Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Mỗi tuần một chia sẻ: Thế Giới Sẽ Hết Nghèo Ðói


 Mẹ Têrêxa thành Cacutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 đã kể lại câu chuyện sau đây: ngày nọ, có một thiếu phụ và 8 đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn".

Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau. Càng giàu có, chúng ta càng muốn tích lũy thêm, nhưng càng nghèo khổ, chúng ta càng dễ chia sẻ hơn.

Nghèo không là một điều xấu, giàu cũng không là một cái tội. Xấu hay không, tội hay không đó là lòng tham lam và ích kỷ của con người mà thôi. Giá trị và danh dự của con người tùy thuộc ở lòng quảng đại của mình.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Thành kính phân ưu cùng tang quyến D22


Tập thể 12D vô cùng thương tiếc báo tin:
Thân mẫu của bạn D22 - Lê Vũ Nữ Thuyền Quyên là 
bà Isave Nguyễn Thị Nga, 
Sinh ngày: 07 - 12 - 1957,
từ trần lúc 01h30 ngày 08/12/2014 tại Trà Kiệu, hưởng dương: 57 tuổi.
Thánh lễ an táng sẽ được cử hành tại Thánh đường Trà Kiệu vào lúc 14:00 ngày 09/12/2014.
An nghỉ tại nghĩa trang Cửa Hẩn.

Tập thể 12D xin thành kính phân ưu cùng gia đình bạn D22!!!

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Mỗi tuần một chia sẻ: Không quá muộn để nên thánh



Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:

    Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.

    Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.

    Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.

    Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.

    Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.

    Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:

    "Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".

    Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.

    Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.

    Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.

    Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:

    "Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"

    Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.

    Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
    
    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?

Thiên Thanh - (GDVN) - Đừng để giá trị vật chất từ những bông hoa, món quà hay chiếc phong bì làm mất đi ý nghĩa nhân văn của ngày lễ tri ân thầy cô 20/11.


Cứ đến ngày lễ gì lớn như 14/2, 8/3, 20/10, 20/11…, đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy hoa là hoa. Đủ các loại hoa với màu sắc sặc sỡ. Hoa được bày bán từ trước ngày lễ đó có khi đến 2,3 tuần.
Chẳng thế mới có bài hát “Mùng tám tháng ba/ Em ra thăm vườn/ Chọn một bông hoa/ Xinh tươi tặng cô giáo” (trích Bông hoa mừng cô – Trần Thị Duyên). Thế mới biết hoa có vai trò quan trọng thế nào trong dịp lễ cũng như nhu cầu tặng hoa trong các dịp lễ lớn đến mức nào.
Ngày Nhà giáo Việt Nam còn chưa tới, vậy mà giờ đi đường đâu đâu cũng thấy bày bán hoa là hoa, đặc biệt là trước cổng các trường học. Một bó hoa tùy vào số lượng, loại hoa mà có những mức giá khác nhau, còn người mua cũng tùy vào điều kiện, mục đích của mình mà lựa chọn.
Đủ các loại hoa được bày bán trên đường trước ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tặng hoa cho thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là để tỏ lòng tri ân đến công ơn dạy dỗ của thầy cô. Nếu chỉ tặng hoa thôi thì không nói làm gì, nhưng dường như ngày nay, việc tặng hoa thôi chưa đủ.
Tại nhiều nơi, cứ đến những ngày lễ lớn thầy cô đặc biệt là 20/11, các phụ huynh lại “đau đầu” suy nghĩ xem nên mua quà gì cho thầy cô… Với tâm lý tặng quà để con mình được quan tâm hơn, không ít phụ huynh đánh đồng giá trị món quà với sự quan tâm.
Quà to quà nhỏ, giá trị món quà bao nhiêu tiền… cũng lại phụ thuộc vào mục đích và điều kiện của người tặng.
Chùm thơ dưới đây là của Tiến sỹ Dương Xuân Thành, một người thầy có 40 năm trên bục giảng thân tặng độc giả nhân ngày 20/11/2014.
Không chỉ mua quà, giờ đây, người ta còn có phong trào dùng “phong bì” thay cho lời tri ân trong ngày 20/11. Nhưng trong xã hội này, cứ nhắc đến hai chữ “phong bì”, người ta lại nghĩ ngay là hành vi “hối lộ, mua chuộc”.
Vậy hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?
Lại nhớ đến việc một trường mầm non ở TP HCM mới đây có ra thông báo không nhận tất cả các loại quà dưới bất kì hình thức nào nhân dịp lễ 20/11.
Hay như Bộ Giáo dục và Đào tạo có ra công văn ngày 14/11 gửi các bộ, ngành; các đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trường đại học, học viện, viện; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các sở giáo dục và đào tạo; các cơ quan thông tấn báo chí nhấn mạnh “vui mừng được nhận “Thiếp chúc mừng điện tử tại địa chỉ hộp thư bogddt@moet.edu.vn” và “chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và Cơ quan Đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh”.
.Hoa, quà hay phong bì tặng thầy cô chỉ là hình thức khác nhau, quan trọng là xuất phát từ tấm lòng. (Ảnh minh họa). Nguồn: ĐTNCSHCM NT
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề nghị được nhận thiệp điện tử chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không nhận hoa, thiệp giấy, hạn chế các đơn vị đến chúc mừng. Lý do được đưa ra để tránh việc lãng phí.
Phải chăng người ta lo sợ những biến tướng trong ngày Nhà giáo Việt Nam – ngày lễ tri ân các thầy cô.
Với các thầy cô giáo, những kỷ niệm về lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" nhưng giàu tình cảm dành cho thầy cô luôn là kỷ niệm đẹp, khó quên.
Nếu như trước đây, người ta chỉ tặng thầy cô bông hoa, những gì nhà nuôi trồng được, rồi dần dần mua hoa, mua quà để tặng. Cho đến bây giờ có điều kiện hơn, người ta lại suy nghĩ không biết thầy cô thích gì, cứ đi tiền cho nhanh, thầy cô thích thì sẽ tự mua…
Dường như mỗi thời mỗi khác, người ta lại có những hình thức khác nhau để tỏ lòng tri ân trong ngày lễ 20/11. Bởi hoa, quà hay phong bì thì cũng đều là dùng tiền của người tặng mà thôi.
Thiết nghĩ việc tặng hoa, quà hay phong bì cũng không phải việc gì xấu, quan trọng là tấm lòng của người tặng ra sao, đừng để giá trị vật chất từ những bông hoa, món quà hay chiếc phong bì làm mất đi ý nghĩa nhân văn của ngày lễ tri ân thầy cô.
Hoa, quà hay phong bì chỉ nên là tượng trưng, có cũng được mà không cũng đừng nên suy nghĩ. Việc nhớ ơn thầy cô cần phải xuất phát từ tấm lòng, sự thành tâm, để người tặng cảm thấy thoải mái, không bị áp lực, còn người nhận cũng không phải trăn trở nhận hay không nhận.
Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam có từ lâu đời, hãy cứ để học trò, phụ huynh được bày tỏ lòng tri ân đối với các thầy cô giáo, nhưng đừng làm sai lệch đi ý nghĩa của ngày lễ này.
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Hiệu trưởng trường "kinh dị" được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Thế Quân - (GDVN) – Các dấu hiệu sai phạm chưa được làm rõ, cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Tiến vẫn được nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú.


Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú (NGƯT) của Nhà nước trao tặng, cho các nhà giáo có nhiều thành tích đóng góp đặc biệt xuất sắc cho nền giáo dục của nước nhà.
Tại TP.HCM, có 24 cá nhân được trao tặng danh hiệu cao quý này. Trong đó, đáng lưu ý có tên của cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và một số các phương tiện truyền thông đã nêu phản ánh của một số thầy cô giáo và học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Tiến việc tại ngôi trường này xuất hiện quá nhiều khoản thu ‘lạ’.
Ngoài việc bị phản ánh là chuyên quyền trong điều hành, thu chi tài chính thiếu minh bạch trong các khoản tiền học phí buổi 2 cho giáo viên, có một số khoản thu lạ đời, khó hiểu với học sinh…khiến nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh tại trường vô cùng bức xúc.
Khi một số giáo viên đề nghị có buổi đối chất trực tiếp với Hiệu trưởng về những vấn đề mà người lao động phản ánh, nhưng cô Nhi liên tục hứa hẹn tổ chức, mà cho tới nay vẫn chưa có một mốc thời gian cụ thể, dù rằng sự việc đã kéo dài vài tháng.
Cô Đào Thị Kim Nhi nhận danh hiệu NGƯT hôm 14/11 vừa qua
(cô Nhi đứng hàng phía sau, thứ hai từ phải sang, ảnh: SGGP)
Trước khi Thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM về làm việc tại trường về các vấn đề thu chi tài chính, cô Nhi đã cho họp ban thanh tra nhân dân của trường lại, quyết định trả lại tiền mua máy chiếu (200.000 đồng/học sinh) cho từng lớp, vì quá ít lớp đóng.
Thêm nữa, cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng trường Nguyễn Hữu Tiến cũng quyết định sẽ không tăng mức học phí buổi 2 (tứ 1500.000 – 200.0000 đồng) như dự kiến từ cuối học kỳ 1, mà thay vào đó nếu có tăng sẽ xin ý kiến của Ban đại diện hội cha mẹ học sinh của trường.
Như vậy, hiện trường vẫn áp dụng mức học phí buổi 2 của 3 khối lớp là từ 120.000 – 150.000 đồng/học sinh.
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài về trường Nguyễn Hữu Tiến, rất đông bạn đọc và phụ huynh từ khắp mọi miền của tổ quốc đã gửi thư về tòa soạn, bày tỏ ý kiến bất bình về tư cách của một người Hiệu trưởng như cô Đào Thị Kim Nhi.
Đa số đã tỏ ra rất buồn lòng, hy vọng các cơ quan có trách nhiệm của ngành Giáo dục và đào tạo TP.HCM làm rõ ràng mọi việc, trắng đen và minh bạch nhất.
Được biết, trường Nguyễn Hữu Tiến nằm trên địa bàn xã Đông Thạnh – huyện Hóc Môn TP.HCM, là một trong những địa bàn nghèo nhất TP.HCM. Hàng ngày, rất nhiều phụ huynh đã phải buôn bán tảo tần, kiếm từng đồng tiền để dành cho học sinh được đến trường.
Thế nhưng, tại trường lại xuất hiện quá nhiều khoản thu ‘lạ’ khiến ai ai nhìn vào cũng cảm thấy băn khoăn, thắc mắc.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này trong các bài viết tiếp theo.
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Dân nước mình… “chẳng giống ai”. Lạ!

(Dân trí) - Lạ! Quá lạ! Có lẽ không có bất cứ người dân ở đâu lại lạ như dân nước Việt mình. Lạ. Cực kỳ lạ. Lạ đến mức… chả giống ai. Nói dân mình “lạ” là bởi theo Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền kể giữa nghị trường Quốc hội hôm 17/11, có vị cán bộ nói trên truyền hình rằng: “cán bộ không nhận mà do dân cứ đưa tiền”.
 >> “Lộc quan khác với ăn chặn của dân!”
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Mình không xem chương trình đó nên không biết vị cán bộ đó là ai, nói khi nào nhưng một khi đại biểu Quốc hội nói trên nghị trường thì mình tin là có, 100% là có.
Vì tin nên mình thấy lạ, rất lạ cho dân nước mình bởi theo ý câu nói đó thì cán bộ, công chức nước mình liêm khiết lắm, trung thực lắm, chí công, vô tư lắm…
Họ không và ngàn lần không muốn nhận cái gọi là đồng tiền “bẩn” mang tên “hối lộ” mà tại vì dân nước mình hư, “đạo đức” công dân kém đến mức “cán bộ không nhận” mà dân “cứ đưa”.
Thế là lỗi tại dân. Dân làm hư cán bộ.
Mà dân nước mình lạ nhỉ. Đồng tiền mồ hôi, nước mắt, thậm chí có khi phải trả bằng cả máu mới có. Thế mà không hiểu sao lại dễ “đưa” thế.
Mà lại đưa rất tận tình, đưa rất quyết liệt, đưa… không khoan nhượng. Nhiều khi đưa tinh vi đến mức kín đáo gói vào trong túi quà, bỏ cùng chai rượu trong túi nên cán bộ không, không biết. Có người còn tinh vi, kín đáo đến mức đưa cho vợ cho con các sếp nên sếp nào có biết gì đâu?
Từ lâu, trên mạng còn lưu truyền tài liệu dạy… cách “cứ đưa” với những chiêu thức cực kỳ tinh vi.
Lạ! Mình không tài nào lý giải nổi vì sao dân nước Việt mình lạ thế thì may quá, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đã giải thích: “Phải xem lại cán bộ mình tại sao dân lại cứ đưa. Bởi vì người ta không còn niềm tin với anh nên người ta phải đưa. Như chữa bệnh người ta phải đưa tiền, vì họ nghĩ rằng nếu không đưa thì chữa không tốt. Tôi xin vào công chức nhà nước, tôi phải chi tiền vì tôi sợ không công tâm về công tác tổ chức. Bây giờ nếu tôi không chạy tiền thì ông khác chạy mất thì sao?... Nếu không xây dựng lòng tin với dân thì đi đến đâu người dân cũng đưa tiền. Nhưng đưa tiền không phải vì kính nể…”.
Ra thế! Té ra là như thế!
Người dân “phải đưa” (chứ không phải “cứ đưa” như lời vị cán bộ nói trên ti vi) vì họ không tin ở cán bộ công chức. Niềm tin ấy vơi hao đến mức nếu như khám bệnh mà không đưa phong bì thì dù vị thầy thuốc đó thật sự là “lương y”, người dân cũng không tin. Có cán bộ công chức nào đó vô tư thật thì người dân cũng… không tin!
Sẽ rất nguy hiểm cho một xã hội mà ở đó, người dân không còn lòng tin nữa.
Vâng! ĐB Thuyền còn nói thẳng rằng người dân đưa tiền “không phải vì kính nể”.
Quá đúng!
Người dân làm được đồng tiền khó khăn lắm, mồ hôi nước mắt lắm. Người Việt Nam có câu: Đồng tiền liền khúc ruột. Mỗi lần “cứ đưa”, họ đau xót như phải cắt từng khúc ruột nhưng vẫn bắt buộc phải đưa.
Nói cho cùng theo mình, người dân Việt Nam cũng như công dân mọi nước trên thế giới thôi, đều “của đau, con xót”, đều yêu quý đồng tiền như máu thịt chứ dân mình không lạ đến mức tự dưng “cứ đưa” như lời cái ông cán bộ nói trên truyền hình mà ĐB Thuyền đã kể, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
(trích báo Dân trí)

Phiếm đàm: Xử lý kỷ luật kiểu Tây du ký

(Dân trí) - Bây giờ người nhà trời trốn xuống trần gian hơi bị nhiều nên chuyện xử lý luật kiểu như Tây du ký vẫn hay diễn ra

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp
Thằng con quý tử của tôi nghịch như giặc nên tôi cứ phải treo một chiếc roi mây trên tường để răn đe nó. Một hôm, nó có lỗi, tôi bắt thằng con nằm sấp xuống giường, đặt chiếc roi mây ngang mông nó và hỏi:
- Vụ con hôm nay làm tầm bậy, bố phải trị thế nào?
Nó bảo:
- Lạy bố, xin đừng trị con như trị người trần gian, mà trị con như trị người nhà trời.
Bạn tôi nghe thấy vậy giật mình, hỏi.
Tôi bảo:
- Ôi dào, nó nói thế là có ý xin tôi tha bổng cho đó. Vì nó đọc Tây du ký nói về ngài Đường Tam Tạng đi Ấn Độ thỉnh kinh Phật, gặp tổng cộng 49 con yêu quái, nhưng chia làm 2 loại là loại những người nhà trời trốn xuống trần lộng hành và loại ở trần gian tu luyện thành yêu quái. Loại những người nhà trời như con lân của Quan Âm Bồ TátSư Vương: vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát, Con voi của Phổ Hiền Bồ Tát,con Thỏ Ngọc của Hằng Nga, Kim Giác vàNgân Giáclà hai Đồng tử của Thái Thượng Lão Quân… còn loại ở trần gian tuy luyện thành yêu quái như Bạch cốt tinh. 11 tên gốc ở trần gian tu luyện thành loại yêu quái thì bị Tôn Ngô Không đập chết, còn các loại khác thuộc quản lý của nhà trời cứ khi Tôn Ngộ không giơ thiết bổng sắp ra tay là lại đượcQuan Âm Bồ TátVăn Thù Bồ Tát, Thái Thượng Lão Quân v.v… vội xuống ngăn, cứu sống đưa về trời.
Bạn tôi cười:
- Hé hé…hiểu rồi, qua chuyện này mình bỗng giật mình nhận thấy bây giờ người nhà trời  trốn xuống trần gian hơi bị nhiều nên chuyện xử lý luật kiểu như Tây du ký vẫn hay diễn ra. Như năm ngoái vụ TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tuyên phạt người trần gian là 3 nông dân mỗi người bốn năm tù chỉ tội bắt một con vịt của người khác theo giá thị trường khoảng 175 ngàn đồng về làm đồ nhậu. Trong khi đó, vừa rồi tại công trình nạo vét duy tu luồng Hòn Gai- Cái Lân năm 2013, những “người nhà trời” là Công ty Bảo Quân sau khi nhận thầu từ đơn vị trúng thầu là Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), đã bán thầu cho Công ty Tân Việt thực hiện để “đút túi” khoản chênh lệch 548,45 triệu đồng mà không cần tốn một giọt mồ hôi, công sức nào. Tại công trình nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu - Thị Vải năm 2013, Công ty cổ phân Đầu tư, Xây dựng và Nạo vét đường thủy (Ciwaco) nhận làm thầu phụ của Vinawaco, rồi bán thầu cho Công ty Song Thương, cũng “đút túi” khoản chênh lệch 1,26 tỷ đồng. Ấy thế mà hàng loạt những “người nhà trời” dính đến cả hai vụ này chỉ bị phê bình nghiêm khắc, duy nhất có người bị nặng nhất cũng chỉ ở mức khiển trách. So với 3 kẻ trần gian nông dân bắt 2 con vịt của người khác giá 175 ngàn đồng, bị 12 năm tù giam và nhóm “người nhà trời” bán 2 dự án trên “đút túi” khoản chênh lệch hơn 1tỷ 800 triệu đồng mà chỉ bị phê bình nghiêm khắc và khiển trách, thì chuyện con ông xin ông đừng trị con như trị người trần gian, mà trị nó như trị những người nhà trời, là vậy đó.
Lại nhớ chuyện năm ngoái, vụ người trần gian là 4 em học sinh ở huyện Tiên lãng Hải Phòng đi xe máy đến khu vực xã Tiên Thắng thì trêu đùa cho xe máy áp sát rồi giật mũ của hai em nữ sinh Trường THPT Tiên Lãng. Vậy mà HĐXX tuyên phạt một em chịu mức án 3 tháng 17 ngày và em đầu têu trò trêu chọc này 15 tháng tù giam. Ngược lại, vừa rồi “người nhà trời” là ông Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Bắc Giang dù bị kết luận mắc hàng loạt sai phạm và bị buộc trả lại ngân sách hơn 2 tỷ đồng nhưng lại được cấp trên miễn hình thức kỷ luật do đã ... nghiêm túc kiểm điểm. Xem thế thì chuyện con ông xin ông đừng trị nó như trị người trần gian, mà trị như trị “người nhà trời”, là hóa ra nó muốn xin ông tha bổng cho nó thật.
Nguyễn Đoàn
(trích báo Dân trí)

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11


Thư gửi chồng của nữ giáo viên nhân ngày 20/11

"Chồng nghĩ giáo viên nhàn hạ, ngày vài tiết ở trường, nhiều thời gian lắm đây. Vợ sẽ chu toàn tề gia nội trợ, hầu nội hầu ngoại. Chồng tha hồ thảnh thơi bù khú bạn bè. Nhưng chồng đã nhầm to", cô giáo Đỗ Sông Hương viết.
Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Đỗ Sông Hương gửi tới VnExpress bài viết 'Thư gửi chồng nhân ngày 20/11' như một món quà cho những đồng nghiệp thân yêu của cô.
"Ngày xưa chồng quyết lấy cho được vợ vì chồng vốn mê phụ nữ có cái mác nhà giáo, bất chấp ngoài cái mác nhà giáo đó ra thì vợ chả có gì đặc sắc, lại còn mắc cái tính ngang ngạnh ẩm ương, dở tương dở mắm.
Chồng nghĩ giáo viên nhàn hạ, ngày vài tiết ở trường thôi, nhiều thời gian lắm đây. Vợ sẽ chu toàn tề gia nội trợ, hầu nội hầu ngoại. Chồng tha hồ thảnh thơi bù khú bạn bè. Nhưng chồng đã nhầm to. Vợ hết giờ lên lớp lại tất bật với sổ điểm, báo giảng, kính thưa các kiểu họp, kính thưa các kiểu sổ sách, hồ sơ chuyên môn.
Về đến nhà, vợ lại sấp ngửa soạn giáo án, chấm bài, mấy trăm bài vừa hòm hòm, chưa kịp ngồi rung đùi thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến kỳ kiểm tra, vào điểm mới. Vợ lại vốn ham tiền, hở tí thời gian rảnh rỗi nào là lại ù té đi dạy thêm, đi dịch. Mà không muốn ù cũng không được, mai đến kỳ nộp các kiểu thuế đời rồi. Chồng lo nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, đưa đón con, ngược xuôi nội ngoại nhé. Đàn ông phải đeo tạp dề làm việc nhà, hậm hực thì cũng cố mà chịu nhé. Mục đích hôn nhân thứ nhất của chồng đã không đạt được.
Chồng nghĩ giáo viên dạy con học thì chuẩn không cần chỉnh rồi, nhiệm vụ khó chịu này chắc chắn thoát đây. Chồng tha hồ thảnh thơi thể thao thể dục, bia bọt tay vịn về muộn. Nhưng chồng đã vỡ mộng. Vợ ngày nào cũng nói liên mồm, thậm chí hét khản cổ, về đến nhà, mặt vợ nhàu như tàu lá héo, thở hắt như bệnh nhân hen phế quản cấp, sức đâu, hứng thú đâu dạy con học nữa. Chồng tự lo kiểm tra bài vở, học cùng con, dạy con nhé. Trái chuyên môn thì cũng cố mà phấn đấu nhé. Mục đích hôn nhân thứ hai của chồng đã đổ bể.
Chồng nghĩ giáo viên tính nết nhẫn nhịn dịu dàng, nhà cửa sẽ êm ấm lắm đây. Chồng tha hồ thảnh thơi nhẹ nhõm cái tâm hồn. Nhưng chồng đã sốc tâm lý nặng. Một lớp vợ dạy có hơn 50 em, bao nhiêu là lớp nhân lên. Vợ chỉ có hai con mắt, lườm được góc này để chúng nó ngồi im, thì góc khác đứa đánh đấm giật tóc nhau, đứa nhảy dựng lên ghế, đứa ném sách phi vở, chưa kể vô số điều kinh khủng hơn thế…
Điên tiết lắm nhưng vợ vẫn phải nhịn, vẫn phải dịu dàng và nhẹ nhàng, cố mà nghĩ "là trẻ con mà, đáng yêu đấy chứ", "cô giáo phải như mẹ hiền chứ". (Gớm, ở nhà có mỗi một đứa con, không hiếm khi con hư, vợ gầm gào dữ tợn). Nhưng ở trường, vợ phải giữ hình tượng, rèn luyện bản lĩnh và cốt cách nhà giáo. Chỉ một chút thiếu kiên nhẫn thôi là viên phấn trong tay sẽ bay thẳng vào cái đám đang nhốn nháo như cào cào kia, hoặc tệ hại hơn là một cái bạt tai thích đáng cho sự hỗn láo vô lễ nào đó.
Nhưng vợ tỉnh lắm, vợ biết chúng không phải con mình, vợ hiểu luật giáo dục lắm, thời buổi này mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh tiến bộ và dân chủ kinh lên được. Giáo viên thậm chí còn không dám nặng lời, huống chi nặng chân nặng tay. Thông tin thì rất nhanh, sự thật dễ bị bóp méo, tai nạn nghề nghiệp sẽ cực nghiêm trọng nếu một phụ huynh chuẩn mực nào đó đưa hành động phản sư phạm của vợ lên báo, vợ sẽ nổi tiếng và sự nghiệp cao quý của vợ coi như tiêu.
Thế nên khi về nhà vợ khao khát được hiện rõ nguyên hình là người bình thường với mọi ái ố hỷ nộ. Đừng hy vọng hay đòi hỏi vợ nhẫn nhịn dịu dàng nếu chồng hư, con láo. Vợ mà cố nhịn nữa thì ngay ngày mai vợ đi nhà thương điên đấy. Lỡ vợ có nổi khùng phát vào đít con, gân cổ cãi chồng, hay phi cả mâm cơm ra đường thì chồng cố bịt tai bịt mắt bịt mồm lại nhé, thương vợ thì cho vợ xả lũ tí. Mục đích hôn nhân thứ ba của chồng đã phá sản.
Chồng nghĩ giáo viên một năm được ăn chơi ở không 3 tháng hè. Chồng chẳng biết thế nào là ốm nghén, chẳng biết thế nào là mang nặng đẻ đau, chồng chỉ thích nhiều con, 3-4 đứa càng tốt. Giáo viên có những 3 tháng hè, tha hồ tầm bổ, đẻ con bú mớm... Nhưng chồng đã hết hy vọng. 3 tháng hè của vợ còn bận hơn trong năm. Hết luyện thi, trông thi, chấm thi chính, chấm phúc khảo, rồi lại tập huấn, trại hè…, ngoảnh đi ngoảnh lại, chưa có lúc nào cùng chồng con đi nghỉ thì hè đã hết vèo. Chưa kể vợ mà làm chủ nhiệm thì sự hy sinh còn lớn hơn nhiều. Chồng có buồn thì cũng tỉnh giấc mộng nhiều con đi nhé. Mục đích hôn nhân thứ tư của chồng đã thất bại.
Chồng nghĩ giáo viên là người nhà nước, lương bổng yên tâm, chế độ ổn định. Chồng tha hồ thảnh thơi bỏ nhà nước, yên tâm ra làm ngoài, nuôi chí kiếm bội tiền, đổi danh phận cho vợ thành vợ đại gia. Trong lúc chưa đâu vào đâu hoặc lỡ gặp rủi ro, ít nhiều đã có lương nhà nước của vợ. Chồng đừng tưởng ngon ăn thế. Lương vợ được nhà nước ưu ái trả ngót 3 triệu đồng một tháng. Đấy là vợ tốt nghiệp chính quy một trường đại học sư phạm danh tiếng trong nước, rồi được đào tạo chính quy tại một trường sư phạm danh tiếng ở nước ngoài, cộng mười mấy năm kinh nghiệm đứng lớp.
Vợ còn chưa dám kể nếu không có biên chế thì 3 tháng nghỉ hè, nửa tháng nghỉ Tết được hưởng lương 100 phần trăm theo hệ số 0x0, vợ còn chưa dám kể nếu chẳng may thi trượt kỳ thi công chức thì tất cả bằng cấp hay kinh nghiệm lẫn tâm huyết đều nối đuôi nhau lên đường ra trận để hy sinh. Mà thi công chức thời buổi này như thể nào thì chồng biết rõ rồi đấy. Sức vợ chắc không đua nổi. Thế nên lỡ chồng làm ăn lụi bại, vợ không thể là chỗ dựa kinh tế cho chồng lo sự nghiệp dài hơi được đâu. Chồng tự nghĩ cách lo nồi cơm hàng ngày cho cả nhà nhé. Để con đói và thất học là tội của chồng đấy. Mục đích hôn nhân thứ năm của chồng đã bất thành.
Chồng nghĩ giáo viên sống bằng dạy thêm là chính, nên lương có thấp một chút cũng chả sao. Chồng đừng tưởng đơn giản thế. Ngay cả dạy thêm - một công việc làm ngoài giờ, chính đáng và lương thiện, vợ cũng lo ngay ngáy nay bị cấm, mai bị soi, ngày kia bị cắt giảm thù lao. Học thêm - do nhu cầu thực sự khiến học sinh hoặc phụ huynh tự tìm đến năn nỉ, vợ đã đuổi quầy quậy, mà vẫn lo ngay ngáy mang tiếng o ép mời chào học sinh đến nhà cô học. Vợ đọc ở đâu đó trên báo có đồng nghiệp bị bắt quả tang dạy thêm và bị phạt 10 triệu đồng. Vợ muốn đứt dây thần kinh luôn. Đời đã có đủ loại tặc, lâm tặc, tin tặc, hải tắc, cẩu tặc, giờ có cả giáo tặc nữa. Nghĩ mà đau ứa nước mắt chồng ạ.
Chẳng phải vì sợ mà vì ngẫm cái nghề giáo này bạc quá, tội quá. Vợ thấy bất công lắm. Thiết nghĩ nghề nào cũng có quyền mưu sinh và làm giàu bằng nghề, nhưng nghề nào làm giàu thì được, chứ nghề giáo thì phải cống hiến, phải hy sinh, phải thanh bạch bần hàn. Giàu một tí là bị thiên hạ lên án liền, dạy thêm một tí là bị thiên hạ ném đá liền. Mà vợ cũng đã giàu đâu, dạy thêm cũng đã cố gắng hạn chế tối đa rồi. Ôi chao, nghề giáo khó sống quá, khó chiều thiên hạ quá.
Ở đất nước mình, thói đời giàu thì bị ghen ghét, nghèo thì bị coi khinh, trung bình thì dở sống dở chết. Vợ đang tận hưởng cuộc sống ở mức trung bình. Lương thì thấp lè tè như vậy (thiếu khoảng 500 nghìn nữa mới đủ trả lương ôsin), chế độ thì bấp bênh, lớp thì đông, chất lượng học sinh thì lổn nhổn, thời lượng giờ giảng thì tí tẹo, sách giáo khoa thì sơ đẳng, thi cử thì khó khăn, quy chế đường lối thì thay đổi đột ngột và liên tục, áp lực điểm số, thành tích, chỉ tiêu thi đỗ thì lớn, kỳ vọng của phụ huynh thì vĩ đại, đòi hỏi chuẩn mực xã hội thì cao chót vót…, bảo vợ nên làm sao cho phải, cho cân bằng và đúng mực cả nghiệp và đời.
Vợ chả kêu ca, so bì, trách móc gì khi mà cái cơ chế này nó thế. Vợ sẽ cố gắng hoàn thành tốt vai diễn chính trong tấn bi hài kịch “Nghiệp và đời” này. Vợ chỉ thấy ái ngại cho chồng, cứ tưởng hay cho lắm vào cái nghề của vợ. Chồng phải tìm cách an ủi động viên vợ nhé. Vợ mà nản bỏ nghề thì mục đích hôn nhân thứ sáu của chồng sẽ tan thành mây khói.
Chồng nghĩ giáo viên đời vinh quang, có hậu lắm. Quen biết bao thế hệ phụ huynh mà, đào tạo bao thế hệ học trò mà. Chồng ơi, nhân gian luôn có trước có sau vậy sao? Vợ chỉ được xem như người đưa đò thôi, đò qua sông thì xuôi ra biển lớn. Đời rộng thế, dài thế, trăm mối thế, chẳng mấy ai ngoái lại bến xưa để ơn cô nghĩa thầy đâu. Nên vợ cũng không đòi hỏi bao thế hệ học trò phải nhớ mãi đến mình, vì bản thân vợ cũng chẳng có điều kiện để thăm thầy cô cũ của mình và của con.
Nhưng vợ nghiệm ra hình như có rất ít người hiểu nỗi thâm sâu của câu: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Và cũng có không ít người trưởng thành về thể xác, có thể cũng đạt đỉnh cao về kiến thức, nhưng lại chẳng thực sự thành nhân. Nên chồng đừng động vào nỗi niềm riêng của vợ rằng, đứa này đứa nọ, ngày xưa vợ thương yêu chúng như thế, hết lòng giúp chúng như thế, hy sinh thời gian, sức lực và tiền bạc cho chúng như thế, nay chúng xem cô như người không quen, hoặc nếu có dịp nói đến cô, thì cũng coi cô như một bà già hết thời…
Chồng ạ, ai cũng có những chặng thời gian buộc phải đi qua. Và chẳng lâu đâu, chúng cũng sẽ giật mình vì thời trẻ vụt qua rồi. Nếu chúng là người rộng lượng, nhân hậu và hiểu biết, thì sẽ thấy vui vẻ hạnh phúc trước những thành đạt của thế hệ sau, sẽ bình yên thanh thản lui về phía mùa đông của cuộc đời, mỉm cười nhìn những nỗ lực thời thanh xuân của mình đã đơm hoa kết trái... Vợ đủ tuổi, đủ trải nghiệm để bình thản và rộng lượng với tất cả những điều không mãn tâm.
Chồng cũng nghĩ giáo viên được xã hội trọng vọng kính nể lắm. Giá mà được như thế. Cướp giết hiếp giờ nhản nhản khắp nơi, và vị quan tòa đời luôn đanh thép phán rằng nguyên nhân đạo đức xuống cấp là do giáo dục nhà trường chưa tốt. Lạ thật, ở trường vợ chỉ dạy kiến thức, dạy điều hay lẽ phải thôi, vợ mong mỏi hơn ai hết học trò thành người. Có đốt đuốc cả ngày lẫn đêm cũng không thể tìm được thầy cô nào đủ tầm tàn bạo để soạn nổi một giáo án "cướp giết hiếp". Tủi ghê chồng ạ. Gia đình và xã hội đi đâu mất tiêu? Trách nhiệm nặng như quả tạ đặt lên đôi vai sắp sụn của nghề giáo.
Lại sắp 20 tháng 11 nữa chồng ạ. Nói thật là ngày này vợ chỉ muốn trốn đi đâu đó thật xa. Vợ chả thích gặp phụ huynh, chả cần phong bì phong bao quà cáp. Miệng thế gian độc địa. Người ta bảo những người làm nghề giống vợ chỉ mong đến ngày này để nhận phong bì. Người ta chả cần biết bao nhiêu ngày còn lại, những người làm nghề giống vợ vất vả, cực nhọc triền miên đến thế nào. Người ta dúi vội cho cái phong bì, trước mặt cười cười nói nói cảm ơn như đúng rồi, nhưng sau lưng, vợ biết thừa, hẳn là ngàn vạn lời đàm tiếu. Có bao nhiêu tình cảm thực sự trong sự cho đi đó? Vợ tin là có, nhưng chắc là rất ít. Mà thôi, cái ít mới là cái quý chồng nhỉ, và vợ trân trọng lắm.
Nếu chồng có hỏi vợ ước gì trong ngày này. Vợ ước gì ư? Tính vợ từ thời trẻ đã dở hơi, toàn ước điều không thể. Vợ ước lương giáo viên của vợ được khoảng 45 ngàn đôla/năm như ở Singapore, vợ ước lớp vợ dạy có khoảng 25 đứa như ở Nhật, vợ ước vợ thực sự được quan tâm, tạo điều kiện để có chế độ ổn định như hứa hẹn ở nhiều cuộc họp cấp bộ, cấp sở suốt cả chục năm nay... Đấy, vợ cứ ước cái điều trên mây đó đấy. Ai phạt, ai đánh thuế đâu. Chắc cũng chả ai nỡ ghét bỏ, trù dập vợ vì những điều ước chính đáng đó.
Vợ thề, nếu điều ước thành hiện thực, vợ sẽ là một cô giáo cực chuẩn, ở trường vợ thực sự dịu hiền, tâm huyết và trách nhiệm (chứ không phải gồng mình lên cố gắng, nhiều khi đến mức giả dối). Vợ thề, nếu điều ước thành hiện thực, 8 giờ hành chính, ngoài tiết dạy, vợ cống hiến trọn vẹn cho học sinh (tự nguyện, chứ không phải để cần một đồng thù lao). Vợ thề, nếu điều ước thành hiện thực, vợ không bị chi phối tâm và sức cho các cua dạy thêm, dịch thêm nữa (khỏi cần cấm, khỏi cần soi, khỏi cần này nọ, đố ai thuyết phục vợ nhận lớp dạy thêm, dịch thêm đấy). Vợ thề, nếu điều ước thành hiện thực, về nhà vợ vô cùng đảm đang, chu toàn, và dịu dàng âu yếm.
Nghề của vợ là như vậy đó. Chồng có ân hận khi đã chọn vợ không? Còn vợ, vợ không ân hận khi chọn nghề, hay nói đúng hơn, nghề đã chọn vợ và vợ sẽ gắn bó trọn đời với nghề cho đến khi nào nghề bỏ vợ".
Đỗ Sông Hương
(trích báo Vnexpress)

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Ông Dương Trung Quốc: "Tại sao làm luật mà cứ nói chuyện tâm tư?"

Ngọc Quang - (GDVN) - "Anh mới chỉ nói tới tâm tư của quân đội thôi. Anh có nghĩ đến tâm tư của dân không? Tại sao làm luật mà cứ nói chuyện tâm tư?".
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đặt ra vấn đề này trong một cuộc trao đổi riêng với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Dương Trung Quốc dẫn ra hai thí dụ điển hình từ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tướng:
Câu chuyện thứ nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, dựa trên một nguyên tắc là thắng Trung tướng thì phong Trung tướng, thắng Đại tướng thì phong Đại tướng.
"Hồi ấy cũng có người tâm tư, đó là ông Nguyễn Sơn. Ông Nguyễn Sơn hồi ấy ở Trung Quốc về, đã từng qua Vạn lý Trường Chinh, là một người có tài và rất được anh em trí thức quý mến. Ông ấy cũng tâm tư tại sao chỉ là Thiếu tướng, điều đó nảy sinh là chuyện rất bình thường. Nhưng cụ Hồ ứng xử rất hay, không phải là do đáp ứng tâm tư thì phong tướng mà là do nhu cầu của cuộc kháng chiến", ông Quốc dẫn giải.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh, cần phải nghĩ đến tâm tư của dân. Ảnh: Ngọc Quang.
Câu chuyện thứ hai là Chủ tịch Hồ Chí Minh phong ông Nguyễn Chí Thanh làm Đại tướng.
"Đây cũng không phải vì tâm tư mà là việc nước, là do nhu cầu của đất nước. Những người có trách nhiệm phải biết điều tiết và giải quyết nó như thế nào, chứ không phải vì thỏa mãn tâm tư", ông Quốc bình luận.
Theo Đại biểu Dương Trung Quốc, còn một vấn đề khác mà xã hội đang lo lắng đấy là quy định trần số lượng tướng.
"Chúng ta cho phép tối đa 415 tướng, nhưng ai cũng thấy điều đó là bất khả thi. Luật định là ở vị trí đó thì được phong tướng, nhưng khi điều chuyển và có người khác lên thay thì rõ ràng đã tăng thêm một tướng. Tôi thí dụ Trưởng Khoa Mác-Lê Nin của Học viện Quốc phòng là Thiếu tướng, sau một thời gian có thể đi lên hoặc đi xuống (không có kỷ luật), việc này là hoàn toàn bình thường, vì luân chuyển cũng là một mặt tích cực của bộ máy. Tuy nhiên, hiện nay luật không định, khi đi khỏi vị trí ấy là phải hạ cấp, phải tính đến những chuyện ấy thì mới giữ được trần số lượng", ông Quốc nói.
Đồng tình với phát biểu trước đó của nhiều đại biểu, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, đối với cán bộ công tác tại các trường đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng thì điều quan trọng là phải có học hàm, học vị, chứ không nhất thiết phải phong tướng.
Ông Quốc bày tỏ: “Người ta nói Khoa Mác-Lê Nin hay Khoa Quân chủng là quan trọng nên cần phong Tướng. Tôi thì không bàn cái chuyện quan trọng hay không, vì cứ cho là quan trọng thì cũng còn nhiều thứ khác quan trọng. Thầy giáo trẻ, học trò già là chuyện bình thường.
Nói đến tướng là nói đến quyền lợi, đó là ô tô đi lại, cần vụ, chế độ lương bổng… và như vậy nếu phong quá nhiều tướng so với nhu cầu thực tế của đất nước thì rõ ràng là nhân dân không hài lòng, bởi họ muốn tiền thuế của mình phải được sử dụng sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Đương nhiên khi đất nước thực sự cần thì nhân dân cũng rất ủng hộ.
Chúng ta đang xây dựng Luật sĩ quan nhưng lại ngả sang màu quan chức. Tập trung vào quan chức thì sẽ biến tướng thành quan liêu, đấy là một nguy cơ".
Trước đó vào sáng 6/11, tại Quốc hội, trước những ý kiến về mức trần với các trường kỹ thuật quân sự, hậu cầu, quân y, sĩ quan lục quân, Học viện Chính trị… nên là Thiếu tướng, ông Phùng Quanh Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng cho hay: "Chúng tôi đã thảo luận nhiều, xin phép giữ trần hiện hành đã thực hiện mấy chục năm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính uỷ. Học viện Kỹ thuật Quân sự đào tạo kỹ sư cho toàn quân, cả dân sự, nghiên cứu khoa học nên đề nghị cho giữ. Cả toàn quân chỉ có trường này to nhất. Học viện Hậu cần trước đây là 3 trường sỹ quan, trung cấp hậu cần, giờ là ba trong một. Như vậy có từ lâu rồi, giờ hạ xuống, anh em rất tâm tư".
Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến không đồng tình với đề nghị phong hàm Thiếu tướng cho Chủ nhiệm Khoa Mác-LêNin và Chủ nhiệm Khoa Quân chủng; Phong hàm Thượng tướng với Giám đốc Học viện Quốc phòng. 
Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thanh cho rằng: “Quá trình thẩm định có ý kiến cho rằng giảm xuống Đại tá, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép để lại là Thiếu tướng tôi cho là rất mừng. Ban soạn thảo rất tâm tư, tôi trình mà Quốc hội không bấm nút hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác-Lê Nin không quan trọng à? Khoa khác quan trọng thế khoa này thì sao, hay là anh có vấn đề gì, rất là khó các đồng chí ạ".
Khi nói về Khoa Quân Chủng, ông Thanh cho hay: "Trước đây có Khoa Phòng không, Khoa Hải quân, Khoa Pháo Binh, Khoa Công Binh, Khoa Đặc công... bây giờ tất cả nhập thành Khoa Quân Chủng. Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có mỗi Chủ nhiệm khoa trước đây là Thiếu tướng bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm các đồng chí ạ”.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai): "Đối với học viện, như các nhà trường, cái người ta cần là các chức danh liên quan đến Giáo sư, Tiến sĩ, chứ không phải là hàm cấp tướng. Hàm cấp tướng cũng cần, nhưng không phải tuyệt đối. Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải là Ủy viên Bộ trính chị. Vì vậy, không nhất thiết phải quy định dạy cũng phải cấp tướng ở đây. Ở trường cần những người có kiến thức cao về an ninh quốc phòng, có kỹ năng sư phạm tốt. Tôi nghĩ người ta tôn trọng trên cương vị ông là Giáo sư giảng dạy vấn đề này".
Còn Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, phong nhiều tướng chưa chắc đã được người dân đồng tình: "Sức mạnh của quân đội cơ bản do lòng dân, chứ còn phong nhiều tướng quá thì thực sự là người dân chưa đồng tình. Các đồng chí giải quyết thế nào đó để khi chúng tôi là Đại biểu về giải thích cho cử tri thông suốt. Tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc cái đó. Xác định phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, yêu cầu xây dựng quân đội, còn nếu xác định phong tướng để giải quyết chế độ chính sách thì nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm thì tốt hơn.
Trước đây nghe đến tướng là khủng khiếp lắm. Tôi ngày xưa đi bộ đội nghe đến Thiếu tá là ghê gớm lắm rồi… Vì vậy, tôi cho rằng cần phải cân nhắc để giới hạn việc phong tướng để nhân dân đồng tình, còn phong nhiều quá thì dân không yên tâm lắm".
(Trích báo Giáo dục Việt Nam)