(GDVN) - Mỗi con người được sinh ra như mảnh đất hồn nhiên. Phải gieo nhiều giống cây thiện để cây ác không dành hết đất…đó là nguyên lý chính tắc của GD.
LTS: Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết của thầy giáo Tạ Quang Sum, giáo viên Trung học cao cấp, Nguyên hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa. Ở bài này, là câu chuyện tham gia hướng đạo của chính ông, dù đã là quá khứ, nhưng vẫn là những bài học nóng hổi cho hôm nay.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả
Bao năm xa rồi nhưng kí ức trong tôi vẫn hiển hiện một thời trai trẻ, cảm xúc vẫn tuôn trào mỗi khi nhớ về năm 14 tuổi gia đình cho tôi đi “Hướng đạo”. Buổi sáng hôm ấy ngày cuối thu, tiết trời Nha Trang mát và trong xanh, tôi cùng mấy người bạn đến đạo quán Nha Trang gặp các trưởng trong thiếu đoàn Bạch Đằng xin gia nhập.
Chỉ với thủ tục đơn giản, chúng tôi được giới thiệu vào một nhóm đã có sẵn 8 người. Trong mắt tôi tất cả họ thật đẹp với trang phục Hướng đạo sinh: Mũ bê rê đen – Áo ka ki vàng ngắn tay – khăn quàng màu xanh lá cây – vai mang phù hiệu đơn vị - Ngực gắn biểu tượng hoa bích hợp – Quần soóc xanh dương – Giày vải cao cổ - Lưng thắt cuộn dây thừng và tay phải cầm gậy 1,6 mét… Đang ngồi trên sân cỏ họp bạn vào sáng chủ nhật.
Chúng tôi hội nhập rất nhanh sau khi được tìm hiểu về phong trào và tham gia những sinh hoạt, những trò chơi, những buổi tập huấn, những bài hát…rất thanh niên. Hàng tuần vào chiều thứ sáu, khi có tiếng huýt sáo giai điệu: là la lá la là la lạ lạ lạ lạ la…vẳng lên, tôi vội chạy ra cổng nhà để nhận thư họp đoàn.
Rồi một sáng tinh mơ bên đất trại hòn Chồng, tôi và nhiều bạn mới được công nhận chính thức là thành viên của gia đình Hướng đạo qua lễ tuyên hứa. Những lời hứa ngắn gọn trong một khung cảnh thật trang nghiêm: Tôi xin lấy danh dự hứa rằng: Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm bổn phận đối với tổ quốc - Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào - Tuân theo Luật Hướng đạo. Làm chúng tôi thấy như lớn hẳn lên, trách nhiệm nhiều hơn với chính mình và xã hội.
Ngoài việc được vui chơi giao tiếp với bạn bè phù hợp tâm lý lứa tuổi, những sinh hoạt thường kỳ - những kỳ trại - những chuyến du khảo…đã cuốn hút chúng tôi đến độ không ai bỏ lỡ dịp nào. Đó là những lớp và trường học mang bản chất tự chủ - tự nguyện - tình nguyện, đã trang bị cho chúng tôi nhiều kiến thức về sinh hoạt thanh thiếu niên (TTN) - truyền thông tin - mưu sinh thoát hiểm - cứu hộ cứu nạn - tổ chức cuộc sống tập thể - nghĩa vụ với cộng đồng - bảo vệ môi trường và thiên nhiên….
Phong trào đã rèn luyện chúng tôi trở nên linh hoạt và năng động hơn trong cuộc sống hàng ngày, tinh thần “ Hướng đạo : dẫn đường” nhắc nhở mỗi thành viên luôn phải tiên phong, gương mẫu, hành xử và ứng xử với chung quanh có văn hóa và nhân đạo.
Có lần đang trên đường đến đất trại họp bạn chúng tôi gặp đám cháy, thế là tất cả bỏ xe đạp và ba lô bên đường lăn xả vào để giúp sơ tán người dân - cấp cứu nạn nhân - tải thương - dập lửa… Có dịp hè chỉ với 12 người, chúng tôi tổ chức du khảo Nha Trang - Đà Lạt bằng xe đạp, vừa đi vừa chơi trò chơi lớn, đến chiều thì hạ trại nghỉ ngơi qua đêm.
Dù ở đâu vẫn có trại ở, bếp, khu vệ sinh ngăn nắp, nội quy trại chặt chẽ, sinh hoạt không ồn ào, không có việc ăn nhậu la hét gây ảnh hưởng tiêu cực đến chung quanh. Đến giờ ăn luôn diễn ra nghi thức nhớ ơn cảm động: Mọi người đứng quanh bàn ăn, khoanh tay, cùng nhau cất lên lời ca Trước mâm cơm canh giờ này, cùng nhau chắp tay, bát cơm tuy vơi mà đầy, khổ cực đắng cay. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Uống nước xin nhớ lấy nguồn. Bát cơm tuy vơi mà đầy, khổ cực đắng cay.
Sáng mai tiếp tục hành trình thì dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đất trại. Lên đường là trang phục nghiêm chỉnh, áo quần, mũ, khăn quàng luôn sạch, tư thế luôn sắp sẵn đúng với tinh thần Hướng đạo. Thỉnh thoảng chúng tôi còn đến với các ấu đoàn, giao lưu với bầy sói con được chăm sóc bởi các trưởng quy định là nữ, các chị trưởng Akêla – Balu nổi bật tính cách đảm đang của người phụ nữ Việt Nam, dù ở đâu và môi trường nào thì vẫn rất ấm áp phong cách làm chị, làm mẹ.
Mỗi chúng tôi luôn tự hào về vai trò Hướng đạo sinh của mình với gia đình và xã hội, chuẩn mực về chân – thiện – mỹ luôn định hướng chúng tôi trong mọi phần cuộc sống. Mỗi thiếu sinh đều ước mong được đến tuổi lên Kha – lên Tráng, tự hứa với mình suốt đời sẽ phấn đấu gắn bó với phong trào.
Hướng đạo là một phong trào TTN thành lập năm 1907 có xuất xứ từ Anh quốc, được du nhập vào Việt Nam từ năm 1931 nhờ các trưởng: Hoàng Đạo Thúy – Tạ Quang Bửu – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng. Phong trào được duy trì phát triển bởi các trưởng: Trần Duy Hưng - Lưu Hữu Phước – Cung Giũ Nguyên…
Tháng 5/1946 tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các trưởng Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng và các đại biểu trong Bộ Tổng uỷ viên hội Hướng đạo đến báo cáo về công việc của Hội và đề nghị Người làm Hội trưởng danh dự Hội Hướng đạo Việt Nam, Người đã nhận lời. Trong những năm bôn ba hải ngoại, đi tìm đường cứu nước, lúc đến nước Anh, Bác Hồ đã từng tham gia phong trào Hướng đạo “ Boy – Scout ”. Năm 1915, Bác đã đi cắm trại ở Êcốt (Ecosse).
Qua nhiều năm tháng hoạt động, phong trào Hướng đạo Việt Nam đã hun đúc rèn luyện nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam ưu tú phụng sự tổ quốc suốt chiều dài hai cuộc chiến tranh vệ quốc và xây dựng nền độc lập cho nước nhà. Nhưng rồi đất nước trải qua nhiều biến cố, Hướng đạo bị quên lãng. Những ai từng gắn bó một thời phong trào thanh thiếu niên này không khỏi ngậm ngùi hoài niệm với muôn nghìn tiếc nhớ !!!
Những năm sau này khi được bổ nhiệm chức vụ quản lý trường học, tôi đã tìm cách vận dụng tổ chức nhiều sinh hoạt ngoài học trình cho học sinh, nhưng khó thực hiện và hiệu quả không cao vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến sự chủ quan khi nhiều người chỉ biết và quen dựa dẫm vào tổ chức Đội, đoàn.
Lý tưởng chức năng của Đội, Đoàn rất cao đẹp, phạm vi và phạm trù hoạt động rộng khắp, thế nhưng thực tế cho thấy hiện nay Đội, Đoàn không còn nguyên mẫu là tổ chức của thanh thiếu niên, mà trở nên một bộ phận quản lý học sinh trong trường học. Phong cách hoạt động xơ cứng, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, cán bộ phụ trách thiếu được đào tạo chuyên nghiệp, thiếu vai trò thủ lĩnh và nguồn động lực… làm cho hoạt động của Đội, đoàn trở nên đơn điệu.
Đặc biệt thời gian năm học được mọi nhà trường tận dụng để dạy chữ chính khóa, dạy tăng cường, dạy thêm. Hầu hết các trường học không tha thiết với việc tổ chức vui chơi cho giới trẻ, xem nhẹ việc giáo dục nhân cách và lý tưởng cho những lớp công dân kế thừa qua các hoạt động thanh thiếu niên.
Trong điều kiện các cổng truyền thông mở rộng, giới trẻ được tiếp xúc với nhiều thông tin về đời sống xã hội phương Tây, với tình dục, với văn hóa văn nghệ khác biệt truyền thống dân tộc. Đó cũng là lý do ngày càng có nhiều hành vi tự phát ở học sinh như: bạo lực học đường, lệch lạc sức khỏe sinh sản vị thành niên, méo mó cảm thụ văn hóa văn nghệ, phổ biến lối sống thực dụng, ham chuộng thời trang thiếu định hướng …..
Nói một cách tổng quát: Phần hồn của thanh thiếu niên học sinh hiện đang bị bỏ rơi, thiếu chăm sóc nghiêm trọng. Ở trường học đang có sự nhầm lẫn giữa giáo dục (GD) và nhồi nhét kiến thức, phần GD bị xem nhẹ, phần nhồi nhét kiến thức được coi trọng vì nhiều lý do, trong đó việc kinh doanh GD là động cơ chủ yếu. Bởi vậy nhiều hoạt động GD mang tính khoa học nhân bản khác không có chỗ đứng trong tổng thể chương trình năm học, mà Đội – Đoàn không quán xuyến được hết và thoái trào tính tình nguyện hấp dẫn.
Mỗi con người được sinh ra như mảnh đất hồn nhiên. Phải gieo nhiều giống cây thiện để cây ác không dành hết đất…đó là nguyên lý chính tắc của GD. Có lẽ đã đến lúc cần thừa nhận sự chính danh và cho phép hoạt động nhiều tổ chức thanh thiếu niên khác của xã hội, của tôn giáo, trong đó có Hướng đạo.
Dưới sự chủ trì của Đội – Đoàn, sẽ phát huy được tác dụng tích cực của các tổ chức thanh thiếu niên này trong việc tạo ra sân chơi bổ ích để tăng cường giáo dục thanh thiếu niên, theo đúng truyền thống văn hóa và nhân văn của dân tộc. Gần đây nghe ở Cần Thơ – TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng và Hà Nội, đã có nhiều nhóm Hướng đạo được sinh hoạt, đó là tín hiệu đáng mừng.
Mong sao phong trào được hồi sinh, góp phần tích cực vào công cuộc GD nhiều thế hệ trẻ Việt Nam có đủ trí và lực, nâng tầm quốc gia trên đường hội nhập quốc tế.
Tạ Quang Sum
(trích báo Giáo dục Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét