Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Lòng Tham Không Ðáy


    
    Hôm ấy, trời vừa rạng đông, một ông hoàng nói với tên đầy tớ: "Xem chừng anh mơ ước giàu lắm. Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả những ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi vui lòng nhường lại cho anh hết".

    Sướng quá! Cha chết sống lại cũng không bằng.

    Tức thì chàng cắm đầu chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên lưng con ngựa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Chàng vừa dừng chân, thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng lại cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa.

    Vừa dừng chân, lại một hồ cá mênh mông, với mặt nước trong ngần, huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời đã xế chiều. Lại một vòng nữa... Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên nẻo đường đi. Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm bậc tỉ phú với "Ruộng vườn mặc sức chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua".

    Nhưng vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc... Nhưng vô hiệu. Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá sức. Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng địa cầu, vừa dài vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.

    Ðiểm qua những câu chuyện cổ kim về lòng tham, chúng ta rút ra được bài học gì?... Chắc có người tự hỏi: sống trong thời củi quế gạo châu, chạy ăn từng bữa này làm gì có nhiều của mà tham với lam. Như những anh ăn mày cũng gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc áo tơi đến độ có thể "ăn thua đủ" với những ai đánh cắp.

    Lòng tham không cần bị nhiều cám dỗ mới nổi tính tham. Vì thế đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập là tinh thần từ bỏ, dùng của cải như những phương tiện chứ không phải như mục đích. Bước thứ hai là tập cho có quan niệm: chúng ta chỉ là những người quản lý chứ không phải là chủ nhân những của cải vật chất và có như thế chúng ta mới dễ dàng tiến thêm bước thứ ba: sẵn sàng chia sẻ với những người cần thiết hơn. Không cần phải đợi có tiền muôn bạc vạn mới chia sẻ. Hạt muối cắn hai mới thật sự sưởi ấm lòng người và công đức trước mặt Thiên Chúa.

    
    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Chúa trời và con đường đáy biển

XUÂN DƯƠNG

  
(GDVN)-Trí tuệ con người vốn không có giới hạn,luôn luôn phát triển. Những gì mà bộ não con người có thể nghĩ ra, sớm muộn sẽ trở thành hiện thực



Có một chủng tộc khiến nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cũng không ít người ghen ghét vì sự thông minh là người Do Thái, dân tộc này có một ngày lễ trọng trong năm là “Lễ Quá hải” còn gọi là Lễ Vượt biển (Jewish Passove) [1]. “Lễ Quá hải” bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử được đề cập chi tiết trong Kinh Thánh – phần Cựu Ước. 

Chuyện kể về hành trình chạy trốn khỏi Ai Cập của người Do Thái cổ đại đã được Chúa giúp đỡ bằng cách tách đôi biển cả thành một con đường cho dòng người chân trần, đói khát băng qua.

Khi quân Ai Cập đuổi đến, Chúa khép biển trở lại khiến vô số quân lính Ai Cập chết đuối.
Chúa trời và con đường đáy biển (Ảnh: kienthuc.net.vn)
Người Do Thái được Chúa ban cho mảnh đất chỉ có cát trắng và nắng nóng nhưng họ vô cùng biết ơn bởi họ có được điều quý giá nhất là Tự do.
Tự do chắp đôi cánh cho Sáng tạo vì thế ngày nay dù là một quốc gia nhỏ bé chưa đến 20 triệu người, Do Thái vẫn là một cường quốc trên bản đồ chính trị toàn cầu. 

Nếu người Do Thái được Chúa ban cho rừng vàng, biển bạc, nhưng họ loay hoay tìm mãi mà vẫn chưa hiểu ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “Tự do”, liệu Sáng tạo có được chắp thêm đôi cánh? 

Ngay cả khi đã có đôi cánh, nếu không gian của Sáng tạo lại là chiếc lồng “Tự do” được hút chân không thì dù kiên trì đến mấy cũng không thể cất cánh.

Muốn giang rộng đôi cánh, phải có bầu trời.

Có người cho rằng, Chúa trời không công bằng với chính những đứa con của mình, Người cứu vớt đứa con Do Thái mà lại hy sinh đứa con Ai Cập. 

Tuy thế, không thể nói Chúa đã sai lầm, bởi Người đã sớm nhận thấy sự lụi tàn của đế chế Ai Cập, một trong số ít nền văn minh rực rỡ nhất địa cầu.

Sự tàn bạo của các Pharaoh trong cai trị dân chúng, sự ngạo mạn trong việc xây Kim tự tháp hòng đạt đến sự bất tử là con đường tự nhiên dẫn đến diệt vong.

Có "rừng vàng biển bạc", sao Việt Nam không giàu?

(GDVN) - "Có rất nhiều những bài học chúng ta có thể học từ Israel, Nhật Bản, Singapore... để thúc đẩy Việt Nam tiến lên phía trước. Nhưng để có thể làm được điều đó, đầu tiên chúng ta phải thành thực với chính bản thân đó là Việt Nam vẫn là một nước nghèo và có khả năng tái nghèo rất nhanh".
Thế nên, hy sinh đứa con ngạo ngược, chuyên chế để giữ lại những đứa thông minh mới chính là sự sáng láng của Chúa.
Những đứa con được Chúa cứu vớt đã sản sinh cho nhân loại khoảng 160 nhà khoa học được giải Nobel, chiếm 20% tổng số người được giải toàn cầu.

Nơi trần thế này chẳng hiếm trường hợp vua chúa, quan lại vì những đứa con riêng của mình mà hy sinh cả bàn dân thiên hạ, vì phe nhóm của mình mà dửng dưng nhìn dân lành sống mòn trong đói khổ, bệnh tật, nhìn đất nước bị ngoại bang dày xéo…

Có một thành phố, nơi khí thiêng hội tụ, nơi “tinh hoa” chen chúc, khi dân chúng kêu gọi đổi thay, người đứng đầu bảo “không vội được đâu”.

“Không vội” nghĩa là cứ chờ, là giữ nguyên như cũ, không vội là dẫu có sai thì cũng chưa cần sửa?

Điều nguy hiểm nhất của “không vội” là không cần phát triển, là chấp nhận trở thành kẻ đi sau, là biến đất nước thành bãi rác cho kẻ đi trước xả thải?

Quan điểm “không vội” không biết từ bao giờ đã thành phương châm xử thế của cả một hệ thống. Rừng bị tàn phá: không vội; sông cạn trơ đáy: không vội; dân bị tù oan: không vội; thực phẩm bẩn lan tràn: không vội… 

Bộ phim truyền hình Đảo Đười Ươi (Orangutan Island) do kênh truyền hình Khám phá thế giới (Discovery World HD) trình chiếu mô tả hoạt động tại một Trung tâm cứu hộ đười ươi.

Hàng trăm cá thể đười ươi mồ côi được cứu hộ về đây chăm sóc, khi khỏe mạnh chúng được thả lên một hòn đảo, trở về cuộc sống hoang dã.

Điều lo lắng nhất của nhân viên Trung tâm cứu hộ là bầy đười ươi khi thả về rừng bị mất đi hầu hết bản năng tự nhiên.

Chúng không biết bẻ cành cây làm chỗ ngủ, không chịu leo cây mà đi trên mặt đất, nhiều con ngủ ở gốc cây, bụi cỏ, chúng chờ người mang thức ăn tới, tranh giành nhau khiến phần lớn thức ăn rơi vãi xuống nước…

Có một nơi được khẳng định là tiến hóa hơn, văn minh hơn xã hội đười ươi, nhưng một bộ phận không nhỏ cá thể “không phải đười ươi” ở đó dù không cùng loài song lại giống lũ đười ươi Orangutan Island đến kinh ngạc. 

Sự giống nhau đầu tiên phải kể đến là bẩn, đặc biệt là ăn bẩn, ăn không chừa một thứ gì, không chỉ “ăn” các thứ có thể nhai mà còn “ăn” cả các thứ không thể nuốt, tỷ như “danh hiệu anh hùng”. 

Sự giống tiếp theo là “gãi”, đười ươi ngồi đâu cũng gãi, bạ chỗ nào gãi chỗ ấy, đằng này “gãi” là một biện pháp chống “dị nghị” nên giới hạn chỉ được phép gãi từ vai trở xuống… 

Quy luật lượng – chất và cán bộ “tàng hình”

(GDVN) - Làm thế nào để chuyển hóa vô cảm thành tình thương, dối trá thành trung thực, tội ác thành lương thiện nếu lại dựa vào chính sự vô cảm.
Mã di truyền của những cá thể “không phải đười ươi” là bắt nạt kẻ yếu, khúm núm trước kẻ mạnh, nếu “to xác” một tí thì tìm cách tranh giành địa vị con đầu đàn. 

Được nuôi dưỡng bên trong những hàng rào sắt, khi tự do cũng là lúc lũ đười ươi Orangutan Island mất đi khả năng sáng tạo mà thiên nhiên ban cho tổ tiên của chúng.

Dẫu có dạy dỗ mãi thì chúng cũng không thấm vào đầu chút gì, ngoại trừ khả năng bắt chước.

Điều này có phải cũng  đúng với xã hội loài người?

Trong một Vương quốc hùng mạnh, vị Quân vương anh minh không thể có đám cận thần dốt nát. Có thể có những kẻ tham lam, quỷ quyệt nhưng chắc chắn đó đều không phải là người đần độn.

Nếu trong đám cận thần được Quân vương tuyển chọn có quá nhiều người thiếu trí tuệ, thừa lòng tham thì liệu Quân vương có phải là bậc tài cao, đức trọng?

Một trưởng “cấp Cục” gọi chủ tư bản doanh nghiệp nước ngoài là “đồng chí”? Làm đến trưởng của một Cục, người ta chắc chắn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn về lý luận.

Bộ “sưu tập” bằng cấp chắc phải là một tập dày gồm bằng đại học (mà cũng có thể là thạc sĩ hoặc tiến sĩ) mấy bằng lý luận sơ, trung, cao... Không biết khi học người ta có dạy cho cá thể ấy “đồng chí” nghĩa là gì? 

Cũng có thể, trên con đường tiến hóa, cá thể ấy có cách định nghĩa “đồng chí” của riêng mình, nếu đã đi trước thời đại như vậy, ngồi ở vị trí ấy để làm gì?

Còn nếu vẫn là thành viên “nhóm không vội” nghĩa là không đi trước thời đại, vì sao “được dạy dỗ đến nơi đến chốn” mà lại không thấm được chút gì vào đầu, lại xem kẻ bóc lột đồng bào mình là “đồng chí”?

Một “cấp Sở” khi được thông báo, rằng hòn đảo vốn được mệnh danh là “thiên đường chim hải âu” nay không còn bóng chim nào đã trả lời “chim chết là việc chim chết, không liên quan gì đến tôi”? [2].

Thế nhưng lại có chuyện một cán bộ khác bị mất ba con chim, thế là khởi tố, thế là bắt giam mấy kẻ ngỗ ngược dám cả gan trộm chim chào mào quan Sở .

“Chim trời” vốn không phải của Sở nên có chết cũng chẳng liên quan gì, “chim Sở” dù chẳng phải  “của Trời” nhưng dẫu sao vẫn là tầm … “chim Sở”.

Quân vương - logic của nghịch lý

(GDVN) - Một đấng Quân Vương có tinh thần ái quốc vĩ đại, dốc lòng phục vụ nhân dân, có đức cao trọng vọng, có tài năng xuất chúng, đất nước nhất định sẽ hùng cường.
Chúa cho dân Do Thái mảnh đất khô cằn, chỉ có nắng nóng và cát bụi.
Người tin dân Do Thái sẽ sống tốt vì Người biết “Kẻ dẫn dắt” trong đám con dân Do Thái đã sớm nhận thấy hạnh phúc trong nước biển và ánh sáng, ánh sáng trở thành điện, điện biến nước biển thành nước ngọt, nước ngọt đem đến mùa màng bội thu…  

Nếu người Do Thái cứ ngồi khóc trong hào quang ánh sáng, cứ mơ ước về một thiên đường xa vời chưa bao giờ hiển hiện, liệu họ có được như ngày nay?

Dân tộc nào, xã hội nào cũng có giai đoạn thăng trầm, sau vinh quang là cay đắng, cam tâm sống trong cay đắng chỉ là Con, biết nuốt tủi hổ vươn lên sẽ là Người. 

Trên thế gian, không phải chỉ có một con đường duy nhất để “Con” biến thành “Người”, vấn đề là “Con đầu đàn” chọn sao trên trời để định hướng hay nhìn đường mòn để bước theo? 

Dù chọn sao hay chọn đường mòn thì điều quan trọng nhất vẫn là đích đến. Chọn sai đường sẽ mất thời gian, chọn sai đích sẽ mất tương lai. 

Trên đời này có ai dám khẳng định mình nhìn thấy chính xác tương lai phía trước? Nếu đã không chắc xã hội loài người tương lai chính xác sẽ thế nào thì dựa vào đâu để khẳng định nó là thiên đường chứ không phải ảo vọng, làm sao biết đang đi đúng hướng hay chệch hướng?

Trí tuệ con người vốn không có giới hạn, vốn luôn luôn phát triển. Những gì mà bộ não con người có thể nghĩ ra, sớm muộn sẽ trở thành hiện thực. 

Tuy nhiên đó phải là những suy luận logic, phù hợp với quy luật tự nhiên chứ không phải kiểu “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”.

Áp đặt cái thiển kiến của một người cho muôn người không phải là sản phẩm trí tuệ, đó chỉ là sự cưỡng bức mang màu trí tuệ.

Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều đã từng khắc khoải thốt lên: 

Bất tri tam bách dư niên hậu; Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” 
(Chẳng biết hơn ba trăm năm sau, Người đời có ai khóc Tố Như chăng?)

Truyện Kiều trở thành cẩm nang cho một nét văn hóa dân gian là “Bói Kiều”, vậy nhưng Tố Như cũng không thể biết hậu thế vài trăm năm sau sẽ có ai khóc cho số phận của ông?

Chẳng Quân vương nào có thể rẽ biển đưa dân chúng tới miền Tự Do, vậy nên mong muốn có quyền năng của Chúa chỉ là ảo vọng hay còn là sự dại khờ?
Tài liệu tham khảo:
[1]Cụm từ "Jewish Passover” dịch sát nghĩa là “Lễ Vượt qua” song vì nó gắn với câu chuyện vượt biển của người Do Thái nên nhìn chung, các học giả vẫn dịch là “Lễ Quá hải” hay “Lễ Vượt biển”
(trích báo Giáo dục Việt Nam)

Hương Vị Của Khói




    
    Ðể đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:

    Tai một khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến đây để thưởng thức những của ngon vật lạ, còn những người nghèo thì chỉ mong ăn được chút cơm thừa canh cặn hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp...

    Một hôm, có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì. Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo: thay vì chầu chực hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh vừa nhai bánh mì vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp, anh nhai ngấu nghiến ổ bánh mì mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên bàn thượng khách.

    Nhưng không may cho anh, vì hôm đó người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm ăn cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy. Thế là ông sai những người hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà và yêu cầu trả tiền. Ông lý luận với người ăn xin như sau: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, yêu cầu nhà ngươi trả tiền cho ta".

    Người ăn xin không chịu trả tiền. Nội vụ đã được đem ra trước tòa án. Quan đầu tỉnh phải nhức đầu vì vụ án này. Ông cho triệu tất các bực thức giả trong toàn tỉnh để giúp ông giải quyết vụ án. Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý cả: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là chủ hữu của ông chủ cửa hàng. Những người khác thì cho rằng khói cũng như không khí là của mọi người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng mà không phải trả đồng xu nào.

    Sau khi đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau: "Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy".

    Người kể câu chuyện ngụ ngôn trên đây có lẽ muốn nói với chúng ta rằng sự ích kỷ không mang lại cho chúng ta một lợi lộc nào.

    Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất trung lập. Nghĩa là khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình, không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một phần trong tôi. Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm được thêm vào tương quan giữa người với người hoặc như một thứ tô điểm phụ thuộc cho nhân cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi. Tôi càng nên người hơn khi tôi sống cho tha nhân. Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao ban...

    Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi đích thực của con người: đó là sống trọn vẹn cho tha nhân. "Này là Người, này là con người với đầy đủ tính người". Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên bố của Philato khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu với tấm thân không còn hình tượng của con người nữa và nói: "Này là người...". Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người khi con người tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người khác...

    Ðó là định luật của Tình Yêu mà Chúa Giê su đã mạc khải cho chúng ta: Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất. Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại.


    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Cân trái tim

XUÂN DƯƠNG

  
(GDVN) - Điều quan trọng là khi “chúng ta chưa chết” chúng ta phải sống thế nào?
Kênh truyền hình National Geographic Chanel đang trình chiếu series phim với tựa đề “The Story of God with Morgan Freeman” (Morgan Freeman với câu chuyện về Đức Chúa), dẫn chương trình là diễn viên kiêm đạo diễn da màu nổi tiếng Morgan Freeman.

Chủ đề xuyên suốt của trong bộ phim liên quan đến sự giống và khác nhau giữa các tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân cổ đại và hiện đại nhằm trả lời câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết?

Một trong số các tập phim cho thấy Morgan Freeman cùng với một nữ tiến sĩngười Ai Cập thăm quan một lăng mộ đặc biệt trong đó có bức vẽ “Cân trái tim”.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng khi sang thế giới bên kia, tất cả mọi linh hồn đều bị phán xử bởi thần Osiris mình người đầu cáo tại Đại sảnh Sự thật (Hall of Truth). 

Thần Osiris sẽ đặt trái tim của linh hồn đó một bên cân, bên kia là một chiếc lông chim, nếu trái tim nhẹ hơn lông chim, linh hồn được siêu thoát, tiếp tục cuộc hành trình như chưa từng bị chết nhưng ở một thế giới khác. 

Nếu trái tim nặng hơn lông chim, linh hồn sẽ bị quỷ dữ nuốt sống.

Với người Ai Cập cổ, sở hữu một trái tim “nặng” là kết cục tệ hại gấp nhiều lần so với cái chết, bởi người đó không còn cơ hội tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia.
Thần Osiris cân trái tim tại Đại sảnh Sự thật (Ảnh: chưa rõ tên tác giả)
Các Lạt Ma Tây Tạng có quan niệm về “thần nhãn” tức là khả năng truyền đạt tư tưởng trực tiếp giữa người với người mà không cần ngôn ngữ hay bất cứ hành động nào.
Để đạt đến mức độ đó cần phải từ bỏ mọi tham lam của cải vật chất hay những suy nghĩ đen tối để có một cơ thể, một trái tim thanh khiết.
Chỉ những ai trí óc trong sạch, sáng như gương mới có thể nhìn rõ bản chất của con người và vạn vật. 

Vua chúa và tầng lớp tinh hoa cổ đại từ Đông sang Tây nhận thức một điều đơn giản, không có gì là vĩnh cửu, vạn vật có sinh, có diệt, con người ai cũng phải chết.

Chặng đường nơi trần thế chỉ như một giấc chiêm bao, sự vĩnh hằng chỉ là ảo vọng. Chính vì thế, người ta hy vọng tồn tại một thế giới khác, nơi con người tiếp tục sống những tháng ngày không ưu tư, phiền não.

Tham "vinh quang”

(GDVN) - “Tham vinh quang” tự thân nó sẽ đủ sức mạnh để dẫn dắt quyền lực làm những việc nên làm và cần làm.
Dù sống ở những niên kỷ sơ khai, người xưa đã nhận thấy những “trái tim trĩu nặng ưu phiền”, “những trái tim thấp thoáng kim tiền”, “những trái tim thổn thức suốt ngày dài lại đêm thâu”, những “trái tim lầm lỡ để trên đầu”  không có chỗ trong thế giới tương lai.

Loài người ngày nay, sau mấy nghìn năm tiến hóa, hiểu biết hơn loài người cổ đại trong khoa học tự nhiên, nhưng chưa hẳn là đã hơn người xưa ở lĩnh vực giác ngộ tâm thức.

Không ít người vẫn đăm đắm một ý tưởng về sự tồn tại “muôn năm” mà không cam tâm thừa nhận sự thật, rằng vật chất phát triển càng ở trình độ cao, trở thành các thực thể sống thì tuổi thọ càng ngắn. 

Con người và động vật sống dài lắm là chừng hai hoa giáp, nghĩa là khoảng 120 năm.

Thực vật ở cấp thấp hơn nên có những loại cây có thể sống hàng nghìn năm.
Trái Đất và các vì tinh tú có tuổi thọ hàng tỷ năm vì đó chỉ là vật chất đơn thuần. 

Dựa vào chu kỳ bán rã của uranium-238 (chu kỳ bán rã là khoảng thời gian mà một nửa lượng vật chất của nguyên tố này bị phân huỷ), các nhà khoa học ước tính tuổi của vũ trụ là 12,5 tỷ năm, với sai số khoảng 3 tỷ năm.

Ý thức (hay tư tưởng) chính là sản phẩm của vật chất phát triển cao - bộ não con người, vậy nên nó cũng không tránh khỏi quy luật “bán rã”.

Nếu còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, nó trở thành động lực, khi lỗi thời, nó không còn lý do để tồn tại. 

Nói thế nhưng chẳng mấy ai cam tâm từ bỏ ánh hào quang danh vọng, níu kéo sự trường tồn không đơn giản chỉ là ảo vọng mà đôi khi nó trở nên ngu muội.

Nhận thức được điều đó, các Pharaoh, các thiền sư Tây Tạng, các vua chúa Trung Hoa, các triết gia Đông - Tây cổ đại đều chuẩn bị cho ngày xa lìa trần thế, xem đó là quy luật không một “đấng vĩ đại” nào có thể cưỡng lại. 

Theo dòng thời gian, không có bất kỳ sự “trường tồn” nào dù là đối với một cá nhân, một thể chế, một đế chế hay một hệ tư tưởng. Nhận biết thời điểm kết thúc để chuẩn bị hành trang cho “thế giới bên kia” không bao giờ là việc dễ dàng với ai đó có “trái tim nặng”.

Quân vương - logic của nghịch lý

(GDVN) - Một đấng Quân Vương có tinh thần ái quốc vĩ đại, dốc lòng phục vụ nhân dân, có đức cao trọng vọng, có tài năng xuất chúng, đất nước nhất định sẽ hùng cường.
Trên con đường tìm kiếm cõi vĩnh hằng, lời phán quyết của thần Osiris là phải có một trái tim “đủ nhẹ”.
Muốn thế cần phải từ bỏ rất nhiều thứ, có 3 thứ muốn bỏ con người cần đến lòng dũng cảm của chiến binh và tư duy của bậc minh triết là từ bỏ ham muốn quyền lực, nghĩa vụ quyền lực và gánh nặng quyền lực.

Ham muốn quyền lực dễ nhận thấy với dân thường là ham muốn vinh hoa phú quý, là trở thành “ông nọ, bà kia”, là “võng anh đi trước, võng nàng đi sau”, điều này được minh chứng trong xã hội Việt Nam hiện đại bởi “bầy sâu tiến sĩ” hiện diện ngày càng đông đúc không chỉ ở những nơi “cao sang” như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội mà còn khắp các văn phòng, công sở.

Ham muốn “quyền lực tuyệt đối” có lẽ là điều ngu ngốc nhất mà con người được học hành đến nơi đến chốn thường xuyên mắc phải, bởi nó dẫn tới sự độc tôn, độc đoán, độc quyền và độc ác. 

Chính vì thế từ bỏ “ham muốn quyền lực” là điều đầu tiên cần làm, cũng là điều dễ nhất có thể làm bởi “ham muốn quyền lực” là xuất phát từ bản thân, sức ép ngoại lai để một con người tự do trở thành kẻ ham muốn quyền lực nếu có cũng là không ghê gớm đến mức đe dọa sinh mạng. 

Tự chế ngự ham muốn quyền lực, chuyển hóa nó thành những ham muốn nhân văn sẽ khiến cho bước chân con người trên đại lộ Thanh Thản trở nên nhẹ nhàng dù có hay không “cân trái tim" của thần Osiris.

Từ bỏ nghĩa vụ quyền lực và gánh nặng quyền lực lại không hề đơn giản, chẳng có kẻ lú lẫn hay ngớ ngẩn nào có thể đạt đến đỉnh cao quyền lực nếu không phải là một cá nhân siêu việt hay chí ít cũng được có một “tập đoàn siêu việt” hậu thuẫn. 

Những cá nhân được dựng lên bởi một “tập đoàn siêu việt” sẽ không thể chối bỏ “nghĩa vụ quyền lực” đối với phe cánh đã nâng đỡ mình. Có thể đến một thời điểm trong tương lai, cá nhân đó nhận thức được “gánh nặng quyền lực” đè trên đôi vai nhưng không còn đường lùi. 

Năm tâm tư gan ruột của một tiến sĩ về “lò tiến sĩ”

(GDVN) - Cơ sở thực tiễn và khoa học của 350 tiến sĩ/chỉ tiêu/năm cho Học viện có thuyết phục không, khi mà các hiện tượng cứ diễn ra “dài dài mãi”?
Quyền lực trở thành nấm mồ chôn vùi vĩnh viễn mọi ảo vọng.
Bên trong nấm mồ quyền lực, mọi hào quang đều tắt ngấm, con đường duy nhất từ đó có thể đi tiếp là hướng tới “Đại sảnh Sự thật”, ở đó đã có “cân trái tim” chờ sẵn.

Sẽ là sai lầm nếu phủ nhận tất cả những giá trị trường tồn như tự do, bình đẳng, bác ái… Tuy nhiên sự trường tồn đó cũng chỉ song hành cùng với sự trường tồn của nhân loại.

Một va chạm nhẹ giữa Trái Đất với một thiên thạch có thể xóa bỏ sự sống hiện tại để rồi hàng triệu năm sau loài người mới sinh ra sẽ ngơ ngác hỏi nhau “tự do là gì, bình đẳng là gì, bác ái là gì…?”.

Sự cực đoan trong cách đặt vấn đề không phải là do không nhận thấy “ánh sáng cuối đường hầm” mà chỉ dựa vào một sự thật khoa học, rằng khủng long bị tuyệt chủng gắn với những  nguyên nhân khách quan như va chạm giữa trái đất với thiên thạch khiến núi lửa phun trào...

Nếu điều đó lặp lại, không có gì đảm bảo rằng nền văn minh nhân loại sẽ không bị tiêu diệt.

Bản thân câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết?” vốn được nêu lên để suy ngẫm chứ không phải để trả lời bởi sẽ chẳng có câu trả lời nào là thấu đáo.

Điều quan trọng là khi “chúng ta chưa chết” chúng ta phải sống thế nào?
(trích báo Giáo dục Việt Nam)