes ngày 29/4 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm nay tiếp tục nhắc lại lập trường chung của hai nước về vấn đề Biển Đông sau một cuộc gặp song phương tại Bắc Kinh.
Ông Lavrov nhắc lại, nước ngoài không nên can thiệp vào Biển Đông. Stars and Stripes cho rằng, Moscow đang muốn ám chỉ Hoa Kỳ vốn đang thách thức các hành động phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh theo đuổi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ảnh: AP.
Ông Nghị nhân cơ hội này nhắc lại quan điểm của Trung Quốc: "Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ngoài Biển Đông nên đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và không làm cho tình hình trở nên hỗn loạn hơn".
Stars and Stripes lưu ý, sau khi bị dư luận lên án về hoạt động bồi đắp biến các bãi cạn, rặng san hô thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) với các sân bay, cầu cảng, trạm ra đa quân sự cao tần trên Biển Đông, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Nga đứng về phía mình để chống lại Hoa Kỳ và các bên yêu sách như Philippines, nước đang chờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về đường lưỡi bò.
Cùng với việc tranh thủ tiếng nói của Moscow, Bắc Kinh còn công bố cái họ gọi là "đồng thuận 4 điểm" mà ông Nghị vừa đạt được với Brunei, Campuchia và Lào.
Trung Quốc đang tuyên truyền, 3 thành viên ASEAN này ủng hộ lập trường của họ rằng, Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, mà chỉ với 4 nước thành viên ASEAN.
Một số nhà ngoại giao, chính khách ASEAN đã lên án thủ đoạn chọc phá nội bộ, gây chia rẽ ASEAN mà Trung Quốc đang triển khai.
Không có kẻ thù hay bè bạn vĩnh cửu, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là mãi mãi
Như người viết đã từng phân tích, việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố lập trường ủng hộ quan điểm phi lý của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông xuất phát từ chính khó khăn, thách thức chiến lược của Nga đang gặp phải do lệnh cấm vận từ phương Tây vì vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine, cũng như giá dầu giảm sâu liên tục. 
Những khó khăn về kinh tế đã và đang khiến Moscow phải tìm tới Trung Hoa. Và dĩ nhiên với thói đời ông đưa chân giò, bà thò chai rượu, Moscow cũng cần phải có món quà nào đó để thể hiện thành ý với Bắc Kinh.

Campuchia bất ngờ bác "đồng thuận 4 điểm" với Vương Nghị về Biển Đông?

Một vài câu nói bênh vực của Moscow đúng lúc Trung Quốc bị dồn vào thế bí khi phải đối mặt với phán quyết của PCA có thể xem như món quà lý tưởng, chả phải hao tiền tốn của gì nhiều.
Tưởng chừng món quà ấy chỉ là chút "nước bọt", nhưng dưới bàn tay Bắc Kinh nó sẽ là cái phao để lòe bịp dư luận, bởi đây là quan điểm chính thức của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chứ chả phải chuyện chơi.
Và như vậy, Bắc Kinh đang lợi dụng uy tín, danh dự, địa vị của một cường quốc lúc sa cơ lỡ bước để làm điều phi pháp ở Biển Đông chứ không phải chỉ là chút "nước bọt" đơn thuần của ông Ngoại trưởng. Đổi lại, Nga sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính cũng như địa chiến lược của Bắc Kinh một cách có điều kiện trong các vấn đề quốc tế khác. 
Tuy nhiên người viết cho rằng, với tham vọng bá chủ toàn cầu và tâm lý của Bắc Kinh - một rừng không thể có hai hổ, việc Nga chấp nhận đánh đổi cả vị thế cường quốc của mình với Bắc Kinh chưa chắc đã phải là lựa chọn khôn ngoan.
Một khi đã phải theo sau Bắc Kinh làm chuyện trái với Công pháp Quốc tế và Công lý ở Biển Đông thì Nga có thể xem như là một đối tác chiếu dưới của Trung Quốc. Không có chuyện đồng minh hay na ná đồng minh mà trong đó Moscow được Bắc Kinh xem như đối tác bình đẳng, ngang vai phải lứa.
Cứ xem cái cách Bắc Kinh ứng xử với siêu dự án 400 tỉ USD mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết năm 2014 thì có thể thấy tương quan giữa 2 đối tác "chiến lược toàn diện" này như thế nào. Nga chỉ là một trong số rất nhiều lựa chọn của Trung Quốc mà thôi.
Thái độ của Nga trong vấn đề Biển Đông được Trung Quốc tận dụng tối đa. Và đây không phải lần đầu tiên người Nga vì quan hệ chính trị với Trung Quốc mà có những tuyên bố ủng hộ Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.
Theo Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa do Bộ Ngoại giao Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố, trong Hội nghị hòa bình San Francisco từ ngày 04 đến 08 tháng 9 năm 1951 có 51 nước tham dự, Trưởng đoàn Liên Xô Andrei A. Gromyko đã thay mặt Trung Quốc đưa ra đề nghị gồm 13 khoản.
Trong đó có khoản liên quan đến việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với một số đảo ở Biển Đông, kể cả quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên với 46 phiếu chống, 3 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng, Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này của Phái đoàn Liên Xô.
Nhắc lại chuyện này để một lần nữa thấy rằng, trong quan hệ quốc tế xưa nay không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là mãi mãi.
Tuyên bố của Nga không ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA
Người viết cho rằng, mặc dù lập trường của Nga ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có thể gây hiểu nhầm ở mức độ nhất định với một bộ phận dư luận quốc tế, nhưng đó không phải chuyện gì ghê gớm.

Bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông

Nhất là với các nước đồng minh của Trung Quốc, sống dựa vào tiền Trung Quốc, họ có thể nhất thời nhầm lẫn về bản chất các tranh chấp và giải pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, bao gồm trọng tài quốc tế, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến phán quyết của PCA.
Ngược lại, nó càng làm cho các bên liên quan trong đó có Việt Nam nhìn thấy rõ nét hơn các toan tính của những siêu cường trong việc đổi chác các lợi ích chiến lược trên lưng các nước nhỏ, từ đó tìm cách giảm thiểu tối đa những tác động ảnh hưởng tiêu cực.
Điều này cũng góp phần chứng minh rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp hàng hải do áp dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 tạo ra, hoặc tranh chấp do vi phạm Công ước ở Biển Đông là những câu chuyện thuần túy pháp lý, phải dựa vào Công pháp quốc tế để giải quyết, dù là đàm phán hay thông qua cơ quan tài phán.
Quan hệ chính trị giữa hai bên chỉ mang tính chất tạo cầu nối, mở đường đối thoại chứ không phải căn cứ để giải quyết các tranh chấp này. Quyết không thể có chuyện "đóng cửa bảo nhau" như Bắc Kinh mong muốn.
Trong khi đó Trung Quốc chỉ tìm mọi cách chính trị hóa các vấn đề pháp lý để dễ bề thao túng đối phương.
Và cũng thật buồn cười, trong khi cả Trung Quốc và Nga thao thao bất tuyệt về việc "chống quốc tế hóa Biển Đông", thì hoạt động vận động hành lang trong các chuyến đi con thoi của ông Nghị, tìm kiếm sự ủng hộ của một vài nước về lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông là gì, nếu không phải cũng là một cách quốc tế hóa Biển Đông?
Do đó phán quyết của PCA càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng để Việt Nam hoạch định các giải pháp trước mắt và lâu dài đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng ta có thể tận dụng được gì từ các xu thế quốc tế, dư luận quốc tế thì cần hết sức tận dụng, đồng thời sẽ có những bảo lưu cần thiết trước các lập trường của nước lớn về Biển Đông bất lợi cho ta như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa qua, sau khi ông Lavrov đưa ra phát biểu chống quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Người viết cho rằng, đó là những hành động hết sức kịp thời, chuẩn mực và cần thiết.
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Cần khởi tố ngay vụ án gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá biển chết


  
(GDVN) - Điều cấp bách lúc này là cơ quan chức năng cần khởi tố ngay vụ án về tội gây ô nhiễm nguồn nước theo Điều 183 Bộ Luật hình sự...
Tập đoàn từng có "tiền án" liên quan tới ô nhiễm môi trường
"Thảm họa môi trường" tại một số tỉnh ven biển Miền trung đang là chủ để được người dân trong cả nước và các phương tiện truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm.
Mọi ánh mắt, mọi sự nghi ngờ đều hướng về Vũng Áng,
nơi có khu công nghiệp nặng (luyện gang thép) Formosa lớn nhất Đông Nam Á đang được khẩn trương xây dựng với diện tích đất và mặt nước hơn 3000 ha. 
Sự nghi ngờ, bức xúc của người dân không phải là không có cơ sở khi chủ đầu tư (Tập đoàn Hưng nghiệp Đài Loan) là tập đoàn đã có nhiều “tiền án” lớn liên quan đến môi trường ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1998, Formosa Plastics bị phát hiện đưa 3.000 tấn chất thải độc hại có chứa thủy ngân tới thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia; gây ra nhiều sự cố môi trường ở Mỹ, bị phạt tới 13 triệu USD….
Con cá nặng khoảng 30 kg chết trôi dạt vào bờ biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. (Ảnh. Huy Hoàng).
Thậm chí dư luận gần như buộc tội “thủ phạm” duy nhất gây ra thảm họa môi trường vừa qua là Formosa Hà Tĩnh.
Rõ ràng, các bằng chứng có được đang chống lại Formosa Hà Tĩnh, đặc biệt với phát ngôn của Giám đốc đối ngoại đơn vị này, đã gián tiếp thừa nhận hành vi vi phạm (?)
“Người dân không thể đòi hỏi được cả hai mà chỉ có thể chọn cá, tôm hay là nhà máy thép hiện đại” (VTC14 đưa tin). Kèm theo đó là đường ống xả thải dài hàng nghìn mét cắm thẳng xuống đáy biển.
Một số bằng chứng khác có liên quan cho thấy, Formosa nhập số lượng lớn hóa chất cực kỳ độc, dùng để súc xả đường ống (...). Rồi với thí nghiệm cho cá vào nước nước biển lấy từ Vũng Áng. Chỉ trong vòng 2 phút sau khi được thả, cá đã chết.
Với đặc điểm khí hậu thủy văn Biển Đông theo mùa, các dòng hải lưu ven bờ theo mùa, đặc điểm địa hình bờ biển nước ta kéo dài từ Bắc xuống Nam, nguồn ô nhiễm đã nhanh chóng phát tán từ Vũng Áng, Hà Tĩnh chạy dọc tới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (nguồn: http://www.vawr.org.vn).
Sự việc gây ra cảnh tượng cực kỳ nghiêm trọng, khiến các loại thủy, hải sản chết, trôi dạt vào bờ với số lượng cực lớn, chưa từng có từ trước đến nay, gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng về kinh thế, gây hoang mang, bất bình trong dư luận.
Cần phải nhanh chóng khởi tố vụ án
Điều 43 hiến pháp quy định định: “Mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.
Điều 63, khoản 3: “Tổ chức cá nhân gây ô nhiễm môi
trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
Điều 3. Bộ Luật hình sự quy định về nguyên tắc xử lý: 
1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. 
Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, văn phòng Luật sư Phạm Sơn (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này...
Báo cáo Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm; chủ động tiến hành rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, nếu cá biển chết hàng loạt do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, thì phải xử lý nghiêm, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào...

Như vậy Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao, không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với vụ việc gây ô nhiễm môi trường tại Vũng Áng,

Khuyên dân cứ ăn cá, tắm biển là không có kỹ năng sống, kém kiến thức khoa học

Hà Tĩnh đã gây hậu quả nghiêm trọng, các dấu hiệu, chứng cứ của hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng, điều cấp bách lúc này là cơ quan chức năng phải khởi tố ngay vụ án về tội gây ô nhiễm nguồn nước theo Điều 183 Bộ Luật hình sự.
Qua đó xác định rõ nguyên nhân của vụ việc, làm rõ nguồn ô nhiễm từ đâu ra để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục.
Nếu qua điều tra, xác minh mà có đầy đủ căn cứ khẳng định thủ phạm là Formosa Hà Tĩnh thì có biện pháp ngăn chặn ngay thảm họa, không để thảm họa kéo dài, đi quá xa, gây hậu quả lâu dài đồng thời buộc người/tổ chức gây ra hâu quả phải có nghĩa cụ bồi thường.
Mặt khác nếu qua điều tra, xác minh vụ án mà có đủ cơ sở khẳng định không phải do Formosa Hà Tĩnh gây ra thì cũng công bố cho toàn thể người dân được biết để tránh những nghi ngờ, áp đặt không có căn cứ để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư đóng góp cho nền kinh tế.  
Để việc điều tra được khách quan cần có sự giám sát chặt chẽ của người dân, các tố chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình điều tra.
Ngay lúc này, các tố chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hội Nông dân, hội nghề cá, Hội nuôi trông thủy sản… cần nhanh chóng tiếp cận, liên hệ với các thành viên, hội viên của mình (nơi bị ô nhiễm) để bàn bạc lên phương án và tính toán các thiệt hại làm căn cứ yêu cầu bối thường khi có kết luận điều tra vụ án gây ô nhiễm môi trường nói trên.
Trong quá trình điều tra, nếu có đầy đủ căn cứ xác định việc gây ra ô nhiễm từ trong nước, do lỗi của con người thì cần thiết phải khởi tố thêm vụ án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ Luật hình sự để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền về quản lý nhà nước, môi trường đã thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên.
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Móng tay quyền lực to hay bé?

(GDVN) - Biến Nhà nước thành công cụ trấn áp là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo vệ Nhà nước, hành động đó cần bị nghiêm trị.


Nhật thực là hiện tượng mặt trời bị mặt trăng che khuất, mặt trăng bé hơn mặt trời rất nhiều sao lại có thể che khuất mặt trời?
Điều này xảy ra khi mặt trời, mặt trăng và Trái Đất nằm trên cùng một đường thẳng và mặt trăng nằm giữa, nghĩa là gần mặt trời hơn Trái Đất. Suy ra rằng, muốn che kín mặt trời, chỉ có thể khi ở rất gần mặt trời.

Một nhóm cán bộ Kiểm sát, Công an cấp huyện ở Bình Chánh có thể ngang nhiên chà đạp công lý, thách thức pháp luật, cùng nhau tìm cách đẩy người dân vào vòng tù ngục chẳng qua cũng giống như nhật thực, vì họ ở gần “mặt trời” hơn dân thường. 

Vụ án “nhỏ như cái móng tay” nhưng lại dẫn tới kết cục là một loạt cán bộ Kiểm sát, sĩ quan Công an huyện Bình Chánh bị tạm đình chỉ công tác và xem xét xử lý sai phạm.

Có người cho rằng đó là kết thúc có hậu và mừng cho chủ quán “Xin Chào” thoát vòng lao lý.

Nhưng người viết không nghĩ như vậy, kết thúc có hậu phải là không ai bị oan sai và không ai bị kỷ luật. 
Móng tay quyền lực to hay bé? (Ảnh minh họa trên: thanhnien.vn)
Khi một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả sĩ quan cao cấp ngành Công an bị xem xét kỷ luật thì đó không còn là “cái móng tay”, đó là sự thật buồn cho công tác tổ chức, cho hệ thống hành pháp, tư pháp nước nhà. 

Có khá nhiều câu hỏi cần đặt ra qua sự kiện này, trước hết là vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, sự chỉ đạo của cấp ủy và lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh.

Vì sao chỉ khi truyền thông vào cuộc thì sự việc mới bị phát hiện,…?

Với những người liên quan, sẽ có hai khả năng có thể xảy ra:

Thứ nhất, do năng lực yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ nên số cán bộ này không có khả năng nhận biết các quy định trong Bộ Luật Hình sự và các luật liên quan về hành vi nào bị truy tố, hành vi nào thì xử lý hành chính. Sự không hiểu biết dẫn tới các quyết định theo cảm tính, trái pháp luật.

Sau Xin Chào, vụ án “cái lều vịt” có còn nhỏ như móng tay?

(GDVN) - Có lẽ, chẳng địa phương nào trên đất nước này lại thực thi pháp luật nghiêm như các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tư cách, đạo đức của cán bộ Kiểm sát, của lãnh đạo và chiến sĩ công an huyện Bình Chánh có vấn đề, họ đã thực hiện hành vi bất chấp công lý, bất chấp pháp luật, vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng chà đạp sinh mệnh chính trị công dân.

Nếu khả năng thứ nhất xảy ra, nghĩa là những người liên quan không đủ năng lực, thì phải đặt câu hỏi vì sao họ lại được tuyển dụng vào ngành và đã thăng tiến với cấp hàm khá cao (đại tá, viện phó kiểm sát cấp quận, huyện)? 

Giả sử khả năng này là đúng thì biện pháp xử lý tốt nhất là buộc thôi việc, cho họ ra khỏi ngành.

Bài học với tội phạm Nguyễn Tường Duy bên Hải quan chắc vẫn còn tính thời sự, nếu để tiếp tục làm việc trong ngành, không có gì đảm bảo chắc chắn họ sẽ không tiếp tục mắc sai lầm.

Nếu khả năng thứ hai xảy ra thì nhiều vấn đề cần tiếp tục xem xét.

Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định tham nhũng là giặc nội xâm, tham nhũng quyền lực nguy hiểm hơn rất nhiều so với tham nhũng kinh tế, tham nhũng vặt… bởi nó khiến người dân mất niềm tin vào sự công tâm của pháp luật, vào đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Câu chuyện quán phở “Xin Chào” và “chiếc lều vịt” ở Bình Chánh khiến những người dân bình thường nhất cũng phải đặt câu hỏi: 

Vì sao sai phạm rất lớn tại 8B Lê Trực – Hà Nội, tại rừng quốc gia Ba Vì, tại rừng phòng hộ Hải Vân chưa (hoặc không) bị truy tố hình sự? 

Vì sao cả dòng sông Ba cạn trơ đáy khiến hàng nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bị đe dọa nhưng không có ai chịu trách nhiệm?

Vì sao chỉ cần chê cán bộ “mặt kênh kiệu” là bị cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc phê bình, kiểm điểm, may nhờ công luận mà không bị xử phạt 5 triệu đồng? 

Luật pháp chỉ có một nhưng vì sao lại được áp dụng khác nhau với mọi người? Chủ biệt phủ trên đèo Hải Vân, chủ tòa chung cư 8B Lê Trực, chủ các biệt thự tại rừng quốc gia Ba Vì… chắc chắn không phải người ít tiền, chắc chắn họ không phải dựng lều chăn vịt. 

Có phải họ thuộc đẳng cấp khác nên luật pháp cũng phải đối xử khác với họ? Liệu có phải những người thực thi pháp luật ở Hà Nội, Đà Nẵng không am tường pháp luật bằng người ở Bình Chánh –thành phố Hồ Chí Minh?

Người dân vốn đã quá quen với hình thức xử lý “rút kinh nghiệm” khi quan chức phạm lỗi, vậy thì bao giờ câu khẩu hiệu treo ở hội trường Đại hội 12: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” mới trở thành hiện thực?

Những năm gần đây, học sinh phổ thông đua nhau vào ngành Công an, Kiểm sát vì nhận thấy những ưu thế của hai ngành này mà các ngành khác, đặc biệt là Giáo dục không thể có. 

Cổ nhân có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nếu bề trên chính trực, nghiêm khắc thì cấp dưới không dám lộng hành, còn nếu chỉ kỷ luật bằng hình thức “rút kinh nghiệm”,

Trên thảm, dưới đinh, ở giữa linh tinh vừa còng vừa … lệ

(GDVN) - Khi người dân chưa hiểu rõ pháp luật thì phải hướng dẫn, giải thích, nếu ngoan cố chống đối thì mới dùng đến biện pháp hình sự.
thậm chí nghỉ hưu ngồi chơi xơi nước rồi cũng rút kinh nghiệm thì chủ trương đổi mới đến bao giờ mới đi vào cuộc sống?
Đến bao giờ hai chữ “công bằng, văn minh” mới không phải là viễn tưởng?

“Tham bát bỏ mâm” là câu ngạn ngữ dạy người ta phải biết nhìn đại cục, đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quên cái lợi lớn lâu dài.

Nếu chúng ta xây dựng đội ngũ cán bộ bằng cách ưu tiên tuyển chọn theo lý lịch, ưu đãi về lương, phụ cấp… kèm theo đó là hình thức xử lý kỷ luật nội bộ, nương nhẹ với người phạm lỗi thì hệ quả sẽ là một đội ngũ đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng. 

Một vài triệu công chức, viên chức không thể có sức mạnh của 90 triệu người dân nước Việt trong việc bảo vệ thể chế. Ưu ái cho đội ngũ công bộc bằng quyền lợi vật chất không bao giờ là đủ, nó chỉ tạo cho người ta tâm lý là làm mọi cách để thu hoạch nhiều hơn. 

Đây chính là tham bát bỏ mâm, chính nó là nguyên nhân đánh mất niềm tin của quần chúng bởi người dân tiếp xúc hàng ngày với đội ngũ cán bộ chứ không phải với chủ trương, đường lối.

Phát biểu của Bí thư Thăng và hành động của "quan" Kiểm sát Dương Ngọc Hải

(GDVN) - Phát biểu của Bí thư Đinh La Thăng và hành động của ông Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là đối lập hoàn toàn với nhau....
Dường như đang có sự ngộ nhận của một bộ phận công chức, viên chức trong bộ máy về quyền mà pháp luật trao cho họ.
Những “đường cong mềm mại”, những câu chuyện “gãi từ vai trở xuống” khiến cho người ta nghĩ rằng mình ở đẳng cấp khác, dù có “gãi” cũng chưa chắc đã gãi đúng chỗ ngứa. 

Người viết cho rằng cần có sự cân nhắc nặng nhẹ giữa việc ưu ái đội ngũ cán bộ và khôi phục niềm tin của người dân.

Một quốc gia văn minh, một nhà nước pháp quyền không thể để tồn tại tình trạng cả hệ thống chính trị một tỉnh vào cuộc chỉ vì một nhận xét “kênh kiệu” của dân với cán bộ, còn người dân có thể bị truy tố không phải vì phạm pháp mà vì người được dân ủy quyền muốn thế. 

Không nên xem việc làm trái chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước chỉ là “lỗi nghề nghiệp”.

Lạm dụng quyền mà pháp luật trao cho để làm lợi cho cá nhân, phe nhóm, xâm phạm quyền hiến định của công dân là hành động biến Nhà nước thành công cụ trấn áp, đó là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo vệ Nhà nước, hành động đó cần bị nghiêm trị.

Bhutan là một quốc gia nhỏ bé, không phải là nước công nghiệp phát triển nhưng quốc gia này từng khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi công bố chỉ số GNH (Gross National Happiness  - tổng hạnh phúc quốc dân). 

Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, chứ không phải dựa trên chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội).

So với người dân các nước tư bản phát triển, người Việt có cuộc sống nghèo hơn, sống nghèo trong an bình có thể là hạnh phúc nhưng sống nghèo lại luôn sợ quan tham thì có nghĩa là hạnh phúc bị đánh cắp, vậy người nghèo còn lại gì cho mình?

Đã đến lúc sửa câu khẩu hiệu “phòng chống tham nhũng” thành “tiêu diệt tận gốc tham nhũng”. Muốn thế cần phải tìm được “cái gốc” tham nhũng, việc đó không một cá nhân, tập thể nào có thể làm được trừ Nhân Dân.
Xuân Dương
(trích báo Giáo dục Việt Nam)