Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Con cháu bất hiếu vì đâu?

(GDVN) - Trong tư tưởng văn hoá phương Đông – hiếu thảo được xếp đứng đầu trong thang giá trị đạo đức của con người, do đó – tội bất hiếu được xem là một trọng tội.
LTS: Quý vị đang đọc bài viết của tác giả Trần Danh Tuyên, quân nhân, hiện đang công tác tại Đại đội 25, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu II - Chí Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ.
Với tư cách một người cha, tác giả đã nêu lên một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm: sự hiếu đễ của con trẻ ngày nay.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Vài năm trở lại đây, những chuyện con cháu ngược đãi, bất hiếu với ông bà, cha mẹ xảy ra ngày càng phổ biến và với tần suất đáng báo động. 
Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, người ta thường hay đổ lỗi cho sự tác động của văn hoá ngoại lai, sự du nhập lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, ích kỷ, hẹp hòi... 
Tuy nhiên không mấy khi người ta đề cập tới trách nhiệm của chính những bậc làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái.
Thầy giáo tôi thời đại học đã nói một khiến tôi nhớ mãi. Thầy bảo: “Con người giống như viên gạch, và gia đình chính là cái lò gạch. Nếu viên gạch được nung đủ lửa ở trong lò thì khi ra ngoài trời, dù nó có phải dầm mưa dãi nắng, phải ngâm xuống bùn lầy hoặc bị nghiền nát đi chăng nữa thì bản chất của nó vẫn là gạch”. 
Thực tế cho thấy gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, nền tảng góp phần hình thành nên nhân cách của con người.
Song có không ít những ông bố, bà mẹ đã vô tình giết chết sự ngây thơ, trong sáng và cả nhân cách của con cái mình mà họ không hề hay biết. 
Phải chứng kiến cái cảnh bố mẹ và các cô chú phân công nhau chăm sóc ông bà, họ đùn đẩy cho nhau, có khi chỉ vì nhanh chậm “tiếp quản” đấng sinh thành một vài ngày mà cũng nảy sinh bất hoà, anh em cãi vã. 
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của con người
Vậy nên tôi đã không ngạc nhiên khi người em của bạn tôi rất vô tư nói rằng: “bố mẹ phải chăm sóc em vì trách nhiệm”. 
Đó là lời nói của một học sinh lớp 9! Nơi tâm hồn còn ngây thơ, trong sáng của cô bé không hề có khái niệm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, chỉ có trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm.
Trường hợp khác, một người mẹ đã dạy cho cô con gái mới lên lớp 8 của mình cách dùng “thủ đoạn” để tranh giành “thứ hạng” ở trên lớp - khi thành tích học tập cô bé thấp hơn bạn. 
Không những thế, bà còn dạy con mình sẵn sàng làm mọi việc miễn là có lợi cho bản thân. Cùng với đó là sự cung phụng, chăm sóc đặc biệt như một cô công chúa… 
Người mẹ ấy không thể nghĩ được rằng bà đang từng ngày, từng giờ đầu độc tâm hồn con của gái mình, bà đang tạo ra một con người ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân. 
Không lâu sau đó, từ một con ngoan, trò giỏi – Chẳng ai ngờ được rằng cô bé đó lại rời ghế nhà trường cùng với thành tích bất hảo. 
Có thời gian cô bỏ nhà ra đi, nhập vào cuộc sống “bầy đàn” cùng với đám bạn bụi đời. Lần trở về nhà cũng là lần cô lớn tiếng đe doạ sẽ đưa “tam mao” về “xử thằng già” – người trước đây cô vẫn hay gọi là bố.
Có gia đình hai vợ chồng thường xuyên xảy ra xích mích vì đủ thứ chuyện. Trước mặt con cái, nếu một trong hai người vắng mặt thì người vắng mặt sẵn sàng bị nói xấu đủ điều với những từ ngữ mang đầy tính miệt thị… 
Khi bố mẹ không có sự tôn trọng lẫn nhau thì những đứa con có thể tôn trọng bố mẹ của chúng hay không? 
Còn những ông bố, bà mẹ chỉ biết dùng đến roi vọt để cưỡng ép con cái phải theo những điều mà họ cho là phải, thay vì giáo dục, thuyết phục để chúng hiểu cái gì là đúng và cái gì là sai. Liệu họ có nghĩ được rằng: roi vọt chỉ làm những đứa trẻ trở nên lỳ lợm, khó bảo hơn, sẽ tạo cho chúng thói quen giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực?
Đó chỉ là một vài trường hợp tiêu biểu, không hẳn là phổ biến trong xã hội nhưng nhiều người trong chúng ta dã một lần gặp phải. Trong xã hội còn rất nhiều những gia đình, những ông bố, bà mẹ như vậy. 
Song hầu hết không mấy ai trong số họ ý thức được hậu quả từ lời nói, việc làm của mình sẽ gây tác động to lớn như thế nào đối với những đứa trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách. 
Và cũng không mấy khi họ có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc, đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với những lỗi lầm mà con cái mình mắc phải.
Giáo lý nhà Phật chỉ ra rằng: “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Bậc làm cha, làm mẹ khi sinh ra đứa con, họ chính là những người đầu tiên gieo vào tâm hồn đứa trẻ những thứ làm nền tảng hình thành nên nhân cách về sau. Gieo điều thiện thì hầu hết trẻ em lớn lên sẽ trở thành con người có nhân cách tốt, hiếu kính với bề trên. 
Và ngược lại - nếu họ gieo điều ác thì không có gì để đảm bảo rằng sau này đứa trẻ ấy sẽ trở nên người lương thiện. Cho nên đối với những chuyện đau lòng xảy ra trong gia đình – trước hết phải nói tới trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ trong việc dạy dỗ và làm gương cho con cái noi theo.
Trần Danh Tuyên
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét