Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Chọn lựa


        Ðời người là một chuỗi những chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người khác. Có những chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng làm cho chúng ta ray rứt, dằn vặt.

    Một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật đơn giản: chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ... Sau một ngày làm việc, người thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và thất sắc hẳn. Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: "Công việc của ông giao phó không phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa".

    Chọn lựa và quyết định là cả một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay thế cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác góp ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.

    Thú vật dường như không có chọn lựa và quyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta gọi là bản năng. Con chim có trhể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không cần phải học hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng chừng như vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.

    Lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ đau, nhưng đồng thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những giới hạn bất toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa... Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu hèn của mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: "Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa phải bận tâm?".

    Bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô danh. Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người là một giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.

    Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một hào, vậy mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người.

    Thiên Chúa đã yêu thương con người: đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào Ngài... Nhưng mò mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không ngừng dẫn dắt chúng ta.

________________________________________________________________
    
    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Chết Thay Cho Người


    Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".

    Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuậ này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.

    Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thâm quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".

    Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".

    Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".

    Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này".

    Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.

    Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".

    _______________________________________________

    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Phải gieo nhiều giống cây thiện để cây ác không dành hết đất


(GDVN) - Mỗi con người được sinh ra như mảnh đất hồn nhiên. Phải gieo nhiều giống cây thiện để cây ác không dành hết đất…đó là nguyên lý chính tắc của GD.
LTS: Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết của thầy giáo Tạ Quang Sum, giáo viên Trung học cao cấp, Nguyên hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa. Ở bài này, là câu chuyện tham gia hướng đạo của chính ông, dù đã là quá khứ, nhưng vẫn là những bài học nóng hổi cho hôm nay.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả 
Bao năm xa rồi nhưng kí ức trong tôi vẫn hiển hiện một thời trai trẻ, cảm xúc vẫn tuôn trào mỗi khi nhớ về năm 14 tuổi gia đình cho tôi đi “Hướng đạo”. Buổi sáng hôm ấy ngày cuối thu, tiết trời Nha Trang mát và trong xanh, tôi cùng mấy người bạn đến đạo quán Nha Trang gặp các trưởng trong thiếu đoàn Bạch Đằng xin gia nhập.
Chỉ với thủ tục đơn giản, chúng tôi được giới thiệu vào một nhóm đã có sẵn 8 người. Trong mắt tôi tất cả họ thật đẹp với trang phục Hướng đạo sinhMũ bê rê đen – Áo ka ki vàng ngắn tay – khăn quàng màu xanh lá cây – vai mang phù hiệu đơn vị - Ngực gắn biểu tượng hoa bích hợp – Quần soóc xanh dương – Giày vải cao cổ - Lưng thắt cuộn dây thừng và tay phải cầm gậy 1,6 mét… Đang ngồi trên sân cỏ họp bạn vào sáng chủ nhật.
Chúng tôi hội nhập rất nhanh sau khi được tìm hiểu về phong trào và tham gia những sinh hoạt, những trò chơi, những buổi tập huấn, những bài hát…rất thanh niên. Hàng tuần vào chiều thứ sáu, khi có tiếng huýt sáo giai điệu: là la lá la là la lạ lạ lạ lạ la…vẳng lên, tôi vội chạy ra cổng nhà để nhận thư họp đoàn.
Rồi một sáng tinh mơ bên đất trại hòn Chồng, tôi và nhiều bạn mới được công nhận chính thức là thành viên của gia đình Hướng đạo qua lễ tuyên hứa. Những lời hứa ngắn gọn trong một khung cảnh thật trang nghiêm: Tôi xin lấy danh dự hứa rằng: Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm bổn phận đối với tổ quốc - Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào - Tuân theo Luật Hướng đạo. Làm chúng tôi thấy như lớn hẳn lên, trách nhiệm nhiều hơn với chính mình và xã hội.
Ngoài việc được vui chơi giao tiếp với bạn bè phù hợp tâm lý lứa tuổi, những sinh hoạt thường kỳ - những kỳ trại - những chuyến du khảo…đã cuốn hút chúng tôi đến độ không ai bỏ lỡ dịp nào. Đó là những lớp và trường học mang bản chất tự chủ - tự nguyện - tình nguyện, đã trang bị cho chúng tôi nhiều kiến thức về sinh hoạt thanh thiếu niên (TTN) - truyền thông tin  - mưu sinh thoát hiểm - cứu hộ cứu nạn - tổ chức cuộc sống tập thể - nghĩa vụ với cộng đồng - bảo vệ môi trường và thiên nhiên….
Phong trào đã rèn luyện chúng tôi trở nên linh hoạt và năng động hơn trong cuộc sống hàng ngày, tinh thần “ Hướng đạo : dẫn đường” nhắc nhở mỗi thành viên luôn phải tiên phong, gương mẫu, hành xử và ứng xử với chung quanh có văn hóa và nhân đạo.
                                       
Ngày họp mặt truyền thống Hướng đạo Việt Nam, 31 tháng 5 năm 1993 tại Hà Nội. Ảnh: yume.vn
Có lần đang trên đường đến đất trại họp bạn chúng tôi gặp đám cháy, thế là tất cả bỏ xe đạp và ba lô bên đường lăn xả vào để giúp sơ tán người dân - cấp cứu nạn nhân - tải thương - dập lửa… Có dịp hè chỉ với 12 người, chúng tôi tổ chức du khảo Nha Trang - Đà Lạt bằng xe đạp, vừa đi vừa chơi trò chơi lớn, đến chiều thì hạ trại nghỉ ngơi qua đêm.
Dù ở đâu vẫn có trại ở, bếp, khu vệ sinh ngăn nắp, nội quy trại chặt chẽ, sinh hoạt không ồn ào, không có việc ăn nhậu la hét gây ảnh hưởng tiêu cực đến chung quanh. Đến giờ ăn luôn diễn ra nghi thức nhớ ơn cảm động: Mọi người đứng quanh bàn ăn, khoanh tay, cùng nhau cất lên lời ca Trước mâm cơm canh giờ này, cùng nhau chắp tay, bát cơm tuy vơi mà đầy, khổ cực đắng cay. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Uống nước xin nhớ lấy nguồn. Bát cơm tuy vơi mà đầy, khổ cực đắng cay.
Sáng mai tiếp tục hành trình thì dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đất trại. Lên đường là trang phục nghiêm chỉnh, áo quần, mũ, khăn quàng luôn sạch, tư thế luôn sắp sẵn đúng với tinh thần Hướng đạo. Thỉnh thoảng chúng tôi còn đến với các ấu đoàn, giao lưu với bầy sói con được chăm sóc bởi các trưởng quy định là nữ, các chị trưởng Akêla – Balu nổi bật tính cách đảm đang của người phụ nữ Việt Nam, dù ở đâu và môi trường nào thì vẫn rất ấm áp phong cách làm chị, làm mẹ.
Mỗi chúng tôi luôn tự hào về vai trò Hướng đạo sinh của mình với gia đình và xã hội, chuẩn mực về chân – thiện – mỹ luôn định hướng chúng tôi trong mọi phần cuộc sống. Mỗi thiếu sinh đều ước mong được đến tuổi lên Kha – lên Tráng, tự hứa với mình suốt đời sẽ phấn đấu gắn bó với phong trào.
Hướng đạo là một phong trào TTN thành lập năm 1907 có xuất xứ từ Anh quốc, được du nhập vào Việt Nam từ năm 1931 nhờ các trưởng: Hoàng Đạo Thúy – Tạ Quang Bửu – Phạm Ngọc Thạch  – Tôn Thất Tùng. Phong trào được duy trì phát triển bởi các trưởng: Trần Duy Hưng - Lưu Hữu Phước – Cung Giũ Nguyên…
Tháng 5/1946 tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các trưởng Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng và các đại biểu trong Bộ Tổng uỷ viên hội Hướng đạo đến báo cáo về công việc của Hội và đề nghị Người làm Hội trưởng danh dự Hội Hướng đạo Việt Nam, Người đã nhận lời. Trong những năm bôn ba hải ngoại, đi tìm đường cứu nước, lúc đến nước Anh, Bác Hồ đã từng tham gia phong trào Hướng đạo “ Boy – Scout ”. Năm 1915, Bác đã đi cắm trại ở Êcốt (Ecosse).
Qua nhiều năm tháng hoạt động, phong trào Hướng đạo Việt Nam đã hun đúc rèn luyện nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam ưu tú phụng sự tổ quốc suốt chiều dài hai cuộc chiến tranh vệ quốc và xây dựng nền độc lập cho nước nhà. Nhưng rồi đất nước trải qua nhiều biến cố, Hướng đạo bị quên lãng. Những ai từng gắn bó một thời phong trào thanh thiếu niên này không khỏi ngậm ngùi hoài niệm với muôn nghìn tiếc nhớ !!!
Những năm sau này khi được bổ nhiệm chức vụ quản lý trường học, tôi đã tìm cách vận dụng tổ chức nhiều sinh hoạt ngoài học trình cho học sinh, nhưng khó thực hiện và hiệu quả không cao vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến sự chủ quan khi nhiều người chỉ biết và quen dựa dẫm vào tổ chức Đội, đoàn.
Lý tưởng chức năng của Đội, Đoàn rất cao đẹp, phạm vi và phạm trù hoạt động rộng khắp, thế nhưng thực tế cho thấy hiện nay Đội, Đoàn không còn nguyên mẫu là tổ chức của thanh thiếu niên, mà trở nên một bộ phận quản lý học sinh trong trường học. Phong cách hoạt động xơ cứng, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, cán bộ phụ trách thiếu được đào tạo chuyên nghiệp, thiếu vai trò thủ lĩnh và nguồn động lực… làm cho hoạt động của Đội, đoàn trở nên đơn điệu.
Đặc biệt thời gian năm học được mọi nhà trường tận dụng để dạy chữ chính khóa, dạy tăng cường, dạy thêm. Hầu hết các trường học không tha thiết với việc tổ chức vui chơi cho giới trẻ, xem nhẹ việc giáo dục nhân cách và lý tưởng cho những lớp công dân kế thừa qua các hoạt động thanh thiếu niên.
Trong điều kiện các cổng truyền thông mở rộng, giới trẻ được tiếp xúc với nhiều thông tin về đời sống xã hội phương Tây, với tình dục, với văn hóa văn nghệ khác biệt truyền thống dân tộc. Đó cũng là lý do ngày càng có nhiều hành vi tự phát ở  học sinh như: bạo lực học đường, lệch lạc sức khỏe sinh sản vị thành niên, méo mó cảm thụ văn hóa văn nghệ, phổ biến lối sống thực dụng, ham chuộng thời trang thiếu định hướng …..
Nói một cách tổng quát: Phần hồn của thanh thiếu niên học sinh hiện đang bị bỏ rơi, thiếu chăm sóc nghiêm trọng. Ở trường học đang có sự nhầm lẫn giữa giáo dục (GD) và nhồi nhét kiến thức, phần GD bị xem nhẹ, phần nhồi nhét kiến thức được coi trọng vì nhiều lý do, trong đó việc kinh doanh GD là động cơ chủ yếu. Bởi vậy nhiều hoạt động GD mang tính khoa học nhân bản khác không có chỗ đứng trong tổng thể chương trình năm học, mà Đội – Đoàn không quán xuyến được hết và thoái trào tính tình nguyện hấp dẫn.
Mỗi con người được sinh ra như mảnh đất hồn nhiên. Phải gieo nhiều giống cây thiện để cây ác không dành hết đất…đó là nguyên lý chính tắc của GD. Có lẽ đã đến lúc cần thừa nhận sự chính danh và cho phép hoạt động nhiều tổ chức thanh thiếu niên khác của xã hội, của tôn giáo, trong đó có Hướng đạo.
Dưới sự chủ trì của Đội – Đoàn, sẽ phát huy được tác dụng tích cực của các tổ chức thanh thiếu niên này trong việc tạo ra sân chơi bổ ích để tăng cường giáo dục thanh thiếu niên, theo đúng truyền thống văn hóa và nhân văn của dân tộc. Gần đây nghe ở Cần Thơ – TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng và Hà Nội, đã có nhiều nhóm Hướng đạo được sinh hoạt, đó là tín hiệu đáng mừng.
Mong sao phong trào được hồi sinh, góp phần tích cực vào công cuộc GD nhiều thế hệ trẻ Việt Nam có đủ trí và lực, nâng tầm quốc gia trên đường hội nhập quốc tế.
Tạ Quang Sum
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Ngăn chặn bạo lực từ những trang sách

(Dân trí) - “Cá nhân tôi không chấp nhận người lớn mang những khoái cảm về tình dục, về sự tàn bạo và thô thiển vào những câu chuyện của con trẻ. Họ hoàn toàn có thể viết để giải tỏa ẩn ức (tình dục hay bạo lực) và đợi sự đón nhận, phán xét của độc giả trong những câu chuyện dành cho người lớn. Còn với con trẻ, không được phép làm như vậy”- nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhận định như vậy.
 >> Khi sách thiếu nhi cũng… “sốc, sex”
 >> Mẹ nhường khố cho Thạch Sanh và Trăn tinh bị chém “phọt óc chết tươi"

(Ảnh minh họa - Ngọc Diệp)
(Ảnh minh họa - Ngọc Diệp)
Khó có thể tưởng tượng được khi đọc sách dành cho trẻ con, nhưng lại có quá nhiều hình ảnh bạo lực và sex. Nhiều đoạn văn đọc xong, người lớn còn phải sợ hãi vì tính bạo lực của nó. Ví dụ: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”. Có lẽ người viết tưởng rằng, con trăn là quái vật, cho nên phải tả cảnh giết nó tàn bạo như vậy mới tương xứng với “ngữ cảnh”. Nhưng người viết quên một điều, họ đã tiêm nhiễm vào đầu óc thơ ngây của đứa trẻ sự giết chóc, trả thù hung ác, bạo lực.
Các chuyên gia tâm lý đã dựa trên các công trình nghiên cứu và đã đưa ra nhiều kết luận rằng, trẻ em bị ảnh hưởng rất nặng nề khi đọc, xem, nhìn những hình ảnh bạo lực. Về sau sẽ bị tổn thương tâm lý, dễ bị kích động, dẫn đến hành vi bạo lực.
Gần đây, những ý kiến phản đối về lễ hội chém lợn cũng có cảnh báo về việc cho trẻ em tham dự và chứng kiến cảnh giết lợn, máu me, đó là kích động tính ác trong trẻ em. Đọc văn có bạo lực cũng nguy hiểm như xem cảnh bạo lực.
Cùng với bạo lực là sex, có quá nhiều hình ảnh sex, văn sex trên các tác phẩm dành cho trẻ em. Nhiều câu từ mang tính chất khiêu dâm, gợi dục và thô tục được sử dụng tùy tiện, cộng với hình ảnh hở hang, nhất là trong truyện tranh. Trẻ em chưa phải là đối tượng giáo dục giới tính, nếu cần thiết phải giáo dục giới tính thì phải có giáo trình giảng dạy khoa học, người dạy phải có chuyên môn tâm lý sư phạm. Nếu “giáo dục” giới tính qua truyện thì rất dễ bị lệch lạc.
Văn hóa đọc không phải là kêu gọi đọc nhiều mà nội dung gì mới là “văn hóa”. Sách dành cho trẻ em phải có nội dung, ngôn từ và hình ảnh phù hợp. Các em đọc sách để có vốn tiếng Việt phong phú nhưng trong sáng, có kiến thức về địa lý, lịch sử, văn học, khoa học; có tấm lòng nhân ái, có tình yêu thiên nhiên và yêu quê hương đất nước.
Viết sách cho thiếu nhi phải có trách nhiệm, nếu không thì có thể gây tác động xấu cho thế hệ trẻ, bạo lực học đường, bạo lực xã hội hôm nay đã quá đủ cho chúng ta phải suy tư và tìm cách ngăn chặn, đừng tiêm nhiễm thêm nữa. Nhưng có nhiều người viết và nhà làm sách chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận, chưa có trách nhiệm đối với trẻ em.
Viết và làm sách cho thiếu nhi hay, vừa có đóng góp cho xã hội nhưng cũng có hiệu quả về kinh doanh, tại sao không làm?
Sách có chất lượng tri thức và văn hóa sẽ góp phần ngăn chặn bạo lực.
Lê Chân Nhân
(trích báo Dân trí)

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Mua nghĩa

Mua Nghĩa

Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quuân là tướng quốc nước Tề.

Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: "Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?". Mạnh Thường Quân bảo: "Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về".

Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.

Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.

Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: "Mua điều nghĩa thế nào?". Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy".

Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy".


"Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con về chốn an nghỉ đời đời".

Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.


Ở đoạn 25 của Phúc Âm Thánh Matthêô, Chúa Giêsu nêu rõ lúc đó những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là:

- Những người đói khát mà chúng ta đã cho ăn uống.

- Những kẻ rách rưới mà chúng ta đã cho quần áo che thân.

- Những người đau ốm mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.

- Những kẻ bị giam cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.

- Những người sa cơ lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.





Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Bàn về văn hóa vỗ tay

(Quốc Thường - GDVN) - Hành động vỗ tay thì thật giản đơn, nhưng hãy suy nghĩ cho thấu đáo trước khi vỗ tay; vỗ tay ở đâu, khi nào, vỗ như thế nào là thích hợp ...


LTS: Quý bạn đọc đang đọc bài báo của thầy giáo Trần Quốc Thường, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Biểu, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Mỗi chúng ta, chắc chắn đều nhiều lần vỗ tay, nhưng để hiểu và có "vỗ tay đúng lúc" không phải đơn giản. Bằng kinh nghiệm của mình, thầy Thường đã nêu lên vấn đề văn hóa vỗ tay. Và, dù là góc nhìn của riêng ông, nhưng cũng khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Thử nhìn xem các cuộc biểu diễn  văn nghệ, hội nghị, nếu có người nước ngoài, cho dù họ chưa hiểu về tiếng Việt, văn hóa nghệ thuật của nước nhà nhưng cái vỗ tay của họ thật chân thành và đúng mực.
Còn thực trạng chuyện vỗ tay của chúng ta thì sao?
Hiện nay tệ văn mẫu thời học sinh đã lan sang Diễn văn mẫu khi tổ chức hội nghị. Chẳng hạn đoạn Diễn văn mẫu này ở đâu cũng có: Tới dự hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu đồng chí… (dừng) vỗ tay. Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt…, xin nhiệt liệt chào mừng…(dừng) vỗ tay.  Xin trân trọng cảm ơn…. Xin gửi lời chúc sức khỏe đến đống chí… (dừng) vỗ tay. Cho nên mọi người dự hội nghị đã thành lệ, hệ thấy một khoảng trống không có âm thanh là lại đồng loạt… vỗ tay.
Chính phủ ra hẳn một nghị định chế tài rằng trong hội nghị chỉ cần “kính thưa” một bác “to” nhất. Thế nhưng nhiều năm qua, kể từ khi cái nghị định ấy ra đời, phần kính thưa tại hội nghị, hội thảo, tổng kết vẫn hơi bị dài. 

(GDVN) - Gia đình từ chỗ là một tế bào xã hội đã dần dần trở thành “Gia đình thần thánh” theo nghĩa nó nằm trên cả luật pháp và đạo lý.

Sau mỗi lần giới thiệu, khổ chủ đứng lên, ngoái xuống, người giơ tay vẫy, vái, kẻ gật đầu chào. Dĩ nhiên sau màn đứng lên thụp xuống đáp lễ gượng gạo ấy lại là…vỗ tay. 

Khổ nhất cho mấy vị có chức vụ be bé cũng được giới thiệu, thường là sau cùng, vì thế chỉ được lộp độp vài ba tiếng vỗ tay rời rạc, nghe rất thảm.
Gần đây nhiều ca sỹ, có hạng hẳn hoi, khi hát, một tay họ vỗ vào micro ngỏ ý xin được mọi người vỗ tay cùng hoặc chỉ trỏ bốn phương, tám hướng xuống khán giả để tìm fan hưởng ứng,  rốt cuộc cũng chỉ để  xin một tràng pháo taycho xôm trò mà thôi. 
Rồi các MC từ tổ chức sự kiện lớn lao, hoành tráng  đến tổ chức đám cưới, cũng  xin quý vị và mọi người một tràng vỗ tay có được không ạ,…
Không phải chỉ có giải trí mới xin vỗ tay mà trong một số cuộc họp, hội nghị, khi lãnh đạo hoặc người dẫn chương trình muốn “xin ý kiến hội nghị” thì việc vỗ tay ở ta còn biểu thị thái độ đồng ý, đồng tình. 
Nhiều cuộc họp lấy “ biểu quyết” đơn giản chỉ là “Nếu hội nghị  đồng ý xin mọi người cho  một tràng vỗ tay”. Như vậy cái vỗ tay còn đại diện cho tính dân chủ, thống nhất, công khai và đoàn kết cao độ.
Nhiều đại biểu đứng trên lễ đài, sân khấu khi phát biểu xong đã gương mẫu tự vỗ tay, tự tán thưởng mình trước, và như để  bắt nhịp nhắc khán giả đừng quên mất cái … vỗ tay!
Có nhiều lần tôi chứng kiến sau lời phát biểu của diễn giả, hay xem xong một tiết mục văn nghệ, không chỉ người bị cụt tay mà nhiều người còn lành lặn nhưng họ chỉ góp phần “ âm thanh” qua việc dùng một tay vỗ vào đầu gối hoặc mặt bàn. 
Có kẻ lại lấy ngay bút viết gõ lên mặt bàn hoặc cuốn sổ tay để thay cho vỗ tay.
Nhớ lần cùng mấy người bạn mua vé xem biễu diến nghệ thuật, sau tiết mục của một SAO ca nhạc, mọi người võ tay râm ran, cậu bạn tôi khoanh tay im lặng. 
Nghe tôi hỏi vì sao cậu không vỗ tay tán thưởng ca sĩ? Cậu ta tỉnh bơ nói: Vỗ tay được tính trong giá vé cả rồi đấy.
Một số vụ án, khi quan tòa truyên án, bị can tái mặt, rụng rời chân tay, nhiều kẻ ngất xỉu trong lúc tiếng vỗ tay nổi lên râm ran của mọi người.
Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, khi tòa tuyên phạt Nghĩa án tử hình, một loạt tiếng vỗ tay trong hội trường vang lên. 
Tiếng vỗ tay ấy tán dương cho quyết định đúng đắn của hội đồng xét xử về cái giá mà kẻ tử tù phải nhận? Hay đơn giản chỉ là tiếng vỗ tay một cách vô thức của những người có mặt tại phiên tòa? 
Dù mang ý nghĩa gì đi nữa thì vỗ tay trước cái chết của một con người, phải chăng là một hành động thiếu nhân đạo?
Khi vỗ tay “nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý” trong một chương trình, một buổi lễ, một cuộc họp,…là đúng. 
Nhưng ngay cả khi đại biểu, khách quý đến muộn cũng vỗ tay mới vô lối và khó hiểu. Vỗ tay chào đón như thế khác nào đồng ý với sự tùy tiện, sai giờ giấc của cấp trên? 
Việc đặt ra nội quy đi học đúng giờ đối với học sinh, sinh viên, đi làm đúng giờ với công nhân, viên chức còn có ý nghĩa gì khi sự chậm trễ của “các vị khách quý” lại luôn được vỗ tay tán dương..

(GDVN) - Tiền và quyền vốn là đôi bạn đồng hành từ thủa loài người sáng tạo ra tiền, ngay từ khi ra đời, Tiền và Quyền đã tạo nên “Cặp đôi hoàn hảo” ...

Nhà văn Trần Nhương đã hài hước đánh giá về chuyện vỗ tay ở  Đại hội VIII Hội nhà văn Việt Nam là:“Đại hội có nhiều tiếng vỗ tay nhất. Có tới 90% tham luận được vỗ tay mời xuống. Điều đó chứng tỏ nhà văn chúng ta rất chịu khó tập thể dục nên chi trên khỏe mạnh”

Như vậy cái vỗ tay còn có ý nghĩa khác đó là sự “phản đối, triệu hồi”.
Nghĩ cũng lạ, ở ta, cái nơi cần vỗ tay đúng chỗ đúng lúc thì được tự do; trong khi ở một không gian khác, rất cần sự thoải mái, tự do khoáng đạt thì lại chỉnh tề đến khắt khe. 
Tôi đang nói tới tiếng vỗ tay ở chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” trên VTV, ở đó mang màu sắc quân đội, nghiêm cẩn như duyệt binh. Đúng nhịp và đều tăm tắp như thế chắc chắn phải tuân thủ chương trình của đạo diễn, quy định của Ban tổ chức.
Có lần xảy ra chuyện “vỗ tay trong tang tóc” của tang chủ mới trớ trêu làm sao. 
Đó là lần nhạc sỹ Nguyễn Nam ra đi. Các nghệ sỹ bày tỏ lòng tiếc nhớ Nguyễn Nam bằng cách đồng thanh hát. Kết thúc cách hát độc đáo đó là một tràng vỗ tay vô duyên hết mức. Cả hai hành vi này đã tước đoạt mọi cảm xúc thương tiếc cần có của một sự kiện chia buồn trong tang lễ.
Các nghệ sĩ đến hát và … vỗ tay tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Nam)
Trong một chương trình thi hát cổ nhạc trên HTV9, NSƯT Bạch Tuyết trước khi vào phần nhận xét thí sinh, đã xin khán giả đôi phút để bày tỏ sự tiếc thương đạo diễn Trần Kiên, vừa qua đời vì một tai nạn giao thông trên đường đi quay chương trình, mà Bạch Tuyết cũng có mặt trên chuyến xe đó. 
Nói xong, nữ nghệ sĩ cúi đầu trầm mặc. Đúng lúc đó, tiếng vỗ tay lại rào rào nổi lên. Máy quay cận cảnh, khán giả xem đài thấy rõ cái nhíu mày bực bội của Bạch Tuyết.
Có thể những khán giả dự phần trong hai chương trình trên vỗ tay như một phản xạ thường tình khi xem chương trình: MC giới thiệu ca sĩ, vỗ tay; ca sĩ chào khán giả, vỗ tay; ca sĩ hát xong, chẳng cần biết hay dở, vỗ tay
Những tiếng vỗ tay dần dà thành vô cảm một cách chuyên nghiệp. Giá như cái phản xạ tự nhiên đó có được sự kiểm soát cần thiết, để mỗi người biết vỗ đúng lúc và im lặng đúng lúc.
Nhớ lại có lần  cơ quan nọ có nhân viên mới đến, lãnh đạo giới thiệu thành viên mới, và ông ta cũng “đề nghị mọi người vỗ tay chào đón” cả cơ quan vỗ tay, nhưng âm thanh vỗ tay ấy nhỏ hơn tiếng vỗ tay khi chủ tịch công đoàn tuyên bố trưa nay mời tất cả anh em cùng ra nhà hàng X khai trương mùa thịt chó.
Thật là có muôn vẻ, đủ cung bậc của cái vỗ tay.
Khi sinh ra mới tập đi, ta được nghe, thấy ông bà, cha mẹ, các anh chị vỗ tay cổ vũ  bước đi  chập chững của  mình.
Khi lớn lên  xem biểu diễn nghệ thuật, tham dự nhiều  hội nghị, …. ta đều thực hiện động tác vỗ tay. 
Hành động vỗ tay thì thật giản đơn,  nhưng hãy suy nghĩ cho thấu đáo trước khi vỗ tay; vỗ tay ở đâu, khi nào, vỗ như thế nào là thích hợp thì chẳng dễ chút nào. 
Đã đến lúc, người Việt Nam chúng ta cần học vỗ tay sao cho lịch lãm, có văn hóa.
(trích báo Giáo dục Việt Nam)