Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Mùa xuân lặng im trong đôi guốc

Tác giả: 
 Lm Nguyễn Tầm Thường
Con cái đã quên, không còn ai nhớ đến đôi guốc mộc. Sau đám tang của mẹ, mấy người con gom quần áo của bà đốt hết. Riêng đôi guốc gỗ nằm nơi xó tường nên chả người con nào để ý. Mấy tháng, kể từ ngày bà nằm trên giường bệnh, đôi guốc lúc bị đá vào xó tường này, lúc bị đẩy sang góc tối kia, đến độ người nhà không còn để ý nó là đôi guốc của ai.

Từ ngày theo người mẹ đó về nhà, đôi guốc giã từ những tháng ngày thong thả, mơ mộng trên quầy hàng.

* * *

Thủa xưa, khách vào ra, ngắm nghía, nâng niu, chủ hàng chẳng bao giờ để đôi guốc bám bụi. Ðôi guốc chả phải làm gì, sống như thế thật nhàn hạ. Nhưng nếu nghĩ cho cùng, cũng không thiếu nhàm chán, chả có gì mới mẻ trong cuộc sống cả. Ðôi lúc, đôi guốc nghe như có hai tiếng nói thì thầm trong hồn nó. Một là bảo nó cứ nằm yên ở đây cho nhàn hạ, hai là bảo nó hãy bỏ đây xuống đời tìm cho cuộc sống một ý nghĩa.

- Chả nhẽ cứ tiếp tục là đôi guốc nằm trên quầy hàng như thế này mãi sao?


Nó không phải là đồ trang sức, không phải là bức tranh cho người ta ngắm. Có nhàn hạ, nhưng nằm mãi ở đây thế này nó bắt đầu thấy chán, càng ngày càng thấm thía những suy nghĩ về một cõi sống trên những nẻo đường của cuộc đời. Nhưng mỗi khi nhìn đôi guốc dưới chân các bà mẹ, nó lại nghe tiếng nói khác thì thầm: “Vất vả quá!” Có đôi guốc sứt mẻ. Có đôi guốc mòn xác xơ. Ðiều đó làm nó nghĩ ngợi.


Ðời là một chọn lựa. Cứ tiếp tục suốt đời giam mình ở đây hay bước xuống đường để ra đi đây đó? Sau cùng nó quyết định ra đi.

Một trưa xế nắng kia, có người thiếu phụ vào tìm mua đôi guốc. Chủ hàng đem nó ra giới thiệu. Nhìn dáng người thiếu phụ, đôi guốc biết người đàn bà ấy thật thà, nhưng thấy dáng bà có vẻ nghèo. Những người nghèo thường vất vả. Bước chân của người nghèo là bước chân khổ. Làm thân guốc cho một người nghèo vất vả lắm. Thật thà mà nghèo chắc cũng chả hạnh phúc. Cuộc sống bây giờ chẳng ai quý người nghèo. Càng suy nghĩ, đôi guốc càng lưỡng lự, cứ sợ người đàn bà ấy chọn mua mình.

Nó phân vân không biết có nên theo chân bà ta hay không. Ðời luôn là phải chọn lựa như thế. Vất vả, nghèo mà thật thà, đặc tính của người muốn mua nó có vậy thôi. Ðôi guốc nghĩ thầm: “Ðến lúc muốn ra đi, lại gặp phải người đàn bà nghèo thế này. Hay ta chờ một người đàn bà khác giàu có. Theo chân người giàu sẽ sung sướng hơn?”

Trong lúc nó phân vân, người đàn bà cầm đôi guốc ngắm nghía, cho xuống chân ướm thử. Một làn hương thơm huyền nhiệm toát ra từ đôi chân bụi đường. Ðôi guốc vô cùng kinh ngạc, làm sao điều ấy có thể xảy ra được. Nó đã được nhiều đôi chân đẹp ướm thử mà chưa bao giờ có hiện tượng lạ lùng như thế. Phải là đôi chân dịu dàng mới toát ra vị thanh tao được chứ. Ðôi chân trần của người đàn bà nhà quê mốc thếch. Làm sao đôi chân lấm lem lại có thể toát ra một hương nhân đức kỳ bí được. Nó không ngờ. Ðiều huyền diệu ấy, tiếng lương tâm đôi guốc bảo cho nó biết rõ là đến từ lòng thật thà, bao dung, vất vả hy sinh của người mẹ kia. Bấy giờ, nó hối hận vì quá vội nghi ngờ đánh giá khi nhìn sự nghèo khó bên ngoài. Lòng hối hận ấy làm nó bừng lên một ước ao mãnh liệt là được theo chân bà. Linh tính cho nó biết nơi dấu chân người mẹ này có một thế giới huyền diệu. Nhưng người mẹ băn khoăn đặt nó vào kệ gỗ vì bà không đủ tiền.

Ðôi guốc gỗ mím môi tiếc xót vì từng bị thử dưới bao đôi chân, chưa thấy bước chân nào kỳ lạ như bước chân của người mẹ này. Giữa lúc nó muốn theo chân người đàn bà để khám phá thế giới linh thiêng kỳ bí đó, bà lại không đủ tiền mua nó. Bà tần ngần đặt đôi guốc lại kệ gỗ.

Người chủ hàng chỉ bán rẻ những đôi guốc bị nứt thôi. Ðôi guốc nghĩ thầm: “Hay là ta đánh đổi đời mình thành đôi guốc nứt?” Nếy vậy, còn gì dáng vẻ, vì cả một đời sẽ mang dấu vết nứt đó. Ðôi guốc suy nghĩ quay quắt về một chuyến đi trong đời.

Người đàn bà lại cầm nó trên tay, tiếc vì không đủ tiền. Ðôi guốc giật mình nghĩ rằng đời không có nhiều cơ hội. Nếu bà không đủ tiền mua nó, bao giờ bà sẽ quay lại? Có thể sẽ không bao giờ. Nếu bà đặt nó trở lại quày hàng, biết đâu nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại bà? Nó lấy hết can đảm theo tiếng gọi thâm sâu của linh hồn, chấp nhận một thương đau cho khởi đầu một chân trời kỳ bí kia đang chờ đón. Nó quyết định chấp nhận đời mình thành đôi guốc nứt. Tức khắc, ngay khi quết định xong, nó nghe như trong linh thiêng có một trận chiến vô hình. Tiếng nói của Bóng Tối gục xuống. Tiếng nói của Ánh Sáng bừng lên. Cũng trong lúc ấy, như chiều cao thập giá đổ xuống, một vết thương xước ra, chạy dài toàn thân. Nó ngất lịm. Thế là nó thành một đôi guốc nứt.

Người đàn bà giơ lên nhìn kỹ. Bà ồ lên một tiếng thở nhẹ, vui mừng vì một khám phá:

- Ông chủ tiệm ơi, nhìn kỹ đi, đôi guốc có vết nứt đây này.


Người chủ tiệm tiếc rẻ. Ngần ngừ, ông đành bán tống nó đi.


Lúc tỉnh dậy, đôi guốc đã về đến nhà người đàn bà. Bà xoa xoa vết nứt, tìm mũi đinh đóng lại. Một lần nữa, nó đau buốt thân mình. Nhưng trong mỗi nhát búa, nó thấy mùa xuân đang về trên những nhánh gai. Nó bắt đầu cảm thấy ý nghĩa của nước mắt và hạnh phúc. “Tôi sẽ theo chân bà ta đi đâu bây giờ?” Trời đang vào hạ hanh nắng hay cúc vàng nhuộm xuân. Nó hồi hộp tự hỏi.


Ngày hôm sau, ngay chuyến đi đầu tiên nó đã mệt rã rời. Trời xuống tối, bà vẫn chưa về đến nhà. Quẩy gánh nặng trên vai. Con đường cứ dài thăm thẳm, toàn thân mình đau ê ẩm. Ðường đất miền quê sỏi đá gồ ghề, ngay chân bà cũng trượt té trầy da huống chi đôi guốc. Nó bị nện xuống gập ghềnh. Như vậy mà đã từ bao lâu nay người mẹ này cứ bước chân không, nghĩ đến nỗi đau, nó thấy xót xa cho bà. Nhìn xuống nỗi đau của mình, nó muốn chia sẻ với bà nỗi đau kia. Lạ lùng quá, khi mới chợt có ý nghĩ ấy, nó thấy toàn thân nóng bừng, và trên nỗi đau nó thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh.

Qua một buổi chiều mà đôi guốc đã khám phá bao nhiêu bí mật đời sống dưới bàn chân một người mẹ:
- Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm có thể bay ngược chiều gió.
- Chịu đựng bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng.
- Gánh nặng vì tình yêu luôn luôn đi đôi với sức mạnh.
- Thật thà là mật ngọt nuôi dưỡng bình an.
- Nhẫn nại là những đường may nối dài tình thương.


Quá mệt, đôi guốc ngủ thiêm thiếp lúc nào không hay. Lúc ướt lạnh, nó co người rùng mình thì người mẹ đã đang ở bờ giếng kéo nước đổ vào nồi cám nấu cho heo. Ðôi guốc bàng hoàng không biết trời đang vào khuya hay đã về sáng. Chung quanh chỉ là đêm tối lần mò. Nó lắng nghe bước chân. Người mẹ hết quanh quẩn trong góc bếp lại ra cầu ao. Khuya thế này rồi sao bà không nghỉ ngơi? Ðôi guốc mệt đừ.
* * *
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Thoát chốc đã đến ngày đôi guốc mòn quá rồi. Bây giờ nó không còn là hình dạng đôi guốc ngày xưa trong cửa hàng nữa. Xấu xí, lem luốc, nứt nẻ. Nhìn lại quãng đời, đôi guốc không thể biết được nó đã bước bao nhiêu đường dài. Nếu mỗi ngày bà mẹ quẩy gánh 10 cây số, thì 365 ngày một năm, đã trên 3 ngàn cây số rồi. Trời ơi! Ðôi guốc không ngờ nó đã đồng hành với bà trên một dặm đường dài hơn cả đất nước của người đàn bà như thế.

Ðôi guốc không hiểu sao nó có sức chịu đựng trung thành theo chân bà. Nó còn nhớ ngày xưa nằm trên quầy tủ cửa hàng, mới chỉ nghĩ đến ra đi đã ngao ngán quá rồi. Vậy đâu là sức mạnh? Gần đến cuối đời, đôi guốc nhìn lại những bến bờ đã đi qua, nó thấy cộng lại những cây số ngàn ấy, không bước chân nào của bà mẹ không có tình thương. Từ sớm tinh mơ đến tan chợ chiều, bà vất vả cũng vì các con mà thôi. Từ đó, đôi guốc khám phá ra khi nó được chia sẻ đời nó trong tình yêu, tình yêu cho nó sức mạnh. Bất cứ nơi nào có tình yêu thì có sức sống. Bất cứ gỗ đá nào chạm vào tình yêu cũng thành trái tim mềm mại thiết tha. Và nó hiểu, nó không đi tìm mùa xuân vì chính nó đang làm nên mùa xuân cho cuộc đời.

* * *
Thưa mẹ, con còn nhớ một đêm kia, khuya quá khuya, mẹ ngồi bên con, nhìn con trong cơn sốt. Làm sao mẹ có đôi đũa thần của bà tiên quyền phép làm cho con hết cơn đau. Mẹ cứ ngồi bên con vậy thôi. Mẹ không an lòng rời xa con. Me đặt tay lên trán con chờ mong từng giây cho con hết bệnh. Muốn uống một ly sữa, con chỉ cần đưa chiếc ly lên miệng uống là xong. Bây giờ nhìn lại, con thấy đêm đó, khi chợt nghe con muốn một ly sữa, mẹ vội thắp thêm đèn, chiếc đèn dầu con tù mù, lệch kệch ra sau vườn kéo gầu nước, nhóm bếp củi mù than đun nước. Mẹ hối hả không ngại ngùng gõ cửa hàng vào những giờ người ta không muốn thức giấc để mua, hòa cho con một ly sữa.
* * *
Sau khi bà mẹ chết, đôi guốc nằm im lặng nơi góc tường tối. Không người con nào để ý. Nó âm thầm một đời theo chân người mẹ, hy sinh, vất vả, chịu đựng. Lúc người mẹ còn sống, đôi guốc đã âm thầm như thế. Bây giờ bà chết rồi, nó vẫn tiếp tục cái âm thầm của bao tháng ngày về trước. Chẳng lẽ bất cứ điều gì liên quan tới mẹ đều lặng lẽ như thế sao?
Tình yêu của những người mẹ dường như bao giờ cũng âm thầm. Xin những người con hãy khuấy động tình yêu âm thầm ấy của mẹ bằng một cánh hoa linh hồn.

Kìa, ngoài kia đất trời đã đang chuyển mình tìm mùa xuân.


Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.
(trích theo thanhlinh.net)

Tản mạn: Dê đen, dê trắng


Trong 12 con Giáp, Dê đứng hàng thứ 8. Tháng Sáu thuộc tháng Mùi. Giờ Mùi từ 13 -15 giờ. Dê là vật nuôi gần gũi và thân thuộc với cuộc sống con người. Dê đực có sừng, dê cái thì không. Nét đặc trưng là cả dê đực và dê cái đều có râu. Dê là dương, tượng trưng của mặt trời, sự thịnh vượng và ánh sáng. Dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, thuần hậu. Dê là một trong những thần vật được người Ai Cập sùng bái. Một số dân tộc còn dùng Dê làm vật tế thần. Theo văn hóa Đông phương, Dê thuộc “tam sinh, lục súc”. Tam sinh là ba thứ lễ vật đặc biệt để cúng tế thần thánh: dê, heo và bò; lục súc là sáu gia súc thông dụng nhất: dê, gà, chó, heo, ngựa và trâu. Theo văn hóa Tây phương, Dê nằm trong 12 cung hoàng đạo với hình tượng Ma Kết. 

Xuân Ất Mùi đang về, tản mạn ngụ ngôn “Dê đen - Dê trắng” và tính cách người tuổi Mùi.

1. Ngụ ngôn Dê đen và Dê trắng

Một gia đình nông dân nọ có nuôi một đàn dê, trong đó có một chú Dê đen. Các con Dê trắng rất kiêu ngạo vì bộ lông trắng phau như tuyết, thường tỏ ra coi thường Dê đen, mô tả dê đen “giống như một kẻ nghèo hèn với chiếc áo bẩn thỉu". Ngay cả ông chủ cũng coi thường Dê đen, ông ta chỉ cho Dê đen ăn những loại cỏ kém chất lượng, thỉnh thoảng còn đánh đập Dê đen vì “tội” tranh ăn với Dê trắng. Dê đen rất đau lòng khi phải sống những ngày tháng cô đơn vì bị mọi người phân biệt đối xử, ghét bỏ và xa lánh. Một ngày đầu Xuân, cả đàn dê cùng ra ngoài ăn cỏ, chúng đi rất xa. Đột nhiên trời đổ một trận mưa tuyết lớn, cả đàn đành nấp vào một bụi cây. Một lúc sau, xung quanh bụi cây đã phủ đầy tuyết trắng. Do tuyết dày nên cả đàn dê không sao ra được, chỉ còn cách ngồi chờ chủ đến cứu. Ông chủ lên núi tìm đàn dê của mình, nhưng vì xung quanh toàn tuyết trắng, nên ông không sao phát hiện ra đàn dê ở đâu. May mắn thay, từ xa ông nhìn thấy có một đốm đen. Khi chạy tới, quả nhiên cả đàn dê đang bị kẹt ở đó, và đốm đen kia chính là Dê đen.Ông chủ ôm lấy Dê đen và thốt lên: “May mà nhờ có mày, nếu không cả đàn đã chết cóng vì tuyết rồi”. Các Dê trắng cũng ôm lấy Dê đen và cảm ơn rối rít. (x. Ephata 640, Bản dịch của Trầm Thiên Thu).


Ngụ ngôn “Dê trắng và Dê đen” gợi nhớ câu chuyện Phúc Âm: hai người lên Đền Thờ cầu nguyện (Lc 18,10-14). Sự tương phản giữa hai thái độ của con người. Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đức ái hơn nguời khác. Người thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát, khinh chê. Hai mẫu người đối lập cùng bước vào Đền thờ và làm cùng một công việc là cầu nguyện. Tại đây, sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét khi tâm tính và thái độ sâu kín được bộc bạch trước nhan Thiên Chúa. Người Biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Chúa vì con không giống các người khác, không tham lam, không bất công, không ngoại tình hay như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng một phần mười thu nhập của con. Người Biệt phái đang báo cáo thành tích. Ông nói điều ông đã làm và những gì ông làm thì không chê vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi, thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy. Thường người ta chỉ ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông ăn chay hai ngày trong tuần. Luật buộc các nông dân nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân tất cả thu nhập của ông. Đây là lời cầu nguyện mà nhiều người Do thái thời ấy mơ ước. Không thấy ông xin gì cho bản thân. Lời cầu nguyện chỉ là lời tạ ơn. Điều đáng tiếc là lời cầu nguyện của ông đầy nét tự hào, tự mãn và khinh bỉ tha nhân: Vì tôi không như bao người khác, tôi không như tên thu thuế kia. Rõ ràng người Biệt phái tốt lành quảng đại nhưng lại tự phụ khoe khoang, khinh người. Đây là biểu tượng cho hạng người hay chúc tụng, tôn thờ bản thân mình. Thật đúng, kiêu căng đứng trước trong danh sách bảy mối tội đầu.

Người thu thuế đến thú tội, anh ý thức mình là tội nhân nên run rẩy xấu hổ, đầu cúi xuống chẳng dám ngước lên. Anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người Pharisiêu (hay như tên thu thuế kia), nên anh thấy khỏi cần cáo tội mình. Anh chỉ còn đặt mình trước nhan Thiên Chúa một cách trung thực và khẩn khoản nài xin: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hoà với anh em. Anh chỉ đứng xa xa vì thấy mình bất xứng. Lời cầu hết lòng khiêm tốn đó có sức an ủi anh ngọt ngào biết bao. Anh cảm thấy đầy niềm tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, vì anh biết rằng: dù tội lỗi như Aaron đúc bò vàng cho toàn dân thờ, dù thủ đoạn như vua Đavít đã cướp vợ giết chồng người khác nhưng họ đã hết lòng ăn năn sám hối và Thiên Chúa đã sẵn lòng tha thứ; dẫu rằng cả toàn dân bỏ Chúa và bị bắt lưu đày Babylon, lại bị thủ tướng Aman ra tay diệt trừ nhưng trong cơn cùng khốn như thế, hoàng hậu Ette cùng toàn dân đã biết ăn năn sám hối tội lỗi, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ; hay tội lỗi như dân ngoại Ninivê, Thiên Chúa còn thương, bắt buộc Ngôn sứ Giona đến rao giảng cho họ biết cải tà qui chính, Thiên Chúa liền tha thứ cho họ khi họ sám hối chân thành. Thấy tất cả những sự kiện lịch sử thống hối đó, người thu thuế càng thêm tin tưởng vào lòng thương xót khoan dung cùa Thiên Chúa, anh càng đấm ngực hết lòng ăn năn.

Đức Giêsu kết luận: Người thu thuế trở nên công chính còn người biệt phái thì không được…. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Người thu thuế ra về và được tha hết mọi tội, tâm hồn thành trắng trong.Người biệt phái ra về tội lỗi vẫn cứ còn đó.Cái tôi nặng quá nên còn phải gánh thêm sức nặng của tội lỗi nữa, thật đáng thương cho đời một người quá tự kiêu tự mãn.

Tội lỗi hay hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn thói kiêu căng. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi nên đã làm mất đi sự công chính, nhưng hành động khiêm tốn biết nhìn nhận mình tội lỗi và hết lòng thống hối nên được công chính trước Thiên Chúa. Khiêm nhường có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính. Trái lại, kiêu ngạo tự mãn có thể biến điều tốt thành điều xấu. Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, là gốc rễ của các nhân đức. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã nói: Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và gái điếm, nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hoả ngục có cả Hồng Y, Giám Mục nhưng không có người khiêm nhường. 

Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút kiêu ngạo cũng quá nhiều. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở tâm hồn ra để đón nhận. Tội lỗi hay công đức đều có thể làm người ta khép lại hay mở ra. Điều quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa.

2. Năm Dê và người tuổi Mùi

Ngụ ngôn “Dê đen và Dê trắng” gợi lên ý tưởng sống đẹp. Trong một nhóm, một hội đoàn, một tổ chức…mỗi người một tài năng, mỗi người một tính cách “bá nhân bá tánh”, ai cũng có sở trường và sở đoản, không ai bất tài vô dụng và cũng chẳng ai toàn diện tài giỏi về mọi lĩnh vực. Vì vậy mình không nên thiển cận, đừng thành kiến và không đánh giá người khác theo hình thức bề ngoài. Cuộc sống luôn luôn cần tình yêu thương trong lối nhìn lối nghĩ về tha nhân. 

Người tuổi Mùi sinh vào năm 1943,1955, 1967, 1979, 1991, 2003. Năm Ất Mùi cầm tinh con Dê là con vật dịu dàng và ôn hòa. Người tuổi Mùi vui vẻ, chân thật, thân thiết, sâu sắc, tốt bụng, dễ động lòng trắc ẩn với nỗi bất hạnh của người khác. Do đó, họ cũng được người khác quan tâm. Cần phát huy hết sở trường, người tuổi Mùi có tâm hồn nghệ sĩ, có năng khiếu thẩm mỹ, có thể trở thành những nghệ nhân có tính sáng tạo cao. Ngược lại, nếu không có những thành công về sự nghiệp, người tuổi Mùi có thể trở thành người bi quan, chán nản, yếm thế, vì họ là dạng người đa sầu đa cảm.Tính cách của người tuổi Mùi là hiền lành, bẽn lẽn, dễ mắc cở, nhưng hòa đồng. Họ hướng nội, sống khép kín, không thích chống đối, không thích đấu tranh, không muốn “đụng chạm”. Tuy nhiên, người tuổi Mùi vẫn gặp may mắn trong sự nghiệp và tài chính.Người tuổi Mùi không thích bị bó buộc, thích cuộc sống phẳng lặng. Thái độ làm việc của người tuổi Mùi có thể khiến người ta khó chịu, nhưng biết sao được vì đó là thuộc tính của họ. Khi gấp, người khác có thể cuống cuồng, nhưng người tuổi Mùi vẫn từ từ, thản nhiên. Với đặc tính ôn hòa, người tuổi Mùi có thể kết bạn với những người mạnh mẽ, biết “khống chế” họ. Họ cần ở những nơi có nội quy nghiêm khắc để phát huy hết sở trường.

Con Dê có những đặc tính tốt như vui tươi, lanh lẹ và dễ nuôi. Cầu chúc mỗi người bước vào năm mới Ất Mùi luôn hân hoan, nhanh nhẹn và dễ dàng sống thích nghi hoà hợp với mọi người.

Xuân đến, ánh thái dương của tiết trời nắng ấm toả xuống chan hoà cho trái đất hồi sinh, cây cỏ xanh tươi, muôn hoa đua nở khoe sắc tỏa hương, lòng người phấn khởi, vui tươi hạnh phúc, ai cũng chúc cho nhau những lời tốt đẹp: sức khỏe, an khang, thành công, may lành. Trên mọi lời chúc, tuyệt vời nhất chính là lời chúc của Đức Giêsu Kitô: “Bình an cho anh em”(Ga 20,19). Gặp nhau, đến thăm nhau những ngày Tết, mỗi người ghi nhớ Lời Chúa: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12).

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
(trích theo Vietcatholic.org)

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Phải chăng sự “tàn bạo” đã không còn giới hạn?!

(Dân trí) - Có 280 triệu đồng hỗ trợ người dân sau một vụ mùa mất trắng mà đang tâm “ăn” tới 250 triệu đồng thì quả là một kỉ lục về sự “ăn không từ một cái gì” của dân một cách “tàn bạo”! Đó là chuyện xảy ra ở xã nghèo Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
 >>   Quan xã ăn chặn cả “gói mì tôm” của người tàn tật
 >>   Chuyện buồn ở xã 135: 250 triệu đồng hỗ trợ cho dân bị cán bộ "om" đã được thu hồi

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Vụ đông xuân năm 2013, do gieo cấy giống lúa BC15, vụ mùa chính này mất trắng do lúa không cho hạt, đẩy đời sống người dân ở đây vào hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí có những gia đình rơi vào thiếu đói cả năm.
Trước những khó khăn trên, Nhà nước chủ trương giúp đỡ người dân bằng cách hỗ trợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những hộ này. Tổng số 151 hộ dân trên địa bàn 8 xóm được nhận số tiền là 280 triệu đồng.
Qua điều tra, xác minh thực tế tại các hộ dân nằm trong danh sách được hỗ trợ, phóng viên Dân trí không khỏi bất ngờ khi hầu hết những hộ dân được hỏi đều trả lời rằng họ chưa nhận bất cứ một đồng tiền hỗ trợ nào.
Một số hộ “may mắn” được cấp tiền nhưng con số thực tế được nhận lại “lệch” quá xa so với bản danh sách có chữ ký của những hộ dân này. Có người chỉ nhận được 300.000 đồng nhưng trong danh sách số tiền lên đến 2.100.000 đồng...
Sau khi báo Dân trí phản ánh, huyện Tân Kỳ thành lập đoàn thanh ra kiểm tra, rà soát và đã thu hồi hơn 250 triệu đồng do chi trả sai nguyên tắc.
Thật ra việc xà xẻo của dân ở cái thời “người ta ăn của dân không từ một cái gì” như lời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan không phải là hiếm. Song điều đáng buồn, “người ta” ở đây có lẽ hầu hết là cán bộ, đảng viên, tức là những người có chức, có quyền. Dù kỉ luật của Đảng rất nghiêm khắc nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Trong bài “Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng: “Bảo bối” cần duy trì lâu dài và thường xuyên” đăng trên báo Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Đức Hà Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, Thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cho biết: “Năm 2012, xử lý kỷ luật 16 nghìn đảng viên; năm 2013, xử lý kỷ luật trên 21 nghìn đảng viên; năm 2014, xử lý kỷ luật trên 17 nghìn đảng viên.

Như vậy qua 3 năm, chúng ta đã xử lý kỷ luật trên 54 nghìn đảng viên và đưa ra khỏi Đảng qua những hình thức xử lý khác đối với hàng nghìn đảng viên khác. Hơn 54 nghìn đảng viên này là có án, có hình thức, còn diện kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm sâu sắc còn lớn hơn”.

Vậy là nếu cộng các hình thức như “kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm”, số cán bộ, đảng viên vi phạm lên đến trên 100 ngàn. Đây là một con số quá lớn đối với một Đảng cầm quyền luôn phấn đấu cho mục đích công bằng, dân chủ và trong sạch.

Tại Hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay" diễn ra ngày 28/1 tại Quảng Ninh, Nhà báo Hữu Thọ viết về những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền, đó là: “Để kinh tế chậm phát triển, trì trệ, đời sống nhân dân không được nâng cao, thậm chí suy giảm; không thực hiện dân chủ và công bằng xã hội trong đánh giá con người và phân phối lợi ích; lợi dụng lợi ích để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để lãng phí công quỹ…”.

Đối với vụ việc ở xã Đồng Văn chính là “lợi dụng lợi ích để tham nhũng”, tức là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền lãnh đạo của Đảng.

Có 280 triệu đồng hỗ trợ người dân sau một vụ mùa mất trắng mà đang tâm “ăn” tới 250 triệu đồng thì quả là một kỉ lục về sự “ăn” của dân một cách “tàn bạo”.

Khi mình viết xong bài này, trên Dân trí lại vừa đăng tải một vụ việc còn “kỉ lục” hơn, đó là cán bộ chính sách ở xã Trịnh Xá (tp Phủ Lý, Hà Nam) nhiều năm nay âm thầm ăn chặn mất 90.000 đồng trong số 270.000 đồng tiền trợ cấp của Nhà nước/tháng dành cho người khuyết tật nặng mà với số tiền đó tính ra chỉ đủ để mua 3 gói mì tôm/ngày.

Hình như sự “tàn bạo” đã không còn giới hạn, phải không các bạn?!

 

 

Bùi Hoàng Tám

(trích báo Dân trí)