Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Giáp năm ngày mất D38 Phaolo Trương Bá Tín

Thấm thoát đã hơn 1 năm trôi qua, kể từ ngày mất của người bạn thân. Nhóm bạn từ thưở thiếu thời đã cùng nhau xin lễ cho linh hồn Phaolo, nhân giáp 1 năm ngày mất, cũng như đã vào viếng mộ người bạn năm nào. Thật sự, không thể nói được nên lời khi thắp nén hương cho người bạn thân, bởi bao nhiêu điều còn dang dở mà đứa bạn đang làm, bây giờ....
Xin chia sẻ cùng các bạn một số hình ảnh nhân ngày này, cũng như một số hình ảnh của các con Tín:

 
Cu Bo khi học mẫu giáo



Em trai Bo

Hai anh em làm dáng với phó nháy - mẹ Hải

Mặc dù làm dáng để chụp hình, nhưng nét mặt cu út vẫn thoáng buồn vì hay nhớ ba Tín. 

Cu Bo tốt nghiệp Mẫu giáo, để chuẩn bị vào lớp 1. Cô chú chúc mừng BO.

Giờ Bo đã vào lớp 1 rồi. Giống ba Tín không!

2 anh em trong trang phục Thiếu nhi Thánh Thể. Giỏi quá, cố lên nghen 2 con!

Nhóm bạn thân dìu anh Cả Năm lên xe để vào viếng mộ đứa em.



Trong lúc cả nhóm niệm hương, thì anh Cả Năm và xe thồ Thơm phải đứng ở ngoài đọc kinh vì xe vào không được.

Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhóm bạn và ba mẹ Tín. Đôi bên cũng đã có những chia sẻ tâm tình với nhau...

Mỗi tuần một chia sẻ: Hai cha con và con lừa

Hai Cha Con Và Con Lừa



Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con cái nghe nhất đó là câu chuyện: "Hai cha con và con lừa". Có hai cha con dắt con lừa ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế bèn nói: "Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ!". Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ trích: "Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong khi cha lại đi cuốc bộ". Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: "Chỉ còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa".

Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình khác: "Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu đựng cả một sức nặng như thế".

Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người phê bình: "Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ". Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.

Ðôi khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị "rung động" bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.

  • Trong Giáo Hội cũng có những người mắc phải chứng bệnh thích chỉ trích phê bình người khác. Họ quên rằng mình cũng chỉ là những con người đầy khiếm khuyết. Họ là những gai nhọn hoặc dấm chua trong Giáo Hội. Sự hiện diện của họ thường gây sứt mẻ hơn là góp phần xây dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Mỗi tuần một chia sẻ: Trần như nhộng

Trần Như Nhộng


Trần Bình vốn là một mưu thần đời nhà Hán, thời Hán Sở tranh hùng. Một hôm, khi trốn Sở về đầu Hán, Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái đò đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết người khét tiếng. Hắn nghĩ Trần Bình là một người giàu có, định ra tay hãm hại để thâu đoạt tiền của. Biết ý định của tên lái đò, trước khi xuống đò, Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áo. Mình trần như nhộng, Trần Bình lại đến xin tên lái đò cho chèo phụ giúp hắn. Nghĩ rằng một người trần truồng như thế không phải là một người giàu có, tên lái đò đã để yên cho Trần Bình. Thế là ông thoát nạn.

Ðôi khi phải chấp nhận một vài nhục nhã, cắt bỏ đi một phần của cải hay cả một phần thân thể, chúng ta mới có thể thoát khỏi hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Trong bất cứ một cuộc di tản nào, để bảo đảm cho mạng sống, đôi khi người ta phải bỏ lại đằng sau nhà cửa, ruộng vườn, tài sản và ngay cả bà con thân thuộc của mình. Chúng ta có một sự sống giá trị gấp bội phần sự sống trên trần gian này. Sự sống ấy đòi hỏi chúng ta phải hy sinh tất cả mọi sự trong cuộc sống tạm bợ này. Lời sau đây của Chúa Giêsu đã đánh động không biết bao nhiêu người trong lịch sử nhân loại: "Lời lãi cả thế gian để được ích gì nếu mất linh hồn mình?"

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Thằng Út nghỉ học và lời "bí mật" của một bà mẹ

Lời đàm: Khi đọc một loạt bài liên quan đến vấn đề giáo dục hiện nay mà Dân trí đăng, sao thấy cái sự học của trẻ nó long đong, lận đận vậy không biết. Ông nào thì đòi thay đổi sách, mấy chục ngàn tỉ không được chấp thuận thì hạ xuống thành mấy trăm tỉ, giống như trả cá ngoài chợ. Ông nào thì bắt đóng các khoản thu này nọ, nào là phí trang thiết bị, nào phí đồng phục, nói chung là một ...rừng phí. Ông nào thì giao tiếp tiếng Anh tiếng được, tiếng mất, còn đòi phải dạy tiếng Anh theo chuyên ngành... Nhìn cái sự nghiệp giáo dục sao thấy mà...nhiêu khê quá đi bà con ơi!!!

(Dân trí) - Sau hôm cô giáo thông báo với gia đình, con chưa đóng tiền thì phải ngưng học một thời gian, Út nghỉ học…
 >> Học sinh mầm non cũng "gánh" hàng chục khoản thu
 >> Giáo viên thành “chủ nợ” thì còn dạy dỗ gì nổi”
 >> Phụ huynh nghèo “bóp bụng” góp tiền trường

1. Đến quán cơm tình thương 2.000 đồng tại cơ sở quận Tân Phú (TPHCM), nhiều người thấy một cậu bé nhỏ thó, đen nhẻm tận tình chạy việc lặt vặt phục vụ cho bữa ăn người nghèo. Cậu bé Nguyễn Văn Út, 13 tuổi, được anh chị tại quán cơm xem như một tình nguyện viên.
Thằng Út nghỉ học và lời “bí mật” của một bà mẹ
Em Nguyễn Văn Út bỏ học khi đang dang dở lớp 4 do bố mẹ không lo được tiền trường. Hiện em đang theo học tại lớp tình thương Nụ Cười, Tân Phú, TPHCM.
Út bỏ học từ lâu, gần 4 năm nay, em gần như đã quên mặt chữ. Nhưng chuyện vì sao nghỉ học Út lại nhớ như in chẳng khác nào đó là ký ức của những ngày đến trường còn lưu lại. 
Đầu năm lớp 4, nhiều lần cô giáo nhắc Út việc đóng tiền. Út về hỏi bố mẹ, bố mẹ khất, nói họ để lo dần dần. Nhưng rồi người mẹ bán bánh mỳ, ông bố làm bốc vác tại ngã ba Củ Cải (Hóc Môn) đành “thất hứa” với con, không lo đủ tiền cho Út đóng học.
Cô giáo nói nhỏ với Út: “Em không đóng tiền thì phải nghỉ học một thời gian” rồi đến thông báo cho gia đình lên trường rút học bạ. Sau những ngày lầm lũi đến lớp mà bố mẹ chưa đóng tiền, Út chính thức nghỉ học. Học bạ những năm đi học của Út cũng gửi lại luôn ở trường chẳng buồn rút… 
Hiện giờ, Út đang theo học tại lớp tình thương của quán cơm Nụ cười. Không chỉ Út, một số em nhỏ khác ở lớp học này tình thương này cũng dang dở việc học bởi điều kiện kinh tế gia đình. 
2. Nhiều tuần nay, người mẹ bải hoải vì không biết kiếm đâu ra để đủ đóng tiền trường cho con. Con chị mới vào lớp 6, đầu năm đi họp nghe nhà trường và một số phụ huynh đề xuất lắp máy lạnh, rèm cửa, sửa lại nền nhà, tiền quỹ trường, quỹ lớp… mà chị toát mồ hôi.
Hiển nhiên chị không đồng ý. Hàng tháng bao nhiêu khoản cố định phải đóng, đã đủ làm chị chật vật mà giờ còn lắm khoản “phụ” cao hơn khoản chính… Đồng lương tạp vụ 3 triệu đồng hàng tháng của chị cùng với thu nhập eo hẹp từ công việc sửa xe của chồng nào thấm vào đâu.
Học trò nghèo tại TPHCM trong chương trình học bổng từ một doanh nghiệp
Học trò nghèo tại TPHCM trong chương trình học bổng từ một doanh nghiệp
Trong buổi họp, chị muốn thốt lên: “Nếu tôi không có tiền để đóng thì con tôi phải bỏ học chắc?” mà cổ họng nghẹn lại. Câu nói khác bám riết lấy chị, lời “bí mật” chị không biết mình gắng được đến lúc nào thì sẽ phải buông ra với con: “Nghỉ thôi con, mẹ không có tiền cho con ăn học nữa”.
Có thể lắm, rồi đây con chị cũng phải nghỉ học giống thằng Út! Hàng năm, ở TPHCM còn không ít học sinh phải bỏ học, trong đó nhiều em vì gia đình khó khăn. Tại hội nghị công tác chuẩn bị năm học mới giữa Sở GD-ĐT TPHCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số đại biểu cũng đã đề cập đến tình trạng người lao động, công nhân không lo nổi chi phí cho con đến trường.
Xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực cho giáo dục. Giáo dục không thể trông chờ hết vào ngân sách nhà nước, rất cần sự chung tay từ người dân để trẻ có điều kiện học tập tốt hơn. Nhưng khi chủ trương xã hội hóa giáo dục bị “lạm dụng” thì phía sau mục đích xây dựng điều kiện học tập tốt hơn là không ít học trò nghèo "rớt" ra khỏi con đường học hành.
Xã hội hóa giáo dục phải đặt trong điều kiện thực tế của số đông người dân và hơn hết phải xuất từ sự đồng thuận của phụ huynh trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Còn với kiểu “tự nguyện” theo cách ép buộc vẫn đang diễn ra có phần rầm rộ như hiện nay trong trường học thì dễ lắm nhiều ông bố bà mẹ sẽ phải “buông tay” với việc học của con.
Lê Đăng Đạt

Con đường lạ nhất ở Việt Nam

(Dân trí) - Chính vì vậy nên công ty du lịch chúng tôi mới dẫn các bạn tới chiêm ngưỡng

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp
 Thật là một sự đánh đố cho công ty tổ chức du lịch nước ta khi phải thỏa mãn yêu cầu của một nhóm nước ngoài tới Việt Nam du lịch theo tour. Bởi khi hỏi: Các quý ông, quý bà muốn đi du lịch loại hình nảo, du lịch xanhhướng về thiên nhiên, du lịch tham quan di tích – thắng cảnh,  du lịch văn hóa tới lễ hội, phố cổ, làng nghề, ẩm thực hay du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh? Họ bảo: “Chúng tôi đâu phải mới đến Việt Nam lần đầu mà đã nhiều lần, nay lại  trở lại Việt Nam, nên các loại hình du lịch trên đã trải nghiệm hết rồi. Mà du lịch là khám phá. Bởi vậy lần này hãy dẫn chúng tôi tới chiêm ngưỡng nơi nào lạ nhất của nước các bạn.” Công ty du lịch này bèn dẫn nhóm du lịch nước ngoài này qua đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đến tham quan đoạn quốc lộ 21 từ Sơn Tây đi Xuân Mai, là con đường do Cu Ba giúp nước ta xây dựng năm 1976.
Nhóm khách du lịch  ngạc nhiên hỏi:
- Ô! Đây là con đường lạ nhất của đất nước các bạn?
Hướng dẫn viên du lịch gật đầu khẳng định:
- Đúng vậy. Nó lạ vì được xây dựng đã 38 năm mà tận giờ vẫn không hỏng.
Các thành viên trong nhóm du lịch cười ồ. Một khách du lịch người Trung quốc bảo:
- Đâu có gì là lạ. Tôi không hiểu về kỹ thuật cho lắm, nhưng là người Quảng Châu – Trung quốc, tôi thấy thực tế thế này, con đường  từ Bằng Tường đến Quảng Châu chúng tôi nắn thẳng tối đa, găp núi san núi, gặp vực bắc cầu, đẳng phẳng lỳ, ô tô chạy lúc nào đồng hồ cũng báo 100km một giờ mà đi êm ru nhiều năm nay, đường không hỏng.
Khách du lịch người Nhật, người Hàn Quốc  bảo chất lượng những con đường ở nước họ cũng thế và còn hơn thế.
Còn khách du lịch người Mỹ bảo:
Hoa Kỳ chúng tôi có mạng lưới đường bộ lớn nhất thế giới với gần 7 triệu km, không chỉ đường ở đồng bằng, mà cả đường qua địa hình đồi núi, nhưng sử dụng chúng đâu chỉ 38 năm, mà cả trăm năm vẫn tốt.
Hướng dẫn viên du lịch thuyết trình:
- Chính vì vậy nên công ty du lịch chúng tôi mới dẫn các bạn tới chiêm ngưỡng nơi lạ nhất của nước tôi là con đường này. Bởi ở nước tôi, chuyện đường vừa làm xong là hỏng  đâu có gì là lạ. Quốc lộ 6 là con đường huyết mạch quan trọng bậc nhất trong sự phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi Tây Bắc, mới được nâng cấp và đi vào sử dụng cách đây chưa lâu, thế nhưng mới làm xong đã hỏng đoạn từ km78-km87 (dốc Cun - Hoà Bình) đã xuất hiện vô số chỗ lún nứt. Gần đây nhất, mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy II đi TP.Hà Tĩnh tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng. Đến tháng 1 năm 2014, tổ chức lễ thông xe và đưa vào khai thác sử dụng. Thế nhưng, hơn 4 tháng sau thì ở một số đoạn trên tuyến đường này đã xẩy ra hiện tượng sụt lún mặt đường, hiện tượng vệt hằn bánh xe, trồi sụt mặt đường trên tuyến. Quốc lộ 1A đoạn TP.Đông Hà - Thị xã Quảng Trị: Làm mất  6 năm, tháng7 năm 2014 chính thức đưa vào hoạt động,  nhưng chỉ sau 1 tháng đã hỏng, nhiều chỗ lún sâu tới 10cm, gây nguy cơ tai nạn giao thông.Tuy nhiên,  đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai dài 264 km, là một phần của đường Xuyên Á AH14,  đạt kỷ lục nhanh hỏng nhất trong các con đường ở nước tôi. Đường này dài 264 km có tổng mức đầu tư giai đoạn1 là 1.464 triệu USD, tính ra mỗi km đường chi phí hết những 5 triệu 545 ngàn USD, nhiều đến thế, tốn kém đến thế, nhưng vừa làm xong được hai ngày đã có chỗ bị lún nứt.Vì vậy, chuyện làm đường giao thông vừa xong đã hỏng - ở nước các bạn là chuyện lạ thì ở nước chúng tôi đã thành quen, còn con đường hôm nay tôi dẫn các bạn tới xem đây đối với chúng tôi là lạ, rất lạ, vì nó dù được xây dựng cách đây 38 năm, các loại  xe, kể cả xe tải trọng lớn lưu thông mà vẫn không hỏng. Các bạn thích khám phá cái lạ của đất nước chúng tôi thì hôm nay chúng tôi dẫn các bạn đến địa chỉ này để chiêm ngưỡng.
Nguyễn Đoàn 
Theo báo Dân trí

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Hiệu trưởng “lạm thu” vẫn được làm Hiệu trưởng!

Lạm bàn: Hiệu trưởng "lạm thu" vẫn được làm Hiệu trưởng. Thường thôi! Cái hiện trạng này nó đầy nhan nhãn, vị này sai phạm, thì nào là nghiêm túc kiểm điểm, phê và tự phê.... rồi thuyên chuyển công tác....lên một vị trí cao hơn, to hơn. Ôi trời ơi, nhìn mà ngao ngán cho cái sự đời. Cái bình thường mà sao nó bất thường thế?!
(GDVN) - Một Hiệu trưởng “lạm thu”, bị điều chuyển công tác khác, đến nay lại được làm Hiệu trưởng đang gây dư luận bất bình.


Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2014, dư luận ở Đà Nẵng xôn xao về vụ việc bà Vương Thị Vân (chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, Đà Nẵng) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường tiểu học Điện Biên Phủ (87 Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bắt đầu từ ngày 1/10/2014.
Sự việc bắt đầu từ ngày 26/9, tập thể giáo viên trường tiểu học Điện Biên Phủ làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng để phản đối vị Hiệu trưởng này.
Theo đơn kiến nghị của tập thể giáo viên trường tiểu học Điện Biên Phủ thì họ không đồng ý bà Vương Thị Vân về làm Hiệu trưởng nhà trường bắt đầu từ ngày 1/10/2014 vì: “Theo thông tin chính xác của báo đài cũng như thực tế đã xảy ra từ tháng 10 năm học 2013-2014 cô Vương Thị Vân (lúc này đang làm Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân) đã bị kỷ luật và lên làm việc tại Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê. Chúng tôi thiết nghĩ, nhà trường đã có một quá trình phấn đấu để xây dựng trường, học sinh hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Với uy tín đó, chúng tôi đã làm việc hết mình, Ban giám hiệu cùng với tập thể giáo viên chúng tôi đã đưa trường lớp ngày càng khang trang hơn”.
Đơn kiến nghị của tập thể trường tiểu học Điện Biên Phủ "Chúng tôi chấp nhận bất kì Hiệu trưởng mới nào trừ cô Vương Thị Vân".
“Theo chúng tôi được biết, tai tiếng của cô Vương Thị Vân đã ảnh hưởng đến tất cả phụ huynh học sinh của địa phương, nó như một vết chàm trên cơ thể con người, một sai phạm quá lớn không thể bỏ qua. Chính vì thế, liệu có tin tưởng một người như cô Vương Thị Vân sẽ quản lý, chăm sóc con em ở trường. Điều mà tập thể giáo viên chúng tôi cần là một hiệu trưởng có tài, có đức, có đầy đủ tư cách, phẩm chất đạo đức để giáo dục cho thế hệ trẻ”, nội dung trong đơn kiến nghị viết, có khoảng 40 giáo viên trường tiểu học Điện Biên Phủ ký tên phản đối trong đơn kiến nghị này.
Trong lúc đó, Ban đại diện phụ huynh học sinh trường tiểu học Điện Biên Phủ cũng có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng với nội dung không đồng tình cách bố trí cán bộ - mà ở đây là bố trí cô Vương Thị Vân về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Điện Biên Phủ.
“Về chuyên môn thì chúng tôi không có ý kiến. Nhưng về tư cách của một người “trồng người” thì chúng tôi không yên tâm khi giao phó con em của mình. Hiệu trưởng phải là người có tâm, uy tín, tình thương, trách nhiệm. Chúng tôi mong muốn ai đó về làm hiệu trưởng cũng được nhưng không phải là cô Vương Thị Vân. Chúng tôi muốn cho con em mình không chỉ học kiến thức mà còn học điều hay lẽ phải, cách sống...”, Ban đại diện phụ huynh học sinh trường tiểu học Điện Biên Phủ viết trong đơn kiến nghị.
Trao đổi với PV Báo GDVN, anh Nguyễn Hồng Tuấn, trưởng Ban đại diện phụ huynh học sinh trường tiểu học Điện Biên Phủ, cho biết đa số phụ huynh học sinh nhà trường đều phản đối, không muốn bà Vương Thị Vân làm hiệu trưởng. Mặc dù họ luôn tôn trọng các thầy cô giáo và tin tưởng các thầy cô giáo sẽ dạy dỗ con em họ thành người. Nhưng việc cấp trên điều động cô Vương Thị Vân về làm hiệu trưởng nhà trường thì họ hoang mang, lo lắng và phản đối kịch liệt.
Sau đó, ngày 29/9, UBND quận Thanh Khê đã có Công văn trả lời đơn kiến nghị của Ban đại diện phụ huynh học sinh trường tiểu học Điện Biên Phủ. Công văn của UBND quận Thanh Khê khẳng định việc điều động và bổ nhiệm bà Vương Thị Vân đến nhận công tác và giữ chức vụ hiệu trưởng trường tiểu học Điện Biên Phủ kể từ ngày 1/10/2014 là đúng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
Đơn kiến nghị của Ban đại diện phụ huynh học sinh trường tiểu học Điện Biên Phủ phản đối bà Vương Thị Vân về làm Hiệu trưởng.
Tuy nhiên, đa số giáo viên và phụ huynh học sinh trường tiểu học Điện Biên Phủ đều không đồng tình với cách trả lời của UBND quận Thanh Khê. Họ cho rằng, việc bà Vương Thị Vân đã bị “tai tiếng” bấy lâu nay thì không thể làm Hiệu trưởng được nữa. Vì môi trường sư phạm không thể là nơi mà để cho bà Vân “thực hành”, “chuộc lỗi”.
Xin được quay lại vấn đề, năm học 2013-2014, bà Vương Thị Vân được luân chuyển từ Hiệu trưởng trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân. Mới khoảng 2 tháng “cầm quyền” ở trường tiểu học Trần Cao Vân, bà Vương Thị Vân đã bị Ban đại diện phụ huynh học sinh trường tiểu học Trần Cao Vân “tố” với những sai phạm, trong đó có vấn đề “lạm thu”, cắt xén bữa ăn của học sinh, không minh bạch khi tổ chức thu tiền, mua quà Trung thu cho học sinh…
Sau đó, UBND quận Thanh Khê thành lập Đoàn kiểm tra và đã có kết luận. Và ngày 11/11/2013, bà Vương Thị Vân được chuyển công tác về làm chuyên viên tại Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê.
Sự việc đã gây xôn xao dư luận trong khoảng thời gian đó. Nhiều phụ huynh học sinh đã đồng tình với cách giải quyết của UBND quận Thanh Khê. Ngay cả ông Vĩ Sách (lúc đó là Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê) cũng cho rằng việc diễn ra tại trường Trần Cao Vân đã tạo dư luận không tốt, đề nghị bà Vương Thị Vân nghiêm túc kiểm điểm trước tập thể Ban giám hiệu nhà trường.
Tuy nhiên, về làm chuyên viên ở Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê chưa lâu, ngày 27/2/2014, bà Vương Thị Vân được UBND quận Thanh Khê điều động về làm Hiệu phó trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, quyết định có hiệu lực thi hành ngày 1/3/2014. Đặc biệt, sau đó một ngày, ngày 28/2/2014, Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê lại có Quyết định điều động bà Vương Thị Vân “biệt phái” về lại Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, Quyết định cũng có hiệu lực thi hành ngày 1/3/2014.
Có nghĩa là, cùng trong một ngày 1/3/2014, bà Vương Thị Vân nhận một lúc 2 nhiệm vụ là “Hiệu phó trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và biệt phái về Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê”. Sự trớ trêu và những Quyết định “nhanh hơn tên lửa” này khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi liệu UBND quận Thanh Khê và Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê quá “ưu ái” cho bà Vương Thị Vân?. Bởi bà Vân mới bị tai tiếng không tốt khi còn làm Hiệu trưởng trường Trần Cao Vân, sau mấy tháng đã có những Quyết định “có lợi” và “ưu ái” như thế!?
Theo xác minh của PV Báo GDVN với một số giáo viên của trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, thì bà Vương Thị Vân chưa hề về trường tiểu học Đoàn Thị Điểm làm nhiệm vụ “Hiệu phó” lần nào.
“Chỉ duy nhất một lần bà ấy về là đúng ngày khai giảng năm học mới 2014-2015 của nhà trường với tư cách là “chuyên viên” của Phòng. Còn những ngày khác tuyệt nhiên không thấy bà Vân đến trường”, một giáo viên trường tiểu học Đoàn Thị Điểm xác nhận với PV Báo GDVN.
Nhiều phụ huynh học sinh tập trung trước cổng trường tiểu học Điện Biên Phủ để phản đối về Hiệu trưởng mới của nhà trường.  
Điều lạ hơn nữa, trong Quyết định điều động và bổ nhiệm bà Vương Thị Vân về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Điện Biên Phủ của UBND quận Thanh Khê lại ghi: “Điều động bà Vương Thị Vân, công tác tại Phòng GD&ĐT quận (nguyên Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm biệt phái về Phòng GD&ĐT quận) đến nhận công tác và giữ chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học Điện Biên Phủ, kể từ ngày 1/10/2014”.
Bà Vương Thị Vân chưa một ngày làm Hiệu phó trường tiểu học Đoàn Thị Điểm mà vẫn được UBND quận Thanh Khê ghi là “nguyên Hiệu phó”. Phải chăng đây là hình thức “hợp thức hóa” các Quyết định để “ưu ái” cho bà Vân nhanh chóng quay về lại chức Hiệu trưởng?.
Sau khi bà Vương Thị Vân về nhận chức Hiệu trưởng trường tiểu học Điện Biên Phủ từ ngày 1/10/2014, sáng ngày 1 và 2/10, có rất nhiều phụ huynh học sinh trường tiểu học Điện Biên Phủ đã tập trung trước cổng trường để phản đối. Sự việc khiến lực lượng Công an, quy tắc đô thị quận Thanh Khê phải tới hiện trường để giải tán đám đông. 
Hoàng Quân
Trích Giáo dục Việt Nam

Câu hỏi của bác Phan Trung Lý có lẽ không ổn!

(Dân trí) - Họ làm ăn, quản lý kém cỏi, tham ô, tham nhũng… thì họ phải chịu chứ sao lại kêu gọi người dân “đóng góp” trả nợ thay cho họ? Bác có muốn “học tập Hàn Quốc” thì học tập chứ em thì không, bác Lý ạ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Theo báo Tuổi trẻ, (bài “Dân góp tiền để xử lý nợ xấu?”), sáng ngày 1/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và thảo luận về nội dung báo cáo này.
Tại đây, bác Chủ nhiệm Ủy ban Luật pháp Quốc hội Phan Trung Lý đã rất bức xúc khi đọc cả bản báo cáo mà “không thấy dòng nào nói về trách nhiệm”. Bác Lý còn đề nghị phải phân tích thật cụ thể, ví dụ công ty mua bán nợ xấu hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 56.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng mới bán được có 1.600 tỷ…
Đây là những ý kiến rất xác đáng và có trách nhiệm cao của một vị đại diện cho dân.
Thế nhưng khi nói về nợ xấu, bác Lý đặt câu hỏi: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?”.
Với tư cách một cử tri Hà Nội, một công dân Việt Nam và cũng có thể là một “nạn nhân” của “nợ xấu”, em thấy cách đặt vấn đề của bác không ổn, bác Lý ạ.
Tất nhiên là đối với nước ta, tài sản của ngân hàng cũng có thể là tài sản nhà nước, của nhân dân.
Vì vậy, việc chung tay chia sẻ, gánh vác với ngân hàng cũng là sẻ chia khó khăn để đất nước phát triển.
Chuyện “chung lưng, đấu cật” này ở Việt Nam từng là truyền thống.
Ở tuổi năm sáu mươi như bác và em (Đại biểu Phan Trung Lý sinh năm 1954 tại Nghệ An), chúng ta đã từng chứng kiến nhiều hành động hi sinh cao cả khi Tổ quốc cần. Đó là các phong trào “Thóc không thiếu một cân” ở Thái Bình quê em hay dỡ nhà lót đường cho xe ra mặt trận của miền Trung quê bác.
Rồi trong những ngày đầu dành độc lập, nhân dân đã góp hàng vạn cây vàng cho Chính phủ…
Nhưng chuyện đó hoàn toàn khác với chuyện “đóng góp tiền vàng để giải quyết nợ xấu” hiện nay bởi mấy lẽ.
Thứ nhất về nguyên lý, ai làm người đó chịu. Ngân hàng làm ăn yếu kém, thất thoát (chắc bác quá biết về những đổ vỡ khủng khiếp của ngành ngân hàng thời gian qua) thì ngân hàng phải chịu, lãnh đạo ngân hàng phải chịu….
Nói trắng ra, họ tham ô, tham nhũng, kém cỏi… để lại khối nợ xấu không lồ thì họ phải chịu, sao lại kêu gọi người dân “đóng góp” thay cho họ?
Thứ hai, khi ngành ngân hàng có mức thu nhập cũng “khủng khiếp”, hỏi họ đã chia sẻ gì cho người dân hay họ chỉ chăm chăm tăng lãi suất để hưởng lợi nhuận cho ngành mình, cho bản thân mình?
Thứ ba, bác lấy Hàn Quốc làm một gợi ý cũng không ổn bác ạ.
Em nói không ổn bởi Hàn Quốc là một xã hội minh bạch, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế tài chính, ngân hàng. Họ có thể cũng có tham nhũng nhưng cho đến nay, hình như không (hoặc chưa) có những vụ tham ô, tham nhũng, thất thoát với số tiền cả tỉ tỉ đồng như ở Việt Nam ta. Hệ thống ngân hàng Hàn Quốc có lẽ cũng không có cái gọi là “lợi ích nhóm”…
Nói thật lòng, bác Lý ạ, nếu như các ngân hàng Việt Nam hoạt động minh bạch, biết vì doanh nghiệp, vì cộng đồng, không có (hoặc có nhưng ít) tham ô, tham nhũng mà chỉ bởi những yếu tố khách quan hay thậm chí cả năng lực thì mỗi người dân Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với họ.
Thế nhưng với những gì đã diễn ra, lại kêu gọi người dân “đóng góp” quả là rất phi lý.
Bác có “học tập Hàn Quốc” thì học tập chứ em thì không, bác Lý ạ.
Không chỉ có thế, với tư cách cử tri, đề nghị bác trong vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Luật pháp Quốc hội hãy làm gì đó thật thiết thực để trước mắt là thu hồi số tài sản tham nhũng về cho đất nước và sâu xa hơn là bài trừ tham nhũng có hiệu quả.

Bùi Hoàng Tám
Theo Dân trí

"Nghi phạm" phần trăm

(Dân trí) - Dường như việc xây trung tâm hành chính qui mô lớn, chi phí “khủng” vẫn đang là “mốt” của các địa phương. Mà nguyên do có lẽ ở cái “phần trăm” được “cắt” ra từ các dự án... Dự án càng lớn thì “phần trăm” cũng càng to...?

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Thời điểm này năm ngoái, câu chuyện dinh thự các cơ quan công quyền được mang ra mổ xẻ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đều bức xúc lên tiếng trước việc nhiều địa phương, ban ngành đua nhau xây trụ sở hoành tráng, lộng lẫy như cung điện vua chúa ngày xưa. Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước phải thốt lên: “Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế?"

Nhưng rồi đại biểu Quốc hội than thì cứ than, chuyện xây trụ sở hoành tráng vẫn cứ diễn ra như một “cuộc đua ngầm” giữa các địa phương cũng như giữa các cơ quan công quyền. Dường như việc xây trung tâm hành chính qui mô lớn, chi phí “khủng” đang trở thành “mốt” của các địa phương hiện nay? Đã từng có những trung tâm hành chính được xây dựng trong thời gian gần đây với chi phí trên 2000 tỉ như Khánh Hòa, Bình Dương, Đà Nẵng…

Trụ sở có qui mô hiện đại là xu thế phát triển của xã hội. Thế nhưng trong thực tế sự hoành tránh của trụ sở cơ quan công quyền có vẻ như vẫn đang tỉ lệ nghịch với chất lượng đội ngũ công chức và năng lực quản lí của các cơ quan...???

Thực tế cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” không còn là chuyện lạ. Thực tế người dân khi tiếp xúc với cơ quan công quyền thường bị “hành là chính” cũng không còn là chuyện lạ. Trụ sở nguy nga sẽ thành “đồ trang sức” với vẻ hào nhoáng bên ngoài khi bộ máy hành chính vẫn hoạt động kém hiệu quả!?

Do đó, việc xây trụ sở nguy nga là điều cần phải cân nhắc chứ không thể chạy đua theo “mốt”! Nhất là trong bối cảnh hiện tại khi đất nước còn khó khăn, dân mình còn nghèo như ông Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã nêu rõ.

Mới đây, thông tin tỉnh Hải Dương chuẩn bị xây khu hành chính với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỉ đồng lại khiến dư luận thêm một lần nữa băn khoăn.  Cái lí mà địa phương nêu lên xem ra không đủ sức thuyết phục: trụ sở làm việc của HĐND, UBND tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh “đang xuống cấp” (???)

Về chuyện này, trên báo Đất Việt, GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện Phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng: việc xây trụ sở hoành tráng “thực chất đây là hình thức dự án. Qua nhiệm kỳ vị nào cũng cố chạy cho mình vài dự án. Có dự án kiểu gì cũng được cắt 10-20%”.

Thì ra căn nguyên của vấn đề là ở cái “phần trăm” được “cắt” ra đó. Dự án như cái bánh ngọt, bánh càng lớn thì cái “phần trăm” kia cũng càng to (và dĩ nhiên là càng dễ cắt). Không có “phần trăm” chắc chẳng ai mặn mà gì với nó. Cho nên mới  có chuyện người “đẻ” ra dự án chứ không phải dự án nảy sinh từ nhu cầu kinh tế, xã hội. Cái nghịch lí ấy hình như vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay, điều đó lí giải cho một thực tế là vì sao trụ sở làm việc của các cơ quan, địa phương có tuổi thọ rất thấp, nhiều khi không quá một nhiệm kì 5 năm (!?)

Tư duy nhiệm kì, tư duy dự án và cái “phần trăm” kia đang khiến cho không ít công trình xây dựng hoặc là không phát huy được hiệu quả sử dụng, gây lãng phí hoặc là xuống cấp ngay khi mới khánh thành!!!

Nguyễn Duy Xuân
Theo Dân trí

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo

Tác giả người Canada T. Harv Eker đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi điều gì làm nên sự khác nhau giữa người giàu thông qua cuốn sách "Bí mật tư duy triệu phú".
Người giàu tin rằng: Tôi tạo ra cuộc đời của chính mình. Người nghèo thì nghĩ: Cuộc sống toàn những điều bất ngờ xảy đến với mình.
Người giàu tin rằng: Tôi tạo ra cuộc đời của chính mình. Người nghèo thì nghĩ: Cuộc sống toàn những điều bất ngờ xảy đến với mình.
Người giàu tham gia trò chơi tiền bạc để thắng. Người nghèo tham gia trò chơi tiền bạc với hy vọng không thua.
Người giàu tham gia trò chơi tiền bạc để thắng. Người nghèo tham gia trò chơi tiền bạc với hy vọng không thua.
Người giàu quyết tâm làm giàu, còn người nghèo chỉ đơn giản là muốn giàu có.
Người giàu quyết tâm làm giàu, còn người nghèo chỉ đơn giản là muốn giàu có.
Người giàu nghĩ lớn, người nghèo suy nghĩ vụn vặt.
Người giàu nghĩ lớn, người nghèo suy nghĩ vụn vặt.
Người giàu tập trung vào những cơ hội. Người nghèo nhìn đâu cũng thấy trở ngại.
Người giàu tập trung vào những cơ hội. Người nghèo nhìn đâu cũng thấy trở ngại.
Thái độ với những người người giàu có và thành công: người giàu thì ngưỡng mộ, còn người nghèo lại phẫn nộ.
Thái độ với những người người giàu có và thành công: người giàu thì ngưỡng mộ, còn người nghèo lại phẫn nộ.
Người giàu kết thân với những người tích cực và thành công, còn người nghèo lại qua lại với những người thất bại và tiêu cực.
Người giàu kết thân với những người tích cực và thành công, còn người nghèo lại qua lại với những người thất bại và tiêu cực.
Người giàu sẵn sàng tôn vinh con người và giá trị của mình. Người nghèo lại có ác cảm với việc bán hàng và quảng bá.
Người giàu sẵn sàng tôn vinh con người và giá trị của mình. Người nghèo lại có ác cảm với việc bán hàng và quảng bá.
Người giàu cho rằng vấn đề chỉ là chuyện nhỏ, tự tin xử lý. Người nghèo chùn bước trước khó khăn, trầm trọng hóa vấn đề.
Người giàu cho rằng vấn đề chỉ là chuyện nhỏ, tự tin xử lý. Người nghèo chùn bước trước khó khăn, trầm trọng hóa vấn đề.
Người giàu là những người rất biết đón nhận. Người nghèo không biết đón nhận.
Người giàu là những người rất biết đón nhận. Người nghèo không biết đón nhận.
Về chuyện trả công: Người giàu muốn được trả dựa trên kết quả. Người nghèo chọn cách trả theo thời gian.
Về chuyện trả công: Người giàu muốn được trả dựa trên kết quả. Người nghèo chọn cách trả theo thời gian.
Người giàu muốn đạt được cả 2 thứ: Hạnh phúc và Thành công. Người nghèo cho rằng chỉ có được 1 trong 2.
Người giàu muốn đạt được cả 2 thứ: Hạnh phúc và Thành công. Người nghèo cho rằng chỉ có được 1 trong 2.
Người giàu tập trung vào tổng tài sản (bao gồm nhà cửa, xe cộ, đất đai,…). Người nghèo chỉ quan tâm tới thu nhập từ làm việc.
Người giàu tập trung vào tổng tài sản (bao gồm nhà cửa, xe cộ, đất đai,…). Người nghèo chỉ quan tâm tới thu nhập từ làm việc.
Người giàu quản lý tiền bạc hợp lý. Người nghèo không biết cách quản lý tiền bạc.
Người giàu quản lý tiền bạc hợp lý. Người nghèo không biết cách quản lý tiền bạc.
Người giàu khiến cho đồng tiền phải làm việc vất vả vì mình, lãi mẹ đẻ lãi con. Còn người nghèo làm việc vất vả để kiếm tiền.
Người giàu khiến cho đồng tiền phải làm việc vất vả vì mình, lãi mẹ đẻ lãi con. Còn người nghèo làm việc vất vả để kiếm tiền.
Người giàu dù e sợ vẫn hành động. Người nghèo để nỗi sợ hãi chế ngự mình.
Người giàu dù e sợ vẫn hành động. Người nghèo để nỗi sợ hãi chế ngự mình.
Người giàu không ngừng học hỏi và phát triển. Người nghèo nghĩ rằng họ đã biết hết tất cả.
Người giàu không ngừng học hỏi và phát triển. Người nghèo nghĩ rằng họ đã biết hết tất cả.
Theo Lam Lan/Báo Gia đình Việt Nam