Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Cái Bật Lửa


        Ðể kỷ niệm một trận chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.

    Tong bữa tiệc, ông đem khoe một cái bật lửa rất đẹp mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông. Cái bật lửa đã được truyền từ tay người này đến tay người nọ để được trầm trồ khen ngợi.

    Sau bữa ăn, mọi người được mời ra phòng khách để uống trà. Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn không tìm ra cái bật lửa. Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không. Mọi người chia nhau đi tìm khắp nơi mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái bật lửa. Lúc bấy giờ, một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách nên lật túi áo của mình ra may ra mới có thể tìm thấy nó chăng. Lần lượt tất cả mọi người đều kéo tất cả những gì có trong túi áo của mình ra. Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận công việc này. Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc đây là người đã đánh cắp cái bật lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông lại rách rưới. Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khóat không mở túi áo ra cho mọi người xem.

    Vài tuần lễ sau, ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái bật lửa trong túi áo của ông. Cảm thấy xấu hổ vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng chiến đấu bên cạnh mình, ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.

    Nhà của viên cựu sĩ quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn. Sau khi đã xin lỗi, ông quận công đã hỏi viên sĩ quan: "Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở túi ra cho mọi người xem?".

    Anh ta mới giải thích như sau: "Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã thất nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con tôi".

    Sau khi hiểu được hoàn cảnh đáng thương của một người đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng đáng.

    Câu chuyện đáng thương tâm trên đây có lẽ cũng diễn ra trong cuộc sống chúng ta dưới nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Nhưng tựu trung, có lẽ mẫu số chung của câu chuyện ấy thường giống nhau: đó là chúng dễ nhìn và đoán xét người theo bề ngoài. Lại nữa, một xã hội có quá nhiều lừa gạt đảo điên cũng khiến cho chúng ta có thái độ e dè, nghi kỵ đối với những người thân thuộc.

    Là tín hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm cung cách cư xử của Chúa Giêsu. Ngài không nhìn người bằng nhãn hiệu có sẵn. Ngài không đến với người bằng những định kiến. Bên kia bộ quần áo sang trọng hay rách rưới, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy hình ảnh cao quý của chính Thiên Chúa. Ngài dành yêu thương cho những người nghèo khổ, phường thu thuế, bọn gái điếm, những kẻ tội lỗi, những con người  bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chỉ có một cái nhìn duy nhất về con người: đó là cái nhìn của cảm thông, của tha thứ, của yêu thương.
    
    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Tin thương lái Trung Quốc thì quả là u mê!

(Dân trí) - Thương lái Trung Quốc đã làm bao nhiêu trò gian dối trên đất nước Việt Nam, đến nay ai còn tin lời ngon ngọt của họ thì quả là u mê.
 >> Chính quyền làm gì khi thương lái thu gom nông sản lạ?
 >> Cảnh giác với chiêu thu mua nông sản lạ của thương lái Trung Quốc

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam bày lắm chiêu nhiều trò lừa đảo, dân mình vì hám lợi, sập không biết bao nhiêu bẫy vẫn chưa tỉnh.
Gần đây, họ lại thông qua các đầu mối người Việt Nam, thu gom nông sản kiểu rất lạ. Đúng theo kiểu “nước lạ”, đi “tàu lạ” và buôn bán cũng “lạ”. Đó là, thương lái Trung Quốc thu mua hoa thanh long, cam non, lá mảng cầu... Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nghĩ đau đầu không biết họ thu mua nông sản còn non để làm gì, nhưng bán có tiền thì tội gì không bán.
Theo tính toán của nông dân, những thứ hoa lá cắt tỉa bớt, hay quả rụng phải bỏ đi, nhưng có người mua thì quá tốt. Nhưng cũng có lời khuyến cáo, đã có quá nhiều vụ, thương lái Trung Quốc bày trò, dân mình thấy lợi là ham, cho đến khi vỡ lẽ ra thì đã quá muộn.
Mới đây, thương lái Trung Quốc thu mua hồ tiêu với giá hấp dẫn, khoảng 175.000 đồng/kg, nông dân gom hồ tiêu bán cho họ. Sau đó, họ tiếp tục mua với giá 185.000 đồng/kg, rồi bỏ tiền đặt cọc. Nhiều người không còn hồ tiêu để bán, nên đi thu mua lại từ nhiều nguồn để có đủ hàng giao. Đến khi gom đủ thì không thấy thương lái Trung Quốc đến lấy. Họ đã mua hồ tiêu của nông dân, rồi làm giá cao hơn trên thị trường. Nông dân hám lợi đi thu gom hàng, nhưng mua đúng lại số hồ tiêu của mình đã bán cho thương lái Trung Quốc, nhưng trả với giá cao hơn giá đã bán. Thương lái Trung Quốc hưởng chênh lệch và biến mất. Hóa ra, đây là trò làm giá cũ rích, nhưng nông dân vẫn dính bẫy.
Các trò lừa đảo để kiếm tiền còn chưa nguy hiểm bằng lũng đoạn thị trường và phá hoại kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Người dân ĐBSCL và nhiều tỉnh khác còn chưa quên được những đòn đau như phong trào nuôi trăn, nuôi cá sấu, nuôi ốc bươu vàng và thu gom tiểu hổ (mèo). Nhiều hộ nông dân bán được vài lô hàng đầu tiên có lời, về sau điêu đứng chỉ còn cách thả trăn vào rừng. Còn nạn ốc bưu vàng, nạn chuột hoành hành phá hoại mùa màng đến nay vẫn còn hậu quả.
Trở lại trò mua hoa thanh long và trái cây non mới đây, ban đầu nông dân còn cảnh giác, chỉ lựa trái rụng, hoa rụng để bán. Nhưng biết đâu, vì thấy lợi trước mắt, sẽ bán thêm hoa chưa rụng, trái non còn trên cây. Khi này một ít, khi khác một ít, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch về sau.
Chưa kể, một ngày đẹp trời, thương lái Trung Quốc tung chiêu mua các loại nông sản non này với giá cao, nông dân không cưỡng lại được lòng tham, sẽ nhắm mắt bán bừa. Hậu quả thì không cần phải nói thêm.
Thương lái Trung Quốc đã làm bao nhiêu trò gian dối trên đất nước Việt Nam, đến nay ai còn tin lời ngon ngọt của họ thì quả là u mê.
Lê Chân Nhân
(trích báo Dân Trí)

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì


    Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: "Gia đình tôi đang chết đói".

    Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la". Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho người đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: "Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão.

    Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.

    Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy ngẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô.

    Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân. Chúa Giêsu đã không nói: ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.

    Vậy thì đâu là tội của người phú hộ? Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông để cho chúng ta thấy sự đang tâm làm ngơ của người giàu có... Máu chảy, ruột mềm. Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không biểu lộ một chút xúc động hoặc làm như không nhìn thấy, thì quả thật không gì đáng trách bằng, bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình khô cứng.

    Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì.

    
    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Thiếu lòng tự trọng

“Tôi chấm lại một số bài thi phúc tra, lẽ ra không nên cho đi thi vì nhiều bài viết nguệch ngoạc, tự trọng rất kém. Đó toàn là cấp vụ trưởng, giám đốc sở, thực sự rất đáng báo động về năng lực” - đó là phát biểu của ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 38 khai mạc sáng 11.5.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đáng lo ngại hơn, ông Quyền cho biết, khi đến phần thi vấn đáp cũng rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không hiểu rõ về nội dung quản lý nhà nước, còn lơ mơ làng màng.
Giám đốc sở, vụ trưởng mà “lơ mơ làng màng” về nội dung quản lý nhà nước thì chất lượng của bộ máy quản lý thấp là điều không có gì khó hiểu. Những gì đang diễn ra trên thực tế là minh chứng sinh động cho những điều mà ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Bởi vì năng lực cán bộ kém nên mới xuất hiện “nền kinh tế từ thiện”, nông dân bán nông sản dựa vào tinh thần hiệp sĩ của các “Lục Vân Tiên” thời hiện đại.
Bởi vì “lơ mơ làng màng” về quản lý cho nên cần cẩu mới từ trên trời rơi xuống làm chết thảm thương ba mẹ con ở Đồng Tháp, và mới đây là thanh dầm sắt nặng cả tấn rơi xuống đường giữa thủ đô Hà Nội. Và, mới toanh, cần cẩu thi công tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đổ sập xuống nhà dân.
Có điều, những cán bộ “tự trọng rất kém” mà ông Nguyễn Đình Quyền chứng kiến ở các kỳ thi đều là những người được cơ cấu, sàng lọc qua các bước rất đúng quy trình. Họ là những người “ưu tú”, “tinh hoa” của các địa phương, ngành. Đau đớn thay, họ làm bài thi lại viết chữ nguệch ngoạc. Viết chữ mà còn không xong, còn chưa đúng thì làm được gì nên thân.
Tưởng cũng cần nhắc lại một điều đã cũ, Việt Nam giàu tài nguyên, rừng vàng biển bạc, giàu hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Nhưng Việt Nam ngày càng nghèo hơn các nước vì trong đó có yếu tố con người. Hay nói đúng hơn, sử dụng con người kém năng lực.
Trong khi chưa nghĩ ra kế sách nào hay hơn để chọn lựa được nhân tài lo việc nước, thì ít nhất cũng bỏ đi cách tuyển dụng cơ cấu thì thầm trong những căn phòng kín, mà thi thố tài năng bằng các cuộc thi sòng phẳng, minh bạch, dân chủ.
Ngày 9.5 vừa qua, Bộ GTVT tổ chức kỳ thi tuyển chức danh Cục trưởng Cục Đường sắt. Chưa biết người xuất sắc nhất cuộc thi có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đổi mới ngành đường sắt hay không, nhưng chắc chắn trình độ, năng lực của ông cục trưởng được tuyển chọn công khai qua kỳ thi sẽ cao hơn tuyển chọn qua các con đường mù mờ khác.
Lê Thanh Phong
(trích báo Dân trí)

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Hương vị của khói

  
    Ðể đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:

    Tai một khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến đây để thưởng thức những của ngon vật lạ, còn những người nghèo thì chỉ mong ăn được chút cơm thừa canh cặn hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp...

    Một hôm, có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì. Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo: thay vì chầu chực hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh vừa nhai bánh mì vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp, anh nhai ngấu nghiến ổ bánh mì mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên bàn thượng khách.

    Nhưng không may cho anh, vì hôm đó người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm ăn cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy. Thế là ông sai những người hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà và yêu cầu trả tiền. Ông lý luận với người ăn xin như sau: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, yêu cầu nhà ngươi trả tiền cho ta".

    Người ăn xin không chịu trả tiền. Nội vụ đã được đem ra trước tòa án. Quan đầu tỉnh phải nhức đầu vì vụ án này. Ông cho triệu tất các bực thức giả trong toàn tỉnh để giúp ông giải quyết vụ án. Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý cả: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là chủ hữu của ông chủ cửa hàng. Những người khác thì cho rằng khói cũng như không khí là của mọi người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng mà không phải trả đồng xu nào.

    Sau khi đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau: "Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy".

    Người kể câu chuyện ngụ ngôn trên đây có lẽ muốn nói với chúng ta rằng sự ích kỷ không mang lại cho chúng ta một lợi lộc nào.

    Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất trung lập. Nghĩa là khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình, không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một phần trong tôi. Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm được thêm vào tương quan giữa người với người hoặc như một thứ tô điểm phụ thuộc cho nhân cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi. Tôi càng nên người hơn khi tôi sống cho tha nhân. Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao ban...

    Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi đích thực của con người: đó là sống trọn vẹn cho tha nhân. "Này là Người, này là con người với đầy đủ tính người". Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên bố của Philato khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu với tấm thân không còn hình tượng của con người nữa và nói: "Này là người...". Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người khi con người tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người khác...

    Ðó là định luật của Tình Yêu mà Chúa Giê su đã mạc khải cho chúng ta: Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất. Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại.


    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Phần mềm giúp kiểm tra lỗi chính tả khi soạn thảo văn bản Tiếng Việt

Dân trí Bạn lo ngại sẽ gặp phải các lỗi chính tả khi soạn thảo văn bản bằng tiếng Việt, nhưng không muốn mất quá nhiều thời gian để kiểm tra lại lỗi chính tả trong văn bản? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách thức để tự động kiểm tra lỗi chính tả bằng phần mềm.

"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, với sự phức tạp của tiếng Việt, không phần mềm nào có thể phát hiện ra tất cả các lỗi chính tả có trong văn bản.

Do vậy, điều quan trọng vẫn ở yếu tố con người và bạn chỉ nên sử dụng phần mềm như một công cụ phụ trợ để phát hiện các lỗi chính tả có thể gặp phải.

OpenOffice 
là gói phần mềm văn phòng miễn phí, cung cấp các công cụ tương tự gói ứng dụng văn phòng Office của Microsoft, bao gồm công cụ soạn thảo văn bản (tương đương Word), bảng tính (tương tự Excel), phần mềm trình diễn slideshow (tương tự PowerPoint)...

Một ưu điểm của OpenOffice đó là có phiên bản dành cho Windows lẫn OS X, đặc biệt phần mềm còn cho phép người dùng kiểm tra lỗi chính tả trên các đoạn văn bản. Người dùng có thể sử dụng OpenOffice như một công cụ phụ trợ để phát hiện nhanh các lỗi chính tả gặp phải trên đoạn văn bản của mình.

Hướng dẫn cài đặt phần mềm

- Đầu tiên, download phần mềm OpenOffice miễn phí tại đây (Bao gồm phiên bản dành cho cả Windows lẫn OS X)

- Tiến hành cài đặt phần mềm từ file download được. Sau đó download bộ ngôn ngữ tiếng Việt của OpenOffice miễn phí tại đây.

Đây là gói ngôn ngữ dành cho phiên bản OpenOffice trên Windows. Bạn tiến hành cài đặt gói ngôn ngữ tiếng Việt này như một phần mềm bình thường.

Lưu ý: bạn đừng kích hoạt phần mềm OpenOffice trước khi cài đặt gói ngôn ngữ tiếng Việt. Ngoài ra bạn cũng có thể bỏ qua bước này nếu muốn dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ mặc định cho OpenOffice.

- Sau khi hoàn tất cài đặt cả 2 phần mềm kể trên, kích hoạt OpenOffice để sử dụng. Trong lần đầu tiên sử dụng, một hộp thoại hiện ra để người dùng thiết lập thông tin về người sử dụng, nhấn Next tại hộp thoại đầu tiên, rồi điền tên (First Name), họ (Last Name)  vào hộp thoại sau đó và nhấn nút “Finish” để hoàn tất.

Mẹo hay giúp kiểm tra lỗi chính tả khi soạn thảo văn bản tiếng Việt
- OpenOffice là công cụ văn phòng tập hợp đầy đủ các chức năng, gồm công cụ soạn thảo văn bản (tương tự Office Word), chức năng bảng tính (tương tự Excel), chức năng trình diễn (tương tự PowerPoint)... Tại hộp thoại hiện ra đầu tiên, bạn chọn “Text Document” để sử dụng chức năng soạn thảo văn bản của OpenOffice.

Mẹo hay giúp kiểm tra lỗi chính tả khi soạn thảo văn bản tiếng Việt
- Để chuyển đổi từ ngôn ngữ tiếng Anh (mặc định) sang tiếng Việt để tiện sử dụng, từ menu của phần mềm, chọn Tools -> Options. Tại hộp thoại Options hiện ra sau đó, tìm đến mục Languages Settings -> Languages, rồi chọn “Vietnamese” ở mục User Interface ở bên phải.

Mẹo hay giúp kiểm tra lỗi chính tả khi soạn thảo văn bản tiếng Việt
- Khởi động lại phần mềm OpenOffice, bây giờ giao diện của phần mềm sẽ được chuyển sang tiếng Việt, giúp sử dụng thuận tiện và dễ dàng hơn.

- Tiếp theo, download bộ từ điển ngôn ngữ tiếng Việt tại đây, đây là một extension để mang chức năng kiểm tra chính tả cho OpenOffice. Giải nén file download được, bạn sẽ có file “vi_spellchecker_ooo3.oxt”.

Đây là extension được phát triển bởi 2 tác giả Ivan Garcia và Minh Nguyễn, được xây dựng dựa trên danh sách Từ điển Tiếng Việt của tác giả Hồ Ngọc Đức.

- Từ menu của phần mềm OpenOffice, chọn Công cụ -> Bộ quản lý phần mở rộng. Nhấn “Thêm” tại hộp thoại “ “Bộ Quản lý phần mở rộng” hiện ra rồi tìm và chọn file .oxt có được ở trên. Lần lượt nhấn nút “Cuộn xuống” rồi nút “Chấp nhận” ở hộp thoại hiện ra sau đó.

Mẹo hay giúp kiểm tra lỗi chính tả khi soạn thảo văn bản tiếng Việt
- Như vậy bạn đã thêm chức năng kiểm tra chính tả cho OpenOffice. Nhấn nút “Đóng” tại hộp thoại “Bộ quản lý phần mở rộng” để kết thúc quá trình thiết lập.

Hướng dẫn kiểm tra chính tả trên OpenOffice
Hướng dẫn kiểm tra chính tả trên OpenOffice

Để kiểm tra chính tả đoạn văn bản trên OpenOffice, bạn nhấn nút Ctrl + A để bôi đen toàn bộ văn bản cần kiểm tra. Sau đó, từ menu của phần mềm, chọn Công cụ -> Ngôn ngữ -> Cho vùng chọn -> Việt.

Khi đó, những từ bị sai chính tả sẽ có gạch dưới màu đỏ. 
Khi đó, những từ bị sai chính tả sẽ có gạch dưới màu đỏ. 

Lưu ý: những từ riêng, tên riêng tiếng Anh cũng bị nhận dạng là sai chính tả. Chúng ta có thể bỏ qua những lỗi này.

Một vài lỗi chính tả do OpenOffice chỉ ra.
Một vài lỗi chính tả do OpenOffice chỉ ra.

Ngoài ra, để kiểm tra lỗi chính tả bằng OpenOffice, bạn có thể nhấn vào biểu tượng kiểm tra lỗi chính từ menu của phần mềm (hoặc nhấn phím F7 trên bàn phím), phần mềm sẽ tự động kiểm tra lỗi chính tả và xác định những lỗi gặp phải (bôi đỏ lần lượt từng câu trong đoạn văn bản).


Nút kiểm tra lỗi chính tả trên menu của phần mềm
Nút kiểm tra lỗi chính tả trên menu của phần mềm

Nếu phát hiện lỗi sai, bạn có thể sửa trực tiếp trong khung kiểm tra chính tả. Nếu không phải là lỗi sai (tên riêng tiếng Anh), nhấn nút “Bỏ qua một lần” để phần mềm tiếp tục kiểm tra lỗi trong đoạn văn, cho đến khi hết cả văn bản.

Nút kiểm tra lỗi chính tả trên menu của phần mềm
Nhìn chung bạn hoàn toàn có thể sử dụng OpenOffice để thay thế gói phần mềm văn phòng Microsoft Office làm công cụ soạn thảo văn bản cho mình, hoặc có thể sử dụng phần mềm này như một công cụ phụ trợ giúp kiểm tra lỗi chính tả, nghĩa là bạn có thể soạn thảo văn bản bằng Word, sau đó sao chép nội dung sang OpenOffice và sử dụng phần mềm này để kiểm tra lỗi chính tả trên văn bản.


Phạm Thế Quang Huy
(trích báo Dân trí)

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Có nên bỏ chữ "Xin"?

Chữ “Xin” có tự bao giờ?

Ngàn năm trước đã thấy từ “Ăn xin”
Thế rồi giấy trắng mực đen
Muốn cho được việc từ “Xin” vung hoài
Buồn thay nhân cách con người.
Thói quen ức hiếp bắt người ta xin.
Người xin cũng chẳng thấy phiền,
Sao mình dễ dãi mất quyền công dân,
Thôi thì dân đỏ, dân đen,
Nhún mình một tí đỡ phiền các quan.
Nào ngờ dung túng quan tham,
Để rồi hệ lụy muôn vàn nỗi đau…
Thơ thẩn năm ba câu cho nhẹ lòng, đỡ bực mình thôi, chứ thực ra đây là một sự chấp nhận của những kẻ hèn trong đó có tôi, không biết bao nhiêu thứ đơn, từ khi biết chữ quốc ngữ đến bây giờ.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Ví như: Đơn xin cấp giấy Khai sinh, giấy Giá thú, giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, giấy chứng tử, cho đến các giấy cấp phép thành lập công ty, giấy vay tiền ngân hàng có thế chấp…Đều trong nguyên tắc quy định chứ có phải bổng lộc cá nhân ai tự cho mà cứ phải dung chữ “Xin”.
Một tập tục xa xưa cứ nghĩ đơn giản chữ “Xin” chỉ là ứng xử lịch thiệp tối thiểu, để việc mình cần được giải quyết nhanh chóng.
Nào ngờ!Vô hình trung tạo thành thói hư quan cách cửa quyền cho mấy công chức không to, lại cứ nghĩ mình to, nhiều khi chỉ là thực thi công vụ hành chính, chứ có cho ai được cái mà cũng tinh vi? Ngoài việc phải có chữ “Xin” đôi khi còn kèm theo tí vật chất lót tay mới xong.
Năm ngoái con tôi đến ủy ban nhân dân phường để lấy dấu chữ ký vào giấy khai sinh cho cháu bé, cháu nó có bố, có mẹ đàng hoàng, chào đời bằng ba tiếng khóc hẳn hoi, chứng minh nó hiện hữu là một công dân nhỏ bé của đất nước này. Mà kể cả nếu có là con rơi, con vãi (nói theo lối dân dã) cháu nó có tội gì mà các cô, các chú đại diện chính quyền không xác nhận ngày cháu ra đời, chưa biết chừng lớn lên nó trở thành vĩ nhân, có tiếng tăm hoặc có quyền lực mới xác nhận hay sao?
Tại sao cứ phải làm đơn đề rằng: “Đơn xin cấp giấy Khai sinh”, chữ “Xin” có cần thiết không? Đúng là bố mẹ cháu phải khai thay vì nó chưa biết chữ, vả lại bố mẹ cháu cần lo tương lai con mình phải có khai sinh để sau này làm thủ tục đi học, vào đời, tìm việc làm, xuất ngoại…
Nhưng chính quyền địa phương với vai trò quản lý nhân khẩu, có quyền “Phớt lờ” sự có mặt của cháu trên đời này không? Nói thẳng là không, rõ ràng quan hệ bình đẳng hai bên đều có trách nhiệm thực thi.
Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, đơn từ nào cũng phải có chữ “Xin” đằng sau chữ “Đơn”. Phải chăng chữ “Xin” quá bị lạm dụng.
Nền Độc lập cách đây 70 năm, với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quốc gia ấy đã có bộ luật với những điều luật quy định chặt chẽ và đến nay vẫn tiếp tục sửa đổi để chặt chẽ, hoàn chỉnh và khoa học hơn, phù hợp với thiết chế dân chủ thực sự, để dân dựa vào đó thực thi và biết được quyền lợi, nghĩa vụ của mình đến đâu, như thế nào?
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Nên chăng, không việc gì phải xin hoặc chạy chọt vượt ra ngoài quy định của luật pháp, đã là quy định mang tính nguyên tắc hai bên cùng thực thi. Người có đơn chỉ Đề nghị thay vì dùng chữ “Xin”, cùng với người đại diện cơ quan cấp, duyệt đơn đề nghị là hai chủ thể đối tác bình đẳng, như thế mới tạo nên môi trường trong sạch trong quan hệ dân sự chính quyền với nhân dân, chứ không phải quan hệ Xin và Cho, của hai tầng lớp người không bình đẳng.
Lẽ ra chữ “Xin” trong các đơn từ phải được loại bỏ từ lâu, cách ứng xử một bên cầu khẩn, một bên bố thí, cung cách quan hệ lạc hậu, thực dân phong kiến, đẻ ra kẻ hèn yếu nhún mình dẫn đến tiêu cực làm ô nhiễm môi trường văn hóa xã hội. Nếu ta dùng chữ “Đề nghị”, nghe bình đẳng hơn, đồng thời toát lên mong muốn cần thiết và tôn trọng lẫn nhau-Một nền tảng Văn hóa Công sở cần duy trì và phát huy.
Nếu ta dùng chữ “Đề nghị” trước chữ “Đơn, dài hơn chữ “Xin” có một từ thôi, nhưng nó nâng chủ thể xã hội là Nhân dân lên đúng tầm vị thế của một xã hội Dân chủ, Công bằng và Văn minh.
Bỏ chữ “Xin” là từ bỏ thói quen thâm căn cố đế không phải chuyện dễ, nhưng bỏ được là đoạn tuyệt một chế độ mà ở đó người nghèo càng nghèo hèn và nô lệ, người khá giả tham lam càng dễ bề thao túng quyền được “Cho” như ban phát ơn huệ, khác gì quay về 70 năm trước, ngày cả dân tộc đứng lên giành lại kiếp người.
Giờ đây những từ “Rắc thính” “Bôi trơn” “Lót tay” “Đấm miệng” là hành vi xin xỏ này nọ được trôi chảy, đang tạo cơ hội cho một số không ít người “Đục nước béo cò” ăn hối lộ ngày càng tinh vi.
Nếu bỏ chữ “Xin” sau chữ “Đơn”chắc chắn sẽ góp ích rất nhiều cho cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng đang gây thất thoát công quỹ, tài sản của nhân dân nhiều vô kể. Chia sẻ với tư cách một công dân, mong mọi người quan tâm hưởng ứng.
NSƯT Đức Trung
(trích báo Dân trí)

Mỗi tuần một chia sẻ: Chữ Thập Ðỏ



    Buổi sáng ngày 24/6/1859, Henri Dunant, một thương gia trẻ tuổi người thụy Sĩ, thức giấc với nhiều bận tâm. Từ mấy ngày nay, anh đang trọ tại một lữ quán nghèo thuộc miền Castiglione delle Stiviere bên Italia. Anh đến italia với một công tác rất táo bạo, đó là gặp cho kỳ được Hoàng Ðế Napoleon đệ tam của nước Pháp để xin cấp cho anh giấy phép được thiết lập một số nhà máy xay lúa tại Algerie, lúc bấy giờ đang là thuộc địa nước Pháp...

    Từ trong quán trọ nhìn ra, anh thấy từng đoàn binh sĩ Pháp di chuyển về cánh đồng Solferino... Và những gì phải xảy ra đã xảy ra... 300 ngàn con người từ hai phía đã giáp chiến. Tiếng súng nổ, tiếng người la hét giãy giụa. Khi màn đêm xuống, tiếng súng thưa dần, người ta chỉ còn nghe thấy tiêng rên la của các thương binh từ hai phía... Giờ phút này Henri Dunant không còn nghĩ gì đến dự án thiết lập các nhà máy xay lúa tại Algerie nữa. Thay vào đó, nỗi oán ghét chiến tranh và sự cảm thông với các thương binh mỗi lúc một xâm chiếm tâm hồn anh, nhất là khi người ta bắt đầu di chuyển các thương binh vào các làng mạc...

    Một người lính Pháp vừa lê lết vừa xin nước uống. Nguyên một bàn chân đãbị cắt đi khỏi thân thể. Dunant dìu anh vào quán trọ. Cùng với các y sĩ của các phe đang tham chiến, Henri Dunant đã động viên tất cả dân làng để mang thực phẩm và thuốc men đến cho các thương binh, bất kể họ thuộc bên nào.

    Trong những ngày ấy, thay cho dự án kinh doanh, Henri Dunant đã dành thời giờ để viết lại hồi ký về trận Solferino. Anh mô tả lại tất cả những gì anh đã chứng kiến và kêu gọi tất cả những người thiện chí trên thế giới hãy giúp anh để chấm dứt thảm cảnh ấy. Không mấy chốc, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được gửi đến các Chính Phủ trên thế giới. Ngay tức khắc, một tổ chức nhân đạo tại Génève đã thỏa thuận trợ giúp cho công tác của Dunant. Anh đi khắp các thủ đô Âu Châu để thuyết phục các nhà cầm quyền ký vào một quy ước nhìn nhận quyền bất khả xâm phạm của các thương binh, các y tá và tất cả những ai phục vụ trong ngành quân y...

    Ngày 26/10/1963, đại diện của 16 nước đã gặp nhau tại Génève. Tổ chức do Henri Dunant khai sinh được chính thức chào đời ngày hôm đó. Người ta gọi tổ chức này là Hội Chữ Thập Ðỏ, do biểu tượng của một chữ thập đỏ in trên nền trắng... Dấu hiệu này đã được treo trên các lều, các nhà cửa thuộc về phong trào này... Ðó là món quà lớn nhất mà Henri Dunant đã tặng cho nhân loại.

    Trong tập hồi ký trận Solferino, Henri Dunant đã ghi lại như sau: Có nhiều binh sĩ Áo dưới quyền chỉ huy của Hoàng Ðế Prancois Joseph bị bắt làm tù binh. Henri Dunant đã săn sóc họ tận tình. Thấy thế, một bà cụ già trong làng đã phản đối vì cho rằng người Áo là kẻ thù. Henri Dunant đã nói với bà cụ già như sau: "Trong sự đau khổ, không còn khác biệt giữa bạn và thù nữa.. Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau".

    Nhìn mọi người như anh em của mình, một cái nhìn như thế hẳn phải xuất phát từ một niềm tin rất sâu sắc...

    Năm 1901, lần đầu tiên, giải thưởng Nobel hòa bình đã được trao tặng và người được danh dự ấy chính là vị sáng lập ra Hội Chữ Thập Ðỏ. Mười năm sau, con người đã trao tặng cho thế giới một món quà cao quý như thế đãqua đời trong một bệnh viện dành cho những người hành khất nghèo nàn bên Thụy Sĩ. Gia tài của ông đẻ lại là vài cuốn sách, năm ba lá thư và một di chúc thiêng liêng như sau: "Hoặc tôi là một môn đệ của Ðức Kitô giống như các tín hữu của những thế kỷ đầu hoặc tôi không là gì hết".

    Ðặc biệt của các tín hữu sơ khai và cũng là lý tưởng của Henri Dunant chính là lòng mến, lòng mến đã biến họ nhận ra mọi người như là anh em, con cùng một Cha trên Trời... Mỗi người Kitô chúng ta cũng có thể lập lại lời di chúc của vị sáng lập Hội Chữ Thập Ðỏ: "Hoặc tôi tôn trọng và yêu thương tha nhân hoặc tôi không là gì hết".


    Trích sách Lẽ Sống