Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Làm chủ cuộc chơi khi nước lớn “đi đêm”

(GDVN) - Nói ra để cho ai đó hiểu rằng đừng có làm liều bởi người Việt dù bị ăn cắp mất nỏ thần nhưng chưa bao giờ đánh mất lòng yêu nước.



Không phải chỉ đến hôm nay, chiến lược “đi đêm” của các nước lớn mới dần dần hé lộ. Ngày 23/8/1939, Liên Xô và Đức quốc xã đã ký kết một hiệp định mang tên “Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên bang Xô viết” (Tiếng Đức: Deutsch-sowjetischer Nichtangriffspakt; Tiếng Nga: Договор о ненападении между Германией и Советским Союзом).

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ribbentrop, trước khi hiệp định được ký kết nói:

"Khi tôi đến Moskva năm 1939 để gặp Nguyên soái Stalin, ông đã thảo luận với tôi về khả năng giải quyết hòa bình cuộc xung đột của Đức và Ba Lan theo hiệp ước Kellogg-Briand, đồng thời ám chỉ rằng nếu ông không nhận được một nửa của Ba Lan và các nước vùng Baltic cùng với Litva chứ không phải chỉ là một cảng Libau thì tôi có thể bay trở lại ngay lập tức”. [1]

Chỉ hơn một tuần sau khi ký hiệp ước với Liên Xô, ngày 1/9/1939 Đức xâm chiếm phía tây Ba Lan, ngày 17/9/1939 quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan. Sau cuộc “đi đêm” này, mỗi bên chiếm một nửa Ba Lan.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, người ta nghe thấy từ Trung Quốc cất lên câu ve vãn “người không động đến ta thì ta không động đến người”.

Năm 1972, Nixon thăm Trung Quốc, sau đó là chiến dịch ném bom do máy bay chiến lược B52 thực hiện nhằm hủy diệt thủ đô Hà Nội.

Sau những lời ve vãn theo kiểu “thỏ thẻ” là đến ngôn ngữ kiểu cao bồi khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố ngay trên đất Mỹ, rằng Trung Quốc sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Hệ quả của những chuyến “đi đêm” này là việc Mỹ bật đèn xanh cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, là cuộc chiến tranh xâm lược của quân đội Trung Quốc dọc toàn bộ tuyến biên giới Việt-Trung, trong đó có những trận đánh được giới bình luận coi là đẫm máu nhất lịch sử châu Á sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Không phải chỉ người Việt thấm thía mà nhân loại cũng nhận thấy, rằng không chỉ Mỹ thành công trong việc chơi con bài Trung Quốc mà Trung Quốc cũng phần nào toại nguyện khi “đi đêm” được với Mỹ trong việc gây áp lực với Việt Nam.

Ts Trần Công Trục: Liệu có khả năng Trung Quốc và Mỹ "đi đêm" ở Biển Đông?

(GDVN) - Mọi thông tin về việc Trung Quốc xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa phi pháp ở Trường Sa từ khi bắt đầu cho đến nay đều do Mỹ "độc quyền" công bố...
Ngày nay chiều hướng có vẻ đang đảo ngược, Trung Quốc dường như đang “chơi con bài Mỹ”.
Khi tiềm lực kinh tế ngang ngửa nhau, khi mục tiêu lãnh đạo thế giới không khác gì nhau thì hai bên chẳng có gì phải giữ ý, vấn đề là giờ này ai làm chủ cuộc chơi?

Với một thị trường gần 1,4 tỷ người, với lượng dự trữ ngoại hối khoảng 3.400 tỷ USD, với kho vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường khổng lồ, thật khó để người ta công khai đối nghịch với một Trung Quốc vừa lắm tiền, nhiều đạn, vừa hung hăng, ngạo mạn.

Có bốn cách xử thế mà các quốc gia đang thực hiện trong quan hệ với Trung Quốc:

- Làm ngơ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi quốc gia;

- Kết thân với Trung Quốc để giải quyết khó khăn nội bộ;

- Làm căng với Trung Quốc để chiếm lợi thế trong các cuộc “đi đêm”;

- Xúi giục nước khác đương đầu với Trung Quốc còn mình “ngư ông đắc lợi”.

Cách xử thế thứ nhất thuộc về các nước không có mâu thuẫn đặc biệt về lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có một số nước thuộc khối ASEAN thường xuyên nhận viện trợ từ Trung Quốc hoặc có quan hệ kinh tế gắn liền với Trung Quốc.

Có nước dù nhận thấy nguy cơ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ song vẫn không dám lên tiếng mạnh mẽ, thậm chí còn giả bộ không biết khi hải quân Trung Quốc chào cờ tuyên bố chủ quyền chỉ cách bờ biển nước này có 80 km.
Có nước chỉ vì một ít viện trợ mà quên cái họa diệt chủng đã từng xảy ra với hàng triệu công dân nước mình…

Cách xử thế thứ hai thuộc về một số nước đang vấp phải những khó khăn nội tại về chính trị như Hàn Quốc, hoặc về kinh tế như Liên bang Nga.
Sự đối đầu giữa hai miền Triều Tiên dẫn tới nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào khiến người Hàn Quốc luôn không dám làm mất lòng quốc gia vốn được coi là “bảo mẫu” của Bắc Hàn.
Không những thế giao lưu Trung-Hàn nếu bị gián đoạn do các nguyên nhân chính trị có thể đẩy nền kinh tế Hàn Quốc vào thảm họa. 
Nước Nga ngày nay vẫn là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới song nền kinh tế bị phương Tây cấm vận đang khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt, đồng rúp mất giá, đời sống người dân lâm vào khó khăn.

Sự im lặng (hay ủng hộ?) của Trung Quốc với Nga trước những diễn biến xảy ra tại Ukraina được đánh đổi bằng sự im lặng của Nga trước sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này không có gì là khó hiểu.

Chơi dao ắt có ngày đứt tay, điều này không phải người Nga không biết. Chỉ hai năm sau khi Xô-Đức ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau, xe tăng quân đội Đức quốc xã đã tiến đến cửa ngõ Matxcơva. Hơn hai mươi triệu người Liên Xô đã chết trong cuộc chiến chống phát xít.

Mới đây, người Nga đã công khai tuyên dương các anh hùng trong cuộc chiến biên giới Xô-Trung. Trong tương lai, lấy gì bảo đảm rằng tên lửa, tàu ngầm, máy bay mà Nga bán cho Trung Quốc không được lập trình với đích đến là thành phố Saint Petersburg?

Lấy gì đảm bảo rằng các cuộc tấn công mạng xuất phát từ căn cứ bí mật tại Thượng Hải chỉ nhằm vào Mỹ mà không nhằm vào Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức…?
Lính gác tại tòa nhà được cho là “căn cứ” của “quân đoàn tin tặc bí ẩn” tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.(ảnh Baotintuc.vn)
Cách xử thế thứ ba được cho là chiến lược hiện tại của một số nước phương tây, chẳng hạn một số nhà ngoại giao, tướng lĩnh Hoa Kỳ có những tuyên bố mạnh mẽ phê phán hành động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng đồng thời cũng xem sự hợp tác với Trung Quốc là “mô hình khôn ngoan” bảo đảm lợi ích của nước Mỹ.

Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đề xuất một thỏa thuận của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương với Cảnh sát biển Trung Quốc “cùng duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.

Hải quân Mỹ rõ ràng đã nhận thấy đối đầu với lực lượng hùng hậu hơn 200 tàu cảnh sát biển có vũ trang khá mạnh của Trung Quốc không phải là chuyện đơn giản.
Là tướng ngoài chiến trường, trực tiếp ngồi máy bay quan sát thực địa, Scott Swift thừa biết các tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều chiếc thực chất là tàu chiến hải quân được cải tạo lại.

Nếu hải quân Mỹ và cảnh sát biển Trung Quốc có những thỏa thuận tránh đối đầu thì liệu thỏa thuận đó có mở rộng cho tất cả các quốc gia có lực lượng tàu dân sự và quân sự qua lại Biển Đông hay chỉ bó hẹp giữa hai nước?

Trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể thấy rõ quan điểm của Mỹ thể hiện qua phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Russel, rằng “giải pháp ngoại giao sẽ tiếp tục là công cụ giải quyết đầu tiên của Washington”. [3]

Không thể không đặt câu hỏi “giải pháp ngoại giao” ấy có bao hàm một cuộc “đi đêm” mới, liệu nó có đặt quyền lợi của các nước đang bị đe dọa lên trên quyền lợi của Hoa Kỳ?
Thế giới không lạ gì nền “ngoại giao bóng bàn” giữa Mỹ và Trung Quốc mang lại lợi ích cho ai và thiệt hại cho ai.

Cách xử thế thứ tư có thể thấy qua những tuyên bố hùng hồn về chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, với việc tuyên bố sẽ chuyển 60% lực lượng sang khu vực này.

Có điều không phải ai cũng nhận thấy, rằng chỉ với việc viện trợ vài cái tàu vừa bé, vừa cũ trị giá vài chục triệu USD cũng đã khiến một số người từ chỗ nghi ngờ bỗng hoan hỉ đặt niềm tin vào “sức mạnh Mỹ”, thay Mỹ đối đầu với đối thủ của Mỹ.

Cần phải biết rằng, như số liệu nêu trong bài viết trên Infonet.vn ngày 16/3/2012, mỗi năm Mỹ viện trợ cho Israel gần 3 tỷ USD. [2] Nếu so với khoản viện trợ mà Mỹ “hào phóng” cung cấp cho “bạn bè” châu Á thì có nên nhắc đến?

Trên thế giới ngày nay, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu đặt trọn niềm tin vào những “lời có cánh”. Không có bất kỳ cơ sở nào cho một “niềm tin vững chắc” vào bất kỳ “người bạn” nào dù là ở góc độ ý thức hệ, lịch sử hay kinh tế, chính trị.

Sự “đi đêm” của các nước lớn là bản chất cố hữu không bao giờ thay đổi, theo dõi với sự cảnh giác cao độ các cuộc “đi đêm” là cần thiết nhưng không phải là thượng sách, cần phải bằng hành động khiến những cuộc “đi đêm” ấy không xảy ra mới là điều nước nhỏ cần làm.

Làm chủ cuộc chơi không  phụ thuộc vào nước nhỏ hay lớn mà phụ thuộc vào tư thế quốc gia, bản lĩnh, ý chí và trình độ của người lãnh đạo.

Chiến lược mới của Mỹ ở Biển Đông có gì đáng lưu ý?

(GDVN) - Chiến lược mới lần này cũng thiếu vắng quy định cho bất kỳ lệnh trừng phạt nào được áp dụng cho hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo...
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã phớt lờ Nhà Trắng khi đến thăm và phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ. Bbc.com/vietnamese đánh giá hành động của Thủ tướng Israel:

Đó là những hình ảnh trên truyền hình mà quý vị không thể nào có được trong bất cứ cuộc vận động tranh cử nào khi mà các nghị sỹ Mỹ liên tục đứng lên dành cho ông Netanyahu những tràng pháo tay”. [4]

Dù chỉ trích ông Netanyahu diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ (theo lời mời của Đảng Cộng hòa) thì Tổng thống Mỹ cũng không thể cắt viện trợ quân sự cho Israel và bài báo nêu trên kết luận:

Các đối thủ của ông Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử sắp tới đối mặt với một tình huống khó khăn khi mà những tràng pháo tay dành cho bài diễn văn của ông ở Washington bắt đầu lắng xuống.
Họ có cảm giác rất bức bối khi nhìn thấy ông ấy bước lên vũ đài thế giới và xem ông ấy phát biểu qua truyền hình”.

Các nhà lãnh đạo phương Tây khi phát biểu trước đông người, kể cả những cuộc gặp gỡ quan trọng, rất ít khi có sẵn một tờ giấy trong túi. Trình độ và trí tuệ cho phép họ ghi nhớ những gì cần nói mà không cần tờ giấy chuẩn bị sẵn của ban thư ký.

Ngăn chặn các cuộc “đi đêm” không thể dựa vào “tình nghĩa” hay “lý tưởng”, chỉ có thể dựa vào sức mạnh nội lực và cái lợi (từ các nước nhỏ) mà nước lớn không thể bỏ qua.

Một đất nước với 90 triệu dân, rộng hơn 300.000 kilômét vuông không thể cứ mãi tự xưng là nước nhỏ.
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng mơ ước được làm thủ tướng một đất nước có nguồn tài nguyên dồi dào, có một dân tộc thông minh, cần cù như Việt Nam, chẳng lẽ mong muốn của ông Lý Quang Diệu không nói lên điều gì?

Suy cho cùng, các nước nhỏ không thể trách nước lớn “đi đêm” trên lưng mình, chỉ có thể trách bản thân biết người ta “đi đêm” mà vẫn cam chịu.

Nói chuyện “đi đêm” giữa các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc có thể là thừa bởi chính trị là như vậy, nhưng vẫn phải nói bởi nếu không nói thì người ta cứ nghĩ rằng người Việt ngây thơ mất cảnh giác từ thời An Dương Vương đánh mất nỏ thần vào tay Triệu Đà.

Nói ra để cho ai đó hiểu rằng đừng có làm liều bởi người Việt dù bị ăn cắp mất nỏ thần nhưng chưa bao giờ đánh mất lòng yêu nước.
Tài liệu tham khảo:
[1https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87p_%C6%B0%E1%BB%9Bc_X%C3%B4-%C4%90%E1%BB%A9c (IMT XXII P.374. Dẫn theoYu. N. Zorya, N. S. Lebedeva. Tài liệu về năm 1939. Tốc ký tại Nuremberg. Tập 137.)
[4] http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/03/150304_netanyahu_speech_us

Xuân Dương
(Trích báo Giáo dục Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét