Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Nhà trường thất bại thì cả xã hội thất bại

Lời ngỏ: Ngồi lục lại mấy bài báo hay lưu trong máy, vô tình tìm thấy bài này của trang báo Sài gòn tiếp thị online - một tờ báo hay, dám nói lên sự thật,  nhưng đã bị "xóa sổ" vì lý do ... Việc xóa bỏ một tờ báo hay thế này khiến nhiều người rất thất vọng. Tạm bỏ qua điều đó, xin chia sẻ lại với các bạn bài báo hay này. 
SGTT.VN - “Dân tộc nào có những nhà trường tốt nhất, dân tộc đó sẽ đứng trên các dân tộc khác, hôm nay chưa vào vị trí ấy thì là ngày mai” – thông điệp của Jules Simon, triết gia kiêm chính trị gia người Pháp khiến Phạm Anh Tuấn tâm đắc đến mức âm thầm bỏ công sức dịch những tác phẩm mang tư tưởng canh tân giáo dục. 
Là con trai nhà giáo dục Phạm Toàn, sự tương đồng trong quan điểm sống đã giúp họ trở thành hai người bạn trên cùng trận tuyến đầy gian khó để làm thay đổi tư duy giáo dục. Theo Phạm Anh Tuấn, đổi mới giáo dục chính là cứu trẻ em, những người có thể làm thay đổi định mệnh dân tộc.
Với việc dịch tác phẩm Dân chủ và giáo dục của John Dewey, dường như anh muốn thay đổi hẳn cách nghĩ về trẻ em trong nhà trường?
John Dewey là nhà giáo dục có ảnh hưởng rất lớn tới trường học cho tới tận ngày hôm nay ở rất nhiều nước, thật tiếc là Việt Nam không nằm trong số đó. Trường học là của trẻ em chứ không phải của người lớn. Giáo dục không phải là chuẩn bị cho trẻ em cuộc sống tương lai.
Giáo dục là bản thân cuộc sống. Nhà trường áp dụng lối dạy áp đặt, nhồi sọ, học vẹt, học suông, thì trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ có thể cung ứng cho xã hội những cá nhân giỏi chuyên môn thật đấy song mang tư cách của kẻ nô lệ. Nhà trường phải là nơi để trẻ em tập sống cuộc sống dân chủ, nhà trường là một xã hội dân chủ thu nhỏ. Một xã hội muốn trở thành xã hội dân chủ thì cuộc sống nhà trường phải dân chủ.
Khi xã hội bất ổn, nhà trường thường quay sang đổ lỗi cho giáo dục gia đình, theo anh điều đó có đúng không?
Xã hội bây giờ giống như một sới vật khổng lồ, người ta lao vào kiếm sống, kiếm tiền bằng mọi cách cốt sao cho thật nhanh, thu được thật nhiều món lời. Có cảm tưởng như ai cũng sợ mất phần, ai cũng sợ không đến lượt mình hoặc đến lượt mình thì hết phần. Hầu như chẳng ai còn tin ai nữa. Lẻ tẻ trong những gia đình nho nhỏ vẫn còn tình thương yêu có thật, đó là tình mẫu tử, tình phụ tử… nhưng nói thật nhé, trong chừng mực nào đó cái tình cảm ấy là tự nhiên, có thể tìm thấy ngay cả ở loài động vật bậc thấp! Để tạo ra những giá trị mới mẻ, nếu nhà trường không làm thì ai làm? Gia đình là định mệnh tự nhiên, còn nhà trường là nơi có thể chủ động tạo ra năng lực yêu thương, năng lực cảm thông, tạo ra tri thức. Trẻ con không thể chọn cha mẹ, may nhờ rủi chịu, nhưng nhà trường phải là nơi mang đến cơ hội công bằng cho tất cả, để thay đổi số phận. Nếu nhà trường thất bại thì cả xã hội thất bại. Bản chất của sự rối loạn hiện nay là do nhà trường không hoàn thành nhiệm vụ của mình. 50 học sinh là 50 số phận, nhưng nhà trường là số phận chung, nếu nhà trường làm đúng thì sẽ giúp các em vượt qua số phận cá nhân. Học chính là để vượt qua số phận cá nhân.
Với gần mười tác phẩm đã dịch, không dừng lại ở những tác phẩm triết học mang tính luận đề như Cách mạng học tập, Văn hoá và bá quyền... anh còn bước sang lĩnh vực văn chương như Chuyện của Paco. Được đào tạo căn bản về tiếng Pháp, vì sao anh lại chọn dịch tác phẩm của một nhà văn Mỹ?
Trường học là của trẻ em chứ không phải của người lớn. Giáo dục không phải là chuẩn bị cho trẻ em cuộc sống tương lai. Giáo dục là bản thân cuộc sống.
Chỉ là tình cờ thôi. Sau khi bản dịch ra đời, tôi có viết liền mấy bài giới thiệu về tác giả Larry Heinemann và tác phẩm của ông cùng một chút hiểu biết của tôi về văn học Mỹ. Nhờ dịch Chuyện của Paco mà tôi được kết thân với nhà văn Mỹ L. Heinemann. Được dịch một tác phẩm mà tác giả còn sống, lại được gặp trực tiếp ông ấy, có điều gì đó thật thú vị. Tôi gọi L. Heinemann là “người kể chuyện của nước Mỹ”. L. Heinemann có thú nhận là ông có nhiều điểm chung nhất với nhà văn Bảo Ninh: cả hai đều là những người lính trong cuộc chiến Việt Nam, cả hai sau khi xuất ngũ đều theo học một lớp sáng tác ngắn ngày và sau đó cho ra mắt tác phẩm đầu tay với lối viết không thi vị hoá chiến tranh. Chuyện của Paco, giống như trường hợp Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, thoạt đầu đã gây sốc cho độc giả. Nhưng L. Heinemann nói rằng ông không đi lính để trở thành nhà văn mà ngược lại. Sau Chuyện của Paco với giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ năm 1986 dành cho thể loại hư cấu, L. Heinemann hầu như không viết nữa. Hiện ông dạy học tại đại học Texas A&M và lúc rảnh rỗi thì chơi… golf.
Tôi học tiếng Pháp ở đại học sư phạm và thực tế là tôi tiếp xúc với rất nhiều người Pháp. Nhưng tôi thấy khó thân với người Pháp. Người Mỹ rất chân thật, không điệu đàng. Và họ có khả năng sống sót, thoát hiểm rất giỏi. Như anh chàng Paco trong Chuyện của Paco.
Không chỉ dừng lại ở vai trò một dịch giả, anh còn nỗ lực rất nhiều trong việc “quảng bá tri thức” với những bài viết mạnh mẽ, đánh động dư luận?
Mổ xẻ tác phẩm dưới nhiều góc cạnh, nỗ lực quảng bá tư tưởng của cuốn sách do mình dịch để nhiều người cùng biết, cùng hiểu là việc làm hữu ích của người dịch sách chân chính. Tôi học được điều này từ nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn.
Từng kiếm sống bằng rất nhiều nghề, bây giờ lại chọn cách tồn tại như một dịch giả tự do, theo anh, giữ được sự độc lập cho chính mình trong hoàn cảnh hiện nay có khó không?
Về đời sống vật chất thì không khó khăn lắm, nhưng trong xã hội hiện đại, quả thật rất khó để giữ được sự độc lập, vì tốc độ giao tiếp, truyền thông vô cùng nhanh, phổ giao tiếp thì rộng, xã hội lại là “đa thần tượng” hoặc đa ảo tưởng. Tự do là khởi đầu của mọi sự, không tự do thì không có gì. Nếu một người không tìm được giá trị cho riêng mình thì không thể có tự do. Đọc sách, thưởng thức cuộc sống chính là cách để có tự do. Đánh mất thói quen đọc sách theo tôi là đánh mất tự do, lỗi đó không phải do xã hội, mà do chính mình.
Cuộc đời tôi hầu như là tự học. Hồi bốn hay năm tuổi gì đó, ở nơi sơ tán, chiều chiều bố hay dẫn tôi ra sông Đáy, vừa đi ông vừa dạy tôi tiếng Pháp theo kiểu truyền khẩu. Sau khi tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ khoa Pháp, tôi làm việc tại công ty xuất nhập khẩu sách báo (Xunhasaba), được đi nước ngoài nhiều. Một dạo tôi bỏ Việt Nam sang Đức làm việc, đó là thời gian tôi học nhiều trong cuộc sống. Bố tôi thường đùa là tôi làm 36 nghề rẻ tiền, có thời còn làm thợ khoá…
Hồi còn sinh viên, hiểu biết có là mấy, lại không có từ điển gì cả, bố tôi đã “hành hạ” tôi bằng cách cho dịch những tài liệu triết học rất khó. Nhờ lăn lộn, va chạm mà trưởng thành. Trong con người tôi từ bé đã có mầm mống nổi loạn, không đồng ý với cái hiện tại. Cái đó cũng rất nguy hiểm. Lại được tiếp xúc nhiều với những con người có tư tưởng, những nhân vật có chủ kiến không giống đa số người cùng thời. Hồi tôi còn nhỏ, nhà tôi giống như một thứ “salon” tụ tập nhiều trí thức, văn nghệ sĩ. Không khí đó giống như thứ mưa dầm ngấm lâu, gây ảnh hưởng vô thức tới tôi, một đứa trẻ như tôi rất dễ nhập tâm, âu cũng là định mệnh gia đình.
Trần Trọng Vũ từng viết về cha mình – nhà thơ Trần Dần: “Thời ấy, sống ngay cạnh nhau, trong cùng một căn hộ, nhưng mỗi người trong phòng của mình, không có những chia sẻ thân thiết. Vì nỗi cô đơn của mỗi người quá lớn”… đó phải chăng cũng là tâm trạng của anh?
Đúng thế. Trong gia đình tôi, ba anh em là ba tính cách. Hai em tôi không học gì ở bố một cách công khai. Chỉ có tôi ôm lấy cái nghiệp của bố mình. Nhiều khi quá mệt mỏi vì chiến đấu, tranh cãi, chỉ thấy ông tủm tỉm cười. Khi bố tôi dịch tác phẩm của Phạm Quỳnh, ông Phạm Tuyên cảm động lắm.
Bố tôi và tôi đối với nhau vừa xa vừa gần. Quả thật có những điều người ngoài biết, mà con cái không biết. Bố tôi bắt đầu làm giáo dục từ quãng năm 1967 sau khi ông hết ảo tưởng hoạt động văn chương. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông thường xuyên đi vào khu Bốn (có lần ông tha về nhà một quả đạn bi “lép” to như quả dứa bự, nhiều năm trời tôi thấy nó được đặt trên chiếc bàn làm việc duy nhất ở trong nhà tôi). Sau năm 1975, ông cùng Nguyễn Trường biên soạn bộ sách dạy tiếng Việt cho học sinh miền núi (bộ sách được tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo năm 1981 và UNESCO châu Á trao giải nhì năm 1984). Thời gian đó ông thường xuyên đi các tỉnh miền núi phía Bắc. Một hoặc hai tháng ông mới về nhà một lần, dịch tài liệu kiếm tiền đưa cho vợ nuôi con rồi lại đi, như một sự chạy trốn. Ít khi bố con ngồi nói chuyện với nhau…
Nhìn lại con đường của cha mình, anh tâm đắc điều gì?
Cuộc đời tình cờ cho tôi có dịp quan sát ở phạm vi gần trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông được thành lập năm 1978 của GS.TS Hồ Ngọc Đại. Khi tôi dịch Dân chủ và giáo dục thì tôi có cảm giác như sống lại nhiều năm trước đó. Thật kỳ lạ là tôi chẳng mất nhiều thời gian để hiểu triết lý giáo dục của John Dewey. Điều mà một sinh viên ngồi ở giảng đường nhiều năm chưa chắc đã hiểu thì tôi hiểu ngay từ phút đầu tiên. Cái đó gọi là sự may mắn của tôi.
Hồ Ngọc Đại và trường thực nghiệm của ông có điều gì đó về triết lý giáo dục rất tương đồng với John Dewey và trường thực nghiệm Dewey ở Chicago hơn 80 năm trước. Tương đồng cả trong sự phản ứng của giới làm giáo dục và xã hội đối với công trình thực nghiệm của hai người. Bố tôi làm giáo dục với nhiều chất mơ mộng của một người viết văn. Hồ Ngọc Đại chỉ độc làm có một công việc dạy học cho trẻ em. Tôi hay gọi ông là một nhà giáo dục “nguyên chất”. Cả hai đều vô cùng vất vả với nền giáo dục của đất nước. Họ đã làm rất nhiều, nói lên nhiều điều nhưng mà hình như người ta chẳng muốn nghe, thậm chí còn muốn phá. Sau khi dịch Dân chủ và giáo dục tôi đã viết nhiều bài và phát biểu cũng nhiều về John Dewey và bao giờ cũng liên hệ với Hồ Ngọc Đại. Hiện nay Hồ Ngọc Đại có vẻ như được “tái thừa nhận” nhưng quỹ thời gian của ông đã cạn, người thì thiếu. Vả chăng Hồ Ngọc Đại lúc này cũng không “kịp” có một bộ sách giáo khoa để mà tranh đấu một cách cụ thể.
Bố tôi sau một thời gian “nghỉ ngơi” thì năm 2009 ông thành lập nhóm Cánh Buồm và ngày 3.10 tới, nhóm của ông sẽ trình xã hội 16 đầu sách bậc tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5). Một nhóm gồm chục người, làm việc không có lương, chỉ trong hai năm mà làm được việc đó thì quả là một thành công không thể phủ nhận.
Cha và con cùng “nổi loạn” trong một nhà có khó sống không?
Chỉ là nổi loạn trong tư tưởng thôi. Đấu tranh là tự nhiên, không đấu tranh thì sao phát triển được. Ở đại học, chẳng hạn, người sinh viên phải được hoàn toàn tự do bày tỏ bất kỳ vấn đề gì… miễn là theo cách ôn hoà. Đừng xuống đường phá phách, đập phá cửa hiệu, đốt xe cộ… là được. Không nên cấm đoán, chặn hết các nẻo đường, thủ tiêu hết các phương tiện để tiến lên… Trong gia đình thì gia phong, truyền thống là cái nền, cái đà, nhưng người ta không sống mãi với cái đó. Tôi rất thích câu kết trong Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, rằng trẻ con nhiều khi cũng phải biết tha thứ cho người lớn.
Có bao giờ anh rơi vào cảm giác tuyệt vọng? Làm thế nào anh có thể vượt qua?
Tự do là khởi đầu của mọi sự, không tự do thì không có gì. Nếu một người không tìm được giá trị cho riêng mình thì không thể có tự do. Đọc sách, thưởng thức cuộc sống chính là cách để có tự do.
Có một dạo thời còn trẻ, tôi suýt tìm đến cái chết. Cảm giác này kéo dài khá lâu. Những người mẫn cảm, có thiên tư viết lách bao giờ cũng có một nỗi ám ảnh mà người bình thường gạt bỏ rất dễ. Tình yêu, cái chết là một nỗi ám ảnh với tôi, như một chất vải đã dệt nên mình, một cơ chế nào đó trong con người hành hạ mình, rất sợ hãi, cố làm cái khác cho quên đi. Tâm trạng đó kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trong một ngày, ảnh hưởng đến sinh hoạt của mình. Lúc ấy, tôi thích ở một mình. Tự tìm thấy hạnh phúc một mình, tôi thích nghe nhạc cổ điển dù không hiểu hết. Tôi còn nhớ bố tôi đã từng bán cả cái giường duy nhất trong nhà, bán cả chiếc xe đạp đang đi để có tiền mua chiếc máy quay đĩa của Cộng hoà Dân chủ Đức. Hồi đó, ở Hà Nội máy quay đĩa rất hiếm, bố tôi còn thuê đóng thêm một cái thùng để đặt chiếc máy vào gọi là để “cộng hưởng”. Âm nhạc quả thật là một đời sống thứ hai, nó vào người nghe rất nhanh, có thể chữa trị, xua tan mọi buồn phiền mà không cần nhiều kiến thức.
Thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét