Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Tiếng Kêu Của Ếch


 Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.

Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: "Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?".

Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: "Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi". Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: "Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?". Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: "Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?".

Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm... Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: "Nào, hãy hát lên đi". Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết... Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.

Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.

Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.

Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất vẻ đẹp của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.

Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng phút giây.


Trích sách Lẽ Sống


Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Bệnh "chuồn chuồn"

(GDVN) - Người xưa nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, trốn đi đâu cũng vẫn bị truy nã, sợ nhất là “lưới người” dù ken rất dày nhưng vẫn chừa "cửa thoát hiểm".
Bệnh “chuồn chuồn” là loại bệnh thời hiện đại, bệnh này có những biểu hiện mà ai cũng có thể  nhận thấy như “chuồn” khỏi công sở giờ hành chính, “chuồn” tài sản cho người khác, “chuồn” ra nước ngoài… 
Đối tượng nhiễm căn bệnh này thường là những người “giàu lên rất nhanh” mà không rõ nguồn gốc tài sản, những người “thừa” thời gian ở công sở mà túi thì lại quá rủng rỉnh hay những người tai rất thính, họ không đánh hơi bằng mùi mà bằng tiếng nhạc chuông smartphone. 

Dân gian đôi khi “quá đà” còn gọi là bệnh này là bệnh “công bộc”, sở dĩ nói là “quá đà” vì không phải tất cả “công bộc” đều mắc bệnh mà chỉ là “một bộ phận không nhỏ” mà thôi. 

Phát biểu nhân vụ án Giang Kim Đạt, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cho rằng:  “thủ đoạn chuyển hóa tài sản tham nhũng qua tên bố mẹ như trường hợp Giang Kim Đạt là tương đối phổ biến”. [1] 

“Chuyển hóa” là cách nói với truyền thông, ngôn ngữ quan trường vốn phải như thế, dân gian chỉ dùng một từ mà cũng lột tả hết ý nghĩa, đó là từ “chuồn”, vậy nên nếu thử diễn đạt lại câu nói của ông Tuấn “thủ đoạn “chuồn” tài sản tham nhũng qua tên bố mẹ như trường hợp Giang Kim Đạt là tương đối phổ biến” thì dân quê nghe cũng vẫn hiểu được. 

Vì ý kiến của ông Tuấn liên quan đến vụ Giang Kim Đạt nên ông chỉ nói đến chiều ngược, tức là con cái “chuồn” tài sản cho cha mẹ, cũng vì nó là “ngược” nên nó chỉ “tương đối phổ biến”.  

Theo chiều “thuận”, vận dụng ý kiến của ông Tuấn thì “thủ đoạn chuồn tài sản tham nhũng qua tên con cái, người thân là khá phổ biến”. 

Không biết sử dụng cụm từ “khá phổ biến” đã đủ độ “ngược” với “tương đối phổ biến” hay chưa? Mặt khác nói “khá phổ biến” có phải là nhận định chủ quan, không có cơ sở hay không? 

Để trả lời, xin nêu nhận định của truyền thông, chẳng hạn vtc.vn ngày 13/6/2014 viết “Quan chức mất tiền tỷ: Khai phần nhỏ, phần lớn chuyển con cháu”,Tienphong.vn ngày 25/3/2015 thì viết “Chặn tiền tham nhũng chảy vào túi người thân”, còn Phapluattp.vn ngày 27/11/2014 viết “Tài sản tham nhũng bị tẩu tán tinh vi”…

Chuyện “chuồn” tài sản cho người thân chắc là không cần dẫn chứng thêm nữa, còn “chuồn” đi chơi trong giờ hành chính thì cũng không thiếu dẫn chứng, như lãnh đạo và nhân viên quận Ngô Quyền, Hải Phòng đi chơi ở Singapore đến ngày làm việc vẫn chưa về, hay chuyện một vị cấp phó của EVN trong giờ hành chính “chuồn” đi chơi golf thì nhiều báo đã đăng tải. [2]

Ảnh chụp màn hình Baogiaothong.vn ngày 17/7/2015
Riêng chuyện ra nước ngoài, lúc đầu người dân tưởng chỉ có Dương Chí Dũng mắc phải “bệnh chuồn chuồn”, mấy hôm nay xuất hiện thêm “bệnh nhân” thứ hai là Giang Kim Đạt, dù cũng “chuồn chuồn” như Dương Chí Dũng song kết cục cũng chả khác gì. 
Sự giống nhau của hai “bệnh nhân” này là đều đã “đánh hơi” được vụ việc nên đã nhanh chân “chuồn” sang nước khác. Thậm chí Giang Kim Đạt còn “Trốn truy nã, sang Singapore mua nhà 3,6 triệu đô”. [3]
Vinashin làm thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng vốn của Nhà nước, nguy cơ lỗ thêm khoảng 8.500 tỉ đồng (Ảnh chụp màn hình)
Từ năm 2011, đã có tiếng nói báo động, rằng Vinashinlines lỗ 5.000 tỷ và có thể lỗ thêm 8.500 tỷ. [4] Về vụ Giang Kim Đạt, báo Dantri.com.vn viết:

 “Các trinh sát an ninh mà chủ công Cục An ninh kinh tế tổng hợp luôn trăn trở với câu hỏi về khoản lỗ, nợ lên đến 10.000 tỉ đồng của Công ty Vinashinlines, công ty này rơi vào tình trạng phá sản…”. [5]

Vinashinlines lỗ, nợ 10.000 tỷ (Ảnh chụp màn hình)
10.000 tỷ là khoảng 450 triệu USD, một khi doanh nghiệp nhà nước “rơi vào tình trạng phá sản” thì ngoài khoản thu hồi ít ỏi, ngân sách phải trả nợ thay. 
Với 18 triệu USD mà phía Mỹ cung cấp đã mua được 6 tàu tuần tra cao tốc ven biển. Vậy thì khoản lỗ cộng với nợ của Vinashinlines tương đương giá tiền mua 150 tàu tuần tra cao tốc hoặc dân gian tự tham khảo mà tự định giá rằng có thể mua được hàng chục chiếc máy bay tiêm kích hiện đại kiểu như Su-30MK2.
Nếu cảnh sát biển có thêm 150 tàu tuần tra, chắc ngư dân sẽ yên tâm làm ăn không sợ bị bọn xấu uy hiếp đâm tàu, cướp ngư cụ,... Nếu có thêm một trung đoàn tiêm kích hiện đại, chắc chắn kẻ thù phải lo sợ nếu chúng có ý đồ xâm phạm vùng trời, vùng biển Tổ quốc.

Với chức vụ quyền Trưởng pḥòng kinh doanh Vinashinlines, một chức vụ có thể coi là loại “thường”, Giang Kim Đạt đã có thể kiếm cho gia đình 40 bất động sản có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, nghĩa là bằng khoảng 1% khoản lỗ, nợ của Vinashinlines. 

Vậy nên với khoản lỗ nợ 10.000 tỷ, con số tội phạm chắc chắn không phải chỉ là vài ba người, nếu có những “con chuồn chuồn” to hơn Giang Kim Đạt thì gia sản của nó sẽ bằng chừng nào?

Để bắt được Giang Kim Đạt, Bộ công an phải tiến hành chuyên án trong 5 năm trời, các cán bộ, chiến sĩ công an phải ăn mì tôm ngồi theo dõi ở nước ngoài. 

Trí tuệ và công sức ngành Công an bỏ ra không thể đo đếm bằng tiền mà chỉ có thể bằng niềm tin của nhân dân vào những chiến sĩ công an ngày đêm thầm lặng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người xưa nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, trốn đi đâu cũng vẫn bị truy nã đem về trị tội, sợ nhất là “lưới người” dù ken rất dày nhưng lại vẫn chừa “cửa thoát hiểm”. 

Không hề thiếu các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham những, thế nhưng gần triệu người kê khai tài sản, thu nhập, chỉ có 4 người phải xem xét, nói như ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ: “không có cơ sở để nghi ngờ việc chỉ có 4 cán bộ không trung thực trong tổng số gần 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập” (dantri.com.vn 6/7/2015). 

Không có cơ sở để nghi ngờ, thế là minh bạch, thế là trong sạch, thế thì phải mừng vì đội ngũ toàn là người đã được xác nhận là “không có cơ sở để nghi ngờ”! 

Có một loại thước đo "đặc biệt" để đánh giá sự trung thực của cán bộ

(GDVN) - Không ai hiểu cán bộ bằng dân. Hãy để người dân tự đánh giá cán bộ tốt hay xấu...
“Bệnh chuồn chuồn” luôn đi kèm một loại vacxin tự chế của bệnh nhân là “dọn ổ”, về điều nàyvov.vn ngày 24/10/2014 dẫn lời ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: 

Tôi đã nhiều lần nói với cơ quan thông tin và cơ quan quản lý là nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án... 

Chuẩn bị nghỉ thì không còn gì để mất và cố làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh. Đó là tâm lý chung”. 

Khi đã “dọn ổ” xong, khi đã “làm chuyến tàu vét cuối cùng”  thì yên tâm “chuồn chuồn về ổ” mặc cho các loại “chuồn” khác tha hồ “dự báo thời tiết”. Nói thế là dựa vào câu nói dân gian “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

Tuy vậy, dự báo thời tiết dân gian nhiều khi sai bét, bay cao đến 10.000 mét trên máy bay Boeing sang tận Singapore như “chuồn chuồn kim” Kim Đạt, một khi Bộ Công an đã vào cuộc thì cũng chẳng có “trời” nào “nắng” nổi.

Khác với các loại bệnh thông thường, “bệnh chuồn chuồn” hiện nay ngành Y chưa có một bệnh viện nào nhận chữa và cũng chưa có thuốc đặc hiệu, cũng may còn có “bệnh viện” của ngành Công an. 

Ngoài việc cần đội ngũ “bác sĩ” chuyên nghiệp có tay nghề cao, thiết nghĩ Nhà nước nên khuyến khích các ông “lang vườn” mạnh dạn kê đơn, trợ giúp các chiến sĩ công an, phòng bệnh bao giờ chả tốt hơn chữa bệnh. 

Tài liệu tham khảo: 
Xuân Dương
(Trích báo Giáo dục Việt Nam)

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Quân Vương, tội ác và trừng phạt

(GDVN) - “Một Quân vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng"
Nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), vốn quê ngoài Bắc (Phương Khê, Quảng Oai, Sơn Tây) nhưng sống chủ yếu tại Sài Gòn.
Trước khi mất ông đã viết và biên soạn đúng 100 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực như Văn học, Triết học, Ngôn ngữ… Trong số này đáng chú ý là cuốn “Kinh Dịch, đạo của người quân tử”. 

Tên cuốn sách cho thấy tác giả muốn ngụ ý, rằng người quân tử có thể tìm trong Kinh Dịch những phép đối nhân xử thế, những suy luận sâu xa về cuộc sống con người chứ không phải chỉ là bói toán, mê tín dị đoan. [1]

Cũng còn một ẩn ý khác, không biết có phải tác giả ngầm gửi gắm hay không, rằng Kinh Dịch không phải là Đạo của Quân vương, dùng cho người thường, cho những sự việc hàng ngày thì được, dùng để trị quốc thì không được.

Đọc Kinh Dịch, đọc mươi trang là nhức đầu, hiểu lõm bõm một chút đã là tốt rồi, sách ấy người trẻ tuổi đọc hơi khó tiếp thu, người dân bình thường đa phần cũng thế. 

Có một cuốn sách, đọc đến đâu hiểu đến đấy, đọc xong một chương lại muốn đọc tiếp chương khác, ấy là cuốn Quân Vương của Niccolo Machiavelli, nhà bác học, chính trị gia người Ý. Cuốn sách được dịch giả Phan Huy Chiêm chuyển sang Việt ngữ. 

Trái với Kinh Dịch, Quân vương có thể coi là cuốn sách về trị quốc, tuy sách viết cho các bậc Quân Vương nhưng ai cũng có thể đọc và hiểu. 

Như đã dẫn trong bài “Tham vinh quang” (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 21/5/2015), Quân Vương là cuốn sách gây nên rất nhiều tranh luận. Bài viết này chỉ là một góc nhìn rất hẹp đối với quan điểm của Niccolo Machiavelli về người lãnh đạo các quốc gia.

Trang bìa Quân Vương xuất bản năm 1550 (Ảnh: Xuân Dương)
Chương 17 của tác phẩm có tiêu đề “Độc ác để dân sợ hay độ lượng để dân yêu?”.

Bản dịch sang tiếng Anh câu của Niccolo Machiavelli là : “It is better to be loved or feared” nghĩa là “điều nào là tốt hơn giữa dân yêu hoặc dân sợ?”. 

Người viết cho rằng câu chuyển sang Anh ngữ nêu trên hợp lý hơn là nói “độc ác để dân sợ”, tuy nhiên trên tinh thần tôn trọng, người viết sẽ giữ nguyên từ ngữ mà dịch giả Phan Huy Chiêm đã dùng.

Có thể thấy câu hỏi này chỉ dành cho người đứng đầu, đó cũng là câu hỏi mọi Quân Vương phải trả lời dù là minh quân hay bạo chúa. 

Niccolo Machiavelli cho rằng: “Một Quân vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng. Kinh nghiệm cho thấy, như thế là có đức nhân từ hơn làm ra vẻ thương dân mà lại để cho trật tự rối loạn, xảy ra cướp bóc, giết chóc lung tung trong dân chúng. 

Những biến cố này thường thiệt hại cho toàn thể nhân dân, còn những sự trừng phạt nghiêm khắc của Quân Vương chỉ đụng chạm đến những cá nhân mà thôi”.

Cụm từ “tàn ác” mà dịch giả Phan Huy Chiêm sử dụng, có thể khiến người đọc hiểu theo hướng tiêu cực. Tuy nhiên nếu đặt trong tổng thể câu văn sẽ thấy triết lý trị quốc của người xưa không phải là đề cao sự “tàn ác” mà là “trừng phạt nghiêm khắc”. 

Nhận định của Niccolo Machiavelli cho thấy độ lượng đến mức để cho “trật tự rối loạn, xảy ra cướp bóc, giết chóc lung tung trong dân chúng” chúng khiến muôn dân kêu than không phải chỉ là lỗi mà còn là tội của Quân vương. 

Trong trường hợp này, Quân vương tuy không trực tiếp cướp của, giết người nhưng là đồng phạm với hành động cướp của, giết người. 

Ngược lại, trừng trị nghiêm khắc một thiểu số tội phạm, kể cả dùng án tử hình để giữ gìn kỷ cương phép nước, giữ sự bình yên cho cuộc sống dân lành mới là nhân từ, mới là việc cần làm của đấng Quân vương.

Có lẽ chính vì thế mà nhiều Đại biểu Quốc hội thời gian qua đã phản đối gay gắtDự thảo bãi bỏ án tử hình với tội tham nhũng, tội vận chuyển ma túy và một số tội danh khác. 

Người viết cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, ý kiến phản đối của những vị ĐBQH này là hợp lòng dân, nhân từ với thiểu số tội phạm tức là không nhân từ với quảng đại quần chúng. 

Nói thế không phải là cổ xúy cho các hành động tàn ác của một Quân vương. Cuộc chiến mà A. Hitler gây ra cho nhân loại hay hành động xua quân xâm lược Việt Nam của Đặng Tiểu Bình là tội ác mà nhân loại cần phải lên án. 

Hành động mà Niccolo Machiavelli gọi là “tàn ác” ở đây chỉ nhằm đến một số cá nhân nhưng với mục đích bảo đảm sự an toàn cho cả vương quốc. 

Không phải là có thể mà cần phải chấp nhận “làm việc ác” với thiểu số tội phạm bởi trong cái ác hàm chứa cái thiện. Làm điều ác với mục đích vì lợi ích phe nhóm, gia tộc, hay cho một thiểu số người chứ không phải vì quảng đại cần lao thì đó mới là tội ác.

Nói về lòng nhân từ Kinh Phúc Âm viết đại ý: “Ai tát má con bên này, thì đưa má bên kia cho họ tát tiếp”. Tuy thế, Giáo hội Công giáo La Mã  không ngần ngại tiến hành các cuộc thập tự chinh chống lại người Hồi giáo và các nhánh tôn giáo bị coi là ngoại đạo, giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng vô tội.

Chúa dạy: “Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. [2] Nếu một Quân vương để cho vương quốc rối ren, tham nhũng tràn lan, dân chúng lầm than, đau khổ thì chính Quân vương sẽ phải trả giá bằng sự “lầm than - đau khổ” của mình. 

Trong trường hợp này “cái đấu” mà quân vương nhận lại nếu không phải là sự cô đơn lúc xế chiều, nỗi cô đơn đến tuyệt vọng trước dòng đời cuộn chảy thì rất có thể là sự sụp đổ của ngai vàng. 

Nếu sự nhu nhược của Quân vương khiến quốc gia bị mất, dù chỉ một tấc đất của tổ tiên thì “cái đấu” nhận lại không còn là sự cô đơn mà là sự khinh miệt của hậu thế.

Trong một đất nước thanh bình, dân cư an nhàn hưởng lợi, khó có thể phân biệt giữa Quân vương kiệt xuất và kẻ tầm thường. Khi xã hội rối ren, thù trong giặc ngoài rình rập, chiến tranh đe dọa nơi biên cương, hải đảo mới là lúc cần một Quân vương dũng tuệ. 

Người Việt không phải là không có những Quân vương như vậy. Để thu phục lòng dân, khích lệ sĩ khí ba quân, đánh đuổi giặc Thanh xâm lược, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã xưng đế với niên hiệu Quang Trung. 

"Dùng người tài,hướng lòng dân một dạ không lìa để xây thành giữ nước"

(GDVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân trong thế kỷ XX, đã viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này..."
Việc này đương nhiên không làm hài lòng Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, song chính nhờ thế mà quân dân nước Việt đã tạo nên trận Đống Đa lừng lẫy. 

Trong gia tộc, hành động của Hoàng đế Quang Trung có thể không hợp đạo lý song với quốc gia, dân tộc, xử thế của ngài đã để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi.

Sử gia Lê Văn Hưu nhận định về Tiền Ngô Vương Ngô Quyền như sau: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”.  

Quân vương là như vậy, là “một cơn giận mà yên được dân”, là “đánh giặc giỏi mà mưu cũng giỏi”. Quân vương không thể là người thủ thỉ rót vào tai dân chúng những lời hoa mỹ, đó là nhiệm vụ của mưu sĩ, những người không bao giờ có thể là quân vương.

Lịch sử cho thấy, dù đã trở thành “Người” nhân loại chưa bao giờ thoát khỏi bản chất “Con”, nhân loại đã và đang vẫn chỉ là “Con Người”. Bản chất “Con” của “Người” được một số triết gia tóm tắt qua thuật ngữ “Ba giành”, đó là các cuộc chiến  “giành lãnh thổ, giành nguồn thức ăn và giành giống cái”. 

Việc xây dựng nên các đế chế, bảo vệ hoặc mở mang bờ cõi luôn gắn liền với triết lý “Ba giành”. Để chiến thắng, Quân vương phải là người giỏi nhất trong những người giỏi. Chữ “giỏi” ở đây không chỉ bao hàm những ý nghĩa đạo đức, nhân cách mà còn gồm các thủ đoạn. 

Người dân cần phải làm quen, phải chấp nhận một điều tưởng như nghịch lý, rằng việc làm của Quân vương nhiều khi không phù hợp với các chuẩn mực mà các nhà đạo đức khuyên nhủ. 

Điều quan trọng là chiến thắng cuối cùng trong các cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ, thống nhất quốc gia… không chỉ là chiến thắng của Quân vương mà phải là chiến thắng của cả dân tộc.

Vậy nên độc ác đến mức dân sợ hay độ lượng để dân yêu đều không phải là phép trị quốc luôn đúng. 

Vào thời buổi nhiễu nhương, tặc thần nhan nhản, dân mất niềm tin thì cần phải nghiêm khắc để quan cũng phải sợ chứ không chỉ là người dân. Nhân từ độ lượng chỉ có thể khi quốc gia thái bình, dân lành yên ấm, không còn tham quan nhũng nhiễu. 

Kết hợp cả hai yếu tố, dân vừa sợ vừa yêu gần như không thể, vậy nên nếu phải lựa chọn, Quân vương cần phải chọn cách tối ưu, hãy hành động để dân sợ vương pháp trước khi họ hiểu ý nghĩa nhân văn trong đó mà chuyển từ sợ sang phục.

Với lịch sử “Ba giành”, chẳng có vương quốc nào luôn hưởng thái bình mà không có binh đao khói lửa, cũng chẳng có vương quốc nào hình thành mà không trải qua chiến tranh, vậy nên Quân vương cần phải là một chiến binh trước khi là một hiền triết.

Là chiến binh, Quân vương có thể đọc ít hơn các triết gia, là chiến binh Quân vương có thể không để lại những “lời có cánh” cho hậu thế, điều đó không quan trọng. 

Quan trọng là Chiến Binh đó để lại cho đời sau một quốc gia to đẹp, cường thịnh, một dân tộc sống trong kỷ cương nhưng không sợ cường quyền, dám đương đầu với mọi hình thức chiến tranh và biết giành chiến thắng.

Mặt khác, Quân vương không thể là chiến binh hữu dũng vô mưu. Trước bất kỳ kẻ địch nào, Quân vương phải luôn là người bình thản, biết truyền cho đối phương ý cay trong lời ngọt,  biết làm nhiều hơn nói, biết xem lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng. 

Quân vương phải biết tránh cho đất nước khỏi mọi cuộc chiến, nhưng khi cần cũng biết mang lại hòa bình cho dân tộc bằng chính chiến tranh. 

Vượt trên tất cả, Quân vương phải là người lãnh đạo chứ không phải người cai trị, cai trị là sử dụng quyền lực đàn áp sự phản kháng, là bằng mọi cách duy trì quyền thống trị dù nó có thể đã lỗi thời và bị lịch sử đào thải. 

Lãnh đạo là đoàn kết, là thuyết phục, là tấm gương gắn kết toàn dân hướng tới tương lai. Chăm lo cho dân giàu, nước mạnh cũng chính là bảo vệ ngai vàng của Quân vương, không làm được điều đó Quân vương hoặc là bù nhìn hoặc là đao phủ.

Lăng mộ Quân vương thời cổ đại, dẫu có vươn trên trời cao như Kim tự tháp hay chôn sâu dưới đất như Tần Thủy Hoàng, rốt cuộc vẫn bị hậu thế đào bới tan nát. Vậy nên đích đến cuối cùng của một Quân vương, của một Chiến binh chỉ nên là thảm cỏ xanh trải tít chân trời.

Có đọc Quân Vương mới thấy, các triết gia châu Âu không phải chỉ có người Đức, người Nga mà còn người Anh, người Ý, người Pháp…, tinh hoa kiến thức của nhân loại không bó hẹp ở Phương Đông hay Phương Tây.


Tài liệu tham khảo:
[1] Kinh Dịch, đạo của người quân tử, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn học, 1994
Xuân Dương
(trích báo Giáo dục Việt Nam)