Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Thằng Út nghỉ học và lời "bí mật" của một bà mẹ

Lời đàm: Khi đọc một loạt bài liên quan đến vấn đề giáo dục hiện nay mà Dân trí đăng, sao thấy cái sự học của trẻ nó long đong, lận đận vậy không biết. Ông nào thì đòi thay đổi sách, mấy chục ngàn tỉ không được chấp thuận thì hạ xuống thành mấy trăm tỉ, giống như trả cá ngoài chợ. Ông nào thì bắt đóng các khoản thu này nọ, nào là phí trang thiết bị, nào phí đồng phục, nói chung là một ...rừng phí. Ông nào thì giao tiếp tiếng Anh tiếng được, tiếng mất, còn đòi phải dạy tiếng Anh theo chuyên ngành... Nhìn cái sự nghiệp giáo dục sao thấy mà...nhiêu khê quá đi bà con ơi!!!

(Dân trí) - Sau hôm cô giáo thông báo với gia đình, con chưa đóng tiền thì phải ngưng học một thời gian, Út nghỉ học…
 >> Học sinh mầm non cũng "gánh" hàng chục khoản thu
 >> Giáo viên thành “chủ nợ” thì còn dạy dỗ gì nổi”
 >> Phụ huynh nghèo “bóp bụng” góp tiền trường

1. Đến quán cơm tình thương 2.000 đồng tại cơ sở quận Tân Phú (TPHCM), nhiều người thấy một cậu bé nhỏ thó, đen nhẻm tận tình chạy việc lặt vặt phục vụ cho bữa ăn người nghèo. Cậu bé Nguyễn Văn Út, 13 tuổi, được anh chị tại quán cơm xem như một tình nguyện viên.
Thằng Út nghỉ học và lời “bí mật” của một bà mẹ
Em Nguyễn Văn Út bỏ học khi đang dang dở lớp 4 do bố mẹ không lo được tiền trường. Hiện em đang theo học tại lớp tình thương Nụ Cười, Tân Phú, TPHCM.
Út bỏ học từ lâu, gần 4 năm nay, em gần như đã quên mặt chữ. Nhưng chuyện vì sao nghỉ học Út lại nhớ như in chẳng khác nào đó là ký ức của những ngày đến trường còn lưu lại. 
Đầu năm lớp 4, nhiều lần cô giáo nhắc Út việc đóng tiền. Út về hỏi bố mẹ, bố mẹ khất, nói họ để lo dần dần. Nhưng rồi người mẹ bán bánh mỳ, ông bố làm bốc vác tại ngã ba Củ Cải (Hóc Môn) đành “thất hứa” với con, không lo đủ tiền cho Út đóng học.
Cô giáo nói nhỏ với Út: “Em không đóng tiền thì phải nghỉ học một thời gian” rồi đến thông báo cho gia đình lên trường rút học bạ. Sau những ngày lầm lũi đến lớp mà bố mẹ chưa đóng tiền, Út chính thức nghỉ học. Học bạ những năm đi học của Út cũng gửi lại luôn ở trường chẳng buồn rút… 
Hiện giờ, Út đang theo học tại lớp tình thương của quán cơm Nụ cười. Không chỉ Út, một số em nhỏ khác ở lớp học này tình thương này cũng dang dở việc học bởi điều kiện kinh tế gia đình. 
2. Nhiều tuần nay, người mẹ bải hoải vì không biết kiếm đâu ra để đủ đóng tiền trường cho con. Con chị mới vào lớp 6, đầu năm đi họp nghe nhà trường và một số phụ huynh đề xuất lắp máy lạnh, rèm cửa, sửa lại nền nhà, tiền quỹ trường, quỹ lớp… mà chị toát mồ hôi.
Hiển nhiên chị không đồng ý. Hàng tháng bao nhiêu khoản cố định phải đóng, đã đủ làm chị chật vật mà giờ còn lắm khoản “phụ” cao hơn khoản chính… Đồng lương tạp vụ 3 triệu đồng hàng tháng của chị cùng với thu nhập eo hẹp từ công việc sửa xe của chồng nào thấm vào đâu.
Học trò nghèo tại TPHCM trong chương trình học bổng từ một doanh nghiệp
Học trò nghèo tại TPHCM trong chương trình học bổng từ một doanh nghiệp
Trong buổi họp, chị muốn thốt lên: “Nếu tôi không có tiền để đóng thì con tôi phải bỏ học chắc?” mà cổ họng nghẹn lại. Câu nói khác bám riết lấy chị, lời “bí mật” chị không biết mình gắng được đến lúc nào thì sẽ phải buông ra với con: “Nghỉ thôi con, mẹ không có tiền cho con ăn học nữa”.
Có thể lắm, rồi đây con chị cũng phải nghỉ học giống thằng Út! Hàng năm, ở TPHCM còn không ít học sinh phải bỏ học, trong đó nhiều em vì gia đình khó khăn. Tại hội nghị công tác chuẩn bị năm học mới giữa Sở GD-ĐT TPHCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số đại biểu cũng đã đề cập đến tình trạng người lao động, công nhân không lo nổi chi phí cho con đến trường.
Xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực cho giáo dục. Giáo dục không thể trông chờ hết vào ngân sách nhà nước, rất cần sự chung tay từ người dân để trẻ có điều kiện học tập tốt hơn. Nhưng khi chủ trương xã hội hóa giáo dục bị “lạm dụng” thì phía sau mục đích xây dựng điều kiện học tập tốt hơn là không ít học trò nghèo "rớt" ra khỏi con đường học hành.
Xã hội hóa giáo dục phải đặt trong điều kiện thực tế của số đông người dân và hơn hết phải xuất từ sự đồng thuận của phụ huynh trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Còn với kiểu “tự nguyện” theo cách ép buộc vẫn đang diễn ra có phần rầm rộ như hiện nay trong trường học thì dễ lắm nhiều ông bố bà mẹ sẽ phải “buông tay” với việc học của con.
Lê Đăng Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét