Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Rượu ăn mòn não người uống ra sao?

Người ta thường nghĩ uống rượu ít thì tốt cho sức khỏe nhưng dù ít hay nhiều nó vẫn là chất độc với cơ thể con người.

Lý do uống rượu: Có một số đông người tìm đến rượu là vì muốn giải quyết một vấn đề gì đó về mặt tâm lý như những áp lực, xung đột nội tâm; những buồn chán, thất bại trong cuộc sống, công việc, tình cảm... Thay vì phải đến bác sĩ, nhà tâm lý học
Uống rượu thường xuyên dần dần sẽ trở thành thói quen: lâu ngày sẽ bị lệ thuộc rượu cả về mặt cơ thể và tâm lý. Nhưng nếu ngưng uống rượu đột ngột cũng sẽ gây ra triệu chứng vật vã, co giật, toát mồ hôi... và nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.
Thói quen uống rượu khi ăn cơm: một số người có thói quen cứ đến bữa cơm phải có một ly rượu nhỏ, một lon bia... thì ăn cơm mới ngon miệng, đó cũng là nghiện nhưng ở mức độ nhẹ. Tốt nhất là không nên uống liên tục, thường xuyên vì rượu là chất độc.
Uống rượu bổ, rượu thuốc hay rượu chát... cũng chỉ nên uống một thời gian, trong lúc bị bệnh, uống để trị liệu. Nếu uống thường xuyên có thể tạo thành thói quen nghiện rượu rất khó bỏ.
Hủy hoại tế bào não: Lâu nay người ta thường nghĩ rượu chỉ gây hại cho gan, phổi, thận. Nhưng thực chất rượu còn rất độc đối với hệ thần kinh trung ương, não, làm hủy hoại tế bào não.
Bệnh loạn thần: Khi nghiện rượu nặng, kéo dài sẽ gây ra bệnh loạn thần do rượu là có những hành vi gây nguy hiểm, gây thương tích, đánh đập... người thân, người xung quanh, hoặc đập phá đồ đạc... Họ có thể có hoang tưởng, ảo giác.
Thay đổi con người: Uống rượu càng nhiều, liều càng cao thì não càng bị hủy hoại nặng. Rượu hủy hoại tế bào não nên mới có hiện tượng say rượu (không còn ý thức được hành vi), dẫn đến suy thoái về suy nghĩ, thay đổi con người.
Bất ổn trong gia đình: Người nghiện rượu gây hại về mặt thể chất (bị đánh đập...) cho những người thân xung quanh và gây ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần, tâm lý. bị căng thẳng tâm lý, lo âu, sợ sệt.
Tạo bạo hành ‘dây chuyền’: hành vi bạo hành do uống rượu còn gây bạo hành ‘dây chuyền’ trong gia đình, bố bạo hành với con, anh bạo hành đối với em, em bạo hành với em nhỏ hơn nữa...
Hủy hoại nhân cách: Người uống rượu quá nhiều và thường xuyên gây hủy hoại thần kinh kéo theo hủy hoại nhân cách. Nhất là khi người nghiện lại có vị trí cao trong xã hội, có mối quan hệ rộng trong làm ăn, là người có ảnh hưởng tới nhiều người...
Rượu biến người uống thành con người không còn giá trị: Dù khi say rượu người ta không còn ý thức được hành vi của mình, nhưng khi đã gây ra nguy hiểm cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.
Cai rượu: Cũng như nghiện thuốc lá, ma túy... nếu có quyết tâm, ý chí thì người nghiện rượu cũng có thể bỏ được. Tuy nhiên, muốn ngưng uống rượu cũng phải qua một thời gian để điều trị, cai nghiện.
Theo Báo Đất Việt

Các bác thì "lợi”, dân thì còn… răng!

Dân trí) - Dân chúng em không có tầm “nhìn xa, trộng rộng” như các bác mà chỉ mong dù chỉ một lần nhìn thấy tận mắt từ EVN ba chữ “hạ giá điện”. Còn xin gửi lại bác hai chữ “sẽ hạ” cùng điệp khúc “tăng tăng”. Và thật lòng, có lẽ chỉ các bác là thấy là có lợi, còn dân chúng em thì chỉ thấy còn... răng, phải không các bạn?!
 >>   EVN: Giá điện nhẽ ra tăng 12,8%!
 >>   Điện tăng giá, ai là người hưởng lợi?

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Vào Google hồi 12g ngày 27/8/2015, tìm “tăng giá điện” thấy khoảng 1,23 triệu kết quả (0,24 giây). Tìm “giảm giá điện”, có tới 37,2 triệu kết quả.
Điều khác nhau “nho nhỏ” là ở “tăng giá điện” hầu như chỉ thấy thông báo việc tăng giá bán điện và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Còn “giảm giá điện” thì chỉ thấy giảm giá đồ điện, các sản phẩm liên quan đến điện còn tuyệt nhiên không có bất cứ một kết quả nào cho giảm giá bán điện.
Ở nước ta, điện là mặt hàng kỳ lạ!
Vàng có khi lên khi xuống. Đất có lúc sốt, lúc đóng băng. Xăng có tăng, có giảm. Tất cả, tất cả đều có giảm, có tăng, có lên, có xuống nhưng duy nhất chỉ có mặt hàng điện là tuyệt nhiên không có giảm mà chỉ có tăng không ngừng nghỉ.
Tăng, tăng, tăng và tăng! Tăng rồi, tăng tiếp, tăng nữa… Đó là cái điệp khúc có lẽ ra đời từ thủa khai sinh của ngành điện lực nước nhà.
Lần tăng giá gần đây nhất là từ 15/3/2015, giá điện tăng 7,5%. Do giá điện tăng từ giữa tháng, đến cuối tháng mới tính tiền nên tác động đến đời sống chưa mạnh nhưng hết tháng 4, khi mà số tiền điện tăng phải trả sẽ là cả tháng, lúc đó chắc nhiều người mới… giật mình ngã ngửa.
Thế nhưng lần tăng giá điện này có điều đặc biệt, nói theo các bác quan chức công thương và ngành điện lực thì tất cả… đều vui.
Cách đây gần 2 tháng (3/2015), tại cuộc họp về điều chỉnh tăng giá điện, bác Đinh Quang Tri, Tổng Giám đốc EVN cho biết đáng ra giá điện phải tăng 12,8% thay vì 7,5% như vừa qua.
Ui cha! Cám ơn bác Tri vì bác đã không làm cái điều “đáng ra” ấy.
Thế nhưng bác Tri còn cảnh báo rằng giá điện của Việt Nam tới đây sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nếu như nhu cầu điện tăng quá nóng, phải đầu tư nhà máy giá thành cao, vay vốn với điều kiện không thuận thì sẽ đẩy giá mua điện cao…
Tóm lại là theo qui luật “tăng tăng tăng” của ngành điện, đây có thể là lời tuyên báo giá điện sẽ tiếp tục tăng cao và tăng tiếp.
Thế nhưng dân chúng còn mừng hơn nữa cùng vào thời điểm đó, bác Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định việc tăng giá điện sẽ khiến người dân được lợi.
"Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất". bác Thắng lý giải về lý do "người dân được lợi".
Hơ! Phân tích như bác thì chỉ có... siêu đúng trở lên. Nó không chỉ đúng với ngành điện mà đúng với tất cả mọi ngành.
Ví như giao thông, tăng phí thì sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, sẽ mở rộng được nhiều con đường hơn và đường sá cũng hiện đại hơn.
Tăng giá thuốc cũng có thể lập luận tương tự rằng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, chất lượng tốt hơn…
Giá sữa tăng cũng từa tựa thế!
Nhưng dân chúng em không có tầm “nhìn xa, trộng rộng” như các bác mà chỉ mong dù chỉ một lần nhìn thấy tận mắt từ EVN ba chữ “hạ giá điện”. Còn xin gửi lại bác hai chữ “sẽ hạ” và điệp khúc “tăng tăng”.
Và thật lòng, có lẽ chỉ bác là thấy tăng giá điện là có lợi, còn dân chúng em thì chỉ thấy còn.. răng, phải không các bạn?!
Bùi Hoàng Tám
(trích báo Dân Trí)

Nguyên đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh: 'Đừng độc quyền yêu nước'

"Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống", nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh chia sẻ nhân 40 năm Ngày Thống nhất.
Là thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà tham gia đàm phán hiệp định Paris 1973, xin ông cho biết nội dung về hoà hợp dân tộc được đề cập như thế nào trong suốt quá trình này?
Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam ở thủ đô nước Pháp, bắt đầu từ ngày 13/5/1968 và kết thúc vào ngày 27/1/1973. Đây là cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam chủ động đề xướng. Còn Mỹ, bị thất bại nặng nề nên chấp nhận thương lượng để tìm lối thoát danh dự.
"Không nên coi những người có ý kiến trái chiều là chống đối, mà cần đồng thuận với họ để có ý kiến phản biện. Cần hết sức khiêm nhường, đừng độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải - xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước", nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh.
Thời kỳ đầu, tư tưởng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là buộc Mỹ rút, lập chính phủ liên hiệp đoàn kết toàn dân ở tất cả các lực lượng gồm cách mạng, đối địch và lực lượng thứ ba. Lúc này, hoàn toàn chưa có khái niệm hòa hợp dân tộc. Cuộc đàm phán diễn ra với cục diện "vừa đánh, vừa đàm", ở cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Cuộc đàm phán Paris diễn ra hơn 3 năm vẫn bế tắc. Năm 1972, Việt Nam đề ra đường lối tìm cách mở đường cho Mỹ rút với khẩu hiệu "Mỹ rút, Sài Gòn còn, miền Nam giữ nguyên trạng". Lúc này, phải liên kết các lực lượng miền Nam thì vấn đề hòa hợp dân tộc mới được đặt ra, đưa vào dự thảo Hiệp định và bàn kỹ. 
Lúc đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là chính phủ liên hiệp ba thành phần, nhưng Mỹ không chấp nhận vì chính phủ mới có nghĩa là thủ tiêu Sài Gòn. Vì thế mới đổi thành "một chính quyền hòa hợp dân tộc" vì khi Mỹ rút, hai chính quyền sẽ song song tồn tại, cần thực hiện hòa hợp, hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, Mỹ chỉ nhận rút quân chứ không đồng ý lập chính quyền, vì thế kết quả đàm phán là sẽ thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử và đôn đốc thi hành Hiệp định.
bac-Huynh-5634-1430135673.jpg
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh từng là thành viên đoàn đàm phán Paris từ khi bắt đầu cho đến khi Hiệp định được ký kết. Sau đó làm đại sứ Việt Nam tại Mozambique. Từ khi nghỉ hưu ông chuyên nghiên cứu về lịch sử ngoại giao nước nhà. Ảnh: Hoàng Thùy.
Sau ngày 30/4/1975, Việt Nam thống nhất được đất nước, thế nhưng hàng chục nghìn người dân miền Nam lại rời bỏ quê hương. Đâu là lý do thưa ông?
Năm 1998 tôi đi công tác ở Mỹ, họ sắp xếp một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam với sự tham dự của 1.000 sinh viên và hơn 100 giáo sư, trao đổi trong nhiều giờ tại Đại học Brown. Trong mấy chục câu hỏi sinh viên đưa lên có một câu với nội dung: "Thưa ngài, các ngài thuộc phe thắng lợi, đưa lại hoà bình cho đất nước theo như các ngài nói, nhưng tại sao khi các ngài vào Sài Gòn thì có hàng triệu người bỏ ra đi?".
Tôi đã trả lời rằng: Trong suốt thời gian chiến tranh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều tuyên truyền rằng Cộng sản rất độc ác. Thế nên khi đất nước vừa thống nhất, chúng tôi vào tiếp quản, nhiều người dân miền nam đã quyết định ra đi. Ngoài ra, Việt Nam vốn là nước nghèo, khi Mỹ vào nền kinh tế phát triển hơn. Khi Mỹ rút đi, chúng tôi chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu của một bộ phận. Cuối cùng, chúng tôi đánh nhau giỏi, nhưng vấn đề tranh thủ lòng dân lại chưa tốt. Sau ngày 30/4/1975, rất nhiều người ra đi, nhưng dù họ đi đâu cũng vẫn là công dân Việt Nam. Chúng tôi luôn khuyến khích họ liên lạc, về thăm hay trở về quê hương.
Hòa hợp dân tộc, hòa hợp 2 miền Nam - Bắc được nhà nước thực hiện như thế nào sau ngày thống nhất?
- Khi vào tiếp quản Sài Gòn, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã nói không nên coi ai thắng ai thua. Bởi đây là chiến thắng của dân tộc, của sự nghiệp độc lập. Chủ tịch UBND TP HCM lúc đó, ông Võ Văn Kiệt cũng cho rằng người của cả hai bên hiện diện trong hàng vạn gia đình nên phải thực hiện hoà hợp dân tộc. Bởi vậy, nhiều người thuộc lực lượng thứ ba đã được giữ lại, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đều được tự do...
Nhưng tinh thần đó không được mở rộng, phổ biến rộng rãi nên một số lãnh đạo đã phạm sai lầm, nhiều cái sai của miền Bắc lại được áp dụng vào miền Nam...
Hầu hết những sai lầm này đều do tư tưởng kẻ thắng người thua. Nếu như đặt lợi ích dân tộc lên trên thì sẽ ít sai lầm. Gần đây, việc hòa hợp dân tộc đã được chú trọng hơn.
- Vậy theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện hoà hợp dân tộc?
- Hoà hợp dân tộc là truyền thống của nhân dân ta. Phật hoàng Trần Nhân Tông khi có danh sách người làm tay sai cho quân Mông đã mang đi đốt. Đó là tư tưởng hoà hợp dân tộc, độ nhân độ lượng cần phải học hỏi.
Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, lối sống, văn hoá, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp dân tộc phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống. Người cầm quyền cần phải có chính sách, thái độ ứng xử, đường lối đúng, như vậy mới tranh thủ được hoà hợp.
Hiện nay, ta kêu gọi đoàn kết xây dựng đất nước, nhưng khẩu hiệu rộng quá, phải tìm khái niệm hẹp hơn. Cái cần nhất bây giờ là Chính quyền phải làm sao tập hợp được những trí thức lớn, tranh thủ đồng thuận, lắng nghe phản biện, tranh luận. Đồng thuận không mới nhưng lúc này càng cần phải làm, phải tranh thủ. Muốn đồng thuận phải tư duy mới, những gì trở ngại cho đồng thuận thì phải sửa.
Không nên coi những người có ý kiến trái chiều là chống đối, mà cần đồng thuận với họ để có ý kiến phản biện. Cần hết sức khiêm nhường, đừng độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải - xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước.
Cần phải khẳng định rằng, tất cả người Việt ở nước ngoài đều là một bộ phận của dân tộc, vì vậy không chia ra Việt kiều yêu nước, nói vậy thì bộ phận còn lại là không yêu nước hay sao? 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân:
"Việc chia thành 2 phe trong một đất nước trong thời chiến là điều không ai mong muốn, nhưng đó là thực tế lịch sử. Từ năm 1946, khi chúng ta giành chính quyền sau cách mạng tháng Tám có những người đứng ở bên phía Pháp, nhưng Hồ Chủ tịch đã nói: 'Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay, trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tinh thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang'.
Tôi nghĩ rằng cách nhìn của Bác, lời dạy của Bác từ đó đến nay đã thấm trong lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ cũng như nhân dân trong cả nước. Cho dù có lúc đứng đối diện với nhau, cho dù có những khi đã chĩa súng vào nhau, dù mỗi bên đều đã mất mát người thân của mình nhưng nhớ lại lời dạy của Bác thì chúng ta đều một gốc cả, đều là con cháu vua Hùng, đều có lòng yêu nước. Bác Hồ nói rất  hay "ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc", đó chính là điểm tựa của chúng ta để cùng hướng về quê hương.
Hoàng Thùy thực hiện
Trích báo Vnexpress.net

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Con cháu bất hiếu vì đâu?

(GDVN) - Trong tư tưởng văn hoá phương Đông – hiếu thảo được xếp đứng đầu trong thang giá trị đạo đức của con người, do đó – tội bất hiếu được xem là một trọng tội.
LTS: Quý vị đang đọc bài viết của tác giả Trần Danh Tuyên, quân nhân, hiện đang công tác tại Đại đội 25, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu II - Chí Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ.
Với tư cách một người cha, tác giả đã nêu lên một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm: sự hiếu đễ của con trẻ ngày nay.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Vài năm trở lại đây, những chuyện con cháu ngược đãi, bất hiếu với ông bà, cha mẹ xảy ra ngày càng phổ biến và với tần suất đáng báo động. 
Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, người ta thường hay đổ lỗi cho sự tác động của văn hoá ngoại lai, sự du nhập lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, ích kỷ, hẹp hòi... 
Tuy nhiên không mấy khi người ta đề cập tới trách nhiệm của chính những bậc làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái.
Thầy giáo tôi thời đại học đã nói một khiến tôi nhớ mãi. Thầy bảo: “Con người giống như viên gạch, và gia đình chính là cái lò gạch. Nếu viên gạch được nung đủ lửa ở trong lò thì khi ra ngoài trời, dù nó có phải dầm mưa dãi nắng, phải ngâm xuống bùn lầy hoặc bị nghiền nát đi chăng nữa thì bản chất của nó vẫn là gạch”. 
Thực tế cho thấy gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, nền tảng góp phần hình thành nên nhân cách của con người.
Song có không ít những ông bố, bà mẹ đã vô tình giết chết sự ngây thơ, trong sáng và cả nhân cách của con cái mình mà họ không hề hay biết. 
Phải chứng kiến cái cảnh bố mẹ và các cô chú phân công nhau chăm sóc ông bà, họ đùn đẩy cho nhau, có khi chỉ vì nhanh chậm “tiếp quản” đấng sinh thành một vài ngày mà cũng nảy sinh bất hoà, anh em cãi vã. 
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của con người
Vậy nên tôi đã không ngạc nhiên khi người em của bạn tôi rất vô tư nói rằng: “bố mẹ phải chăm sóc em vì trách nhiệm”. 
Đó là lời nói của một học sinh lớp 9! Nơi tâm hồn còn ngây thơ, trong sáng của cô bé không hề có khái niệm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, chỉ có trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm.
Trường hợp khác, một người mẹ đã dạy cho cô con gái mới lên lớp 8 của mình cách dùng “thủ đoạn” để tranh giành “thứ hạng” ở trên lớp - khi thành tích học tập cô bé thấp hơn bạn. 
Không những thế, bà còn dạy con mình sẵn sàng làm mọi việc miễn là có lợi cho bản thân. Cùng với đó là sự cung phụng, chăm sóc đặc biệt như một cô công chúa… 
Người mẹ ấy không thể nghĩ được rằng bà đang từng ngày, từng giờ đầu độc tâm hồn con của gái mình, bà đang tạo ra một con người ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân. 
Không lâu sau đó, từ một con ngoan, trò giỏi – Chẳng ai ngờ được rằng cô bé đó lại rời ghế nhà trường cùng với thành tích bất hảo. 
Có thời gian cô bỏ nhà ra đi, nhập vào cuộc sống “bầy đàn” cùng với đám bạn bụi đời. Lần trở về nhà cũng là lần cô lớn tiếng đe doạ sẽ đưa “tam mao” về “xử thằng già” – người trước đây cô vẫn hay gọi là bố.
Có gia đình hai vợ chồng thường xuyên xảy ra xích mích vì đủ thứ chuyện. Trước mặt con cái, nếu một trong hai người vắng mặt thì người vắng mặt sẵn sàng bị nói xấu đủ điều với những từ ngữ mang đầy tính miệt thị… 
Khi bố mẹ không có sự tôn trọng lẫn nhau thì những đứa con có thể tôn trọng bố mẹ của chúng hay không? 
Còn những ông bố, bà mẹ chỉ biết dùng đến roi vọt để cưỡng ép con cái phải theo những điều mà họ cho là phải, thay vì giáo dục, thuyết phục để chúng hiểu cái gì là đúng và cái gì là sai. Liệu họ có nghĩ được rằng: roi vọt chỉ làm những đứa trẻ trở nên lỳ lợm, khó bảo hơn, sẽ tạo cho chúng thói quen giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực?
Đó chỉ là một vài trường hợp tiêu biểu, không hẳn là phổ biến trong xã hội nhưng nhiều người trong chúng ta dã một lần gặp phải. Trong xã hội còn rất nhiều những gia đình, những ông bố, bà mẹ như vậy. 
Song hầu hết không mấy ai trong số họ ý thức được hậu quả từ lời nói, việc làm của mình sẽ gây tác động to lớn như thế nào đối với những đứa trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách. 
Và cũng không mấy khi họ có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc, đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với những lỗi lầm mà con cái mình mắc phải.
Giáo lý nhà Phật chỉ ra rằng: “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Bậc làm cha, làm mẹ khi sinh ra đứa con, họ chính là những người đầu tiên gieo vào tâm hồn đứa trẻ những thứ làm nền tảng hình thành nên nhân cách về sau. Gieo điều thiện thì hầu hết trẻ em lớn lên sẽ trở thành con người có nhân cách tốt, hiếu kính với bề trên. 
Và ngược lại - nếu họ gieo điều ác thì không có gì để đảm bảo rằng sau này đứa trẻ ấy sẽ trở nên người lương thiện. Cho nên đối với những chuyện đau lòng xảy ra trong gia đình – trước hết phải nói tới trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ trong việc dạy dỗ và làm gương cho con cái noi theo.
Trần Danh Tuyên
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Trắng trợn đến như thế!

(Dân trí) - Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện 3 cán bộ xã sử dụng bằng giả. Các cán bộ sử dụng bẳng tốt nghiệp THPT giả là ông Lê Ngọc Kiên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thượng; ông Đào Hữu Truyền, Bí thư Đảng ủy UBND xã Phú Mỹ; ông Hoàng Công Phương, Phó chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ.


(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tưởng giả tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ cho cam, ai ngờ giả tốt nghiệp phổ thông trung học.
Cách đây mấy chục năm, nhiều cán bộ trưởng thành từ kháng chiến, không có điều kiện học hành, nên không có bằng cấp. Vì lý do đó nên khi làm cán bộ, họ được tạo điều kiện đi học bổ túc văn hóa, tại chức đại học. Họ vừa làm vừa học, cho nên có người làm được, có người không làm được. Có người học được, nhưng có người học không vào.
Đó là chuyện của lịch sử, bây giờ khác xưa rồi.
Đất nước thống nhất đã 40 năm, điều kiện học hành hiện nay rất tốt, lớp cán bộ chính quyền lớp thế hệ sau chiến tranh, nhưng không có nổi cái bằng phổ thông trung học, phải chạy mua bằng giả.
Sử dụng bằng giả tốt nghiệp phổ thông trung học là bằng chứng cho thấy hai điều. Một, cán bộ trí lực quá yếu, học trung học còn không được. Hai, nếu trí lực không kém thì quá lười biếng, không thích học hỏi. Ba, đạo đức kém, dám làm cái việc mua bằng giả thì không thể là người đàng hoàng.
Với một cán bộ trí lực kém, lười biếng, đạo đức kém, lại được làm các chức vụ chủ chốt của chính quyền xã thì “vô phúc” cho dân quá.
Có điều, không chỉ người dân của hai xã Phú Mỹ và Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế “vô phúc”, mà còn nhiều địa phương khác nữa. Nếu thẳng tay làm rõ, sẽ phát hiện rất nhiều trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp bổ túc văn hóa và thậm chí là đại học, sau đại học. Mới đây, công an TPHCM triệt phá đường dây làm bằng giả với hơn 500 bằng cử nhân, thạc sĩ, cung cấp cho thị trường toàn quốc.
Bao nhiêu người sử dụng bằng giả để lọt vào cơ quan nhà nước, để thăng quan tiến chức, đó cũng là vấn đề chưa được làm rõ.
Nói những điều trên để thấy rằng, mấy ông quan xã bằng giả chưa ăn thua, phát hiện và xử lý các vị ấy thì đúng rồi, nhưng chưa đủ. Còn có những trường hợp tậu bằng tiến sĩ ngoại quốc đem về nộp cho tổ chức, lòe thiên hạ. Nhưng hỏi ra, đi bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài mà không biết tiếng Anh hoặc ngoại ngữ nào khác. Trắng trợn đến như thế.
Lê Chân Nhân
(trích báo Dân trí)

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Hạt táo


    
    Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".

    Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mới có thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".

    Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này". Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang cómặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...

    Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...". Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.

    Lời cầu chúc "bình an" của Ðức Kitô Phục Sinh là một thứ hạt táo được gieo vào tâm hồn chúng ta. hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sãn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư xử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...

    
    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Hãy thắp lên một que diêm


 Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại vận động trường Los Angeles bên Hoa Kỳ. Ðang diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: "Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này".

    Ðèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: "Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Ðã thấy!". Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên những tiếng kêu: "Ðã thấy!".

    Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: "Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy".

    Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: "Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!". Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

    Ông John Keller kết luận: "Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, cóthể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta".

    Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, đàn áp và bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.

    Ngoài ra, hòa bình không chỉ được xây dựng trong những văn phòng của các nhà lãnh đạo. Hòa bình không chỉ được xây dựng qua những cuộc họp, qua những buổi thảo luận, mặc cả của các nhà chính trị. Mọi người chúng ta phải trở thành những người thợ xây dựng hòa bình. Bởi lẽ nguồn gốc của hòa bình xuất phát từ phẩm chất của các mối liên lạc giữa người với người.

    Người biết yêu mến là người thợ xây dựng hòa bình. Kẻ biết giúp đỡ là kẻ xây đắp hòa bình. Những ai biết tha thứ, những ai biết phục vụ tha nhân, những ai biết luôn khước từ hận thù, bạo lực là những người thợ xây dựng hòa bình. Những ai biết chia sớt của cải mình cho người túng thiếu hơn, những ai có lòng nhân từ, có lòng khoan dung và thông cảm đều là những kẻ giúp cho hòa bình nảy nở giữa loài người.

    Tóm lại, cách thức tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm cho thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm đối với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và sự dữ.
     Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

“Luật chơi” và Quyền lực truyền thông

(GDVN) - Các quốc gia phát triển xem truyền thông là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng điều này không hẳn đúng với các quốc gia kém phát triển.


Dù được xem là quyền lực nhưng truyền thông không có khả năng ban hành luật, nghị định, thông tư, phán quyết… như lập pháp, hành pháp và tư pháp. 
Thứ mà truyền thông đưa tới cho người dân là “dư luận”. 
Dư luận, dù là vô hình song vẫn có sức mạnh hữu hình, có thể cứu vớt hay hủy hoại cuộc sống một con người.
(GDVN) - Chỉ có nhờ rau răm mà món dưa cải bắp- rau cần mới dậy mùi, mới đúng hương vị. Và có lẽ vì thế nên chỉ có rau răm mới có thể làm cho củ cải mọc tai?
Dù có quyền ban hành luật hay các văn bản quy phạm pháp luật thì tất cả mọi quyền lực đều phải tuân theo luật, đều phải “sống” dưới mái nhà pháp luật.
Trên bàn cờ xã hội, cuộc “chơi” văn minh đòi hỏi tiêu chí đầu tiên là công bằng, muốn công bằng phải dựa vào luật. 
Chính vì thế dù truyền thông có là quyền lực thứ tư thì cũng phải “chơi” theo luật. Nói thế có nghĩa là những gì thuộc về truyền thông bao gồm: cơ quan truyền thông và người làm truyền thông đều phải hiểu và phải tuân thủ luật.
“Chơi” theo luật thì câu hỏi đầu tiên là “luật nào”. Tự mình đặt ra luật bắt người khác chơi theo. 
Điều này chỉ xảy ra khi người đặt luật có đủ sức mạnh khống chế người chơi hoặc người chơi khù khờ không biết gì về luật.
Bài viết này chỉ là một vài suy nghĩ sơ đẳng về quyền lực và “luật chơi” của truyền thông nước nhà.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Định hướng dư luận xã hội là vai trò không thể thoái thác của truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính thống. Khi truyền thông “lề phải” không hoàn thành nhiệm vụ thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh vị trí, điều này đã được người đứng đầu Chính phủ nhận thấy khi đề cập đến vai trò của mạng xã hội trong chỉ đạo điều hành vĩ mô.
Vài năm qua, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến nay, nhiều sự việc mà truyền thông mang đến khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.
Trước hết, nói về cơ quan truyền thông, sau vụ “nhặt xương cho thầy” của VTV là vụ “cô giáo đâm kim” của hàng loạt báo và vụ “học sinh hút shisha” của VTC. 
Sau “ném đá” thầy cô, giờ đến “gài bẫy” học trò, kèm theo đó là những thứ không thể lá cải hơn như “vòng một khủng”, “cậu nhỏ dài”, “chuyện đêm muộn”… những người có trách nhiệm một vài cơ quan truyền thông đang muốn gửi tới dư luận thông điệp gì?
Các món ăn tinh thần mà không ít cơ quan truyền thông, thuộc cả ba lĩnh vực là báo giấy, báo điện tử và truyền hình mang đến cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lẫn lộn trong các “món truyền thống-những vấn đề xã hội nhân văn”. 
Đó còn là một thứ hỗn tạp kích thích mầm xấu đang ngủ yên như trộm cướp, mại dâm, ma túy, tình dục… kèm theo đó là những thứ vô bổ (không sợ vi phạm hành chính) như ngực khủng, chân dài, đại gia, váy nhìn xuyên thấu… 
Có thể nói không một gia đình nào dù tận núi cao hay vùng sông nước không thấy lơ lửng trong không gian sống đủ thứ “rác xã hội”. 
Phải chăng một vài người trong một số báo đài đang muốn hướng sự chú ý của số đông vào những vấn đề vô bổ, đang muốn các bậc làm cha mẹ phải phân tán quá nhiều vào việc “tránh rác” chứ không phải “nhặt rác” để bảo vệ con em mình? 
(GDVN) - Gia đình từ chỗ là một tế bào xã hội đã dần dần trở thành “Gia đình thần thánh” theo nghĩa nó nằm trên cả luật pháp và đạo lý.
Kích thích những góc khuất của trí tò mò vừa tăng lượng người truy cập (nghĩa là tăng thu nhập), vừa không phải lo từng lời ăn, tiếng nói phải chăng chỉ là một “biện pháp tình thế” nhằm giữ “nguyên trạng” chiếc ghế đang ngồi hay có ai đó cho rằng đó cũng là cách “nâng cao dân trí”?
Biển nhiều nước nên tạo ra mây, mây làm ra mưa cho vạn vật sinh sôi nảy nở, ấy là luật trời. Tung đầy trời những thứ độc để thu tiền vào túi là luật của người, nói chính xác là của một thiểu số người, đó là những người có tầm nhưng chắc chắn không có tâm.
Khi mà cái xấu của một thiểu số giáo viên được truyền thông “nhân rộng” theo cấp số nhân, khi mà lỗi lầm của một bộ phận học trò được xem là “tin hot” cần phải tung hê ngay lập tức thì hậu quả “lãnh đủ” không chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành Giáo dục mà là toàn xã hội. 
Điều này có thể thấy khi phụ huynh đạp đổ tường xin cho con vào học tại một vài cơ sở được coi là “đẳng cấp”. Cũng không có gì lạ với kiểu truyền thông như thế, lớp trẻ ngày nay quay lưng với nghề sư phạm, xem đó là sự lựa chọn cuối cùng.
Trong khi hàng năm vẫn đều đều nhận nhiều tỷ đồng từ ngân sách với nhiệm vụ rất rõ ràng là tuyên truyền chủ chương chính sách, định hướng xã hội theo những chuẩn mực dân tộc, văn minh, hiện đại thì vì sao không ít đơn vị vẫn “bận rộn” một cách quá đáng với những món “lá cải” để thu nhiều hơn nữa cho riêng mình? 
Với nguồn thu nhập khủng, dẫu có sai phạm bị nhắc nhở, cùng lắm là phạt ít tiền thì đó vẫn là tiền ngân sách chảy từ túi này sang túi khác. 
Các đơn vị không có nguồn thu “thường xuyên”, tự bươn chải để lo cho sự tồn tại, không may bị xử lý là động đến bát cơm hàng ngày của người lao động. 
“Sân chơi” ấy rõ ràng không có sự công bằng giữa các “đại gia” và các “chú lùn”. Đặc biệt với những “chú lùn” chỉ muốn đem đến cho người dân những món ăn “sạch”. 
Đối với những người làm báo, những cây viết nổi tiếng như nhà báo Hữu Thọ dù lâu nay ít viết thì người đọc vẫn luôn dành cho ông sự tôn trọng. 
Đòi hỏi lớp nhà báo trẻ ngay lập tức có kinh nghiệm nghề nghiệp là không hợp lý song đòi hỏi ở họ cái tâm của một con người (đã trưởng thành) không có gì quá đáng.
Vụ “học sinh hút shisha” có thể do ekip làm phóng sự non kinh nghiệm, tuy nhiên không chỉ ekip làm phóng sự mà những người chịu trách nhiệm ở cấp cao hơn của VTC có thể vẫn chưa hiểu thế giới định nghĩa “Truyền hình thực tế” là như thế nào. 
(GDVN) - Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?
“Truyền hình thực tế là thể loại chương trình truyền hình giới thiệu cho người xem các tình huống xảy ra trong cuộc sống, không theo kịch bản, nội dung không hư cấu, quá trình ghi hình không có sự dàn dựng”. 
Một khi đã dàn dựng cảnh quay, có đạo cụ chuẩn bị sẵn mà nói rằng đó là “truyền hình thực tế” thì có nghĩa là đánh lừa người xem, đây thực sự là một sự vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp, chưa nói còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 
Vụ việc sẽ không gây hậu quả tai hại nếu người duyệt chương trình có trình độ và trách nhiệm. 
Vậy nên nếu chỉ kỷ luật ekip làm phóng sự là có công bằng? Phải chăng phóng viên phải “chơi” theo luật riêng không giống “luật chơi” của lãnh đạo VTC?
Sự non kinh nghiệm của phóng viên trẻ có thể thông cảm song tồn tại một thực tế là một số  phóng viên trẻ không nghĩ rằng họ còn trẻ. 
Phải chăng vị thế của một phóng viên đã nâng tầm họ lên đến mức cho phép họ xưng hô Phó Chủ tịch nước bằng “Chị”? Kiến thức của một cử nhân báo chí mới ra trường liệu có giúp họ làm tốt bất kỳ công việc gì, ở bất kỳ cương vị nào trong một xã hội chuyên môn hóa trình độ cao như hiện nay?
Một khía cạnh khác, nhiều người viết hàng trăm, hàng nghìn bài báo vẫn chưa được công nhận là “nhà báo” bởi đơn giản là thiếu “tiêu chuẩn”. Muốn là “nhà báo” phải được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp “Thẻ nhà báo”. Bằng không, họ được gọi là phóng viên.
Sự phân biệt đối xử giữa “phóng viên” và “nhà báo” tồn tại ngay cả khi Nghị định 159/2013/NĐ- CP ra đời. 
Tháng 10 năm 2013 Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng MEC đã công bố kết quả thăm dò về sự phân biệt đối xử giữa phóng viên với nhà báo, 97% đề nghị xóa bỏ sự phân biệt này. [1]
Có thể thấy đội ngũ “phóng viên” và “nhà báo” được đối xử bởi các chế tài khác nhau, nhà báo được bảo vệ bằng Luật và đương nhiên cả bằng Nghị định, phóng viên chỉ được bảo vệ bằng Nghị định, tức là văn bản dưới luật. Được bảo vệ ở mức đó, phải chăng họ cũng chỉ chịu điều chỉnh, chịu trách nhiệm ở mức của văn bản dưới luật?.
Vậy là lại xuất hiện một sự không công bằng ngay trong đội ngũ những người làm báo.
Bộ GD&ĐT không ban hành “thẻ giáo viên” hay “thẻ nhà giáo”, không tồn tại “thẻ nông dân”, “thẻ công nhân”, “thẻ ca sĩ”… vậy có nên tồn tại những loại “thẻ” như “thẻ luật sư”, “thẻ nhà báo”?
(GDVN) - Ngày nay, không ít người quen nhìn gần, nhìn ngay cái chân ghế của mình, vậy nên mới có chuyện “liều mình cứu phó”. “Phó” ở đây là xếp phó ...
Ở một số nước, khi một người được công nhận là luật sư, người đó sẽ được phép hành nghề khi được cấp “Chứng chỉ hành nghề luật sư” (practising certificate), họ không cần bất kỳ loại “thẻ” nào khác. 
Có thể thấy tồn tại rất nhiều “chứng chỉ hành nghề” như y, dược, kế toán, điều dưỡng, kiến trúc sư, luật sư… nhưng chưa có “Chứng chỉ hành nghề báo chí”, phải chăng phóng viên và nhà báo không phải là một nghề?
Đến đây có thể thấy, ở tầm vĩ mô, báo chí lại không cùng sân chơi với rất nhiều ngành.
Nên chăng, đã đến lúc bỏ sự phân biệt đẳng cấp giữa phóng viên và nhà báo? Bởi vì cùng làm ra sản phẩm truyền thông, thì phải có quyền lợi như nhau, trách nhiệm như nhau và được bảo vệ bằng pháp luật ngang nhau. Từ đó sẽ khiến việc quản lý dễ dàng hơn, sản phẩm truyền thông cũng đẳng cấp và chuẩn mực hơn?.
Để làm được điều này, cần phải sửa luật, không sửa luật thì đương nhiên người làm báo sẽ không được đối xử công bằng và “sân chơi” truyền thông khó có thể đạt đến đẳng cấp “quyền lực thứ tư” như thế giới đã đạt.
Tất nhiên, những hạn chế của luật chỉ là một phần, truyền thông nước nhà vẫn còn ở “sân chơi Seagame” bởi lãnh đạo một số đơn vị truyền thông vẫn còn bận “nhặt gạo quanh cối xay”, họ không thể hay không muốn nhìn ra thế giới? 
Xuân Dương
(trích báo Giáo dục Việt Nam)