Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Cánh Tay Của Người Ganh Tị Và Tham Lam


Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.

Ðể chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Nhớ về một người bạn

Thời gian trôi nhanh thật! Thấm thoắt mà đã gần 2 năm ngày mất của D38 - Trương Bá Tín. Thắp nén nhang cho bạn hiền và chỉ biết cầu nguyện cho bạn mau được hưởng Nhan Thánh Chúa, cũng như cầu nguyện cho vợ con bạn được mọi sự bình an. 
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho linh hồn Phao-lô đặng lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời, sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen. 

PS: Dẫu biết rằng ai cũng bề bộn công việc tư bề, nhưng xin hãy hãy tạm ngừng trong giây phút, để xem lại một vài hình ảnh của bạn ấy và xin dành một ít phút để suy ngẫm về đời mình, đời người... 
"Hãy sống tốt đẹp đi và nhớ rằng, mỗi ngày có một đời sống riêng cho nó thôi"  (Seneca)





Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Lời Nói Không Mất Tiền Mua


Mahatma Gandhi, người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người giúp bàn: "Xin cám ơn vì sự tử tế của anh". Người giúp bàn trả lời: "Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được một tiếng cám ơn".

"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá tị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Cái TÂM


Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động từ xa đến tỉnh này. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.

Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.

- “ Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ hồ hởi kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Đúng là người nhà quê”- Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩm môm đánh thượt một cái và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.

- Xin chào.. xin….

Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đi đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi”

Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vở ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản. “Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” - Người phụ nữ xót xa nghĩ.

Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Đúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh. Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói.

- Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?
Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:
- Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?
Người phụ nữ gật đầu.

- Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?

Sau khi nghe xong người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp, vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.

- Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.

Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.
Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:
- Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.
- Thế còn cậu thì sao? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

- Số tiền em vừa đưa cho chị có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào!

Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé.

Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu. Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:

- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à?
Chàng trai lắc đầu
- Không, chị ạ.
Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói:
- Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.
Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:
- Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.

Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Để đi tìm một người trợ lý đáng để tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.

Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó.

Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Đấy là thứ mà công ty tôi cần”.

Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ ‘tâm’ của mình cho mọi người xung quanh.

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi.(nguồn: saigonecho.com).

Đọc câu chuyện trên nghe vọng lại lời thơ của thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong trường đời, trái tim lại quan trọng hơn cái đầu. Sống ở đời và giao tiếp với người đời, "được việc" mà thôi chưa đủ, còn phải "được người" nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là văn minh của khoa học kỹ thuật mà là văn minh của tình thương.

Tâm nghĩa là trái tim, biểu tượng của tình yêu. Chữ Hán tượng hình nên nét bút vẽ ra hình trái tim. Có lẽ từ xa xưa, có ai đó cỡ thần y Hoa Đà, Biển Thước đã phẫu thuật cơ thể con người, thấy tỏ tường trái tim nên mới viết, mới vẽ được bức tranh chữ đẹp như vậy.

Trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cuộc tranh luận giữa Ðức Giêsu và nhóm biệt phái về vấn đề sạch và dơ.

Nhóm biệt phái bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa...

Ðức Giêsu nói đó chỉ mới là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn. Luật lệ chỉ là hình thức để diễn tả tấm lòng. Cái tâm mới quan trọng. Bởi vì dơ hay sạch là do tự cõi lòng. Nếu lòng dạ xấu xa thì cho dù hình thức bên ngoài có đẹp đẽ mấy cũng chỉ là giả hình. Đức Giêsu cho thấy cái ô uế thực sự không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong cái tâm mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ bên trong ra.

Đức Giêsu kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ cõi lòng: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồngTất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.

Hàng ngày xem Tivi, thấy quảng cáo rất nhiều sản phẩm: các loại xà bông mới, các loại dầu gội mới, nhiều loại nước hoa... Tất cả đều nhằm chăm sóc cho làm da, mái tóc, cơ thể... nhưng đều là bề ngoài. Ngày nay, người ta cũng để ý nhiều hơn đến chất lượng của những thức ăn và thức uống... Mọi thứ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những thứ từ bên ngoài được đưa vào trong cơ thể con người. Nhưng xem ra, người ta rất ít lo chăm sóc cái bề trong, cái tâm của con người, như lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về tội. Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng năm để giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu hãm mình kiêng khem để tạo vẻ đẹp tâm hồn.

Trong trường học, người ta để ý huấn luyện cái đầu hơn là trái tim. Người ta cho rằng cái đầu mới biết suy nghĩ. Bởi đó người ta lo đào tạo nên những đứa trẻ giỏi hơn là những đứa trẻ tốt. Tương lai là công việc và nghề nghiệp hơn là tấm lòng. Kết quả của lối giáo dục như thế là nền văn minh khoa học kỹ thuật ngày nay, rất hiệu quả nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn.

“Thế giới tri thức đã thình lình tái khám phá ra rằng, con người là nơi chổ của sự xung đột. Marx đã tìm thấy sự xung đột trong xã hội, Kierkegaard tìm thấy trong linh hồn, Heidegger tìm thấy trong con người, và những tâm lý gia tìm thấy trong tâm trí” (x. Bình an trong tâm hồn, trg 47, ĐGM Fulton J. Sheen).

Đối với Đức Giêsu cái tâm mới là yếu tố quyết định. Từ cái tâm tốt mới có những hành vi yêu thương cao thượng. Từ cái tâm xấu sẽ phát sinh ra tội lỗi thấp hèn.

Tâm nói lên nhân cách của một con người.

Tâm xấu xa sản sinh ra những suy nghĩ xấu, chọn lựa xấu, lời nói xấu, hành động xấu. Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên. Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui. Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …

Tâm tốt lành luôn nở hoa nhân đức. Tâm nở hoa yêu thương nên không có bóng dáng hận thù nào. Tâm nở hoa bác ái nên luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Tâm nở hoa phục vụ nên nhiệt thành làm việc thiện nguyện vô vị lợi. Tâm nở hoa khiêm nhường nên luôn biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình. Tâm nở hoa tha thứ nên không cầm giữ bất cứ một xúc phạm nào người khác gây ra cho mình. Tâm nở hoa hòa bình nên chỉ biết kiến tạo sự hiệp nhất, vun trồng tình thuận hòa. Tâm nở hoa xây dựng nên không khi nào phá đổ các công trình chân thiện mỹ của những người thành tâm thiện chí. Tâm nở hoa công chính nên can đảm khước từ những gì đi ngược với công bình bác ái, không tham lam những của bất chính. Tâm nở hoa chân thật nên dứt khoát loại bỏ các thứ dối trá, gian tà. Tâm nở hoa ánh sáng nên cố gắng bước ra khỏi bóng tối của tội lỗi, không ẩn mình trong cám dỗ của ma quỷ, không để chúng giam hãm, nô lệ hóa mình.Tâm nở hoa cao thượng nên biết nâng mình lên trên mọi ti tiện tầm thường, không tính toán nhỏ nhen, không cư xử theo lối tiểu nhân. Tâm nở hoa vui mừng nên biết đem lại niềm vui an ủi cho những kẻ buồn sầu, tủi phận, khóc than cho định mệnh nghiệt ngã, cho tương lai đen tối, cho đường đời thử thách. Tâm nở hoa hạnh phúc nên luôn sống bình an và chan chứa niềm vui.

Sự thánh thiện hệ tại nơi cái tâm. Lời dạy của Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải tu tâm dưỡng tánh để luôn có một tâm hồn ngay thẳng, thành thật, tôn trọng công lý, yêu thương mọi người. Khi đã có cái tâm tốt những việc làm sẽ tự nhiên đẹp lòng Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
(trích Thanhlinh.net)

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Quà tặng quý giá nhất


Trong một góc hè phố, một bác hành khất tê bại nằm co quắp. Chợt có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đi qua. Người hành khất bèn mở miệng xin bố thí. Người đàn ông ăn mặc sang trọng xỏ tay vào túi áo, nhưng ông tìm mãi mà chẳng được gì. Vừa bối rối, vừa thành kính, ông ta mới phân bua với người hành khất:

"Này bác, tôi muốn biếu bác chút đỉnh, nhưng rất tiếc, vì đi bất ngờ nên tôi không có mang tiền theo. Xin bác thông cảm cho".

Người hành khất mới trả lời: "Cám ơn ông. Ông đã cho tôi nhiều hơn mọi của bố thí. Bởi vì ông đã gọi tôi là Bác. Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi đã nhận được danh dự đó trên môi miệng của một người sang trọng nào cả".

Dù là một người hành khất, dù là một người tàn tật, dù là một người bị xã hội ruồng rẫy bỏ rơi, tất cả đều có một phẩm giá như nhau. Quà tặng quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác, chính là tôn trọng người đó với tất cả phẩm giá cao quý nhất của họ.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Làm chủ cuộc chơi khi nước lớn “đi đêm”

(GDVN) - Nói ra để cho ai đó hiểu rằng đừng có làm liều bởi người Việt dù bị ăn cắp mất nỏ thần nhưng chưa bao giờ đánh mất lòng yêu nước.



Không phải chỉ đến hôm nay, chiến lược “đi đêm” của các nước lớn mới dần dần hé lộ. Ngày 23/8/1939, Liên Xô và Đức quốc xã đã ký kết một hiệp định mang tên “Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên bang Xô viết” (Tiếng Đức: Deutsch-sowjetischer Nichtangriffspakt; Tiếng Nga: Договор о ненападении между Германией и Советским Союзом).

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ribbentrop, trước khi hiệp định được ký kết nói:

"Khi tôi đến Moskva năm 1939 để gặp Nguyên soái Stalin, ông đã thảo luận với tôi về khả năng giải quyết hòa bình cuộc xung đột của Đức và Ba Lan theo hiệp ước Kellogg-Briand, đồng thời ám chỉ rằng nếu ông không nhận được một nửa của Ba Lan và các nước vùng Baltic cùng với Litva chứ không phải chỉ là một cảng Libau thì tôi có thể bay trở lại ngay lập tức”. [1]

Chỉ hơn một tuần sau khi ký hiệp ước với Liên Xô, ngày 1/9/1939 Đức xâm chiếm phía tây Ba Lan, ngày 17/9/1939 quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan. Sau cuộc “đi đêm” này, mỗi bên chiếm một nửa Ba Lan.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, người ta nghe thấy từ Trung Quốc cất lên câu ve vãn “người không động đến ta thì ta không động đến người”.

Năm 1972, Nixon thăm Trung Quốc, sau đó là chiến dịch ném bom do máy bay chiến lược B52 thực hiện nhằm hủy diệt thủ đô Hà Nội.

Sau những lời ve vãn theo kiểu “thỏ thẻ” là đến ngôn ngữ kiểu cao bồi khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố ngay trên đất Mỹ, rằng Trung Quốc sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Hệ quả của những chuyến “đi đêm” này là việc Mỹ bật đèn xanh cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, là cuộc chiến tranh xâm lược của quân đội Trung Quốc dọc toàn bộ tuyến biên giới Việt-Trung, trong đó có những trận đánh được giới bình luận coi là đẫm máu nhất lịch sử châu Á sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Không phải chỉ người Việt thấm thía mà nhân loại cũng nhận thấy, rằng không chỉ Mỹ thành công trong việc chơi con bài Trung Quốc mà Trung Quốc cũng phần nào toại nguyện khi “đi đêm” được với Mỹ trong việc gây áp lực với Việt Nam.

Ts Trần Công Trục: Liệu có khả năng Trung Quốc và Mỹ "đi đêm" ở Biển Đông?

(GDVN) - Mọi thông tin về việc Trung Quốc xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa phi pháp ở Trường Sa từ khi bắt đầu cho đến nay đều do Mỹ "độc quyền" công bố...
Ngày nay chiều hướng có vẻ đang đảo ngược, Trung Quốc dường như đang “chơi con bài Mỹ”.
Khi tiềm lực kinh tế ngang ngửa nhau, khi mục tiêu lãnh đạo thế giới không khác gì nhau thì hai bên chẳng có gì phải giữ ý, vấn đề là giờ này ai làm chủ cuộc chơi?

Với một thị trường gần 1,4 tỷ người, với lượng dự trữ ngoại hối khoảng 3.400 tỷ USD, với kho vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường khổng lồ, thật khó để người ta công khai đối nghịch với một Trung Quốc vừa lắm tiền, nhiều đạn, vừa hung hăng, ngạo mạn.

Có bốn cách xử thế mà các quốc gia đang thực hiện trong quan hệ với Trung Quốc:

- Làm ngơ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi quốc gia;

- Kết thân với Trung Quốc để giải quyết khó khăn nội bộ;

- Làm căng với Trung Quốc để chiếm lợi thế trong các cuộc “đi đêm”;

- Xúi giục nước khác đương đầu với Trung Quốc còn mình “ngư ông đắc lợi”.

Cách xử thế thứ nhất thuộc về các nước không có mâu thuẫn đặc biệt về lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có một số nước thuộc khối ASEAN thường xuyên nhận viện trợ từ Trung Quốc hoặc có quan hệ kinh tế gắn liền với Trung Quốc.

Có nước dù nhận thấy nguy cơ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ song vẫn không dám lên tiếng mạnh mẽ, thậm chí còn giả bộ không biết khi hải quân Trung Quốc chào cờ tuyên bố chủ quyền chỉ cách bờ biển nước này có 80 km.
Có nước chỉ vì một ít viện trợ mà quên cái họa diệt chủng đã từng xảy ra với hàng triệu công dân nước mình…

Cách xử thế thứ hai thuộc về một số nước đang vấp phải những khó khăn nội tại về chính trị như Hàn Quốc, hoặc về kinh tế như Liên bang Nga.
Sự đối đầu giữa hai miền Triều Tiên dẫn tới nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào khiến người Hàn Quốc luôn không dám làm mất lòng quốc gia vốn được coi là “bảo mẫu” của Bắc Hàn.
Không những thế giao lưu Trung-Hàn nếu bị gián đoạn do các nguyên nhân chính trị có thể đẩy nền kinh tế Hàn Quốc vào thảm họa. 
Nước Nga ngày nay vẫn là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới song nền kinh tế bị phương Tây cấm vận đang khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt, đồng rúp mất giá, đời sống người dân lâm vào khó khăn.

Sự im lặng (hay ủng hộ?) của Trung Quốc với Nga trước những diễn biến xảy ra tại Ukraina được đánh đổi bằng sự im lặng của Nga trước sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này không có gì là khó hiểu.

Chơi dao ắt có ngày đứt tay, điều này không phải người Nga không biết. Chỉ hai năm sau khi Xô-Đức ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau, xe tăng quân đội Đức quốc xã đã tiến đến cửa ngõ Matxcơva. Hơn hai mươi triệu người Liên Xô đã chết trong cuộc chiến chống phát xít.

Mới đây, người Nga đã công khai tuyên dương các anh hùng trong cuộc chiến biên giới Xô-Trung. Trong tương lai, lấy gì bảo đảm rằng tên lửa, tàu ngầm, máy bay mà Nga bán cho Trung Quốc không được lập trình với đích đến là thành phố Saint Petersburg?

Lấy gì đảm bảo rằng các cuộc tấn công mạng xuất phát từ căn cứ bí mật tại Thượng Hải chỉ nhằm vào Mỹ mà không nhằm vào Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức…?
Lính gác tại tòa nhà được cho là “căn cứ” của “quân đoàn tin tặc bí ẩn” tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.(ảnh Baotintuc.vn)
Cách xử thế thứ ba được cho là chiến lược hiện tại của một số nước phương tây, chẳng hạn một số nhà ngoại giao, tướng lĩnh Hoa Kỳ có những tuyên bố mạnh mẽ phê phán hành động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng đồng thời cũng xem sự hợp tác với Trung Quốc là “mô hình khôn ngoan” bảo đảm lợi ích của nước Mỹ.

Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đề xuất một thỏa thuận của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương với Cảnh sát biển Trung Quốc “cùng duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.

Hải quân Mỹ rõ ràng đã nhận thấy đối đầu với lực lượng hùng hậu hơn 200 tàu cảnh sát biển có vũ trang khá mạnh của Trung Quốc không phải là chuyện đơn giản.
Là tướng ngoài chiến trường, trực tiếp ngồi máy bay quan sát thực địa, Scott Swift thừa biết các tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều chiếc thực chất là tàu chiến hải quân được cải tạo lại.

Nếu hải quân Mỹ và cảnh sát biển Trung Quốc có những thỏa thuận tránh đối đầu thì liệu thỏa thuận đó có mở rộng cho tất cả các quốc gia có lực lượng tàu dân sự và quân sự qua lại Biển Đông hay chỉ bó hẹp giữa hai nước?

Trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể thấy rõ quan điểm của Mỹ thể hiện qua phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Russel, rằng “giải pháp ngoại giao sẽ tiếp tục là công cụ giải quyết đầu tiên của Washington”. [3]

Không thể không đặt câu hỏi “giải pháp ngoại giao” ấy có bao hàm một cuộc “đi đêm” mới, liệu nó có đặt quyền lợi của các nước đang bị đe dọa lên trên quyền lợi của Hoa Kỳ?
Thế giới không lạ gì nền “ngoại giao bóng bàn” giữa Mỹ và Trung Quốc mang lại lợi ích cho ai và thiệt hại cho ai.

Cách xử thế thứ tư có thể thấy qua những tuyên bố hùng hồn về chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, với việc tuyên bố sẽ chuyển 60% lực lượng sang khu vực này.

Có điều không phải ai cũng nhận thấy, rằng chỉ với việc viện trợ vài cái tàu vừa bé, vừa cũ trị giá vài chục triệu USD cũng đã khiến một số người từ chỗ nghi ngờ bỗng hoan hỉ đặt niềm tin vào “sức mạnh Mỹ”, thay Mỹ đối đầu với đối thủ của Mỹ.

Cần phải biết rằng, như số liệu nêu trong bài viết trên Infonet.vn ngày 16/3/2012, mỗi năm Mỹ viện trợ cho Israel gần 3 tỷ USD. [2] Nếu so với khoản viện trợ mà Mỹ “hào phóng” cung cấp cho “bạn bè” châu Á thì có nên nhắc đến?

Trên thế giới ngày nay, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu đặt trọn niềm tin vào những “lời có cánh”. Không có bất kỳ cơ sở nào cho một “niềm tin vững chắc” vào bất kỳ “người bạn” nào dù là ở góc độ ý thức hệ, lịch sử hay kinh tế, chính trị.

Sự “đi đêm” của các nước lớn là bản chất cố hữu không bao giờ thay đổi, theo dõi với sự cảnh giác cao độ các cuộc “đi đêm” là cần thiết nhưng không phải là thượng sách, cần phải bằng hành động khiến những cuộc “đi đêm” ấy không xảy ra mới là điều nước nhỏ cần làm.

Làm chủ cuộc chơi không  phụ thuộc vào nước nhỏ hay lớn mà phụ thuộc vào tư thế quốc gia, bản lĩnh, ý chí và trình độ của người lãnh đạo.

Chiến lược mới của Mỹ ở Biển Đông có gì đáng lưu ý?

(GDVN) - Chiến lược mới lần này cũng thiếu vắng quy định cho bất kỳ lệnh trừng phạt nào được áp dụng cho hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo...
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã phớt lờ Nhà Trắng khi đến thăm và phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ. Bbc.com/vietnamese đánh giá hành động của Thủ tướng Israel:

Đó là những hình ảnh trên truyền hình mà quý vị không thể nào có được trong bất cứ cuộc vận động tranh cử nào khi mà các nghị sỹ Mỹ liên tục đứng lên dành cho ông Netanyahu những tràng pháo tay”. [4]

Dù chỉ trích ông Netanyahu diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ (theo lời mời của Đảng Cộng hòa) thì Tổng thống Mỹ cũng không thể cắt viện trợ quân sự cho Israel và bài báo nêu trên kết luận:

Các đối thủ của ông Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử sắp tới đối mặt với một tình huống khó khăn khi mà những tràng pháo tay dành cho bài diễn văn của ông ở Washington bắt đầu lắng xuống.
Họ có cảm giác rất bức bối khi nhìn thấy ông ấy bước lên vũ đài thế giới và xem ông ấy phát biểu qua truyền hình”.

Các nhà lãnh đạo phương Tây khi phát biểu trước đông người, kể cả những cuộc gặp gỡ quan trọng, rất ít khi có sẵn một tờ giấy trong túi. Trình độ và trí tuệ cho phép họ ghi nhớ những gì cần nói mà không cần tờ giấy chuẩn bị sẵn của ban thư ký.

Ngăn chặn các cuộc “đi đêm” không thể dựa vào “tình nghĩa” hay “lý tưởng”, chỉ có thể dựa vào sức mạnh nội lực và cái lợi (từ các nước nhỏ) mà nước lớn không thể bỏ qua.

Một đất nước với 90 triệu dân, rộng hơn 300.000 kilômét vuông không thể cứ mãi tự xưng là nước nhỏ.
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng mơ ước được làm thủ tướng một đất nước có nguồn tài nguyên dồi dào, có một dân tộc thông minh, cần cù như Việt Nam, chẳng lẽ mong muốn của ông Lý Quang Diệu không nói lên điều gì?

Suy cho cùng, các nước nhỏ không thể trách nước lớn “đi đêm” trên lưng mình, chỉ có thể trách bản thân biết người ta “đi đêm” mà vẫn cam chịu.

Nói chuyện “đi đêm” giữa các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc có thể là thừa bởi chính trị là như vậy, nhưng vẫn phải nói bởi nếu không nói thì người ta cứ nghĩ rằng người Việt ngây thơ mất cảnh giác từ thời An Dương Vương đánh mất nỏ thần vào tay Triệu Đà.

Nói ra để cho ai đó hiểu rằng đừng có làm liều bởi người Việt dù bị ăn cắp mất nỏ thần nhưng chưa bao giờ đánh mất lòng yêu nước.
Tài liệu tham khảo:
[1https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87p_%C6%B0%E1%BB%9Bc_X%C3%B4-%C4%90%E1%BB%A9c (IMT XXII P.374. Dẫn theoYu. N. Zorya, N. S. Lebedeva. Tài liệu về năm 1939. Tốc ký tại Nuremberg. Tập 137.)
[4] http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/03/150304_netanyahu_speech_us

Xuân Dương
(Trích báo Giáo dục Việt Nam)

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Thành kính phân ưu cùng tang quyến bạn D32 Lê Thị Hồng Thúy


Tập thể 12D vô cùng thương tiếc báo tin:
Thân phụ của bạn D32 - Lê Thị Hồng Thúy là 
ông Phanxicô Xavie Lê Văn Nhung, 
Sinh năm 1931,
đã từ trần lúc 04h00 ngày 12/8/2015, hưởng thọ: 85 tuổi.
Thánh lễ an táng sẽ được cử hành tại Thánh đường Trà Kiệu vào lúc 14h00 ngày 14/8/2015.
linh cửu được an táng tại nghĩa trang Cửa Hẩn.

Tập thể 12D xin thành kính phân ưu cùng gia đình bạn D32!!!

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Tin buồn



Ban đại diện xin thông báo đến tập thể lớp được biết: 
ba của bạn Lê Thị Hồng Thúy - D32 mới qua đời.
Thời gian tang lễ sẽ được cập nhật sớm nhất để các bạn có thể thu xếp phúng điếu và đưa tang.

BĐD

Món Quà Vô Giá



Một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà. Tuyệt nhiên, bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà từng giây từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô đó là một thánh giá được bọc thạch cao.

Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng cô đầy cay đắng buồn phiền. Cô tự nghĩ: mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được món quà không ra gì.

Không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt cay đắng, cô đã kéo thập giá xuống khỏi tường và ném tung trên nền nhà. Cây thập giá vỡ tung và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh...

Cô gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món quà... Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc bằng hình thù của thập giá. Sự sần sù và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm ta không thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

GS.Nguyễn Minh Thuyết: “Dạy học sinh chống tham nhũng như nước đổ lá khoai”


(GDVN) - Nhiều người làm quan có những khối tài sản siêu khổng lồ, vậy nó ở đâu ra? Những cái ấy, dân nhìn thấy cả, bàn tán râm ran cả, vậy thì lãnh đạo có biết không?



Ngày 4/8, Tổ chức Hướng tới Minh bạch tại Việt Nam (một cơ sở đại diện của Tổ chức Minh bạch Thế giới) đã công bố số liệu khảo sát liêm chính năm 2014. Kết quả cho thấy, đa phần thanh niên Việt Nam đánh giá cao các giá trị của liêm chính, nhưng lại sẵn sàng nới lỏng các giá trị liêm chính, thỏa hiệp với tham nhũng, thậm chí cả vi phạm pháp luật.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh nội dung này, GS.Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, muốn dạy được lớp trẻ thực sự liêm chính thì người lãnh đạo phải làm gương.
Từ lời nói đến hành động là một khoảng cách lớn
Thưa Giáo sư, ông có suy nghĩ gì khi mà kết quả của cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, có đến 41% số thanh niên được hỏi cho biết chấp nhận nói dối hoặc những hành vi tương tự?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Đây là chuyện rất buồn, vì con số này đã tăng thêm 6% so với khảo sát năm 2011 (35%). Tuy nhiên, tôi không cảm thấy bất ngờ với kết quả này. Chúng ta hiểu rằng các bạn trẻ không hề muốn vi phạm các giá trị liêm chính, nhưng nhìn ra xung quanh, họ thấy nhiều khi gian dối mới được việc; còn “thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt” đúng như câu tổng kết 7 chữ T của ai đó.
Kết quả của cuộc khảo sát này cũng chỉ ra rằng, từ 80% đến 95% người trả lời đề cao giá trị của liêm chính, nhưng gần một nửa trong số đó sẵn sàng nới lỏng liêm chính, thỏa hiệp với tham nhũng. Số người sẵn sàng tố cáo tham nhũng dù chỉ là “trên giấy” (tức là khi trả lời câu hỏi khảo sát) cũng không cao.
Những số liệu trên cho thấy giữa nhận thức với hành động hay giữa lời nói với fviệc làm của thanh niên hiện nay có một khoảng cách rất rõ rệt. Có thể giải thích sự lệch pha này bằng 2 lý do sau:
Một là, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa khuyến khích thanh niên sẵn sàng tố cáo tham nhũng.
Hai là, thói quen “phân thân” của nhiều người trong một xã hội thích mặc đồng phục: nói một đằng, làm một nẻo.
Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết thì không thể sống chung với giặc "tham nhũng", ảnh: Ngọc Quang.
Những nội dung nâng cao liêm chính cho thanh niên đã được dạy thử nghiệm ở một số trường phổ thông, nhưng dường như kết quả thu được rất thấp. Theo Giáo sư thì vì sao?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra, từ trước khi chúng ta đặt vấn đề đưa giáo dục liêm chính vào trường học, đã có rất nhiều nội dung giáo dục liêm chính trong chương trình từ tiểu học trở lên rồi. Không phải chỉ môn Đạo đức hay Giáo dục công dân, mà ngay môn Tiếng Việt cũng có những nội dung ấy.
Lấy ví dụ, sách Tiếng Việt lớp 4 có kể hai mẩu chuyện về ông Tô Hiến Thành: Chuyện thứ nhất là trước khi mất, Vua Lý Anh Tông di chiếu cho ông phò Thái tử Long Cán làm Vua. Khi Vua mất rồi, Chiêu Linh Thái hậu cho mang vàng bạc đến đút lót để ông chấp thuận đưa con đẻ mình là Hoàng tử Long Xưởng lên làm Vua. Nhưng Tô Hiến Thành kiên quyết từ chối, cứ theo di chiếu lập Thái tử Long Cán.
Chuyện thứ hai là khi Tô Hiến Thành ốm nặng, Thái hậu và Vua vào thăm, hỏi ông tiến cử ai thay vị trí của mình. Tô Hiến Thành tiến cử Gián nghị đại phu Trần Trung Tá. Thái hậu hỏi, vì sao không tiến cử Tham tri chính sự Vũ Tán Đường là người ngày đêm thăm nom ông bên giường bệnh. Tô Hiến Thành trả lời: “Nếu Thái hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người tài ba giúp nước, thần xin cử Trần Trung Tá.”
Sách Tiếng Việt lớp 5 kể chuyện Thái sư Trần Thủ Độ giữ nghiêm phép nước. Có lần, Linh Từ Quốc Mẫu, vợ ông, xin cho người họ hàng làm một chức việc rất bé trong làng xã. Trần Thủ Độ bảo người ấy: “Ngươi có phu nhân xin cho làm chức câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì vậy, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người ấy kêu van mãi, ông mới tha cho. 
Lần khác, vợ của Trần Thủ Độ ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, bị một người quân hiệu ngăn lại. Về nhà, bà trách ông để cho kẻ dưới khinh nhờn. Trần Thủ Độ gọi người quân hiệu lên, hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, rồi khen ngợi: “Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước” và lấy vàng, lụa thưởng cho.
Lại một lần khác, có viên quan trong triều nhân lúc vào chầu vua, ứa nước mắt tâu rằng: “Bệ hạ còn trẻ mà Thái sư chuyên quyền, thần lo lắm”. Nhà vua nói với Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi tâu vua: “Quả có chuyện như vậy. Xin Bệ hạ quở trách thần và ban thưởng cho người nói thật”.
“Hai vấn đề cốt lõi liên quan tới vận mệnh dân tộc'
Những câu chuyện như vậy trong chương trình giáo dục phổ thông nhiều lắm. Nhưng vì sao thanh niên vẫn không thấm nhuần được tinh thần liêm chính ấy? Tôi nghĩ kết quả nghèo nàn của đấu tranh phòng chống tham nhũng đã hạn chế kết quả giáo dục của nhà trường.
Những cố gắng của nhà trường (nếu có) thì cũng chỉ như nước đổ lá khoai, vì đấy chỉ là lý thuyết, trong khi đời sống thực tế đang diễn ra hoàn toàn khác.
Chính phủ đưa nội dung dạy phòng chống tham nhũng vào các trường từ bậc trung học phổ thông, nhưng tôi xin nói là không có hiệu quả. Vì sao? Ở trường trung học phổ thông, sức ép của kỳ thi tốt nghiệp mạnh đến mức người ta sẵn sàng bỏ một phần môn học, thậm chí một môn học nào đó để tập trung cho những nội dung, những môn đi thi, thì những chuyên đề như phòng, chống tham nhũng, nếu có được dạy cũng chỉ mang tính hình thức, đối phó mà thôi.
Muốn thanh niên liêm chính, lãnh đạo phải làm gương
Theo ông, đâu là mấu chốt để thanh niên thực hiện liêm chính đúng nghĩa khi mà từ lời nói tới hành động có một khoảng cách lớn như vậy?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Có rất nhiều lý do khiến cho người ta không thể giữ được liêm chính, ví dụ như đưa người nhà vào bệnh viện cấp cứu, trong lúc lo lắng như vậy mà lại có sự vòi vĩnh thì chắc là người nhà bệnh nhân phải thỏa mãn thôi, vì tính mạng của người thân họ quan trọng hơn cả tinh thần liêm chính lúc ấy.
Kết quả khảo sát cho thấy, số thanh niên sẵn sàng không tố cáo tham nhũng vì cho rằng không giải quyết được vấn đề gì tăng từ 28% năm 2011 lên 35% năm 2014.
Đây là chỉ số gia tăng rất lớn, nó phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay, như các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã nhiều lần đánh giá: công cuộc phòng chống tham nhũng đang có nhiều diễn biến phức tạp, kết quả chống tham nhũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi thấy phong trào có nội dung bổ ích và cần thiết cho lớp trẻ. Nhưng giá như có thêm những tấm gương gần gũi của các vị lãnh đạo đương nhiệm để thanh niên học tập và làm theo thì tốt biết mấy.
Cả nước nói về tham nhũng suốt nhiều năm qua, nhưng với kết quả khảo sát này thì dường như một phần lớn giới trẻ cũng đã chán nản và sẵn sàng thỏa hiệp. Điều đó sẽ dẫn tới hệ lụy gì, thưa Giáo sư?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất là quyết tâm của những người lãnh đạo từ cấp cao nhất. Có quyết tâm thì mới thực hiện được các biện pháp đã đề ra từ lâu. Ví dụ, phải thực hiện kê khai, công khai tài sản của quan chức. Phải xử lý đến nơi đến chốn những trường hợp giàu có bất minh. Nhiều người làm quan có những khối tài sản siêu khổng lồ, vậy nó ở đâu ra?
Những cái ấy, dân nhìn thấy cả, bàn tán râm ran cả, vậy thì lãnh đạo có biết không? Biết rồi thì có đủ quyết tâm làm cho rõ không, hay là biết rồi để đấy?
Đã xác định chống tham nhũng là một nhiệm vụ hàng đầu để bảo vệ thể chế và phát triển đất nước giống như chống “giặc ngoại xâm” thì phải tìm mọi cách làm cho được. Còn cứ ậm à ậm ừ, sống chung với giặc thì e là có ngày mất chế độ, mất nước.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Ngọc Quang
(trích báo Giáo dục Việt Nam)