Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Đứng núi này trông núi nọ

Ðứng Núi Này Trông Núi Nọ


    
    Một tác giả nọ đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn về con lừa, con rùa và một con ruồi mà tuổi thọ chỉ vỏn vẹn một ngày như sau: Nhận thấy kiếp sống của mình quá vắn või, con ruồi đã than thân trách phận như sau: "Nếu tôi có được nhiều thì giờ hơn, thì có lẽ mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Các bạn cứ nghĩ xem: chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi phải sinh ra, phải lớn lên, phải học hỏi kinh nghiệm, phải vui hưởng cuộc sống, phải đau khổ, phải già rồi cuối cùng phải chết? Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ".

    Con lừa quanh năm ngày tháng chỉ bị đày đọa trong những việc nặng nhọc thì lại than vãn: "Giả như tôi chỉ có 24 tiếng đồng hồ để sinh ra, để sống thì có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn, bởi vì cái gì tôi cũng nếm thử được một chút và cái gì tôi cũng chỉ phải chịu đựng trong một khoảnh khắc".

    Ðến lượt con rùa, nó phát biểu như sau: "Tôi không hiểu được các bạn. Tôi đã sống được 300 năm nhưng tôi vẫn không thấy đủ giờ để kể hết những kinh nghiệm tôi đã trải qua. Khi được 200 tuổi, tôi chỉ ước mơ được chết cho xong. Tôi thương hại chú ruồi, nhưng tôi lại ghen với ông bạn lừa".

    Sau khi đã kể cho nhau nghe kinh nghiệm sống của mình, xem chừng như không thấy ai thỏa mãn kiếp sống của mình. Kẻ thì than phiền sống quá ngắn, kẻ thì ngán ngẩm vì sống quá lâu. Cuối cùng, ba chú mới rủ nhau đến vấn kế con nhện, vì con nhện vốn được xem là một con vật khôn ngoan. Sau khi nghe mọi lời kể lể, con nhện mới dõng dạc ban cho mỗi con một lời khuyên. Với con rùa, nó nói như sau: "Hỡi lão rùa già, đừng than phiền nữa. Hỏi thử có ai được giàu kinh nghiệm cho bằng lão chưa?".

    Quay sang con ruồi, con nhện ra lệnh: "Hỡi chú ruồi, chú cũng đừng than thân trách phận nữa. Hỏi thử có ai có nhiều trò vui cho bằng chú không?".

    Với chú lừa, thì xem ra lời cảnh cáo của con nhện có vẻ nặng nề hơn cả: "Còn đối với ông bạn lừa, tôi không có lời khuyên nào cho ông bạn cả. Ông bạn là người bất mãn suốt đời. Ông bạn vừa muốn được sống lâu như lão rùa lại vừa muốn sống ngắn ngủi như chú ruồi. Trời nào có thể làm vừa lòng chú".

    Câu chuyện ngụ ngôn trên đây có thể nói lên sự bất mãn thường xuyên trong tâm hồn của con người. Thất bại hay thành công, nghèo hèn hay sang trọng, dốt nát hay thông minh, bệnh tật hay khỏe khoắn. Xem chừng như không bao giờ con người cảm thấy hoàn toàn hài lòng với chính mình, với người khác và với cuộc sống. con người dễ dàng đứng ở núi này nhìn sang núi nọ. Tựu trung, có lẽ sự bất mãn là biểu hiện của một thiếu sót lớn lao trong tâm hồn con người: đó là thiếu sót Tình Yêu. Có tình yêu, người ta sẽ không còn bất mãn. Có tình yêu, xem chừng người ta cũng không màng đến thời gian. Một tác giả nào đó đã nói: "Thời gian qúa chậm đối với những kẻ chờ đợi và sợ hãi. Thời gian lại quá dài đối với những kẻ than phiền. Nhưng với những người đang yêu, thì thời gian không còn nữa".

    Phải chăng tình yêu không là liều thuốc để chữa trị căn bệnh bất mãn trong lòng người? Có chấp nhận chính mình, có yêu thương chính mình, chúng ta sẽ không còn phải than thân trách phận nữa. Có yêu thương tha nhân, chúng ta sẽ thấy được tha nhân là nguồn hạnh phúc của mình. Có yêu đời, chúng ta mới đời dễ thương.

    Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Những con dê… “lầm đường, lạc lối”!

(Dân trí) - Đó là 12 con dê của UBND thị xã Bỉm Sơn tặng bà con nghèo huyện Thạch Thành trong chương trình hỗ trợ thoát nghèo. Tuy nhiên, đáng lý nó “vặt” tức là rẽ phải (cách bảo trâu bò của ngươi đì cày) về phía nhà của người nghèo thì nó lại “riệt” tức là rẽ trái về trang trại của bác Bí thư Đỗ Minh Quý.
 >> Dê của hộ nghèo “vào nhầm” nhà Bí thư Huyện ủy


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Theo báo chí, trong chương trình kết nghĩa giữa Thị ủy Bỉm Sơn và Huyện ủy Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa thì năm 2014, thị xã Bỉm Sơn trao 2 đợt dê giống cho các hộ nghèo huyện Thạch Thành.
Thế nhưng ngay trong đợt cấp phát đầu tiên tại xã Thành Yên, một nửa số dê (12 con) đã được trao cho các ông Đỗ Quang Phê, Đỗ Văn Thi và Nguyễn Văn Quý. Điều đáng nói là ông Phê và ông Thi là cháu ruột của ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành còn ông Nguyễn Văn Quý là cán bộ địa chính. Theo xác nhận của Trưởng Công an Thành Yên thì cả 3 ông này không có hộ khẩu thường trú ở xã Thành Yên và tất nhiên, cả ba ông đều không thuộc diện là hộ nghèo.
Sau khi ký xác nhận, 12 con dê “nhầm đường, lạc lối” này đã được đưa thẳng vào trang trại chăn nuôi của bác Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Đỗ Minh Quý (nằm ở thôn Thành Trung). 6 tháng sau khi đàn dê “đi nhầm”, vụ việc mới bị người dân phát giác.
Trả lời về việc này, vừa qua bác Đỗ Minh Quý đã thừa nhận việc xã đưa 12 con dê vào trang trại của mình nhưng lý giải rằng bác ấy nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án của Bộ Khoa học công nghệ về phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi thoát nghèo chứ… không biết đó là dê hỗ trợ của thị xã Bỉm Sơn.
Bác Quý cũng cho biết, sau khi phát hiện “nhầm nhọt sang trồng trọt” này, ngày 13/1/2015, bác ấy đã yêu cầu trả lại dê cho các hộ nghèo (!?).
Ngay sau khi sự việc được đăng trên báo điện tử Dân trí, nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ sự bất bình trước hành động mà theo họ là “ăn không từ một thứ gì” của bác Quý.
Nhiều bạn đọc còn bày tỏ sự bức xúc trước cách trả lời mà theo họ là bao biện vì làm gì có sự “nhầm nhọt” ở đây.
Không ít bạn đọc đề nghị tỉnh Thanh Hóa xử lý nghiêm…
Thế nhưng theo mình, có lẽ là “nhầm” thật bởi “vua chúa còn có khi nhầm”, huống hồ… Mà có thể bác Quý không nhầm, mấy anh em nhà bác Quý cũng không nhầm mà là bởi cái lũ dê nó… nhầm.
Ví dụ nhé, khi dong nó đi từ điểm nhận về nhà chẳng hạn, đáng lẽ phải “vặt” – (tức là rẽ phải) về phía nhà người nông dân nghèo thì nó lại “riệt” (tức là rẽ trái) về nhà bác Bí thư. Thế là “đất thơm cò đậu”, khi về đến cái trang trại “đất thơm” của bác Quý, nó không muốn đi nữa!?
Vả lại bây giờ sự “nhầm” nhiều lắm. Mà không chỉ những người bình thường nhầm nhọt đâu, cả những người “trí tuệ đầy mình” như các bác nguyên Tổng thanh tra Trần Văn Truyền, nguyên Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, nguyên Phó Chủ tịch Vĩnh Phúc Hà Hòa Bình cũng có khi “nhầm lẫn”. Mà có phải nhầm chốc, nhầm nhát đâu. Nhầm cả năm, cả nhiều năm, cả thập kỷ….
Tóm lại là “nhầm” cho đến khi người dân hoặc báo chi phát hiện ra.
Trở lại với cái lũ dê “nhầm đường, lạc lối” ở Thạch Thành, có lẽ mọi người không nên nghi ngờ sự trung thực của bác Quý bởi là một cán bộ đứng đầu một địa phương, không bao giờ bác ấy nỡ có “ý này - ý nọ”. Không có một vị cán bộ nào nếu còn, dù chỉ một chút xíu lương tâm lại nỡ đang tâm “ăn” của cả những gia đình nghèo khó trong chính địa hạt mình cai quản.
Vì thế theo mình, thủ phạm của sự “nhầm nhọt” này có lẽ chính là… lũ dê hiểu nhầm “vặt – riệt”, phải không các bạn?!

Bùi Hoàng Tám
(trích báo Dân trí)

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Mỗi tuần một chia sẻ: Chiếc áo rách

    Một linh sư Ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.

    Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.

    Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.

    Vài năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử mới trả lời: "Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách".

    Vì chén cơm manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.

    Ðầu một Năm Mới, tiến thêm một bước trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị trong cuộc sống của chúng ta. Xin Ngài ban thêm can đảm để trong khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta có đủ sức khước từ mọi hành động bất chánh, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Xin Ngài ban thêm lòng quảng đại để chúng ta biết mở rộng quả tim và đôi bàn tay để chia sớt, để san sẻ với mọi người khốn khổ.
    
    Trích sách Lẽ Sống